Hotline 24/7
08983-08983

Làm sao để phân biệt viêm phổi do vi khuẩn hay do virus?

BS Tố Uyên giải đáp các thắc mắc của bạn đọc AloBacsi: phân biệt viêm phổi do vi khuẩn hay do virus, bé bị hen kèm nám phổi, sưng phù mặt sau mổ u góc cầu não, thoái hóa cột sống thắt lưng có nên sử dụng đai đeo lưng bơm hơi?...

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên - Giảng viên Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ điều trị tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Thống Nhất TPHCM

NỘI DUNG TƯ VẤN

Cách phân biệt viêm phổi do vi khuẩn hay do virus?

- Tuấn Anh - damois...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Em muốn hỏi làm sao phân biệt được viêm phổi do vi khuẩn và không do vi khuẩn? Cần làm xét nghiệm nào? Vì sau khi chụp Xquang 2 tư thế đứng và thổi khí, bác sĩ thấy em bị viêm đỉnh phổi phải và cho uống kháng sinh.

Trước đó, đầu tháng 9, em chụp ở ĐHYD cở sở 2, được chẩn đoán là viêm phế quản cấp. Em cũng không biết mình có bị vi khuẩn hay không?

Vì có vấn đề về dạ dày và ruột kích thích do trước đã dùng kháng sinh chữa viêm xoang nên em cũng không muốn dùng kháng sinh 7 đến 10 ngày nữa. Mong bác sĩ tư vấn thêm. Xin cảm ơn!

Thông tin thêm: Viêm dạ dày Hội chứng ruột kích thích, viêm mũi dị ứng.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Hầu hết các trường hợp viêm phổi là do vi khuẩn gây ra, và cần điều trị kháng sinh; một số ít có thể viêm phổi do hoá chất, viêm phổi hít, bệnh phổi nghề nghiệp, viêm do tự miễn... nhưng hiếm gặp hơn.

Viêm phổi do virus thường không thể chữa khỏi bằng kháng sinh, nhưng bệnh nhân viêm phổi do siêu vi có nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn nên một số trường hợp vẫn có chỉ định sử dụng kháng sinh phòng ngừa kèm với thuốc kháng virus nếu trong giai đoạn phù hợp.

Hiện tại phổi của em có tổn thương nên cần phải điều trị tích cực, nếu không có thể lan rộng và gây nguy hiểm.

Kháng sinh điều trị viêm xoang của em chưa chắc có thể chữa khỏi viêm phổi, hơn nữa lượng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, nên em cần thông báo điều này với bác sĩ điều trị để thay đổi loại kháng sinh phù hợp.

 

Sưng phù mặt sau mổ u góc cầu não, có nguy hiểm?

- Đoàn Trọng Truyến - nguyentie...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Bố cháu mổ u góc cầu tiểu não được 3 năm rồi. Ăn uống ngủ bình thường nhưng vẫn không tự đi được. Đi phải dắt và cảm thấy tê cứng bên trái và nóng ran khu vết mổ. Nằm xuống thì cảm giác bình thường. Hôm thời tiết thay đổi mặt bố cháu sưng lên môi dề ra ăn cơm bị rơi vãi và hàm cứng. Tình trạng của bố cháu có đáng ngại không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Các dấu hiệu thần kinh khu trú ở nửa người hoặc nửa bên mặt xuất hiện đột ngột là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ. Tuỳ vào vị trí tổn thương, biểu hiện lâm sàng, thời gian khởi phát mà bác sĩ sẽ dự đoán khu vực não bị tổn hại và đánh giá là do di chứng tổn thương cũ hay một tổn thương não mới xuất hiện.

Do đó, bạn nên đưa bố khám nội thần kinh ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời bạn nhé!

 

Thoái hóa cột sống thắt lưng có nên sử dụng đai đeo lưng bơm hơi?

- Diễn - bhuyq...@gmail.com

Ba em năm nay 65 tuổi bị thoái hóa cột sống thắt lưng, có nên sử dụng đai đeo lưng bơm hơi (đai disk dr) cảm ơn bác sĩ !

Kết quả Xquang tại Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM

- Độ cong cột sóng thắt lưng cùng: trượt trước độ 1 của L4/L5, nghi mất cơ liên tục eo L5

- Cấu trúc của các đốt sống và đĩa đệm: Gai và xơ xương tại mặt khớp các thân sống thắt lưng

- Tình trạng mô mềm hai bên cột sống thắt lưng: bình thường

- Khớp L5-S1, khớp cùng chậu, phần chụp được của xương cùng: bình thường

- D11-D12 : Bình thường

Kết luận: Trượt trước độ 1 của L4/L5, nghi mất cơ liên tục eo L5. Thoái hóa cột sống thắt lưng. Rất mong được BS tư vấn ạ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Đai lưng cột sống là thiết bị được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh lý xương khớp liên quan tới cột sống như thoát vị đĩa đệm, cong vẹo cột sống, thoái hóa cột sống, đau lưng,... Trong quá trình điều trị, các bệnh nhân có thể được bác sĩ chỉ định sử dụng đai lưng cột sống nhằm cố định cột sống, hạn chế những tổn thương trong sinh hoạt, vận động hằng ngày không may gặp phải.

Do đó, nếu đang điều trị vấn đề về cột sống lưng và được sự cho phép của bác sĩ điều trị bạn có thể cho chú sử dụng sản phẩm này.

Bạn cần lưu ý đây chỉ là sản phẩm hỗ trợ, giúp hạn chế chấn thương thêm do va đập, tư thế xấu... chứ không phải là phương pháp chữa khỏi bệnh nên vẫn cần tuân thủ theo các hướng dẫn về tập vật lý trị liệu và dùng thuốc khác, bạn nhé!

 

Sau sinh bị kim đâm tay, có cần chích ngừa uốn ván nữa không?

- Phạm Thị Tuyết Hương - tuyethuon...@gmail.com

Em sơ ý bị kim máy may đâm xuyên ngón tay, có dính chỉ và đã được lấy ra, em sanh em bé đc 7 tháng 18 ngày, lúc mang bầu em đã có chích ngừa,bây giờ em bị kim đâm vậy có cần chích ngừa nữa không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Trong suốt thai kỳ, phụ nữ sẽ được tiêm ngừa uốn ván ít nhất 2 mũi, hiệu quả phòng ngừa bệnh có thể kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm. Do đó, nguy cơ mắc bệnh của bạn khá thấp, nhưgn bạn vẫn nên lưu ý việc chăm sóc vết thương để hạn chế nhiễm khuẩn bạn nhé!

 

Trẻ nhỏ bị hen và nám phổi, có chữa được không?

- ZL Minh Ngọc

Bác sĩ ơi,

Hôm qua em có cho bé đi khám Và được chẩn đoán là cơ địa hen và phổi có nám. Em chưa hiểu lắm. Bác sĩ tư vấn giúp em với ạ. Và bệnh này có thể chữa được không ạ? Em cảm ơn bác sĩ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Hen là bệnh lý viêm đường thở mạn tính, có tính chất thay đổi về triệu chứng và cường độ. Triệu chứng điển hình của hen bao gồm ho, khó thở, khò khè, nặng ngực, đặc biệt thường nặng lên về sáng sớm, khi thay đổi thời tiết, khi bị cảm cúm hoặc tiếp xúc với yếu tố gây dị ứng.

Nám phổi là một từ ngữ “dân gian” để gọi bệnh lý có tổn thương nhu mô phổi như viêm phổi hoặc lao phổi.

Ngày nay, thuốc điều trị hen và lao đã rất phổ biến và hiệu quả, bệnh có thể điều trị để người bệnh trở lại sinh hoạt bình thường và hoạt động thể lực tốt.

Rất tiếc là bạn không cung cấp về cho chương trình tuổi của bé, chiều cao, cân nặng, các triệu chứng tới khám và diễn tiến của bệnh; nếu có thêm các thông tin này và kèm theo xét nghiệm đã có sẽ có thể tư vấn cụ thể rõ ràng hơn cho bạn nhé!

 

Cách khắc phục tình trạng lóa mắt sau phẫu thuật giác mạc?

- Trương Thị Thúy - truongphuo...@gmail.com

Thưa bác sĩ,

Tôi bị thủng giác mạc đã khâu lại được 2 tuần nhưng bị choá mắt không thể nhìn được, xin bác sĩ tư vấn giúp tôi phải làm gì để không bị lóa?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Tổn thương giác mạc thường gây đau mắt, cộm mắt, nhạy cảm ánh sáng, loá mắt... nhưng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Nếu chói mắt mới xuất hiện gần đây hoặc triệu chứng đổt ngột nặng lên là dấu hiện báo động, cần khám mắt để bác sĩ đánh giá lại vết thương và điều chỉnh.

Để giảm bớt loá mắt trong giai đoạn chờ tổn thuơng lành lại, bạn nên đeo kính mát khi ra nơi có nguồn sáng mạnh, tắt bớt đèn nếu quá chói, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin trong rau xanh, trái cây, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh sử dụng màn hình điện thoại vi tính quá nhiều và nên tái khám theo lịch hẹn để bác sĩ điều trị đánh giá lại tổn thương.

 

Nhãn áp 17-19 có phải đã bị bệnh glaucoma?

- Hoang Van Trung - Hoangva...@gmail.com

Chào bác sĩ,

Mới đây em bị viêm kết mạc xong bị loạn thị với cận thị. Vào ban đêm em nhìn vào đèn đường hay đèn xe là em thấy có quầng màu như cầu vồng, buổi ngày em nhìn bình thường. Em đi khám, nhãn áp của em là 17-19, bác sĩ kêu bình thường nhu em hơi lo vì sợ bị glaucoma.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Bệnh glaucoma còn gọi là cườm nước, thiên đầu thống hay chứng tăng nhãn áp, trong đó áp lực trong mắt (nhãn áp) tăng cao làm dây thần kinh thị giác kết nối mắt với não bị tổn thương.

Bệnh tiến triển cấp tính thường gặp các triệu chứng nhức mắt, nhức nửa đầu, đôi khi rất dữ dội, có thể kèm theo buồn nôn hay nôn mửa, đau bụng, nhìn thấy các màu giống “cầu vồng”, hay thị lực giảm sút, mắt đỏ.

Dạng mạn tính sẽ có thị lực mắt giảm dần, có đau mắt, sợ ánh sáng...

Triệu chứng nhìn đèn thấy có một quầng sáng cũng có thể gặp ở người bình thường do phản ứng khi gặp ánh sáng mạnh. Nếu bạn đã khám mắt cho kết quả bình thường thì không cần quá lo lắng, nên tuân thủ theo toa điều trị hiện tại và tái khám lại, bạn nhé!

 

Nổi hạch ở gáy có phải là biểu hiện của ung thư?

- Phạm Quyền - concao...@gmail.com

Hai tháng trước cháu có nổi hạch ở cổ, đi khám ở Bệnh viện K trung ương là viêm hạch mạn tính. Hôm nay cháu có sờ sau gáy chỗ tóc gáy 1 cục hạch rất nhỏ bé tí. Hạch này liệu có đáng ngại không ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Hạch cổ viêm mạn tính cần được theo dõi thường xuyên và xem xét sinh thiết để loại trừ các bất thường đáng tiếc.

Trường hợp này bác sĩ chưa rõ quá trình chẩn đoán và điều trị ra sao để tư vấn cụ thể hơn. Hạch của em nếu có tiến triển thêm về kích thước hoặc xuất hiện hạch mới thì nên tái khám để bác sĩ điều trị trực tiếp đánh giá và can thiệp xử trí nhé!

 

Xét nghiệm có tế bào di căn carcinom vảy kém biệt hóa là ung thư gì?

- Trần Thị Liên - điện thoại: 0353...

Bác sĩ cho cháu hỏi,

Mẹ cháu năm nay 63 tuổi. Mẹ cháu nổi hạch bên phía cổ trái nằm giữa tai và xương quai hàm. Đi khám nhiều nơi đều bảo hạch lành tính. Mẹ cháu cũng đã ra Bệnh viện K thì kết quả cũng vậy.

Mẹ cháu quay về bệnh viện đa khoa tỉnh để mổ. Nhưng khi mổ ra các bác sĩ đem mẫu mô xét nghiệm thì có tế bào di căn carcinom vảy kém biệt hóa.

Các bác sĩ đã chuyển mẹ cháu sang Bệnh viện Ung bướu tỉnh để điều trị. Tại đây mẹ cháu được điều trị 2 đợt hóa chất mỗi đợt 96 tiếng và đã được 26 mũi xạ. Nhưng mẹ cháu lại bị đau bụng, đau dữ dội lắm ạ.

Các bác sĩ đến tiêm giảm đau đầu tiên nghi ruột thừa nhưng không phải. Sau đó họ bảo viêm ruột. Họ cho đi chụp CT, kết quả cho thấy gan mẹ cháu cũng bị tổn thương và vùng treo của bạng mỡ cũng vậy. Các bác sĩ lại gửi mẫu mô đó ra lại Bệnh viện K xét nghiệm lại xem nguồn gốc những hạch đó bắt nguồn từ đâu.

Bác sĩ cho cháu biết như vây là mẹ cháu bị ung thư gì ạ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào em,

Tế bào vảy có ở nhiều nơi trong cơ thể, do đó ung thư tế bào vảy có thể liên quan tới ung thư da, ung thư cổ tử cung, ung thư thực quản...

Kết quả sinh thiết hạch nghi ngờ mẹ của em có một khối u ác tính nằm tại một trong các cơ quan liệt kê ở trên, sau đó di căn tới hạch và có thể đã di căn tới gan và ổ bụng.

Hiện tại, có lẽ nên chờ đợi kết quả giải phẫu bệnh, kèm tham vấn thêm ý kiến của bác sĩ điều trị để thực hiện các xét nghiệm tìm ra khối u nguyên phát, từ đó mới có hướng điều trị hiệu quả. Thân mến!

 

Đắp tỏi lên vết thương giẫm đinh, sau 1 tuần vẫn đau nhức thì có nên tiêm ngừa uốn ván?

- Tạ Ngà - nacu...@gmail.com

Mẹ em giẫm phải đinh dù nóc nhà, tuy đinh còn mới nhưng cũng đã có hơi rỉ sét, vết thương tầm 1-2mm nhìn mắt thường. Mẹ giẫm đinh lúc sáng nhưng tối mới đến tiêm phòng trễ nên các bác sĩ không tiêm cho, và đợi tới sáng hôm sau đã qua 24 tiếng nên đã không đi tiêm.

Hiện tại bây giờ đã 7 ngày hơn, vết thương đã có dấu hiệu lành nhưng vẫn còn đau nhức.

Lúc giẫm phải mẹ đã vệ sinh và cắt bỏ lớp da bong tróc, kèm đắp tỏi. Cho em hỏi trường hợp của mẹ em còn có thể đi tiêm phòng không ạ? Và phải lưu ý hay làm gì không?

Thông tin thêm: Mẹ em nay đã 51 tuổi, lúc giẫm đinh xong 30p mới vào vệ sinh và tận 6-7 tiếng sau mới đắp tỏi.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Bất cứ vết thương bẩn nào cũng có nguy cơ nhiễm nha bào vi trùng uốn ván, người bị vết thương mà đã được tiêm phòng vacxin uốn ván trước đó hơn 10 năm thì có chỉ định tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván SAT. Khuyến cáo nên tiêm càng sớm càng tốt, những trường hợp quá 24 tiếng vẫn có thể tiêm ngừa nhưgn cần tăng liều lượng.

Do vi khuẩn uốn ván chủ yếu gây bệnh khi vết thương bị dập nát, vết thương do dụng cụ lao động và những vật gỉ, bẩn gây ra, vết thương nhiễm trùng, vết thương hở, vết thương bị băng kín lâu gây thiếu ôxy... Bởi vậy, việc cần làm khi bị tổn thương là xử lý ngay vết thương bằng cách giải phóng hết dị vật trong vết thương (như bùn, đất, cát, mảnh sành, đinh, gai...), rửa vết thương bằng xà phòng nhiều lần, sát khuẩn bằng dung dịch như cồn 70 độ, ôxy già hoặc dung dịch betadin, thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn vết thương.

Việc đắp tỏi hoặc các loại lá cây khác hầu như không có hiệu quả phòng ngừa uốn ván. Nếu vết thương 7 ngày chưa lành thì rất nghi ngờ bị nhiễm trùng, bạn nên đưa mẹ tới bệnh viện để bác sĩ xem xét, đánh giá và tiêm kháng độc tố nếu bác sĩ thấy cần thiết.

 

Thoái hóa xương và thoái hóa khớp có giống nhau không?

- Lê Yến - hongyen...@gmail.com

Em chào bác sĩ,

Bác sĩ cho em hỏi thoái hóa xương và thoái hóa khớp có giống nhau không ạ, em tìm hiểu về thoái hóa xương mà toàn ta thoái hóa khớp thôi. Thông tin thêm: Em chưa dùng 1 loại thuốc nào, em tìm hiểu về tình hình của mẹ ạ.

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Về mặt thuật ngữ y khoa thì không có bệnh lý thoái hóa xương mà chỉ có loãng xương. Loãng xương và thoái hóa khớp là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau.

Thoái hóa khớp liên quan đến sự phá hủy sụn khớp, xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể nhưng phần lớn là các khớp chịu lực như khớp ở hông, đầu gối, cột sống cổ, thắt lưng và bàn chân.

Còn loãng xương là bệnh của xương, xảy ra khi xương mất dần canxi, khiến xương bị xốp, yếu và trở nên dễ gãy hơn.

Đối với phụ nữ đã mãn kinh có nguy cơ mắc loãng xương khá cao, do đó, bạn nên cho mẹ đi tầm soát bằng đo loãng xương để phát hiện và điều trị nhé!

 

Vết thương chảy nước vàng nửa tháng rồi, như vậy có sao không?

- N. Thị Thúy Tiên - điện thoại: 098426…

Vết thương của em sao nó bị chảy nước vàng hoài ạ? Tối đến sáng thì nó khô rồi sáng em đi làm đứng suốt nên nó chảy nước vàng, lâu lâu bị đau và bị đỏ, vết thương hơn nửa tháng rồi vậy có bị sao không ạ?

Chào bạn,

Thời gian lành vết thương phụ thuộc vào kích thước, độ nặng và quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc. Hầu hết các vết thương nhỏ có thể tự lành trong tuần đầu tiên, nhưng nếu vết thương rộng, sâu thì thời gian lành thường kéo dài hơn. Vết thương chảy dịch nhiều cần được khám để đánh giá xem có nhiễm trùng hay không, từ đó điều trị kháng sinh thích hợp.

 

Uống thuốc lao khi đang điều trị bệnh nhược cơ, có sao không?

- FB Phuc T.

Chào bác sĩ,

Cho tôi hỏi đang điều trị bệnh nhược cơ, dùng thuốc Mestinon với Medrol 16 mg mà giờ uống thuốc lao có sao không bác sĩ?

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên:

Chào bạn,

Hiện tại chưa ghi nhận có tương tác giữa các thuốc điều trị nhược cơ và thuốc kháng lao. Dùng thuốc trị nhược cơ có thể gây suy giảm sức đề kháng, do đó, bạn có thể tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ thần kinh xem xét giảm liều thuốc kháng viêm.

Thuốc kháng lao nên được uống vào lúc sáng sớm, khi bụng đói, và có thể uống cách xa các thuốc khác ít nhất 2 giờ để hạn chế tương tác hoặc giảm hấp thu trong đường tiêu hóa bạn nhé!

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X