Hotline 24/7
08983-08983

Điểm danh 4 nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên đi ngoài phân lỏng

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu - Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Thành phố chỉ ra 4 nguyên nhân khiến trẻ thường xuyên đi ngoài phân lỏng và các biện pháp khắc phục, chế độ dinh dưỡng giúp trẻ mau khỏi bệnh.

1. Những yếu tố, thói quen sinh hoạt nào dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng ở trẻ kéo dài dai dẳng và hay tái lại?

Xin hỏi BS, trẻ đi ngoài phân lỏng do những nguyên nhân nào gây ra? Những yếu tố hay thói quen nào sinh hoạt dẫn đến tình trạng này dai dẳng, hay tái lại ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Đối với những trường hợp trẻ thường xuyên đi ngoài phân lỏng sẽ có rất nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là do tình trạng nhiễm trùng, nhiễm siêu vi, vi trùng hoặc ký sinh trùng.

Thứ hai có thể là do trẻ gặp các vấn đề rối loạn về nội tiết hoặc rối loạn về miễn dịch.

Thứ ba là nguyên nhân xuất phát từ thói quen ăn uống của trẻ, ví dụ như ăn quá nhiều đồ ngọt, điều này có thể làm cho trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần.

Thứ tư là nguyên nhân về những vấn đề dinh dưỡng, trẻ có thể bị thiếu chất như kẽm (ZinC), có thể gây ra tình trạng kém hấp thu, từ đó làm cho cơ thể gặp tình trạng dễ bị tiêu chảy, đi phân sống hoặc đi phân có mỡ.

2. Phụ huynh cần làm gì khi trẻ đi ngoài phân lỏng kéo dài không khỏi?

Tình trạng này khiến nhiều phụ huynh phiền não, vì hết đi BS này lại đến BS khác nhưng con vẫn không khỏi. Theo BS, khi điều này xảy ra, phụ huynh cần làm gì?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Đối với những trường hợp trẻ bị tiêu chảy tái diễn nhiều lần, đi thăm khám ở nhiều bác sĩ để điều trị nhưng không hết, quý phụ huynh cần giữ bình tĩnh trong trường hợp này. Vì đôi khi việc thăm khám và điều trị chưa giải quyết được nguyên nhân đi phân lỏng ở trẻ.

Như đã trình bày, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng này. Thông thường, khi đi thăm khám, các bác sĩ sẽ nhận định trẻ có thể bị nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc bị viêm đường ruột đơn thuần là do nhiễm siêu vi và có thể hết trong vòng 7 - 10 ngày.

Việc điều trị không chỉ đơn thuần là vai trò của các bậc ba mẹ, còn đến từ vai trò của nhà trường, cũng như từ những người thân trong gia đình trực tiếp chăm sóc cho trẻ.

Tuy nhiên, nếu tình trạng đi phân lỏng kéo dài hơn, đầu tiên là lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh cũng như người thân trong gia đình nên lưu ý về cách ăn uống của trẻ, việc ăn uống của trẻ rất quan trọng. Ví dụ trẻ thích ăn nhiều đồ ngọt hoặc ăn nhiều đồ chiên xào sẽ khiến cho tình trạng không thể nào thuyên giảm. Đôi khi lượng chất béo hoặc lượng đường đưa vào bên trong cơ thể trẻ không thể hấp thu được. Do đó, khi xuống đến ruột già sẽ làm cho trẻ bị tiêu chảy.

Một lưu ý thứ hai là khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài, phụ huynh cần lưu ý đến tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Đầu tiên là lưu ý về cân nặng. Hai là khẩu phần ăn của trẻ có đa dạng hay không.

Thứ ba là tính chất phân của trẻ và đặt câu hỏi “ngày hôm nay con mình đi ra phân như thế nào? Phân có bọt hay có mùi chua không?”, có một số ba mẹ sẽ cảm nhận được tính chất phân của con mình.

Bên cạnh đó, phụ huynh cần theo dõi xem phân trẻ đi có máu không hay có biểu hiện khó chịu hay đau bụng hay không, đây là những trường hợp ba mẹ cần lưu ý. Khi ba mẹ thấy tình trạng phân của con mình có dấu hiệu bất thường nên lấy điện thoại ra chụp hình lại để khi đi thăm khám có thể cho bác sĩ xem để đánh giá tình trạng bệnh cho bé.

Ngoài ra, một lưu ý quan trọng khi trẻ bị tiêu chảy kéo dài và đi thăm khám bác sĩ nhiều lần không khỏi là tình trạng mất nước của cơ thể. Ba mẹ cần lưu ý khi con mình uống nước không đủ hoặc tình trạng tiêu chảy vẫn tiếp diễn dẫn đến nguy cơ không bù nước được qua đường uống. Lúc này phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt, các bác sĩ có thể cho bé nhập viện để tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

3. Tần suất trẻ đi ngoài như thế nào là bình thường, thế nào là bất thường?

Tần suất trẻ đi ngoài thế nào là bình thường, thế nào là bất thường? Tính chất phân (lỏng, nhão, sệt, sống) và màu sắc nói lên điều gì, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tần suất đi ngoài trên 3 lần trong 1 ngày hoặc tính chất phân của trẻ bị thay đổi (ví dụ như bình thường trẻ đi phân khuôn đẹp nhưng hôm nay phân lại lỏng hơn, không theo khuôn) có thể định nghĩa là tiêu chảy cấp. Lúc này ba mẹ nên cho trẻ đi thăm khám và điều trị để các bác sĩ tìm nguyên nhân.

4. Nên ăn, hạn chế những loại thực phẩm nào khi trẻ gặp tình trạng đi ngoài phân lỏng

Phụ huynh nên thay đổi chế độ dinh dưỡng như thế nào khi trẻ đi ngoài phân lỏng, tiêu chảy? Nên ăn gì và cần hạn chế những món nào?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Theo phác đồ và những khuyến cáo của thế giới, đối với những trường hợp trẻ bị tiêu chảy, việc bù nước là rất quan trọng. Bù nước bằng nước điện giải Oresol, đôi khi sẽ giúp cho trẻ lấy lại được những chất điện giải như Natri, Kali bị mất qua đường tiêu chảy hoặc trẻ ăn uống kém, có thể bù nước lại cho con.

Thứ hai là ba mẹ không nên cho trẻ kiêng ăn, nên cho con ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm, chất đường, đạm và béo. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên là ba mẹ nên cho trẻ kiêng một số loại thực phẩm nhất định trong giai đoạn này.

Ở một vài trẻ, khi ba mẹ nhận thấy con ăn không tiêu sẽ bắt đầu cho uống nước ngọt như soda để dễ tiêu hóa hơn. Hoặc khi trẻ không chịu ăn phụ huynh sẽ nấu mì gói cho ăn để con không phải nhịn đói. Những loại thức ăn, nước uống này có chứa những thành phần gây khó tiêu và không thể hấp thu hết được ở ruột non của trẻ. Khi những thức ăn dư thừa (được gọi là chất béo không tốt) hoặc những chất carbohydrat không tốt khi xuống đến ruột già có thể làm cho những loại vi khuẩn thường trú ở ruột già gây đầy hơi hoặc khiến cho trẻ cảm thấy chướng bụng, bị tiêu chảy.

Tiếp theo là cần hạn chế ăn vặt, nhiều phụ huynh do thương con, khi không ăn uống được, bị tiêu chảy không hết nên sẽ cho bé một ít bánh ngọt, điều này tưởng chừng như vô hại. Tuy nhiên, đối với những trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần có thể bị bất dung nạp lactose tạm thời.

Khi trẻ bị tiêu chảy, men đường ruột thông thường sẽ tiết ra men lactase để tiêu huỷ đường lactose. Tuy nhiên, trong những sản phẩm thức ăn vặt như bánh quy, kẹo sẽ có hàm lượng đường lactose cao, vô tình phụ huynh đưa đến thất bại trong việc điều trị.

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên lưu ý cho trẻ kiêng đồ chiên xào, kiêng thức ăn nhanh. Ba là hạn chế ăn những loại đồ ăn ngọt hoặc uống nước ngọt sẽ không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ.

5. Có nên tăng cường cho trẻ bổ sung men vi sinh, men tiêu hóa, ăn sữa chua không?

Khi trẻ đi ngoài phân lỏng, các bậc phụ huynh càng tích cực bổ sung men vi sinh, men tiêu hóa, tăng cường ăn sữa chua hơn nữa. Theo BS, điều này nên không ạ?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Có rất nhiều dạng men tiêu hóa trên thị trường hiện nay. Tuy nhiên, theo phát đồ và theo những y văn, khuyến cáo không phải chủng men nào cũng tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ khi xảy ra những vấn đề về tiêu chảy cấp hoặc tiêu chảy kéo dài.

Vì vậy, ba mẹ có thể bổ sung men tiêu hóa cho trẻ tạm thời trong vòng 1 - 2 ngày và theo dõi xem tình trạng bệnh của trẻ có thuyên giảm không. Nếu vẫn khỏe mạnh và không có những biểu hiện nguy hiểm như không bị tiêu chảy quá nhiều hoặc con vẫn vui vẻ, chơi đùa một cách bình thường, phụ huynh có thể thử bổ sung men vi sinh hoặc tiêu hóa trong vòng 1 - 2 ngày để xem tình trạng của trẻ có cải thiện hơn không.

