Hotline 24/7
08983-08983

Dùng kháng sinh đúng lúc, đúng liều, đúng cách để ngăn chặn đề kháng kháng sinh

Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Truyền nhiễm TPHCM, kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc, làm cho nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.

Sử dụng kháng sinh không đúng sẽ ảnh hưởng đến nhiều cơ quan

Xin hỏi BS, kháng sinh sẽ được chỉ định trong những trường hợp nào? Những lợi ích và tác hại của kháng sinh là gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Kháng sinh được chỉ định khi một người bị nhiễm vi khuẩn mà sức đề kháng không thể chống lại được, đe dọa tới sức khỏe và tính mạng. Kháng sinh có tác dụng khá quan trọng, nên được dùng theo đúng chỉ định, đúng loại, đúng đường và đặc biệt là phải dùng đủ ngày.

Sử dụng đúng kháng sinh cho loại vi khuẩn đang tấn công vào cơ thể sẽ giúp hết bệnh. Một số loại kháng sinh nếu dùng không đúng sẽ ảnh hưởng đến tai, răng, thận, gan,... Do đó phải cẩn thận khi sử dụng kháng sinh.

Đề kháng kháng sinh là một cuộc chiến

Đề kháng kháng sinh đang là vấn đề trên toàn cầu. Xin hỏi BS, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vi khuẩn cũng muốn xây dựng cộng đồng của chúng khỏe mạnh, đông đảo. Khi chúng ta sử dụng kháng sinh để diệt vi khuẩn, bản thân vi khuẩn cũng phải tìm cách để tiếp tục tồn tại. Chúng sẽ sinh ra những men để đề kháng lại kháng sinh.

Trong quá trình phát triển, vi khuẩn có thể đột biến để kháng kháng sinh hoặc chuyển những gen đột biến kháng kháng sinh từ vi khuẩn này sang vi khuẩn khác.

Cuộc chiến đề kháng kháng sinh là không bao giờ thay đổi được, quan trọng là chúng ta hạn chế thấp nhất khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Nguyên nhân chính của kháng kháng sinh là cách sử dụng không đúng

Trong khi các quốc gia khác vẫn có thể sử dụng thuốc kháng sinh bậc 1, bậc 2 thì Việt Nam đã sử dụng đến bậc 3, bậc 4. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Những quốc gia khác vẫn dùng kháng sinh bậc 4 nhưng cho những trường hợp rất đặc biệt như giảm miễn dịch hay cho những trường hợp di chuyển từ nước khác về.

Việc sản xuất kháng sinh bậc 2, bậc 3, bậc 4 là do nhu cầu của cả thế giới, không riêng về những nước phát triển. Tuy nhiên, gánh nặng này có thể do vi khuẩn từ những nước kháng kháng sinh lây sang những nước tiên tiến.

Nguyên nhân chính của việc kháng kháng sinh là từ cách sử dụng không đúng của chúng ta.

Dùng đúng liều kháng sinh khi thực sự cần thiết

Khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em, chúng ta cần phải nhớ những nguyên tắc gì?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ em hay người lớn đều áp dụng chung nguyên tắc chỉ dùng kháng sinh khi cần.

Thứ hai, phải dùng loại kháng sinh thấp nhất có hiệu quả. Thứ ba là dùng đúng liều, đúng cách, đúng đường. Không dùng kháng sinh trong thời gian quá ngắn không dùng những kháng sinh quá mạnh khi không cần thiết.

Đó là những yếu tố quan trọng để kiểm soát vấn đề kháng kháng sinh.

Tuân thủ đúng chỉ định khi dùng kháng sinh

Vì sao khi sử dụng kháng sinh cho trẻ em cần phải đúng, đủ liều và như thế nào được gọi là đúng, đủ liều, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thời gian sử dụng kháng sinh trên trẻ em sẽ nhiều hơn người lớn. Trong họng của chúng ta luôn có một vi khuẩn thường trú, dù có dùng hay không dùng kháng sinh thì nó vẫn ở đó. Nhưng nếu dùng không đúng sẽ dẫn đến vi khuẩn kháng thuốc.

Dùng đúng thuốc để đánh đúng vi khuẩn. Dùng chưa đủ liều đã ngưng hoặc dùng liều thấp chắc chắn vi khuẩn sẽ kháng thuốc. Dùng kháng sinh trong trường hợp không cần thiết sẽ ảnh hưởng đến vi khuẩn thường trú trong họng, dẫn tới trường hợp vi khuẩn kháng thuốc khi chúng ta thật sự bị bệnh. Chúng ta phải hiểu rõ để hạn chế sử dụng kháng sinh khi không cần thiết.

Tiếp theo, dùng kháng sinh phải dùng đúng liều. Nhiều trường hợp mới dùng thuốc 2 ngày, khi thấy bệnh thuyên giảm thì tự ý ngưng thuốc trong khi thời gian dùng phải kéo dài hơn tùy theo loại bệnh. Chúng ta phải tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc.

Dùng kháng sinh liều thấp dẫn đến tình trạng kháng thuốc

Thực tế ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh lo ngại tác hại của thuốc kháng sinh nên khi dùng thuốc 3, 4 ngày, thấy triệu chứng được cải thiện thì cho trẻ dừng thuốc. Xin hỏi BS, hành động này có thể dẫn đến những tác hại nào?

Nhờ BS giải thích kỹ hơn, vì sao không nên dừng thuốc kháng sinh ngay cả khi các triệu chứng của trẻ đã dần cải thiện?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Cần nhớ rằng, muốn diệt được một cộng đồng vi khuẩn gây bệnh thì phải diệt từ từ. Không thể nào diệt sạch tất cả trong một ngày. Do đó, người ta đã tính toán lượng thuốc một ngày phải uống, uống 1 lần hay 2 lần và uống trong bao nhiêu ngày mới diệt được hết vi khuẩn gây bệnh.

Thứ hai, liều lượng thuốc đã được tính toán theo cân nặng, độ tuổi để có thể kiềm chế, tiêu diệt vi khuẩn. Dùng kháng sinh liều thấp có thể hết bệnh nhưng vẫn còn sót lại một số ít vi khuẩn chưa bị tiêu diệt, dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Hiện nay, phụ huynh được quyền đọc rất nhiều hướng dẫn kê toa khi cho trẻ dùng kháng sinh. Trong đó có những câu khiến phụ huynh sợ, lo lắng, tuy nhiên tỷ lệ ảnh hưởng rất thấp. Quan trọng là chúng ta vẫn phải dùng trong lúc cần và phải dùng đúng liều, đúng cách.

Hạn chế kháng sinh là gì?

“Hạn chế kháng sinh” là cụm từ thường khiến phụ huynh hiểu lầm. Nhờ BS giải thích, hạn chế có đồng nghĩa với việc không dùng kháng sinh không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: “Hạn chế” ở đây có nghĩa là không dùng sai, không dùng những loại kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết chứ không phải là không dùng.

Những sai lầm thường gặp khi dùng kháng sinh cho trẻ

Đâu là những sai lầm mà phụ huynh nên tránh khi cho trẻ sử dụng kháng sinh, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thói quen thường thấy nhất là “dùng đại” và “ngừng đại”, nghĩa là tự ý mua thuốc kháng sinh về dùng và tự ý ngưng thuốc khi thấy các triệu chứng giảm bớt. Thói quen này rất nguy hiểm.

Dùng kháng sinh không đúng liều, lạm dụng kháng sinh cũng là những sai lầm thường gặp phải.

Tốt nhất khi khám bệnh, nên chọn bác sĩ mà mình tin tưởng để tránh trường hợp bác sĩ cho thuốc nhưng không dùng hoặc bác sĩ không cho thuốc thì lại thắc mắc.

Tra cứu tên thuốc để dùng đúng

Làm thế nào để phụ huynh biết được trong đơn thuốc của con mình có kháng sinh hay không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Muốn biết được chỉ có cách tra, bác sĩ thường dựa vào âm cuối của tên thuốc để phân biệt thuốc kháng sinh.

Hiện nay công nghệ thông tin phát triển, chúng ta có thể tra cứu tên thuốc để biết thuốc đó có phải kháng sinh hay không. Nếu là kháng sinh sẽ được ghi rõ “Đây là một loại thuốc kháng sinh”.

Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng kháng sinh

Trước nguy cơ đề kháng kháng sinh, mỗi chúng ta cần phải làm gì để cùng nhau ngăn chặn tình trạng này?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Quả thật muốn ngăn chặn việc kháng kháng sinh cần sự tham gia của tất cả mọi người chứ không riêng cán bộ y tế hay đơn vị sản xuất thuốc. Mỗi người cần phải hiểu rằng chỉ dùng kháng sinh khi cần, không cần thiết phải dùng kháng sinh rất mạnh.

Việc dùng kháng sinh mạnh ngay từ đầu phải do quyết định của bác sĩ. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng kháng sinh. Tuy nhiên, tình hình hiện nay có một số bác sĩ cũng lạm dụng kháng sinh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X