Đứng, nằm, ngồi đúng tư thế để không bị bệnh cột sống
Không chỉ người già chịu tác động của lão hóa tự nhiên, những người trẻ, trong độ tuổi lao động vẫn có thể bị các bệnh lý liên quan đến cột sống. BS.CK2 Trần Khánh Phương - Phòng khám Đa khoa Ngọc Minh nhấn mạnh, cần quan tâm đến tư thế học tập, làm việc từ sớm để cột sống ít phải chịu các tác động xấu, duy trì sức khỏe tốt cho hệ cơ xương khớp.
Cấu tạo và thành phần của cột sống
Chiều dài của toàn bộ cột sống khoảng 40% chiều cao cơ thể. Cột sống gồm: đoạn cổ (7 đốt, cong lồi ra trước), đoạn ngực (12 đốt, cong lồi ra sau), đoạn thắt lưng (5 đốt, cong lồi ra trước), đoạn cùng (5 đốt dính liền với nhau tạo thành xương cùng, cong lồi ra sau), đoạn cụt (4-6 đốt sống cuối cùng, dính với nhau tạo thành xương cụt).
Cột sống cổ và cột sống thắt lưng là vị trí quan trọng, bản lề, thường bị ảnh hưởng nhất là. Đây là 2 vị trí chịu tác động trong hầu hết các vận động chính yếu của cột sống như cúi gập, xoay trái, xoay phải...
Từ ngoài vào trong, cột sống có lớp cơ bao phủ, dây chằng nối các đốt sống với nhau, xương (đốt sống, các khớp nối đốt sống), đĩa đệm (lớp đệm, lót giữa các thân sống), dây thần kinh, tủy sống. Mức độ đau cũng sắp xếp từ nhẹ đến nặng tương ứng. Đau cơ chỉ là đau phần mềm, có thể điều trị dứt điểm mau chóng, ít ảnh hưởng, ít biến chứng. Sự tác động lên tủy sống cực kỳ nguy hiểm, gây các biến chứng nặng nề như tàn phế, liệt, thậm chí tử vong.
BS.CK2 Trần Khánh Phương thông tin: “Xung quanh cột sống cổ có hệ động mạch cảnh đưa máu từ tim lên não. Đã có nhiều trường hợp bị rách động mạch cảnh do thực hiện nắn chỉnh vùng cột sống cổ, dẫn đến đột quỵ tại chỗ”. Qua đó, bác sĩ cảnh báo khi thực hiện xoa bóp, bấm huyệt, nắn chỉnh cột sống nói chung và vùng cột sống cổ nói riêng, cộng đồng phải lựa chọn cơ sở uy tín, đã được cấp phép, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản.
Các bệnh lý cột sống thường gặp ở người lao động
Khi tư thế làm việc, sinh hoạt hằng ngày không đúng, cột sống có thể phải chịu nhiều tác động xấu. Nhẹ nhất là các trường hợp đau cơ, căng cơ, đau dây chằng. Nặng hơn, người bệnh gặp tình trạng thoái hóa cột sống (gai cột sống), trượt đốt sống.
Trầm trọng hơn, khi xuất hiện chèn ép rễ thần kinh - thắt lưng, bệnh đã ở mức độ nguy hiểm. Biểu hiện của bệnh lý là đau lưng lan xuống mông, chân, đùi hoặc đau cổ lan xuống vai và hai tay.
Thoát vị đĩa đệm cột sống là tình trạng đĩa đệm lệch khỏi vị trí bình thường. Đĩa đệm nằm giữa hai đốt sống, khi trượt khỏi vị trí ban đầu, đĩa đệm chạm vào dây thần kinh, tạo nên bệnh rễ thần kinh. Có trường hợp đĩa đệm chạy vào phần tủy sống.
Ngoài ra, những người làm công việc văn phòng có thể bị viêm gân gấp, viêm cân gan chân, viêm ụ ngồi, hội chứng ống cổ tay, suy van tĩnh mạch chi...
Các tư thế đúng bảo vệ cột sống
“Đừng nghĩ các bệnh xương khớp chỉ xảy ra ở người già. Cột sống có thể bị ảnh hưởng từ khi còn trẻ” - BS.CK2 Trần Khánh Phương cảnh báo.
Lý giải cho vấn đề bệnh xương khớp ngày càng gia tăng ở người trẻ, BS.CK2 Trần Khánh Phương cho biết, điều kiện kinh tế và chăm sóc y tế phát triển, nhờ đó bệnh được phát hiện sớm hơn.
Bên cạnh đó, một số người trẻ đang hoạt động quá nhiều, tập thể thao với cường độ mạnh và tần suất dày. Vận động quá sức có thể khiến xương khớp bị suy mòn sớm. Ngược lại, lối sống tĩnh tại, ngồi quá nhiều cũng khiến cột sống phải chịu đựng một lực rất lớn trong thời gian dài.
Bác sĩ hướng dẫn, khi ngồi, phải ngồi thẳng lưng, tựa lưng và mông sát lưng ghế. Ghế nên kéo sát vào bàn, bàn có chỗ để chân, chỗ gác bàn chân. Chú ý đặt hai gối bằng hoặc cao nhẹ hơn hông, không bắt chéo chân. Bàn chân nâng cao hơn mặt sàn, co duỗi bàn chân, các ngón chân khi ngồi.
Hai tay gác ngang lên tay ghế hoặc đặt trên bàn, cổ tay thẳng. Điều chỉnh độ cao của bàn và ghế để 2 mắt ngang màn hình máy tính, cổ chỉ cúi nhẹ trong thời gian ngắn. Không chồm người hoặc đưa đầu về phía trước, không nửa nằm nửa ngồi, không ngồi xa bàn. Không ngồi 30 - 60 phút liên tục, nên đứng lên vận động ngắn.
Tư thế đứng đúng phải thẳng lưng, cổ. Không mang giày cao khi đứng. Tránh khom cúi lâu, khom cúi cố định, cúi xách vật nặng. Không đứng im quá 15 phút ở một tư thế. Trong khi đứng, có thể vận động chân tại chỗ với các động tác nhón, co duỗi, đi lại hoặc ngồi xen kẽ với đứng.
Nên nằm trên mặt phẳng cứng, chắc, lót mỏng. Nằm gối thấp, mềm, tương ứng với cân nặng, đầu và lưng trên mặt phẳng song song. Nằm ngửa, nghiêng đảo bên, không nên nằm cong. Không gác tay lên trán hay bụng, không nằm nghiêng đè tay.
BS.CK2 Trần Khánh Phương nhắc nhở: “Dù có rất nhiều lưu ý trong mỗi tư thế đứng, ngồi, nằm nhưng nhìn chung, không nên duy trì một tư thế quá lâu”. Có thể tập các bài tập đơn giải trong lúc làm việc, chơi thể thao xen kẽ, tránh áp lực dồn lên một vị trí, một khớp.
Cân nặng cũng là một yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến tư thế sinh hoạt, làm việc. Duy trì cân nặng hợp lý (tương xứng với chiều cao) là các để giữ xương khớp khỏe mạnh.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình