Hotline 24/7
08983-08983

Điều trị ung thư vú có được ăn thịt đỏ, uống nước ép trái cây, tiêm ngừa dại?

Những thắc mắc thiết thực này đã được giải đáp trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu được tổ chức vào buổi sáng ngày 22/12 vừa qua tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2, với chuyên đề “Những tác dụng phụ thường gặp khi điều trị nội khoa với bệnh nhân ung thư vú và cách xử lý”.

Buổi sinh hoạt tháng 12 có sự chia sẻ kiến thức chuyên môn của TS.BS Phan Hồng Đức - Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu, TS.BS Nguyễn Hoàng Quý - Phó Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu và BS.CK2 Trần Thị Anh Tường - Trưởng khoa Dinh dưỡng, cùng hơn 50 khách mời tham dự là bệnh nhân, thân nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM.

Trong đó, TS.BS Nguyễn Hoàng Quý đem lại những thông tin hữu qua bài báo cáo tập trung vào vấn đề những tác dụng phụ thường gặp khi điều trị nội khoa với bệnh nhân ung thư vú và cách xử lý. Ngoài ra, các chuyên gia cũng dành thời gian gần 1 giờ đồng hồ để giải đáp nhiều thắc mắc từ việc điều trị đến dinh dưỡng.

Buổi sinh hoạt nhận được sự quan tâm của đông đảo bệnh nhân, thân nhân

Với câu hỏi “Người bệnh ung thư vú sắp vào hóa chất bị chó cắn thì có được chích ngừa?”, TS.BS Phan Hồng Đức nhấn mạnh, dù trong quá trình điều trị hóa chất nhưng nếu không may bị con vật cắn thì người bệnh nên ưu tiên đi tiêm ngừa dại. Lúc trước tiêm ngừa COVID-19 là vắc xin sống giảm độc lực nên phải tiêm cách xa ngày truyền thuốc 7-10 ngày. Còn hiện tại, tiêm ngừa dại là ưu tiên hàng đầu, bởi vì bệnh dại khi đã phát bệnh sẽ không có cách nào điều trị. Do đó, chuyên gia khuyến cáo, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế như Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM để được tư vấn và tiêm ngừa.

BS.CK2 Trần Thị Anh Tường cũng đồng tình với ý kiến trên và nhấn mạnh thêm, bệnh dại đặc biệt nghiêm trọng, vì thế trong trường hợp này người bệnh nên ưu tiêm ngừa dại. Tuy nhiên, cần lưu ý, không phải vắc xin nào cũng được “ưu tiên” trong thời gian điều trị hóa chất. Ví dụ như vắc xin cúm, chúng ta cần đặt vấn đề hóa trị ung thư vú lên hàng đầu và sau đó mới tiêm ngừa.

“Đặc biệt là các vắc xin sống giảm độc lực, khi sức đề kháng kém do cơ thể đang hóa trị, việc tiêm ngừa có thể ảnh hưởng đến hiệu quả vắc xin, chưa kể virus bất hoạt có khả năng bùng phát trên người bệnh. Như vậy, khi đặt lên ưu tiên, người bệnh mới nên tiêm ngừa chứ không phải chích theo thường quy” - BS.CK2 Trần Thị Anh Tường khuyến nghị.

TS.BS Phan Hồng Đức - Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Người bệnh đặt ra câu hỏi: “Ung thư vú trái giai đoạn 3, phác đồ hóa trị đã vào hóa chất 4-5 lần, như vậy liệu trình này bao lâu sẽ dừng lại và có phải mổ không?

Với trường hợp này, TS.BS Nguyễn Hoàng Quý lý giải, sở dĩ bác sĩ vào thuốc hóa chất trước khi mổ là với mục đích cho khối u gom nhỏ lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phẫu thuật. Tùy theo phác đồ hóa trị và loại khối u sẽ lựa chọn vào thuốc bao nhiêu toa. Chẳng hạn, trường hợp khối u phù hợp với thuốc sinh học, thông thường người bệnh sẽ vào 6 toa. Mỗi 3 toa bác sĩ sẽ đánh giá, siêu âm kiểm tra khối u. Nếu khối u gom nhỏ lại sẽ tiếp tục điều trị thêm 3 toa nữa và sau đó quyết định việc phẫu thuật.

“Bệnh nhân đã vào 4 toa, như vậy theo dự kiến sẽ đánh giá lại để kiểm tra khối u. Nếu khối u nhỏ lại sẽ tiếp tục vào thêm 4 toa nữa. Sau 8 toa, bác sĩ sẽ siêu âm đánh giá và nếu thuận lợi thì chỉ định phẫu thuật” - TS.BS Nguyễn Hoàng Quý chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Hoàng Quý - Phó Trưởng khoa Nội tuyến vú, tiêu hóa, gan, niệu - Bệnh viện Ung Bướu TPHCM

Một thắc mắc liên quan đến vấn đề điều trị tiếp tục được gửi cho TS.BS Nguyễn Hoàng Quý “Bệnh nhân ung thư vú có chỉ định dùng thuốc sinh học, nhưng nếu không điều trị bằng giải pháp này thì có ảnh hưởng không?”. Chuyên gia cho rằng, trước đây, khi thuốc sinh học chưa ra đời, bệnh nhân ung thư vú vẫn có thể chữa khỏi. Như vậy, không phải bắt buộc dùng thuốc sinh học mới hết bệnh. Song, người ta thấy rằng, giữa việc sử dụng thuốc hóa chất và sinh học, khả năng chênh lệch nhau 10%. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bệnh nhân sử dụng thuốc sinh học chắc chắn không tái phát bệnh. Thực tế, ngay cả khi người bệnh dùng thuốc vẫn có tỷ lệ tái phát.

Người bệnh ung thư vú gửi lời cảm ơn đến các bác sĩ Bệnh viện Ung Bướu TPHCM đã tận tâm điều trị và đặt câu hỏi liên quan đến thuốc sinh học, đồng thời nhờ bác sĩ kiểm tra dị vật ghi nhận được trên phim x-quang

Thắc mắc của người bệnh ung thư vú giai đoạn 3 di căn khiến nhiều người xúc động “Nếu sau khi hóa trị nhưng em không đủ điều kiện kinh tế để mổ hoặc xạ trị, vậy dừng lại một thời gian thì có ổn không?”.

TS.BS Phan Hồng Đức trấn an, câu chuyện này của bệnh nhân không phải là hiếm gặp ở Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. Thực tế, xung quanh bệnh nhân còn rất nhiều sự hỗ trợ, chẳng hạn như Phòng Công tác xã hội, Ban chủ nhiệm khoa, các nhà tài trợ… Vì vậy, vấn đề là người bệnh cần mạnh dạn chia sẻ các vấn đề khúc mắc với bác sĩ, từ đó lựa chọn giải pháp điều trị phù hợp nhất với bệnh lý, hoàn cảnh của bệnh nhân hoặc cũng như được hỗ trợ để hoàn tất quá trình điều trị đúng thời điểm.

BS.CK2 Trần Thị Anh Tường cũng động viên, bác sĩ luôn mong muốn điều trị tối ưu nhất, do đó người bệnh có thể liên hệ với bác sĩ điều trị ở khoa Nội 4, Phòng Công tác xã hội hay thậm chí là khoa Dinh dưỡng của bệnh viện để được hỗ trợ. Các nhà tài trợ, mạnh thường quân sẵn sàng giúp đỡ những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Hơn nữa, chi phí phẫu thuật không cao, vì vậy trước tiên bệnh nhân cần an tâm liên hệ để được hỗ trợ, chứ không nên ngưng điều trị một thời gian, bởi vì hóa trị sẽ giúp khối bướu nhỏ lại, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật. Trong khi đó, nếu ngưng điều trị, bướu có thể bùng phát và khi quay lại bệnh viện, bác sĩ có thể không phẫu thuật được.

Người bệnh ung thư vú giai đoạn 3 bật khóc khi đặt câu hỏi có nên ngừng điều trị một thời gian khi điều kiện kinh tế không cho phép

Các bác sĩ động viên và hướng dẫn người bệnh liên hệ đến khoa Nội 4, Phòng Công tác xã hội cũng như khoa Dinh dưỡng để được hỗ trợ

Trong buổi sinh hoạt, các vấn đề dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư vú được nhiều người quan tâm. Một câu hỏi được đặt ra: “Người bệnh đang điều trị ung thư được khuyến cáo là hạn chế thịt đỏ, vậy việc ăn hạn chế này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?”.

BS.CK2 Trần Thị Anh Tường cho biết: “Thịt đỏ gồm có cả thịt heo, chứ không chỉ riêng thịt bò. Trước đây, khi chưa đọc sách và học nhiều, với câu hỏi này, tôi sẽ trả lời là bệnh nhân không cần kiêng thịt đỏ. Bởi vì nguyên tắc là thực phẩm nào cũng có chất tốt cho cơ thể và vấn đề gây hại là do thói quen sử dụng quá nhiều. Người ta thấy rằng, ăn thịt đỏ 2-3 lần/ tuần, nghĩa là khoảng 300g một tuần là chế độ ăn khỏe mạnh và phòng ngừa ung thư.

Tuy nhiên, khi đọc thêm về tương tác hiệu quả của thuốc và thức ăn thì cho thấy, thịt đỏ làm giảm tác dụng hiệu quả của thuốc nội tiết và thuốc sinh học trong điều trị ung thư vú. Như vậy, trong thời gian điều trị thuốc nội tiết và thuốc sinh học, người bệnh ung thư nên hạn chế ăn thịt đỏ. Điều đó có nghĩa là, nếu người bệnh không có nhu cầu ăn thịt đỏ thì không cần dùng luôn cũng được. Tuy nhiên, nếu chúng ta thèm quá thì có thể ăn 2-3 lần/ tuần, khoảng 300g/ tuần”.

Buổi sinh hoạt câu lạc bộ trò chuyện cùng bác sĩ chuyên khoa ung bướu không chỉ có sự tham dự của thân nhân, bệnh nhân mà còn là những buổi học đầy ắp kiến thức bổ ích cho sinh viên trường y

Với câu hỏi “Người bệnh ung thư vú bị tiêu chảy do nóng cơ thể nóng sau hóa trị, nhưng uống nước ép lại sợ đau bụng, vậy phải làm sao?”, BS.CK2 Trần Thị Anh Tường cho biết, nhiều người có sở thích uống nước cam, nước bưởi, nước lựu ép… và tin rằng những loại này sẽ giúp cung cấp vitamin và nâng cao sức đề kháng.

Tuy nhiên, với đa số các thuốc hóa chất cũng như thuốc nội tiết hay thuốc sinh học… thì nước bưởi ép, nước lựu có thể tương tác thuốc, làm tăng độc tính của thuốc hoặc có thể làm tăng tác dụng phụ của thuốc.

Vì vậy, trong thời gian hóa trị cũng như điều trị nói chung, người bệnh ung thư vú không nên sử dụng các loại nước ép, trái cây có múi như bưởi, cam, quýt… Thay vào đó, người bệnh có thể dùng các loại trái cây, nước ép khác có màu đỏ tươi, đỏ đậm (như dâu, cherry…), hoặc màu xanh (như kiwi, nho…).

Ngoài ra, khi bị tiêu chảy, loại nước phù hợp nhất là chanh muối để bù lại lượng muối đã mất. Nếu đi cầu 1 lít, thì người bệnh phải bù hơn 1 lít nước, nếu không sẽ bị thiếu nước. Mặc dù chanh cũng thuộc họ múi nhưng không ghi nhận tương tác với thuốc. Sau khi hoàn thành liệu trình hóa trị, người bệnh có thể quay trở lại chế độ ăn bình thường, không cần kiêng cữ.

Thắc mắc tiếp tục đặt ra: “Bệnh nhân đang điều trị cần hạn chế cam, bưởi, lựu. Vậy những loại khác như nước dừa, rau má, nước diếp cá có được dùng không?”.

BS.CK2 Trần Thị Anh Tường đưa ra lời khuyên, người bệnh có thể sử dụng nước dừa, nước rau má… tuy nhiên cần khống chế lượng đường, không nên dùng quá nhiều. Đối với các loại nước giải khát khác có cồn, cà phê hay một số loại trà, bệnh nhân không nên sử dụng. Một loại thảo dược cũng được chuyên gia đề cập đó là nấm linh chi gây tương tác với thuốc điều trị sinh học. Do đó, nếu người bệnh ung thư vú điều trị bằng thuốc này thì không sử dụng nấm linh chi để làm trà.

Vậy còn các loại nấm tươi thì có ăn được không?”, câu hỏi này được BS.CK2 Trần Thị Anh Tường giải đáp ngay, nấm hương, nấm rơm, nấm đùi gà… đều là những thực phẩm tốt. Người ta thấy rằng chế độ ăn thực vật thực tế tốt hơn so với ăn thịt trong khi điều trị hóa chất.

Dinh dưỡng, ăn uống là thắc mắc thường gặp của người bệnh đang điều trị ung thư

Liên quan đến vấn đề “Táo bón khi vào hóa chất ở bệnh nhân ung thư”, BS.CK2 Trần Thị Anh Tường cho biết, đây là tình trạng thường gặp, điều này do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là ăn ít sẽ đi ngoài ít. Thứ hai là uống ít nước. Thứ ba là ít vận động. Thứ tư là một số tác dụng phụ của hóa trị và thuốc giảm đau cũng gây bón.

Chuyên gia hướng dẫn, nếu là táo bón (không phải là tình huống tắc ruột - bụng không chướng, không ói, chỉ đơn thuần là lâu rồi không đi ngoài), người bệnh nên thay đổi chế độ ăn, kiểm tra việc uống nước cần đảm bảo 2 lít nước mỗi ngày, năng vận động hơn. Ngoài ra, người nhà có thể xoa bụng cho bệnh nhân theo chiều kim đồng hồ và chườm ấm.

Cậu con trai xúc động bật khóc khi chia sẻ tình trạng người bố bị ung thư phổi giai đoạn cuối, người gầy yếu và muốn chuyển sang điều trị bằng thuốc nam nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về tính hiệu quả cũng như sự an toàn

Câu chuyện của những người trong cuộc chiến ung thư, gồm cả thân nhân và bệnh nhân khiến các bác sĩ không khỏi chạnh lòng

Một câu hỏi bên lề “Người bệnh ung thư phổi di căn, gia đình muốn chuyển sang uống thuốc nam, nên hay không?”, TS.BS Phan Hồng Đức nhấn mạnh, đến thời điểm này, không có thuốc nam nào được công nhận là chữa khỏi ung thư, dù là ở bất kỳ giai đoạn nào. Ngay cả các chuyên gia đến từ những cơ sở y tế sử dụng thuốc y học dân tộc như Viện Y Dược học dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền cũng không cho rằng thuốc nam chữa ung thư, mà chỉ là hỗ trợ cho quá trình điều trị.

Để một loại thuốc ra đời và sử dụng trên bệnh nhân cần trải qua một quá trình nghiên cứu rất khắt khe và lâu dài, bao gồm cả thuốc điều trị ung thư. Vì vậy, dù là thực vật, lá, cây cỏ chứa hoạt chất điều trị ung thư cũng đều phải trải qua quá trình nghiên cứu với nhiều giai đoạn khác nhau, đầu tiên là nghiên cứu trên súc vật để kiểm tra tính hiệu quả, sau đó là trên một nhóm nhỏ người bệnh và kế tiếp là một nhóm bệnh nhân rất lớn.

Những loại thảo dược được bệnh nhân ung thư quan tâm nhiều nhất có thể kể đến lá đu đủ, bông đu đủ đực, xạ đen, nấm lim xanh, linh chi… hoặc những lời đồn, quảng cáo trên mạng như “3 đời nhà tôi chữa bệnh” đều không có hiệu quả chữa ung thư.

“Sức đề kháng của người bệnh ung thư ít nhiều đã bị suy giảm. Đặc biệt là với bệnh nhân tiến xa, di căn, sức đề kháng suy giảm hơn người bình thường rất nhiều, các cơ quan cũng kém hơn, nếu sử dụng thuốc nam không rõ hiệu quả ngược lại có thể gây hại cho người bệnh, thậm chí là suy gan, suy thận.

Dẫu biết tâm lý của thân nhân là phước chủ may thầy, nhưng chính điều đó cũng có thể gây hại cho bệnh nhân. Do đó, chúng ta cần thận trọng. Nếu ở trong giai đoạn không vào hóa chất được nữa, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM hiện có khoa Chăm sóc giảm nhẹ, tại đây có những chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ và cả dinh dưỡng, đưa ra những giải pháp giảm bớt đau đớn, khó chịu, tăng chất lượng sống cho người bệnh. Hoặc nếu muốn hỗ trợ điều trị bằng thuốc nam thì người nhà có thể đến những cơ sở y tế uy tín như Viện Y Dược học dân tộc, Bệnh viện Y học cổ truyền, như vậy sẽ có sự tư vấn hiệu quả và an toàn hơn” - TS.BS Phan Hồng Đức khuyến cáo.

Gần 1 giờ đồng hồ giải đáp thắc mắc là chưa đủ, sau khi kết thúc buổi sinh hoạt, nhiều người bệnh còn đặt ra câu hỏi khác cho bác sĩ, xem hồ sơ, phim chụp x-quang...

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X