Tuy nhiên, nếu tình trạng tiêu chảy tiếp diễn nhiều lần, trẻ bắt đầu biểu hiện biếng ăn khiến ba mẹ cảm thấy lo lắng, tốt nhất là ba mẹ hoặc ông bà nên cho bé đến viện thăm khám để các bác sĩ có thể tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Về vấn đề có thể cho trẻ uống probi khi đang trong tình trạng tiêu chảy được không? Trong probi có chứa nhiều men vi sinh, tuy nhiên trong thành phần có chứa chất làm ngọt. Vì vậy, đây là một loại thực phẩm không nên cho trẻ sử dụng trong trường hợp tiêu chảy cấp. Vì có thể làm tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột và có thể kéo nước trong lòng đại tràng ra nhiều hơn, khiến trẻ mất nước và làm cho tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn.

6. Những giải pháp điều trị nào cho tình trạng thường xuyên đi ngoài phân lỏng?

Thông thường, khi trẻ đến với tình trạng thường xuyên đi ngoài phân lỏng, uống thuốc hết và hết thuốc lại bị, BS sẽ có những giải pháp điều trị nào và đưa ra lời khuyên ra sao?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Khi trẻ đã được điều trị ngoại trú nhưng không có sự cải thiện. Phụ huynh có thể đưa trẻ đến phòng khám tiêu hóa tại bệnh viện, lúc này bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên, ví dụ như cho trẻ nhập viện để theo dõi.

Bởi vì trong những trường hợp tiêu chảy kéo dài, các bác sĩ không thể gặp được trẻ để nhận định tình trạng tại một thời điểm tốt nhất. Vì vậy, việc trẻ được theo dõi tại bệnh viện là điều đầu tiên mà các bác sĩ mong muốn.

Tuy nhiên, nếu như phụ huynh chưa thực sự tìm ra được thời gian cho bé nhập viện, có thể thẳng thắn trao đổi, từ đó bác sĩ có thể đưa ra những lời khuyên như đánh giá tình trạng của trẻ có thể bị bất dung nạp lactose. Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài ba mẹ có thể kiêng những loại thực phẩm có chứa đường lactose.

Nếu nghi ngờ trẻ có những bệnh lý bất thường, gây ra tình trạng đi ngoài phân lỏng không ngừng, phụ huynh tự nhận định đây là tiêu chảy kéo dài. Nhưng trên thực tế có thể đây là tình trạng viêm đại tràng, bệnh lý này có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Ví dụ trẻ có triệu chứng đau bụng kéo dài kèm theo hoặc đi cầu ra máu hay sút cân. Khi có dấu hiệu nguy hiểm, ba mẹ nên lắng nghe theo chẩn đoán của bác sĩ và cho bé nhập viện để theo dõi và tìm nguyên nhân.

7. Đi ngoài phân lỏng thường xuyên có khiến cho đường ruột trẻ yếu hơn và dễ sinh bệnh trong tương lai không?

Nhiều người cũng lo ngại, tình trạng này diễn ra thường xuyên sẽ làm cho đường ruột của trẻ yếu hơn, dễ sinh bệnh trong tương lai. Nỗi lo này liệu có cơ sở không, thưa BS?

ThS.BS.CK1 Lê Chí Hiếu trả lời: Ông bà ta có câu “bệnh từ miệng vào”, khi trẻ bắt đầu xuất hiện tình trạng tiêu chảy một lần, hệ tiêu hóa sẽ có nhiều thay đổi. Đầu tiên là thay đổi về hệ lợi khuẩn trong đường ruột của trẻ.

Phụ huynh thường đặt câu hỏi là “Vậy sau khi con tôi bị tiêu chảy quá nhiều thì con của tôi có thể bổ sung men vi sinh được hay không?” hay “Liệu sau này con tôi có bị suy dinh dưỡng hay không?” đây là những câu hỏi thường gặp trong quá trình thăm khám và có cơ sở. Khi có những bất thường về tổn thương những niêm mạc ruột, em bé có thể bị kém hấp thu hơn hoặc hệ vi khuẩn có lợi không còn được hoàn chỉnh, có thể làm cho trẻ tiếp tục tái diễn tình trạng đi ngoài phân lỏng.

Bên cạnh đó, sau một thời gian dùng những loại thuốc kháng sinh điều trị đường hô hấp có thể làm ảnh hưởng hệ vi sinh vật đường ruột trong cơ thể. Những trường hợp này có thể làm cho trẻ bị tiêu chảy nhiều hơn so với những nhóm trẻ bình thường.

Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không cần quá lo lắng, sau những đợt bệnh được điều trị hoàn toàn ở những trường hợp bị tiêu chảy, ba mẹ có thể bắt dầu hướng dẫn trẻ tập ăn uống lại. Ba mẹ nên cho con ăn uống đa dạng và kiêng 1 số loại thực phẩm không tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ như đã đề cập ở trên hoặc bổ sung những vi chất cơ thể trẻ có thể thiếu như sắt, kẽm hoặc những loại vitamin, khoáng chất khác, từ đó giúp trẻ mau lớn và khỏe mạnh trở lại.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X