Điều trị viêm phổi hít ở người bệnh đột quỵ vì sao khó khăn, tốn kém?
Vì sao người bệnh đột quỵ dễ bị viêm phổi hít? Viêm phổi hít ở bệnh nhân đột quỵ xảy ra như thế nào, điều trị ra sao, làm sao để phòng tránh? BS Lâm Thành Luân, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ sẽ chia sẻ về vấn đề này.
Bệnh viêm phổi hiện nay được nhắc đến rất nhiều, đặc biệt là viêm phổi do COVID-19 gây ra. Đây là bệnh lý cực kỳ nguy hiểm và có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cũng có một loại bệnh lý viêm phổi thường gặp ở bệnh nhân đột quỵ nhưng ít được nhắc đến, đó là viêm phổi do hít sặc thức ăn.
BS Lâm Thành Luân - khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
Viêm phổi hít là gì?
Đối với người bình thường, khi ăn, cơ thể có cơ chế tự bảo vệ làm đóng đường thở lại, ngăn không cho thức ăn lọt vào bên trong đường thở và vào trong phổi.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân đột quỵ, do vấn đề yếu cơ vùng hầu họng, lưỡi và sự suy giảm ý thức ở bệnh nhân nên đồ ăn, thức uống và các chất nôn ói dễ rơi vào bên trong đường thở gây tình trạng viêm phổi, gọi là viêm phổi hít.
Vì sao người bệnh đột quỵ dễ bị viêm phổi hít?
Nhiều trường hợp bệnh nhân sau khi bị đột quỵ có triệu chứng nôn ói, điều này làm cho bệnh nhân dễ hít các chất nôn ói vào phổi gây tình trạng viêm phổi hít.
Sau khi bệnh nhân bị đột quỵ giai đoạn đầu, người nhà tự ý cho bệnh nhân ăn uống. Ở giai đoạn đầu bệnh nhân đột quỵ có các triệu chứng của rối loạn nuốt dễ gây ra tình trạng hít sặc thức ăn dẫn đến viêm phổi hít.
Triệu chứng của viêm phổi hít như thế nào?
Triệu chứng của viêm phổi hít có thể biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng.
Khi bệnh nhân bị hít sặc thức ăn, vài ngày sau sẽ có thể biểu hiện triệu chứng sốt, ho có đờm, khó thở hoặc đau nặng ngực. Một số trường hợp nặng bệnh nhân có thể bị suy hô hấp nặng ngay sau khi bị sặc thức ăn.
Trường hợp này cần phải đặt ống thở, máy trợ thở và điều trị ở các chuyên khoa về hồi sức tích cực.
Nếu lượng thức ăn rơi vào phổi quá nhiều gây ra tình trạng tắc nghẽn đường thở gây xẹp phổi. Nếu chúng ta không có các biện pháp can thiệp, cấp cứu kịp thời bệnh nhân có thể rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng làm ảnh hưởng đến tính mạng.
Điều trị viêm phổi hít bằng phương pháp gì?
Việc điều trị viêm phổi hít cực kì khó khăn và tốn kém. Bệnh nhân thường phải trải qua nhiều liệu trình điều trị kháng sinh phối hợp và có thể phải dùng máy trợ thở trong thời gian dài.
Một số trường hợp nặng, các bác sĩ phải nội soi đường thở để bơm rửa và lấy các dị vật thức ăn ra ngoài. Những yếu tố này góp phần kéo dài thời gian điều trị và tăng chi phí điều trị của bệnh nhân đột quỵ.
Bên cạnh đó nó cũng gây ra những khó khăn cho việc hồi phục ở bệnh nhân sau khi bị đột quỵ.
Có cách nào giúp phòng ngừa tình trạng viêm phổi hít?
Khi chúng ta phát hiện bệnh nhân bị đột quỵ hoặc có các triệu chứng nghi ngờ của đột quỵ, người nhà nhẹ nhàng cho bệnh nhân nằm ở tư thế nghiêng sang một bên.
Việc này sẽ giúp khi vận chuyển bệnh nhân có nôn ói, các chất nôn dễ rơi ra ngoài, không bị trôi ngược vào đường thở của bệnh nhân.
Người nhà không nên cho bệnh nhân ăn uống bất kì loại thức ăn gì khi nghi ngờ bệnh nhân bị đột quỵ.
Người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa về điều trị đột quỵ gần nhất.
Minh Huy
Nguồn: Video “Viêm phổi hít - Triệu chứng - Phương pháp điều trị - Cách phòng ngừa”, Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình