Độ tuổi và lịch trình tiêm vắc xin phòng sốt xuất huyết, zona thần kinh, phế cầu thế hệ mới
Theo BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM, việc Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 3 loại vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết, zona thần kinh và 23 type phế cầu thế hệ mới sẽ giúp giảm đi gánh nặng trong điều trị và nâng cao hiệu quả trong công tác phòng ngừa dịch bệnh cho người dân.
1. Ý nghĩa của 3 loại vắc xin vừa được cấp phép trong công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta?
Theo đánh giá của BS, việc cấp phép các loại vắc xin này có ý nghĩa ra sao trong công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: 3 loại vắc xin vừa được Bộ Y tế quyết định cấp phép là vắc xin sốt xuất huyết, vắc xin phòng bệnh zona thần kinh và vắc xin phòng 23 type phế cầu thế hệ mới.
Trong đó, phế cầu 23 đã được cấp phép tiêm ngừa tại Việt Nam từ rất lâu trước đây, nhưng sau một thời gian đã bị rút ra khỏi thị trường Việt Nam. Hiện tại, loại vắc xin này đã được cấp phép trở lại và không có nhiều sự thay đổi nổi trội để bàn luận.
Đối với 2 loại còn lại là vắc xin sốt xuất huyết và vắc xin phòng bệnh zona thần kinh được xem là tương đối mới tại Việt Nam.
Đầu tiên, về vắc xin zona thần kinh, xuất hiện vào khoảng năm 2017 - 2018, đã được cấp phép tiêm ngừa ở các nước tiên tiến khá lâu, nhưng phải đến thời điểm hiện tại Việt Nam mới có khả năng cấp phép và đưa về nước. Thứ hai là về vắc xin sốt xuất huyết, loại này cũng đã được nghiên cứu khá tốt ở khu vực châu Mỹ Latinh, nơi có tình trạng sốt xuất huyết giống ở Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác.
Hai loại vắc xin này khá quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh. Trước đây nước ta đã từng có một loại vắc xin ngừa sốt xuất huyết, tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, kết quả cho thấy rằng hiệu quả của loại vắc xin này không nhiều và cũng có các tác dụng phụ không mong muốn khi sử dụng. Sau đó, một hãng thuốc khác đã tiến hành nghiên cứu và điều chế ra một loại vắc xin sốt xuất huyết mới, được thực nghiệm và nghiên cứu khá tốt về tính an toàn, hiệu quả của vắc xin.
Tình trạng sốt xuất huyết tại Việt Nam là một gánh nặng về y tế khá lớn. Không chỉ riêng đối với ngành y tế, đây còn là mối nguy hại khá lớn đối với sức khỏe người dân mỗi khi vào mùa sốt xuất huyết. Ngành y tế và xã hội đã đưa ra rất nhiều biện pháp để phòng chống, nhưng gần như chỉ có hiệu quả ở một mức độ nhất định. Vì vậy, sự xuất hiện của vắc xin sốt xuất huyết có vai trò rất quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh tại nước ta.
Ví dụ như trước đây, khi nước ta chưa có vắc xin tiêm ngừa bệnh sởi, có thể thấy bệnh xuất hiện ở khắp mọi nơi. Hoặc khi không có vắc xin phòng ngừa bạch hầu, ho gà, với những biện pháp được đặt ra nhưng dịch bệnh vẫn tràn lan khắp nơi. Hy vọng với sự xuất hiện của vắc xin sốt xuất huyết, tỷ lệ mắc sẽ giảm và được khống chế như những bệnh lý đã có vắc xin khác như sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván… điều này mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
Riêng về vắc xin zona thần kinh, đối với tình trạng bệnh lý ở người lớn tuổi hay những người suy giảm hệ miễn dịch, việc tiêm ngừa là rất quan trọng. Nhiều người có thể bị chẩn đoán sai và để lại nhiều hệ quả nghiên trọng cho sức khỏe.
Hệ quả của zona thần kinh sẽ không đến tức thì, người bệnh có thể đau kéo dài trong nhiều năm, đe dọa đến chất lượng sống cũng như tính mạng của người bệnh. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra vắc xin phòng ngừa zona thần kinh giúp người dân có thể tiêm ngừa để bảo vệ sức khỏe của mình.
Việc Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho 3 loại vắc xin này sẽ giúp giảm đi gánh nặng trong điều trị cũng như nâng cao hiệu quả phòng ngừa cho người dân.
2. Liệu vắc xin sốt xuất huyết có thể trở thành cánh tay đắc lực trong công cuộc phòng chống bệnh trong tương lai gần?
Vắc xin Qdenga sốt xuất huyết đang rất được mong chờ. Trong tương lai gần, việc VN có vắc xin sốt xuất huyết sẽ trở thành cánh tay đắc lực trong công cuộc phòng chống căn bệnh này ra sao, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Theo tôi được biết, vắc xin Qdenga sẽ được tiêm ngừa ở trẻ nhỏ từ 4 tuổi trở lên và không có giới hạn trên của người lớn.
