Hotline 24/7
08983-08983

Gánh nặng đau cột sống lưng từ già đến trẻ làm sao chữa?

Đau cột sống lưng không còn là “bệnh người già” vì người trẻ cũng không tránh khỏi, chủ yếu do ngồi sai tư thế kéo dài hay các bệnh lý thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm… Vậy “gánh nặng đau cột sống lưng” làm sao chữa? Cùng tìm hiểu qua chia sẻ của BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

1. Đau cột sống lưng cảnh báo thoái hóa cột sống ở người cao tuổi

Đau cột sống lưng là bệnh lý như thế nào? Những triệu chứng cảnh báo của bệnh này là gì?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau cột sống lưng là triệu chứng đau lưng, đây là triệu chứng khá thường gặp. Theo một nghiên cứu nước ngoài, thời gian từ khi con người sinh ra đến lúc chết đi có đến 80% ít nhất một lần xuất hiện tình trạng đau lưng.

Tuy nhiên theo nghiên cứu của tôi trong công tác giảng dạy, sau mỗi tiết học tôi đều hỏi sinh viên ở đây ai chưa bị đau lưng, nhưng đến khoảng 40 - 50 tuổi ai cũng mắc vấn đề này. Do đó có thể thấy đây là biểu hiện rất thường gặp và là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh nhân phải đến gặp bác sĩ.

Đau cột sống lưng là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý, trong đó bệnh lý thường gặp là thoái hóa cột sống ở người lớn tuổi, còn đối với người trẻ đôi khi chỉ đau lưng do căng cơ, ngồi sai tư thế hoặc ngồi một tư thế trong thời gian quá lâu.

2. Ngồi một tư thế kéo dài dẫn đến đau lưng ở người trẻ

Đau cột sống lưng ngày càng gia tăng ở người trẻ vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này? Vì sao tình trạng này dần “chiếm thế thượng phong” ở người trẻ?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh đau lưng thường do thoái hóa cột sống hoặc bị đau do căng cơ. Nguyên nhân người trẻ thường bị đau lưng:

Thứ nhất do có xu hướng ngồi nhiều, khi đó tạo ra hai vấn đề bao gồm ngồi một tư thế không thay đổi dẫn đến cơ giữ quá lâu gây mỏi cơ và đau cơ.

Thứ hai, do xu hướng ngồi nhiều dẫn đến cơ yếu, ví dụ trước đây người đó làm việc nhiều, vận động tay chân thường xuyên, cơ lưng sẽ khỏe, còn hiện tại ngồi một chỗ thường xuyên dẫn đến cơ lưng yếu, khi đó nếu giữ một tư thế trong thời gian dài sẽ dẫn đến tình trạng mỏi, đau cơ lưng.

BS.CK2 Mai Duy Linh cho biết Bệnh đau lưng thường do thoái hóa cột sống hoặc bị đau do căng cơ

3. Đau lưng ở người cao tuổi và người trẻ do đâu?

Với người già tình trạng đau cột sống lưng thường xảy ra ở độ tuổi nào? Nếu đau cột sống lưng sẽ cảnh báo điều gì ở người lớn tuổi?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đau cột sống lưng xuất hiện ở tất cả các độ tuổi đối với nhóm người lớn tuổi, có thể do tình trạng thoát vị đĩa đệm; thoái hóa cột sống; người lớn tuổi hơn có thể xẹp đốt sống do loãng xương; trượt đốt sống…

Vậy đối với người trẻ đau cột sống lưng thường do yếu tố nào?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Ở người trẻ, đau cột sống lưng thường do 2 nhóm chính:

Một là đau lưng do căng cơ, ngồi một tư thế quá lâu, khiêng vác nặng như dọn nhà, bê bình nước dẫn đến tình trạng cơ vận động đột ngột quá mức gây đau cơ.

