Hotline 24/7
08983-08983

Nâng mũi bằng filler làm đầy, biến chứng nghiêm trọng hơn phẫu thuật thẩm mỹ

PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM cho biết filler làm đầy để nâng mũi, nếu người thực hiện không được đào tạo bài bản sẽ tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nghiêm trọng hơn phẫu thuật nâng mũi.

Mũi là bộ phận trên mặt được can thiệp chỉnh sửa nhiều nhất. Bên cạnh phẫu thuật thẩm mỹ thì phương pháp làm đầy bằng filler để nâng mũi mới xuất hiện sau này được nhiều người lựa chọn vì nghĩ đến ưu điểm đơn giản, an toàn. Tuy nhiên, PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM cho biết filler vẫn tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nghiêm trọng hơn phẫu thuật nâng mũi.

PGS.TS.BS Lê Hành - Chủ tịch Hội Phẫu thuật thẩm mỹ TPHCM

I. Biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ chiếm tỷ lệ thế nào?

PGS.TS.BS Lê Hành:

Trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, nói là làm đẹp nhưng thật ra an toàn phải đặt lên trước làm đẹp, bởi vì làm đẹp mà gây ra biến chứng thì đâu còn gì là đẹp nữa. Cho nên mọi cuộc giảng dạy, mọi cuộc nghiên cứu khoa học của chúng tôi đều nhằm tăng tính an toàn của phẫu thuật thẩm mỹ. Nhưng đã làm thì phải có biến chứng.

Một phẫu thuật viên không bao giờ gây biến chứng thì có 2 tình huống: một là người đó không làm gì cả, hai là nói dối. Tuy nhiên, như vậy không có nghĩa là biện hộ cho việc xảy ra biến chứng. Biến chứng sẽ càng ít nếu tay nghề càng cao và được đào tạo nhiều.

Hiện nay, phẫu thuật thẩm mỹ quá phổ biến, quá nhiều người làm nên con số về biến chứng tăng lên, đó là do tăng số lượng thực thể (số ca phẫu thuật thẩm mỹ) nhưng tỷ lệ đã thấp đi. Chẳng hạn ngày xưa 1000 ca thì có 100 ca biến chứng, bây giờ 1000 ca chỉ 10 ca biến chứng thôi.

Biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ là điều không tránh khỏi nhưng luôn là vấn đề chúng tôi quan tâm. Chúng tôi vẫn mong hằng ngày hằng giờ cải thiện được tỷ lệ này, bằng cách tăng cường đào tạo và quản lý về mặt chuyên môn và kỹ thuật, hướng dẫn bệnh nhân…

II. Biến chứng của phẫu thuật thẩm mỹ do đâu?

PGS.TS.BS Lê Hành:

Thường mọi người sẽ nghe lý do là vì bệnh nhân không thích hợp với chất độn, dị ứng với silicon, do da thịt độc… đây là cách giải thích thôi.

Theo tôi, vấn đề lớn nhất nằm ở chỗ người thực hiện thủ thuật, phẫu thuật. Có những người không phải là bác sĩ, không được đào tạo đầy đủ nhưng vì những thôi thúc của kinh tế, họ vẫn tham gia vào phẫu thuật thẩm mỹ, chắc chắn tỷ lệ biến chứng của họ sẽ cao hơn.

III. Biến chứng của việc chích filler xảy ra như thế nào?

PGS.TS.BS Lê Hành:

Hiện nay filler quá thông dụng, những người tay ngang ở spa, những cô làm tóc, những cô làm móng… đều có thể mua về chích và tưởng đơn giản chỉ là muốn đầy chỗ nào thì chích chỗ đó. Mọi người có thể chích ngoài chợ, chích tại nhà, chích ở beauty salon mà không có biện pháp vô trùng nào cả.

Nhưng đằng sau thao tác đơn giản đó là nguy cơ biến chứng rất trầm trọng mà họ không ngờ tới. Phẫu thuật chỉnh hình mũi không khi nào cắt mất cả cái mũi của người khách, nhưng biến chứng của chích filler có thể làm hư cả cái mũi được. Phẫu thuật chỉnh hình môi không thể cắt luôn cái môi, nhưng chích filler có thể khiến bệnh nhân không còn môi. Chích filler không đúng có thể hủy hoại cả một vùng trán, hoặc gây biến chứng mù mắt, liệt người do tổn thương thần kinh…

Lý do là khi chích, filler làm ngăn máu đến nuôi cơ quan. Chẳng hạn biến chứng nhẹ nhất là khi chích filler vào rãnh mũi, nếu lỡ chích nhiều thì filler trương lên, đồng thời có hiện tượng ngậm nước nên càng trương lên, ngăn chặn mạch máu đi vào vùng chích filler. Mà da thịt thì bắt buộc phải có máu nuôi, chỉ cần thời gian ngắn 5-7 tiếng đã có dấu hiệu hoại tử sau một mũi chích filler sai kỹ thuật.

IV. Những kỹ thuật nào giúp cho việc chỉnh sửa mũi được an toàn hơn?

PGS.TS.BS Lê Hành:

Mục đích của những phát triển công nghệ dùng trong thẩm mỹ là cố gắng tìm ra những vật liệu có thể thay thế mô tự thân.

Vật liệu được thời gian thử thách lâu dài về tính an toàn và cho đến nay vẫn được dùng phổ biến đó là silicon dẻo.

Vật liệu thứ hai dùng để độn là e-PTFE bán thông dụng trên thị trường với tên thương mại là Goretex, nó mềm hơn silicon dẻo, được đặt lên sống mũi. Cũng có nhiều tác giả sử dụng vật liệu này và được chứng minh có độ an toàn cao.

Để làm vách ngăn mũi (ghép kéo dài vách ngăn mũi) thì có vật liệu Supor, Medpor đã được FDA công nhận an toàn, cho phép sử dụng trên cơ thể người.

V. Làm sao để tránh biến chứng khi làm đẹp mũi?

PGS.TS.BS Lê Hành:

An toàn trong thẩm mỹ có 3 yếu tố:

1. Bệnh nhân an toàn: an toàn về sức khỏe (hạn chế bệnh lý nền gây ảnh hưởng đến kết quả thẩm mỹ), an toàn về tâm lý (bệnh nhân biết chắc chắn mình muốn làm gì), an toàn về việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi chăm sóc mũi tại nhà.

2. Bác sĩ an toàn: bác sĩ được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, càng làm nhiều càng ít biến chứng, có giấy phép hành nghề. Y khoa không có sự đột xuất trở thành bác sĩ giỏi mà đó là quá trình đào tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài.

3. Cơ sở an toàn: Cơ sở phải được cấp phép về hoạt động thẩm mỹ và được nhà nước quản lý. Chị em không nên đi vào một cơ sở chăm sóc da để mà sửa mũi, không đến cơ sở làm móng tay để chích filler.

Xin cảm ơn phó giáo sư!

Hồng Nhung (ghi)

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X