Đối với gánh nặng của bệnh sốt xuất huyết thì tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh không nhiều. Những trẻ từ 4 tuổi trở lên, đặc biệt là người lớn về sau mỗi khi mắc bệnh sốt xuất huyết, việc điều trị sẽ rất khó khăn nếu không được tiêm ngừa.
Đặc biệt, để cứu sống cho một ca sốt xuất huyết nặng sẽ phải tốn rất nhiều chi phí. Trong khi đó, nếu được tiêm ngừa, người dân sẽ đạt hiệu quả cao trong phòng ngừa bệnh.
Bên cạnh đó, ngành y tế và xã hội không nên bỏ qua việc diệt muỗi, lăng quăng và tuyên truyền rộng rãi về các biện pháp phòng ngừa. Điều này không chỉ giúp người dân nâng cao được nhận thức, còn phòng ngừa được nhiều bệnh lý khác liên quan.
Để tiến hành phòng ngừa và tuyên truyền về bệnh sốt xuất huyết sẽ vừa tốn sức vừa mất thời gian rất nhiều, việc điều trị bệnh cũng khá tốn kém, vì vậy việc có vắc xin ngừa sốt xuất huyết sẽ giúp cho khối điều trị giảm thiểu được rất nhiều công việc. Các bác sĩ sẽ có thời gian điều trị cho những bệnh nhân mắc những bệnh lý khác.
Trong giai đoạn vào mùa bệnh sốt xuất huyết, bệnh nhân cấp cứu rất nhiều, bệnh viện quá tải, phải mở rộng khoa và đưa bệnh nhân đến điều trị tại khoa khác, điều này làm giảm đi chất lượng điều trị cho những bệnh lý khác.
3. Hiệu quả và tính an toàn của vắc xin Qdenga?
Nhờ BS chia sẻ cụ thể hơn, vắc xin Qdenga do quốc gia nào cung ứng? Ngoài Việt Nam đã có những quốc gia nào cấp phép và đưa vào triển khai? Hiệu quả và tính an toàn của vắc xin này sao ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Đối với vắc xin sốt xuất huyết, được biết đây là loại vắc xin của nhà sản xuất Takida, Nhật Bản. Nghiên cứu đầu tiên của loại vắc xin này là tại Mỹ, sau đó được chuyển giao công nghệ cho Nhật sản xuất. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm ở vùng châu Mỹ Latinh trong một thời gian khá dài và nghiên cứu trên nhiều pha, đặc biệt là pha 3 với một số lượng rất lớn.
Hiện nay, một số nước đã đưa vắc xin sốt xuất huyết vào chương trình tiêm chủng đại trà, ví dụ như Brazil, Indonesia, Thái Lan… Tính đến thời điểm hiện tại, vì khi đánh giá về nghiên cứu ban đầu rất tốt và khi đưa ra thị trường để thực nghiệm cũng cho thấy sự an toàn của vắc xin.
Xét về tính hiệu quả, do vắc xin vừa được tiêm ngừa nhiều nhất vào tháng 3 năm ngoái nên chưa thể nhận định chính xác vấn đề này. Nhưng trong nghiên cứu, hiệu quả của vắc xin cho thấy rất tốt.
Để đánh giá lại tính hiệu quả trên thực địa cần dựa trên nghiên cứu và theo dõi lâu dài. Tuy nhiên, theo cá nhân tôi nhận thấy đây chính là một biện pháp “cứu cánh” cho người dân và ngành y tế trong việc điều trị sốt xuất huyết.
4. Hiệu quả của vắc xin Qdenga có tác dụng trong bao lâu?
Hiện, vắc xin Qdenga được chỉ định cho người từ bao nhiêu tuổi? Lịch trình tiêm cụ thể ra sao? Hiệu quả của vắc xin có “thời hạn” là bao lâu, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, vắc xin sốt xuất huyết sẽ được chỉ định tiêm trong một liệu trình. Khi tiêm vắc xin người dân nên dựa theo thông tin kê toa, điều này rất quan trọng. Theo hướng dẫn, vắc xin sốt xuất huyết được chỉ định từ 4 tuổi trở lên và mỗi người sẽ được tiêm ngừa 2 mũi. Chính xác nhất cần chờ thông tin kê toa từ nhà sản xuất gửi về và Bộ Y tế xét duyệt.
5. Điểm khác biệt của vắc xin phòng 23 type phế cầu thế hệ mới (Pneumovax 23)
Vậy còn vắc xin phòng 23 type phế cầu thế hệ mới (Pneumovax 23) có khác gì so với vắc xin phòng các bệnh phế cầu hiện đang lưu hành tại VN, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Nếu nhận định vắc xin phế cầu 23 là thế hệ mới, điều này hoàn toàn không đúng, vì đây là một loại vắc xin kinh điển và thuộc thế hệ cũ. Vắc xin phòng ngừa phế cầu có hai thế hệ, thế hệ đầu tiên được sản xuất từ Polysaccharide, thế hệ thứ hai được cộng hợp thêm một loại protein.
Tại sao phải điều chế ra loại vắc xin thứ 2 là cộng hợp? Vì Polysaccharide đó không có hiệu quả trên trẻ nhỏ, những trẻ nhỏ dưới 3 tuổi gần như sẽ không có hiệu quả. Bên cạnh đó Polysaccharide phải được nhắc lại.
Tuy nhiên, Polysaccharide phòng ngừa được đến 23 chủng, trong khi nhóm vắc xin Synflorix hay Prevenar 13 chỉ phòng ngừa được từ 10 - 13 chủng. Vì vậy, các nhà sản xuất đưa nhóm này vào thành phần của vắc xin, tuy nhiên nhóm này không tiêm ngừa cho trẻ nhỏ được. Chính vì vậy, loại vắc xin này không được xem là mới.
Trước đó, nước ta đã từng có loại vắc xin ngừa phế cầu nhưng sau đó do nhu cầu tiêm chủng ít nên Bộ Y tế đã rút loại này ra và đưa trở lại trong thời gian gần đây. Loại vắc xin này sẽ được tiêm ngừa cho người từ 3 tuổi trở lên.
6. Vắc xin Pneumovax 23 cần tiêm nhắc lại sau 3 - 5 năm
Nhờ BS chia sẻ cụ thể thêm, hiệu quả và an toàn của Pneumovax 23 qua các nghiên cứu ra sao ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin Pneumovax 23 đã được sản xuất khá lâu, thông thường người vừa được tiêm ngừa sẽ có một số tác dụng phụ như đau nhức, sưng, nóng, đỏ, sốt và tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ nặng hơn rất hiếm.
Nếu tiêm vắc xin của Synflorix hay Prevenar 13 (còn được gọi là vắc xin phế cầu tổng hợp), đối với trẻ nhỏ tiêm 1 trong 2 loại này đã đủ và không cần tiêm nhắc lại.
Đối với người lớn, đặc biệt những người có tình trạng bệnh nền hay suy giảm hệ miễn dịch, được các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm ngừa vắc xin Pneumovax 23. Tuy nhiên, nếu tiêm Pneumovax 23 cần tiêm nhắc lại, sau 3 - 5 năm.
7. Tác dụng của vắc xin Shingrix trong phòng ngừa bệnh zona thần kinh như thế nào?
Vắc xin Shingrix ngừa zona thần kinh có tác dụng ra sao trong phòng ngừa tình trạng này, thưa BS? Tính hiệu quả và an toàn của vắc xin Shingrix qua các nghiên cứu như thế nào ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Vắc xin phòng ngừa zona thần kinh có 2 thế hệ, thế hệ đầu tiên được sản xuất cách đây khá lâu, vào khoảng năm 2001, vắc xin này là một loại vắc xin chống giảm độc lực, không tiêm ngừa được trên người có tình trạng suy giảm miễn dịch.
Sau đó, các nghiên cứu thấy rằng khả năng kéo dài hệ miễn dịch hay tỷ lệ đạt miễn dịch không nhiều, vì vậy một hãng thuốc khác đã nghĩ ra một loại vắc xin tái tổ hợp, là một protein ở cấu trúc của virus Varicella Zoste. Sau khi nghiên cứu cho thấy loại vắc xin này khá hiệu quả, thời gian phòng ngừa của vắc xin cũng khá dài.
Zona thần kinh là một bệnh lý tái hoạt động lại trên nền bệnh thuỷ đậu. Khi một người lớn hoặc trẻ nhỏ bị thuỷ đậu, sau một thời gian, hệ miễn dịch sẽ suy giảm, virus zona thần kinh sẽ ra ngoài và tái hoạt động trở lại. Đặc biệt gây ra nhiều tác động ở vùng đầu, làm ảnh hưởng đến mắt và nhức đầu thường xuyên, có thể kéo dài trong nhiều năm và gần như không có loại thuốc nào điều trị được. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra loại vắc xin này. Các nước tiên tiến trên thế giới đã đưa vắc xin zona thần kinh vào lịch tiêm chủng của họ và cho thấy hiệu quả khá tốt.
8. Ai cần tiêm ngừa vắc xin zona thần kinh?
Những ai cần phải tiêm vắc xin Shingrix ạ? Lịch tiêm cụ thể ra sao? Hiệu quả của vắc xin Shingrix kéo dài đến khi nào, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Tính đến thời điểm hiện tại, sau khi vắc xin được đưa ra ngoài thị trường, có thể thấy rằng từ khi chưa được phổ biến ngoài thị trường đến nay đã 10 năm, vắc xin zona thần kinh vẫn cho thấy hiệu quả rất tốt. Liệu trình của vắc xin zona thần kinh là tiêm 2 mũi cách nhau từ 2 - 6 tháng.
Những người trên 50 tuổi là đối tượng nên thực hiện tiêm ngừa sớm, ở độ tuổi này khả năng mắc zona thần kinh là rất cao, đặc biệt ở những người đã từng bị bệnh thủy đậu trước đây. Những người dưới 50 tuổi, có bệnh nền, ví dụ như tiểu đường, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hay bị suy giảm hệ miễn dịch cũng cần tiêm vắc xin phòng ngừa sớm.
Loại vắc xin này được nghiên cứu dành cho đối tượng từ 18 tuổi trở lên, trong tương lai các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thêm cho nhóm đối tượng 12 tuổi.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình