Đột quỵ xuất huyết não: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Đột quỵ xuất huyết não là tình trạng chảy máu (xuất huyết) đột ngột do mạch máu bị vỡ cản trở chức năng của não. Tình trạng chảy máu có thể xảy ra bên trong não, hoặc giữa não và hộp sọ. Đột quỵ xuất huyết não chiếm khoảng 20% tổng số ca đột quỵ.
I. Đột quỵ xuất huyết não là gì?
Một cơn đột quỵ xảy ra khi dòng chảy của máu đến não bị gián đoạn. Nếu không có oxy, các tế bào não có thể chết nhanh chóng và gây tổn thương não vĩnh viễn.
Có hai loại đột quỵ: nhồi máu não và xuất huyết não. Đột quỵ nhồi máu não là do thiếu máu đến mô não, xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn, chiếm khoảng 80% tổng số các ca đột quỵ.
Khoảng 20% các trường hợp đột quỵ còn lại là xuất huyết não. Đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ và máu chảy vào bên trong nhu mô não. Điều này gây áp lực lên não và làm mất máu tại các vùng xung quanh.
Đột quỵ xuất huyết não là hiện tượng chảy máu tự phát từ hệ thống động tĩnh mạch não vào tổ chức não hoặc hệ thống não thất hay khoang dưới màng nhện.
II. Các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết não
Các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết não có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng phổ biến nhất gồm có:
- Đau đầu đột ngột và dữ dội
- Buồn nôn, nôn;
- Mất ý thức toàn bộ hoặc giới hạn;
- Yếu hoặc tê ở mặt, chân hoặc cánh tay ở một bên của cơ thể;
- Co giật;
- Chóng mặt;
- Mất thăng bằng;
- Khó nói, khó nuốt;
- Nhầm lẫn hoặc mất khả năng xác định phương hướng.
Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế. Gọi ngay 115 và đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất bằng ô tô nếu nghi ngờ đột quỵ.
III. Nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não
Có ba nguyên nhân có thể khiến mạch máu não bị vỡ. Nguyên nhân phổ biến nhất là tăng huyết áp. Một cơn tăng huyết áp đột biến khiến bệnh nhân bị vỡ mạch máu não.
Nguyên nhân thứ hai là dị dạng mạch máu não, xảy ra khi các động mạch và tĩnh mạch được kết nối bất thường mà không có mao mạch. Dị dạng mạch máu não do bẩm sinh, hiếm khi di truyền. Dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xuất huyết não ở người trẻ.
Một nguyên nhân khác của đột quỵ xuất huyết não là phình mạch máu não. Đây là tình trạng một đoạn mạch máu não bị phình to ra hoặc căng phồng lên, thường xảy ra khi thành mạch bị yếu và tạo thành túi phình. Nếu không phát hiện và điều trị, túi phình vỡ ra tạo thành bệnh cảnh xuất huyết khoang dưới nhện, hay còn gọi xuất huyết não.
Hình ảnh túi phình bằng máy chụp mạch máu kỹ thuật số xóa nền DSA
IV. Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ xuất huyết não
Những người có nguy cơ cao bao gồm người hút thuốc lá và những người có một hoặc nhiều bệnh sau:
- Huyết áp cao;
- Cholesterol cao;
- Bệnh tiểu đường;
- Thừa cân;
- Tiền sử gia đình bị đột quỵ;
- Bệnh tim hoặc rối loạn đông máu.
Thuốc làm loãng máu giúp ngăn ngừa đột quỵ nhồi máu não nhưng cũng có thể làm tăng tỷ lệ đột quỵ xuất huyết não. Nếu đang sử dụng thuốc làm loãng máu, hãy nói chuyện với bác sĩ của về những rủi ro có thể gặp phải.
Phụ nữ và người Mỹ gốc Phi có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn, nguyên nhân là do họ dễ bị cao huyết áp, tiểu đường và béo phì hơn những người khác.
V. Chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não
Để chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não, thường cần thiết phải có tiền sử bệnh và khám sức khỏe toàn diện.
Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng có thể nhìn thấy, như: kiểm tra sự tỉnh táo, phối hợp và cân bằng tinh thần của bệnh nhân. Tê hoặc yếu mặt, lú lẫn và khó nói là những dấu hiệu khác mà bác sĩ sẽ tìm hiểu.
Đột quỵ có nhiều dạng khác nhau, do đó, các chẩn đoán hình ảnh phải được thực hiện để tìm xem có chảy máu bên trong não hay không. Đối với đột quỵ xuất huyết não, chụp cắt lớp vi tính (CT) thường là nhanh nhất và là một trong những chẩn đoán hình ảnh hữu ích nhất.
Các cận lâm sàng khác bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI);
- Xét nghiệm máu;
- Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA);
- Điện não đồ (EEG);
- Có thể có thêm chọc dò tủy sống.
Với sự tiến bộ của công nghệ, thời gian chụp MRI được rút ngắn, một số bệnh viện đã áp dụng MRI trong bước đầu tiên để phân loại đây là đột quỵ xuất huyết não hay nhồi máu não mà không dùng CT.
VI. Điều trị đột quỵ xuất huyết não như thế nào?
Đột quỵ xuất huyết não rất nguy hiểm và là một trường hợp cấp cứu y tế. Đột quỵ xuất huyết não có tỷ lệ tử vong rất cao, khoảng 40%. Nếu may mắn qua khỏi, tỷ lệ tàn tật cũng không hề nhỏ, khoảng 35%.
Đối với xuất huyết não, việc điều trị khẩn cấp tập trung vào việc kiểm soát chảy máu cũng như giảm áp lực nội sọ.
Trong vòng 3 giờ đầu tiên sau khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng (tối đa là 6 giờ), các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc để giảm huyết áp và áp lực trong não, cũng như ngăn chảy máu.
Một số loại thuốc khác có thể kiểm soát các triệu chứng, như thuốc giảm đau, thuốc chống nôn... Nếu có nguy cơ co giật, bác sĩ có thể cần dùng thuốc chống cơn co giật... Trong trường hợp bệnh nặng, điều trị, chăm sóc tích cực bằng nhiều biện pháp chuyên môn như thở oxy, thở máy… là bắt buộc để cứu sống bệnh nhân.
Khi bệnh nhân không đáp ứng thuốc và chăm sóc tích cực, can thiệp hoặc phẫu thuật sẽ được thực hiện. Can thiệp hoặc phẫu thuật cũng có thể sửa chữa các bất thường về mạch máu liên quan đến đột quỵ xuất huyết. Phình mạch có thể được can thiệp bằng kẹp phẫu thuật hay dùng kỹ thuật DSA để đặt coil.
Can thiệp và phẫu thuật còn nhằm mục đích giảm áp lực nội sọ trong trường hợp điều trị nội khoa không có đáp ứng (mở sọ), và để dẫn lưu máu tụ.
Khi bệnh nhân đã thoát khỏi nguy hiểm tức thời, giai đoạn điều trị tiếp theo tập trung vào việc phục hồi chức năng. Mục đích là để giúp bệnh nhân phục hồi các chức năng nhiều nhất có thể và trở lại cuộc sống bình thường.
Mức độ phục hồi phụ thuộc vào vùng não và số lượng mô não bị tổn thương do đột quỵ.
Bác sĩ sẽ xác định chương trình phục hồi chức năng tốt nhất cho từng cá nhân. Điều này liên quan đến độ tuổi, sức khỏe tổng thể và mức độ tàn tật của người bệnh do đột quỵ.
Điều trị có thể bao gồm liệu pháp nói, vật lý và vận động. Các liệu pháp và thuốc cũng có thể được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm và theo dõi sức khỏe tâm thần của bệnh nhân.
Thời gian hồi phục kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Tuy nhiên, hầu hết những người bị đột quỵ nhẹ và không có thêm biến chứng trong thời gian nằm viện đều có thể tự chăm sóc bản thân.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ xuất huyết não giúp người bệnh sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.
VII. Tuổi tác có liên quan đến đột quỵ xuất huyết não không?
Mặc dù đột quỵ thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi, nhưng trẻ em và thanh thiếu niên cũng là đối tượng dễ bị đột quỵ xuất huyết não. Nguyên nhân đột quỵ xuất huyết não ở trẻ em tương tự như ở người lớn. Thông thường trẻ sinh ra với các vấn đề về mạch máu có thể dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.
Việc chẩn đoán và điều trị đột quỵ xuất huyết não ở trẻ sơ sinh và trẻ em khó hơn vì hầu hết mọi người không nghĩ đột quỵ sẽ xảy ra ở độ tuổi này.
Hầu hết các cơn đột quỵ ở trẻ em đều gây ra các vấn đề về thần kinh như suy nhược một bên cơ thể, khó giữ thăng bằng và khó nói. Các lựa chọn điều trị cho trẻ em cũng tương tự như cho người lớn.
Ảnh hưởng lâu dài của đột quỵ xuất huyết não ở trẻ em phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của đột quỵ. Một số trẻ bị ảnh hưởng lâu dài, chẳng hạn như động kinh, co giật, khi đó thường cần điều trị lâu dài hơn.
Trẻ em có xu hướng phục hồi sau đột quỵ nhanh hơn người lớn vì não của trẻ vẫn đang phát triển. Do đó, trẻ có cơ hội trở lại lối sống bình thường sớm hơn.
VIII. Phòng ngừa đột quỵ xuất huyết não
Các biện pháp phòng ngừa bao gồm thực hiện lối sống lành mạnh, bao gồm:
- Tập thể dục;
- Không hút thuốc lá;
- Không uống rượu bia;
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh;
- Ăn nhiều trái cây, rau củ;
- Kiểm soát căng thẳng đúng cách;
- Tầm soát đột quỵ.
Mọi người nên đến bệnh viện khám khi nghi ngờ có bất kỳ triệu chứng nào của đột quỵ xuất huyết não.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình