Đột quỵ - làm sao ngăn chặn từ gốc rễ?
Trong bài viết dưới đây, BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga - Trưởng khoa Nội Thần kinh - Bệnh viện Thống Nhất và BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư - Trưởng khoa Dinh dưỡng và Tiết chế, Bệnh viện quận Bình Thạnh đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích liên quan đến phòng ngừa đột quỵ và vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với căn bệnh này.
Đột quỵ nguy hiểm ra sao và để lại các di chứng nào?
Hiện có thông tin cho rằng, tại Việt Nam, đột quỵ đã “soán ngôi đầu bảng” về số tử vong và tàn phế, vượt trên cả những căn bệnh nguy hiểm như ung thư hay tim mạch. Thực hư về điều này như thế nào, thưa BS? Đột quỵ nguy hiểm ra sao và có thể để lại các di chứng nào?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga: Theo thống kê gần đây của Bộ Y tế, hằng năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong tương lai con số này sẽ tăng lên, đặc biệt tỷ lệ ở người trẻ ngày càng tăng.
Theo thống kê, mặc dù trước đây đột quỵ đứng hàng thứ 3 về nguyên nhân tử vong (sau tim mạch và ung thư) tuy nhiên gần đây, đột quy đã lên đến hàng thứ 2 (sau tim mạch). Ngoài ra, đột quỵ cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế ở người đã có tiền sử bị đột quỵ.
80% người bệnh sau đột quỵ vẫn còn một số di chứng. Trong đó, 30% là những di chứng không hồi phục hoàn toàn; 70% không thể trở về công việc bình thường như trước khi đột quỵ. Như vậy, gánh nặng tàn phế còn lớn hơn gánh nặng tử vong ở những bệnh nhân có tiền sử đột quỵ.
Bệnh nhân đột quỵ thường gặp di chứng về vận động, giảm khả năng đi lại hoặc ảnh hưởng đến công việc tinh vi ở bàn tay (công việc hằng ngày). Ngoài ra, chúng ta cần chú ý đến những di chứng không vận động như:
- Di chứng về ngôn ngữ: Làm ảnh hưởng khả năng giao tiếp.
- Rối loạn về cảm xúc: Một số người sau khi bị đột quỵ có tình trạng trầm cảm hoặc lo âu.
- Suy giảm về nhận thức: Sa sút trí tuệ hoặc suy giảm nhận thức nhẹ sau đột quỵ.
- Rối loạn về tình dục…
Đâu là yếu tố hàng đầu gây ra đột quỵ?
Đâu là những vấn đề đáng lo ngại về đột quỵ tại nước ta (gia tăng, trẻ hóa…)? Và theo BS, nguyên nhân nào dẫn đến điều này ạ? Trong đó, những yếu tố hàng đầu mà chúng ta cần quan tâm là gì?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga: Theo thống kê, tỷ lệ đột quỵ ngày càng tăng. Trên truyền thông chúng ta dễ dàng gặp những trường hợp 30, 40 tuổi bị đột quỵ. Thống kê ở Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ của người trẻ dưới 45 tuổi chiếm 7% (tương đương khoảng 10 người, có gần 1 người dưới 45 tuổi bị đột quỵ).
Việt Nam là nước nông nghiệp đang chuyển sang công nghiệp. Tốc độ phát triển về công nghiệp cũng như đô thị hóa rất nhanh chóng dẫn đến thay đổi lối sống ở những khu đô thị.
Môi trường làm việc, yếu tố về tâm lý xã hội, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng. Nếu chúng ta ăn một chế độ dinh dưỡng công nghiệp, nhiều thức ăn nhanh; lạm dụng rượu bia, thuốc lá; ít luyện tập thể lực; stress, căng thẳng sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh không lây nhiễm.
Tỷ lệ mắc các bệnh như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì hoặc rối loạn lipid máu ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ. Đây cũng là nguy cơ gây ra đột quỵ, cũng như bệnh lý tim mạch.
Tim mạch, tiểu đường có mối liên hệ mật thiết ra sao với đột quỵ?
Hàng loạt bệnh không lây nhiễm khác như tim mạch, tiểu đường… đang trở thành gánh nặng trên toàn cầu. Nhờ BS giải thích kỹ hơn, các bệnh lý này có mối liên hệ mật thiết như thế nào đến đột quỵ? Sự gia tăng tỷ lệ, độ tuổi mắc các bệnh này sẽ làm thay đổi ra sao về tỷ lệ bị đột quỵ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga: Những bệnh không lây nhiễm như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá,… sẽ gây ra những tổn thương trên thành mạch máu trong đó có mạch vành và mạch máu não. Những tổn thương này tạo thành các mảng xơ vữa, từ đó làm hẹp lòng mạch, tạo thành huyết khối trên lòng mạch. Khi các huyết khối ngày càng phát triển sẽ gây tắc lòng mạch hoặc những cục huyết khối từ mảng xơ vữa bong ra và gây tắc mạch máu.
Tỷ lệ cao huyết áp ở người lớn tuổi, người trưởng thành Việt Nam là 78%. Cao huyết áp ngoài việc gây ra những tổn thương thành mạch và dẫn đến xơ vữa sẽ tạo nên tình trạng thoái hóa thành mạch, hình thành vi phình mạch. Về lâu dài vi phình mạch là yếu tố trực tiếp gây đột quỵ xuất huyết não. Ngoài ra, những bệnh lý van tim như rung nhĩ cũng là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, đặc biệt là đột quỵ nhồi máu não.
Vai trò của dinh dưỡng với các bệnh không lây nhiễm ra sao?
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng cho sự khỏe mạnh của con người nhưng dường như chưa được quan tâm đúng mức. Xin hỏi BS, vai trò của dinh dưỡng với các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, đặc biệt là đột quỵ như thế nào?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư: Đột quỵ ngày càng trẻ hóa, thậm chí 20-30 tuổi đã bị đột quỵ. Tỷ lệ thừa cân, béo phì đang tăng rất nhanh, nguyên nhân chính là do dinh dưỡng. Chúng ta nạp quá nhiều năng lượng trong một ngày nhưng lại ít vận động và rèn luyện thể lực. Do đó, năng lượng dư thừa làm mức độ tăng cân nhiều hơn và tỷ lệ béo phì ngày một tăng lên, thậm chí còn gọi là đại dịch béo phì trên thế giới. Đây là yếu tố nguy cơ đầu tiên dẫn đến những bệnh mạn tính không lây như đái tháo đường, tăng huyết áp, thậm chí suy thận và đột quỵ.
Tuy nhiên vấn đề dinh dưỡng chưa được quan tâm nhiều, vì chúng ta thường nghĩ do những yếu tố như stress, cuộc sống hoặc đôi khi mình còn khỏe, còn làm việc tốt nên không quan tâm đến việc ăn uống.
Thông thường, dân văn phòng sau khi làm việc xong không về ngay mà lại ra quán và có những bữa tiệc đến 11, 12 giờ đêm. Yếu tố stress trong công việc cộng thêm chế độ ăn trong quán là những món nướng, món ăn nhiều gia vị (nhiều muối, chất béo bão hòa) sẽ dẫn đến thừa cân, tăng cân, tăng lượng natri sử dụng trong một ngày, tăng huyết áp và tích lũy tạo gánh nặng lớn cho hệ thống tim mạch, cũng như gây ra yếu tố về mạch máu và đột quỵ.
Để phòng ngừa đột quỵ cần chú ý hơn đến chế độ dinh dưỡng, cũng như chế độ vận động; quan tâm rèn luyện thể lực và chăm sóc đời sống hằng ngày. Nếu đột quỵ đã xảy ra phải càng quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để hồi phục một cách tốt nhất. Người đã đột quỵ càng không quan tâm đến chế độ dinh dưỡng sẽ càng không có hy vọng phục hồi chức năng cơ thể để trở lại đời sống bình thường.
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý ảnh hưởng ra sao đến bệnh mạn tính không lây?
Nhờ BS đưa ra những con số cụ thể cho thấy, chế độ dinh dưỡng không hợp lý liên quan ra sao đến tỷ lệ mắc các bệnh mạn tính không lây? (Vd có thông tin cho rằng: ăn ít rau và quả là nguyên nhân của 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, 11% số trường hợp đột quỵ…)
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư: Nguyên nhân dinh dưỡng gần như là nguyên nhân chính trong các bệnh mãn tính không lây.
- Đái tháo đường type 2: Xảy ra ở người lớn tuổi, thường trên thể trạng của người béo phì.
- Tăng huyết áp: Chế độ ăn natri quá nhiều so với nhu cầu khuyến nghị (dưới 2.300mg/ngày). Nếu lựa chọn những món khô, mắm, muối trên bàn nhậu, bàn tiệc và sử dụng thực phẩm tẩm ướp nhiều gia vị natri sẽ tăng và huyết áp tăng.
Hiện tại, bệnh lý mãn tính không lây chiếm 70-75% nguyên nhân tử vong thường gặp ở Việt Nam. Do đó, việc chú ý chế độ dinh dưỡng sẽ vừa phòng ngừa đột quỵ, vừa phòng ngừa những bệnh lý mãn tính không lây, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao sức khỏe, thể trạng.
Thói quen xấu về dinh dưỡng nào làm thay đổi nguy cơ đột quỵ?
Như vậy theo BS, thói quen ăn uống, chế độ dinh dưỡng trong thời đại @ ngày nay ảnh hưởng thế nào đến nguy cơ mắc bệnh đột quỵ ạ? Theo quan sát của BS, những thói quen xấu nào về dinh dưỡng mà chúng ta thường gặp nhất tác động đến khả năng bị đột quỵ ạ?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư: Trước đây, Việt Nam là một nước nông nghiệp, người nông dân cày sâu cuốc bẫm, vận động và rèn luyện thể lực rất nhiều. Việc rèn luyện sẽ tùy theo mùa, mùa nông nhàn sẽ khác và mùa thu hoạch sẽ rèn luyện nhiều hơn.
Hiện tại, với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa dẫn đến tỷ lệ vận động giảm xuống. Nếu như ngày xưa, chúng ta đi thăm ông bà đi bằng xe đạp hoặc đi bộ thì ngày nay chúng ta đi bằng xe máy.
Theo nhu cầu khuyến nghị, nên vận động ít nhất 10.000 bước/ngày. Tuy nhiên khi ra ngoài chúng ta đi xe nên chắc chắn tỷ lệ vận động sẽ không đạt được. Một số nghiên cứu cho thấy, người làm văn phòng chỉ đi khoảng 3.000 - 4.000 bước/ngày. Với thời lượng vận động này sẽ làm tăng nguy cơ thừa cân, béo phì, cũng như bệnh lý về tim mạch.
Công việc văn phòng chuyên môn hóa quá nhiều, không có thời gian chuẩn bị cho chế độ ăn, nên sẽ chọn cách đặt ở những hàng quán bên ngoài. Muốn ăn ngon phải có mùi vị thật đậm đà, chính vì vậy sẽ được nêm rất nhiều muối, bột ngọt và hạt nêm, do đó natri trong chế độ ăn sẽ tăng lên.
Khi chiều về, chúng ta có những cuộc vui, sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn và chế biến bằng cách nướng, chiên, xào, áp chảo để có mùi vị thơm. Chính vì vậy, chất béo bão hòa sẽ cao và nguy cơ tim mạch sẽ tăng lên.
Phòng ngừa đột quỵ cần làm gì và bắt đầu từ độ tuổi nào?
Đột quỵ có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và với bất kỳ ai. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Xin hỏi BS, để chủ động phòng ngừa đột quỵ, chúng ta có thể làm những gì? Việc phòng ngừa nên bắt đầu từ độ tuổi nào?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga: Đột quỵ chỉ là một hậu quả của rất nhiều quá trình. Từ chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, stress, công việc, lối sống đô thị là bước thứ nhất. Bước thứ 2, từ đó hình thành nên các bệnh tim mạch không lây nhiễm như cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu. Bước thứ 3 là bệnh tim mạch và đột quỵ.
Vì vậy, muốn phòng ngừa phải phòng ngừa từ rất nhiều năm trước. Hiện nay, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ khá cao, 30-40 tuổi đã xuất hiện bệnh lý tim mạch hoặc đột quỵ.
Để phòng ngừa đột quỵ, ngay từ đầu chúng ta cần thiết lập lối sống lành mạnh:
- Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
- Rèn luyện thể lực
- Có chế độ sinh hoạt, làm việc, nghỉ ngơi cân bằng để giảm stress hoặc có các hoạt động thư giãn để cân bằng cuộc sống.
Nếu kiểm soát được các yếu tố này, khả năng mắc các bệnh không lây nhiễm sẽ thấp hơn và khi đó sẽ phòng ngừa được các biến cố về tim mạch, cũng như đột quỵ.
Phòng ngừa đột quỵ trên người có yếu tố nguy cơ và không có yếu tố nguy cơ khác nhau ở điểm nào?
Theo BS, phòng ngừa đột quỵ giữa người có yếu tố nguy cơ và người không có yếu tố nguy cơ liệu có khác nhau?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga: Về những người có yếu tố nguy cơ và không có yếu tố nguy cơ sẽ có mức độ phòng ngừa hoặc mức độ cấp thiết khác nhau, ví dụ:
- Đối với người khỏe mạnh, có chế độ sống lành mạnh, cần khuyến khích duy trì lối sống đó.
- Nếu chúng ta nhận thức được phong cách sống hằng ngày, chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng hoặc chế độ luyện tập chưa đạt theo yêu cầu thì phải thiết lập lại.
- Người đã có yếu tố nguy cơ (mắc bệnh không lây nhiễm), ngoài việc thay đổi lối sống, đôi khi phải sử dụng những loại thuốc để kiểm soát, tránh những biến cố về tim mạch, cũng như đột quỵ sau này.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là gì?
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh là một phần quan trọng của phòng ngừa đột quỵ. Nhưng để đạt “lành mạnh”, chúng ta cần lưu ý những vấn đề nào? Xây dựng thực đơn mỗi ngày thân thiện với não bộ, phòng ngừa đột quỵ thế nào ạ?
BS.CK1 Lê Ngọc Quỳnh Thư: Đối với người có yếu tố nguy cơ và người không có yếu tố nguy cơ sẽ có những giải pháp phòng ngừa khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người đó. Tuy nhiên, có 3 vấn đề chính cần lưu ý:
- Chế độ dinh dưỡng: Bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, đa dạng các loại thực phẩm. Mỗi bữa ăn phải có 4 nhóm thực phẩm: nhóm tinh bột cung cấp năng lượng cho cơ thể (cơm, bún, phở, hủ tiếu, bánh mì,…) ưu tiên nhóm tinh bột hấp thu chậm; nhóm chất đạm (có thể ước lượng bằng nguyên tắc bàn tay hoặc 100 - 200g thịt, cá trong một bữa ăn); nhóm rau và quả tươi, tuyệt đối không được quên (sử dụng 300g rau tươi và 200g quả tươi/ngày) để bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất, chất xơ cho cơ thể, làm sạch lòng mạch máu và phòng ngừa các bệnh lý liên quan đến tim mạch như xơ vữa mạch vành.
- Lối sống lành mạnh: Là người có thời gian thức giấc vào buổi sáng, cài đặt đồng hồ sinh học theo chu kỳ ngày đêm. Khoảng 5, 6 giờ sáng thức dậy, ăn sáng, vận động, tập thể dục và đi làm; buổi trưa ăn đúng giờ; buổi chiều về ăn chiều đúng giờ và lưu ý ăn trước 18 giờ hoặc kết thúc bữa ăn trước 19 giờ. Nếu ăn sau 19 giờ sẽ rối loạn chuyển hóa, tích lũy mỡ và nguy cơ thừa cân, béo phì sẽ tăng lên. Bên cạnh đó cần rèn luyện thể lực, tập thể dục từ 30-60 phút/ngày với các hình thức phù hợp (đi bộ, đạp xe, chơi thể thao,…).
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ nếu có bệnh mãn tính không lây.
Người mắc bệnh mạn tính không lây, ăn uống thế nào để phòng ngừa đột quỵ?
Tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu có thể đưa chúng ta đến gần với đột quỵ hơn. Xin hỏi BS, việc ăn uống, lựa chọn thực phẩm với những người mắc các bệnh lý này để phòng ngừa đột quỵ cần chú ý các nguyên tắc nào ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Phương Nga: Tất cả các bệnh mạn tính không lây đều cần chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Tuy nhiên một số bệnh sẽ có chế độ dinh dưỡng khác như:
- Người cao huyết áp: Yêu cầu hàng đầu là kiểm soát lượng muối vào cơ thể.
- Người rối loạn lipid máu: Việc kiểm soát chất béo bão hòa ăn vào rất quan trọng.
- Người tiểu đường: Phải kiểm soát lượng tinh bột đưa vào và cần chế độ giảm muối, cũng như hạn chế chất béo bão hòa.
Ngoài ra, cần tăng các chất có lợi cho hệ thống tim mạch như:
- Ăn nhiều rau củ quả, đặc biệt là những loại rau nhiều màu sắc
- Sử dụng nhiều chất béo không bão hòa
- Nên ăn một số loại hạt hoặc đậu
- Hạn chế thịt đỏ
- Ăn vừa phải các loại thịt gia cầm hoặc trứng, sữa, phô mai.
Đây là một số chế độ dinh dưỡng cần khuyến cáo cho người bệnh, đặc biệt là người có bệnh nền về bệnh mạn tính không lây nhiễm.
Trân trọng cảm ơn Nhãn hàng Varna - Sữa cho Người trưởng thành Việt của Nutifood Thụy Điển đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình