Hotline 24/7
08983-08983

Đừng chủ quan với sốt xuất huyết ở trẻ em

Các triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, do đó cha mẹ thường chủ quan và tự điều trị cho trẻ. Đến khi không thuyên giảm, trẻ mới được tiếp cận y tế thì bệnh đã tiến triển và có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở nước ta, bệnh thường bùng phát khi vào mùa mưa và có nguy cơ gây thành dịch. Trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn.

Thường, sau giai đoạn ủ bệnh từ 3 đến 15 ngày, sốt, rét run, đau đầu, nhức hốc mắt, đau vùng thắt lưng, và sự mệt nhiều xảy ra đột ngột. Nhiệt độ tăng nhanh lên đến 40° C, với nhịp tim chậm.

Sốt và các triệu chứng khác vẫn tồn tại 48 - 96 giờ, tiếp theo là giảm sốt nhanh kèm theo đổ mồ hôi nhiều. Sau đó, bệnh nhân sẽ cảm thấy khoẻ mạnh trong khoảng 24 giờ, sau đó sốt có thể xuất hiện trở lại, thường với nhiệt độ đỉnh thấp hơn lần đầu tiên.

Một số bệnh nhân xuất hiện tình trạng đau họng, các triệu chứng tiêu hóa (như buồn nôn, nôn) và các triệu chứng xuất huyết có thể xảy ra...

Những triệu chứng ban đầu của sốt xuất huyết khá tương đồng với với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm. Đặc biệt khởi phát của sốt xuất huyết có khi giống với bệnh cảnh COVID-19 nên dễ bỏ sót. Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý lo ngại đưa trẻ đi bệnh viện của nhiều phụ huynh dẫn đến nguy cơ trẻ bệnh sốt xuất huyết dễ trở nặng, gây nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Theo BS.CK1 Nguyễn Đông Bảo Châu - Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo giám sát dữ liệu sốt xuất huyết các tỉnh thành phía Nam trong năm 2021 là năm dịch COVID-19 chiếm ưu thế trong mô hình bệnh tật, tổng số trường hợp mắc sốt xuất huyết chung ở tất cả nhóm tuổi giảm 32% so với năm 2020; tuy nhiên tỉ lệ trẻ em mắcsốt xuất huyết/ tổng số bệnh nhân mắc SXHD năm 2021 lại có xu hướng tăng so với năm 2020 (tương ứng 51% so với 43.8%). Tỷ lệ bị SXHD nặng ở trẻ em là 2.6%, tăng so với năm 2020 (1.8%). Tỷ lệ tử vong/ sốt xuất huyết nặng ở trẻ em là 2.3%, cũng cao hơn năm 2020 (1.9%).

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, từ đầu tháng 04/2022 đến nay, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của BVNĐ1 đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ mắc thể nặng nhất đe dọa tính mạng của sốt xuất huyết là sốc sốt xuất huyết nặng kèm suy đa cơ quan.

"Việc hồi sức ở những trẻ này rất phức tạp, tỷ lệ tử vong cao và có thể để lại di chứng cho trẻ sau này nếu vượt qua được. Đã có những trường hợp gia đình tự điều trị, không phát hiện sớm được bệnh cảnh sốt xuất huyết, dẫn đến khi trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã ở giai đoạn muộn. Vì vậy, nếu trẻ có sốt cao liên tục từ 2-7 ngày, cha mẹ nên nghĩ đến sốt xuất huyết và đưa trẻ đến cơ sở y tế khám để tránh bỏ sót bệnh sốt xuất huyết" - PGS.TS.BS Phạm Văn Quang chia sẻ.

Hiện nay là thời điểm bước vào mùa mưa năm 2022 tại Nam Bộ, các bậc phụ huynh cần chủ động phòng tránh sốt xuất huyết cho trẻ như sau:

+ Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, nhất là trong gia đình, tổ dân phố, quanh khu vực sống đã có người bị sốt xuất huyết, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

+ Phụ huynh không nên chủ quan, hoặc tự mua thuốc điều trị bệnh cho trẻ để tránh bỏ sót bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bởi trẻ có thể chuyển nặng đột ngột vào ngày thứ 3-7 của bệnh, gây nhiều biến chứng, thậm chí biến chứng đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X