Hai là thoát vị đĩa đệm do ngồi nhiều, vì khi ngồi thường có xu hướng hơi còng lưng, khi đó sẽ đẩy đĩa đệm ra sau; do bê vật nặng ở tư thế cúi.

4. Ba trường hợp đau lưng cần đi gặp bác sĩ

Khi nào có thể cải thiện đau lưng bằng việc nghỉ ngơi hoặc uống một liều thuốc? Khi nào thật sự cần đến các cơ sở y tế để thăm khám vì tình trạng đã trở nên nghiêm trọng, thưa bS?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Những trường hợp đau do căng cơ, bệnh nhân nghỉ ngơi khoảng một tuần sẽ hết, số ít trường hợp kéo dài đau lưng đến 2 tuần.

Các trường hợp đau do những nguyên nhân ở người lớn tuổi như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống sẽ kéo dài, cần bác sĩ tư vấn về việc tập luyện, dùng thuốc để cải thiện, thậm chí một số trường hợp nặng hơn có thể phẫu thuật.

Tóm lại, tình trạng đau lưng cần đi khám khi thuộc 3 trường hợp sau:

  1. Đau dữ dội, cựa quậy không được hoặc các trường hợp nằm im vẫn đau.
  2. Đau có biểu hiện chèn ép thần kinh như tê chân, yếu chân.
  3. Đau kéo dài từ 2 tuần trở lên nên đi khám bác sĩ.
  4. TOP 3 phương pháp điều trị đau cột sống lưng

Thưa BS đau cột sống lưng sẽ điều trị như thế nào? Ưu và nhược điểm của mỗi phương pháp điều trị sẽ ra sao?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân, trong đó phổ biến với 3 phương pháp chính: điều trị dùng thuốc, điều trị không dùng thuốc và phẫu thuật.

Đối với điều trị không dùng thuốc thường được gọi là vật lý trị liệu, có rất nhiều phương pháp bao gồm tập luyện, châm cứu, bấm huyệt, chườm nóng, kích thích điện… Bệnh nhân thừa cân cần giảm cân, một số trường hợp bác sĩ sẽ cho người bệnh đeo nẹp lưng để giữ lưng thẳng…

Đối với điều trị dùng thuốc, thường sẽ sử dụng các thuốc giảm đau, chống viêm, trong các trường hợp chèn ép thần kinh, tê chân bác sĩ sẽ cho thuốc giảm chèn ép thần kinh.

Phương pháp phẫu thuật có 2 dạng: phẫu thuật cấp cứu áp dụng đặc biệt đối với các trường hợp yếu chân, tình trạng chèn ép thần kinh rất nặng, dẫn đến bệnh nhân tiểu không được hoặc tiểu nhưng không biết, chân yếu không đi lại được. Phẫu thuật không cấp cứu là những người đau kéo dài, tập luyện không hết, khi đó bác sĩ sẽ xem xét cho phẫu thuật để cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân.

5. Đau cột sống lưng có thể chữa khỏi?

Liệu đau lưng có thể điều trị khỏi dứt điểm nếu tình trạng đã nặng?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Tùy vào từng trường hợp bệnh của mỗi người, ví dụ đau lưng do căng cơ chỉ cần dùng thuốc, nghỉ ngơi sẽ hết đau. Còn các trường hợp nặng như chèn ép thần kinh có thể do thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, thoái hóa cột sống… trong đó thoái hóa cột sống là khó chữa nhất.

Ví dụ trường hợp trượt đốt sống bác sĩ có thể nắn chỉnh, bắt vít sẽ hết trượt khi đó bệnh nhân sẽ hết đau và không còn bị chèn ép thần kinh.

Trường hợp thoát vị đĩa đệm bác sĩ sẽ lấy đĩa đệm ra, hết thoát vị sẽ hết đau và không còn bị chèn ép.

Còn đối với thoái hóa cột sống có chèn ép thần kinh, bác sĩ sẽ mổ để giải áp để giảm tình trạng chèn ép, không giải quyết được thoái hóa cột sống, vì vậy đối với vấn đề này thông thường bác sĩ sẽ không phẫu thuật và không thể điều trị khỏi bệnh.

Trường hợp xẹp đốt sống do loãng xương, nguyên nhân chủ yếu do loãng xương, vì vậy bác sĩ sẽ điều trị vấn đề loãng xương là chính.

Đó là một số bệnh có thể điều trị dứt điểm và không thể điều trị dứt điểm.

Điều trị đau lưng có thể áp dụng các phương pháp không dùng thuốc

6. Các bài tập vật lý trị liệu vùng lưng có thể giảm thoát vị đĩa đệm

Để giảm sự khó chịu khi gặp tình trạng đau lưng, có những phương pháp nào người bệnh có thể thực hiện mà không cần dùng thuốc nhưng vẫn mang lại hiệu quả và giảm đau nhanh?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để điều trị hiệu quả vấn đề đau lưng không cần dùng thuốc, bệnh nhân cần tập vật lý trị liệu, các phương pháp có tác dụng nhanh như châm cứu, bấm huyệt, chườm nóng, kích thích điện qua da… tuy nhiên chỉ có tác dụng giảm đau, không giải quyết được nguyên nhân gốc.

Để giải quyết vấn đề gây ra đau lưng bệnh nhân cần giảm cân nếu thừa cân, béo phì, tập luyện vì các phương pháp tập luyện đó sẽ làm chậm tình trạng thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống.

Thậm chí một số nghiên cứu cho thấy nếu tập các bài tập vùng lưng, sau 6 tháng đi chụp MRI lại nhận thấy giảm được tình trạng thoát vị đĩa đệm. Trong khi đó một số phương pháp khác như châm cứu, chườm nóng không thể làm được điều này.

7. Đau cột sống lưng nên và không nên tập những bài tập nào?

Có những bài tập nào nên tập và bài tập nào cần tránh để giảm tác dụng phụ không mong muốn ở người đau cột sống lưng?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Bệnh nhân nên tập các bài tập tăng sức cơ lưng giúp tăng cường cơ và dây chằng quanh lưng, giúp giảm đau lưng và làm chậm tiến triển của thoái hóa cột sống. Một số bài tập mở rộng đĩa đệm, ví dụ như nằm ngửa, chống 2 chân và nâng cao mông lên, bài tập này làm mở rộng khoang đĩa đệm.

Các bài tập cần hạn chế là những động tác cúi vì có xu hướng đẩy đĩa đệm ra sau dẫn đến thoát vị đĩa đệm, đặc biệt là các bài tập gập bụng. Nếu tập bụng đúng, động tác này phải giữ được thẳng lưng nhưng việc này rất khó thực hiện, do đó cần tránh các động tác gập bụng. Có thể thay thế bằng những động tác khác nhưng lưu ý phải giữ thẳng lưng là điều quan trọng nhất.

8. Cúi người liên tục có thể làm tăng tình trạng thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống

Với người bị đau cột sống lưng cần thận trọng thế nào khi khiêng hoặc mang vác vật nặng, thưa BS?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi mang vác nặng cần lưu ý luôn giữ lưng thẳng, ví dụ khi bê một bình nước 20 lít hoặc vác bao gạo dưới 10kg, con người thường có xu hướng cúi người xuống, tuy nhiên thay vì làm động tác đó nên ngồi xổm xuống hoặc ngồi ở tử thế chân trước chân sau, đồng thời luôn giữ thẳng lưng.

Một số trường hợp người bệnh đau lưng mạn tính bác sĩ khuyên nên đeo đai lưng để giúp bệnh nhân luôn giữ thẳng lưng, cúi không được khi đó chỉ có cách ngồi xuống để nhặt đồ lên.

Một số công việc có các động tác hay cúi ví dụ như làm vườn, làm cỏ, bệnh nhân nên hạn chế làm các công việc đó vì có thể làm tăng tình trạng thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống.

9. Người trẻ làm gì để ngừa đau cột sống lưng?

Người trẻ có thể làm gì để phòng ngừa tình trạng đau lưng trong cuộc sống thường ngày?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đầu tiên là thường xuyên tập thể dục vùng lưng, ít nhất một tuần nên dành khoảng 1-2 buổi để tập lưng. Đơn giản nhất là tư thế nằm ngửa, chống 2 chân và nâng mông lên; tư thế nặng hơn là bài tập plank, tư thế tương tự hít đất nhưng cố gắng giữ thẳng 30 giây - 2 phút, khi giữ tư thế này bệnh nhân có thể tập cả lưng và bụng, bài tập plank có tác dụng toàn thân như cơ tay, cơ lưng, bụng, cơ vùng đùi.

Bên cạnh đó khi ngồi lâu cần có các bài tập tại chỗ để thư giãn cột sống lưng. Giữ tư thế thẳng lưng khi ngồi làm việc văn phòng.

>>> Hướng dẫn 6 bài tập giúp giảm đau lưng tại nhà

10. Tập thể thao thế nào để không quá sức và bao nhiêu là đủ?

Đối với người khỏe mạnh nên tập thế nào để không quá sức gây ra tác dụng phụ đau lưng? Và với một người đau lưng nên tập thể dục thể thao một ngày bao nhiêu là đủ?

BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Việc tập bao nhiêu là đủ sẽ phụ thuộc vào mỗi người, thứ nhất là độ tuổi, hai là người đó có thường xuyên tập thể dục hay không, đối với lưng bệnh nhân sẽ tập theo mức độ tăng dần, hiện nay có các ứng dụng trên điện thoại có hỗ trợ tiếng Việt và có thể cá nhân hóa cho mỗi người, hỗ trợ sử dụng miễn phí, các ứng dụng này cho người tập lựa chọn tập tay, chân, lưng hoặc tập toàn thân.

Ngoài ra app còn cho lựa chọn tập với dụng cụ gì như tập không dụng cụ hay tập với tạ, tập đầy đủ dụng cụ trong phòng gym, sau khi lựa chọn app sẽ cho ra các bài tập, sau mỗi bài tập app sẽ khảo sát với các bài tập đó người tập có cảm thấy quá sức hay không, nếu bài nặng app sẽ tự động chỉnh lại, sau đó đề xuất bài tập nhẹ hơn, số động tác hoặc số lần lặp lại ít hơn… do đó người tập có thể dựa vào các app này để biết sức tập của bản thân.

Về các loại bài tập, sẽ có 3 nhóm bài tập chính:

Thứ nhất là aerobic, ở nước ngoài thể loại này khá rộng bao gồm tất cả các bài tập liên quan đến chạy nhảy, làm tăng nhịp tim, tuy nhiên ở đây có thể đề cập đến cả chạy bộ, đạp xe đạp, bơi lội, các môn chạy nhảy.

Thứ hai là nhóm tăng sức cơ: tập tạ, hít đất, đứng lên ngồi xuống…

Thứ ba là tập tăng độ dẻo dai của khớp.

Một nghiên cứu rất lớn trên 10.000 người được công bố trên tạp chí của Anh cho thấy, nếu tập các bài aerobic như bơi lội, chạy, nhảy, đạp xe đạp… từ 75-150 phút mỗi tuần có thể giảm đến 30% tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân trừ ung thư. Ngoài ra, nếu tập aerobic cùng với việc tập thêm tạ, hít đất từ 1-2 lần trên tuần sẽ làm giảm đến 41% tỷ lệ tử vong, điều đó cho thấy vai trò của thể dục vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên cần tập từ từ, đối với những người ít tập thể dục không thể tập nhiều ngay khi bắt đầu, thông thường cần sử dụng app hoặc có người hướng dẫn để thời gian mới tập không bị quá sức hoặc bị đau sau khi tập, tránh chấn thương trong tập luyện.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X