Gần 200.000 trẻ cần tiêm bổ sung vắc xin sởi
Cả nước có khoảng 194.000 trẻ cần tiêm bổ sung vắc xin sởi. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ phải chuẩn bị đủ vắc xin cung ứng cho các địa phương.
Cục Y tế dự phòng cho biết trong năm 2013, cả nước có 1.048 ca sởi rải rác tại các địa phương, không có trường hợp tử vong.
Từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 993 ca mắc sởi tại 24 tỉnh, thành phố, số mắc tập trung tại 5 tỉnh, thành phố: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Nội, TP HCM.
Chăm sóc bệnh nhân sởi tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Cẩm Quyên) |
Trước diễn biến phức tạp của bệnh sởi tại các địa phương trên cả nước, sáng 15/2, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai Kế hoạch tăng cường biện pháp phòng, chống bệnh Sởi với 4 điểm cầu tại Hà Nội, Viện Pasteur TP HCM, Viện Pasteur Nha Trang và Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế Yên Bái cho biết 93% số trẻ mắc sởi chưa được tiêm vắc xin, 7% còn lại mới tiêm 1 mũi. Trước tình hình dịch sởi phức tạp, ngay sáng mùng 1 Tết Giáp Ngọ, ngành y tế Yên Bái đã tổ chức tiêm vắc xin sởi cho trẻ, cán bộ y tế ăn ngủ tại bệnh viện và nấu cơm phục vụ người nhà bệnh nhân. Yên Bái sẽ triển khai tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 22-25/2.
Tại Hà Nội có 42% trẻ chưa mắc sởi chưa được tiêm chủng (chủ yếu trẻ dưới 9 tháng tuổi), còn lại do tiêm chưa đầy đủ và chỉ có 3 trường hợp (chiếm 2%) là đã tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Hà Nội dự kiến sẽ tiêm vét vắc xin sởi cho khoảng 10 ngàn trẻ em trong tháng 3 và 4 tới để ngăn chặn dịch lây lan.
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất - Bệnh sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo như khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này. - Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. - Không có vắc xin nào có hiệu qủa bảo vệ 100%. Nếu trẻ được tiêm một mũi vắc xin sởi lúc 9 tháng tuổi, chỉ có 80-85% trẻ có đáp ứng miễn dịch. Nếu trẻ được tiêm thêm mũi vắc xin sởi thứ hai lúc 18 tháng tuổi thì tỷ lệ bảo vệ là 90-95%. |
PGS.TS Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho biết tại các tỉnh phía Nam có chủng virus sởi lần đầu xuất hiện. Chủng này đã được tìm thấy tại các nước lân cận (Trung Quốc, Malaysia, Nhật Bản).
Ông Lân nhấn mạnh: Đối với bệnh sởi, người mắc bệnh là nguồn lây duy nhất và không có người lành mang trùng, vì vậy cần phải xem xét nguồn lây bệnh từ đâu ra, cần củng cố công tác giám sát, không nên chỉ trông chờ vào vắc xin.
Chủ trì cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo việc cần làm ngay lúc này là tiêm vét vắc xin sởi cho các cháu dưới 2 tuổi trên cả nước.
Với 4 tỉnh/thành phố có số mắc lớn, quận/huyện nào có diễn biến phức tạp cần tiêm ngay tại ổ dịch mà không cần chờ đến lịch tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Cục Khám chữa bệnh rà soát, bổ sung các hướng dẫn chuyên môn nếu cần thiết. Ông cũng giao Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương tập huấn và giám sát các địa phương, đồng thời chuẩn bị đủ số vắc xin cần thiết mà không cần phải xây dựng kế hoạch tổng thể. "Nếu thiếu vắc xin, Viện trưởng phải chịu trách nhiệm", Thứ trưởng Long nhấn mạnh.
Hiện nay, nguồn lực tài chính phục vụ công tác tiêm chủng và tiêm chủng bổ sung không thiếu. Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết Bộ Tài chính đã phê duyệt ngân sách 137 tỷ để Bộ Y tế phân bổ cho các đơn vị, đặc biệt là để Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mua vắc xin.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã bổ sung 66 tỷ 442 triệu, trong đó có hơn 24 tỷ để mua vắc xin (6 tỷ mua vắc xin sởi và hơn 18 tỷ để mua vắc xin viêm não). Các địa phương đã được hỗ trợ 36 tỷ công tiêm để triển khai các chiến dịch tiêm chủng cần thiết.
Lo dịch chồng dịch Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện các cơ quan chức năng rất lo dịch sởi nhưng cũng rất quan ngại về sự xâm nhập của dịch cúm H7N9 đang hoạt động mạng tại nước láng giềng Trung Quốc. Hiện dịch này chưa thể hiện là có điểm dừng mà càng ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp. Ca nhiễm cúm A/H7N9 đầu tiên ngoài Trung Quốc đã được ghi nhận tại Malaysia. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định phòng chống dịch cúm A/H7N9 là điều không đơn giản và sắp tới Bộ Y tế sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến để tăng cường cường giám sát cúm này cũng như cúm gia cầm H5N1. |
AloBacsi.vn
Theo Cẩm Quyên - VietNamNet
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình