Trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương
Mở đầu báo cáo “Cập nhật điều trị loãng xương cho phụ nữ sau mãn kinh và việc áp dụng trên thực tế”, TS.BS Huỳnh Văn Khoa chia sẻ, những tiến bộ của y học hiện đại nói chung và của thuốc điều trị loãng xương nói riêng, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng vào việc duy trì dáng đứng thẳng kể cả khi về già.
Theo thống kê, trên toàn thế giới có hơn 8,9 triệu ca gãy xương mỗi năm, trung bình cứ 3 giây lại có 1 ca gãy xương do loãng xương. Ước tính có khoảng 1/5 nam giới và 1/3 phụ nữ trên 50 tuổi có nguy cơ gãy xương, tỷ lệ này tăng lên 75% ở lứa tuổi trên 65. “Vấn đề loãng xương tăng lên theo sự già hóa dân số. Đặc biệt, nguy cơ loãng xương và gãy xương do loãng xương tăng nhanh ở châu Á” - TS.BS Huỳnh Văn Khoa - Tổng thư ký LCH Loãng xương TPHCM thông tin.
Các chuyên gia dịch tễ học dự đoán, gãy cổ xương đùi có thể tăng đến 310% ở nam và 240% ở nữ vào năm 2050. Khoảng 23% phụ nữ Việt Nam trên 50 tuổi bị gãy lún đốt sống. Năm 2010 nước ta ghi nhận gần 33.000 ca gãy cổ xương đùi và dự đoán tăng đến hơn 47.000 ca vào năm 2025. TS.BS Huỳnh Văn Khoa cho biết chi phí trực tiếp cho 1 ca bị gãy cổ xương đùi rơi vào khoảng trên 2.000 USD.
Chuyên gia cho biết, tỷ lệ gãy cổ xương đùi và các xương khác gia tăng nhanh đối với phụ nữ sau mãn kinh. Đề cập đến hậu quả của gãy xương, 1/4 trường hợp gãy cổ xương đùi sẽ tử vong do không được điều trị bài bản. Bên cạnh đó, sau gãy xương, nếu không điều trị dự phòng, tình trạng gãy xương sẽ tái lặp. Phần lớn bệnh nhân còn lại sống trong tình huống cần chăm sóc y tế lâu dài, không đi lại được. Vấn đề đau mạn tính, tàn phế tạo ra gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội.
Gãy đốt sống dẫn đến nguy cơ đau mạn tính, gù, giảm vận động, giảm chức năng phổi, giảm chất lượng cuộc sống và tăng nguy cơ tử vong.
Ai cần điều trị loãng xương?
Tại Việt Nam, các phương pháp chẩn đoán loãng xương có thể kể đến như đo BMD (Bone Mineral Density - mật độ xương) bằng phương pháp DEXA (Dual Energy X-ray Absorptiometry - phương pháp hấp thu tia X năng lượng kép); hình ảnh học (X-quang, CT, MRI, Micro MRI...); gãy xương sau chấn thương nhẹ; mô hình tiên lượng gãy xương (FRAX, Garvan).
Tuy nhiên, số người được chẩn đoán và điều trị chưa tương xứng với quy mô bệnh tật. Nước ta cũng chưa có khối lượng xương đỉnh (PBM) thống nhất trong đo mật độ xương. Chuyên gia đề xuất, cần có sự đồng bộ về mật độ xương đỉnh trong so sánh, chẩn đoán loãng xương để kết quả chẩn đoán ở các cơ sở y tế khác nhau vẫn có sự thống nhất.
Bên cạnh đó, người dân còn ít quan tâm đến vấn đề chẩn đoán và điều trị loãng xương. Các bác sĩ lâm sàng hiện nay chỉ chú trọng vào điểm số Tscore để quyết định điều trị, dẫn đến bỏ sót bệnh nhân. Cuối cùng, việc tuân thủ điều trị và theo dõi chưa được thực hiện đầy đủ.
Trả lời câu hỏi “Ai cần được điều trị loãng xương?”, TS.BS Huỳnh Văn Khoa nhấn mạnh, những người đã bị gãy xương và gãy xương do loãng xương là nhóm đương nhiên cần điều trị. Ngoài ra còn có những người đã được chẩn đoán loãng xương bằng máy DEXA và những người có mật độ xương thấp (thiếu xương) và có yếu tố nguy cơ gãy xương do loãng xương.
Theo hướng dẫn của Hội Nội tiết Hoa Kỳ (AACE) 2020, những người cần quan tâm điều trị loãng xương gồm:
- Mới bị gãy xương trong 12 tháng gần đây, gãy xương trong khi vẫn điều trị loãng xương, gãy nhiều xương, gãy xương có dùng thuốc glucocorticoid...;
- Tscore rất thấp, dưới -3,3;
- Nguy cơ té ngã cao hoặc tiền sử té ngã;
- Xác suất gãy xương theo FRAX rất cao: nguy cơ gãy xương chung 10 năm ≥ 20% hoặc xác suất gãy xương hông 10 năm là 4,5%;
- Nguy cơ gãy xương cao theo các thang đánh giá khác.
TS.BS Huỳnh Văn Khoa hướng dẫn một số phương pháp điều trị loãng xương như hạn chế nguy cơ té ngã, luyện tập vận động, chế độ dinh dưỡng. Bác sĩ cũng đánh giá cao vai trò của canxi và vitamin D, đồng thời đề cập đến các loại thuốc điều trị.
Điều trị loãng xương có giúp giảm nguy cơ tử vong do gãy xương?
Tổng thư ký LCH Loãng xương TPHCM khẳng định: “Dùng thuốc điều trị loãng xương sẽ làm giảm nguy cơ loãng xương và giảm nguy cơ tử vong do gãy xương”.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về cơ xương khớp do Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế ban hành), bệnh nhân phải được điều trị lâu dài và theo dõi sát để đảm bảo sự thân thủ điều trị, nếu không sẽ không đem lại hiệu quả. Thời gian điều trị phải kéo dài 3 - 5 năm, tùy theo mức độ loãng xương. Sau đó đánh giá lại tình trạng bệnh và quyết định các trị liệu tiếp theo.
Nhóm thuốc bisphosphonate được khuyến cáo là lựa chọn đầu tay trong điều trị tất cả các thể loãng xương. Zoledronate là lựa chọn phù hợp cho các trường hợp có nguy cơ gãy xương cao hoặc không dùng được đường uống. Denozumab là thuốc cho bệnh nhân có nguy cơ gãy xương cao hoặc có chóng chỉ định với bisphosphonate.
TS.BS Huỳnh Văn Khoa cảnh báo, gãy xương do loãng xương là một bệnh rất thường gặp, gây hậu quả nghiêm trọng như giảm chất lượng cuộc sống, tàn phế, thậm chí tử vong. Trong các thập niên tới, nguy cơ gãy xương do loãng xương ở Việt Nam sẽ tăng cao. Do đó, cần lựa chọn thuốc điều trị phù hợp để đảm bảo mục tiêu và tuân thủ điều trị tốt nhất.
Tổng thư ký LCH Loãng xương TPHCM nhắn nhủ: “Cuộc sống của chúng ta chỉ tươi đẹp khi có bộ xương chắc khỏe!”.
Hội nghị Khoa học thường niên của Hội Y học TPHCM là diễn đàn uy tín, nhận được sự quan tâm và mong chờ của tất cả các chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế trên cả nước. Năm 2024, với chủ đề "Cập nhật những thành tựu y học trong thực hành lâm sàng", hội nghị mang đến nhiều kiến thức hữu ích cho nhân viên y tế, đặc biệt là bác sĩ đa khoa, bác sĩ gia đình, giới thiệu những thành tựu đỉnh cao của các chuyên khoa. Hội nghị đón nhận gần 200 y bác sĩ tham dự trực tiếp và hơn 800 y bác sĩ theo dõi trực tuyến. |
>>> Đối phó bệnh nhiễm trùng cần các loại thuốc điều hòa các phản ứng miễn dịch trong cơ thể ký chủ
>>> Số người mắc và chết vì thừa cân béo phì nhiều hơn so với thiếu dinh dưỡng
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình