Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Hoa Kỳ - Viện trưởng Viện Y sinh Việt Nam - Hoa Kỳ, Trung tâm Ung thư MD Anderson, Hoa Kỳ
TS Phan Minh Liêm: Sau hóa trị, xạ trị không nên ép bệnh nhân ăn nhiều
Câu hỏi
Kính chào TS Liêm, Thưa anh, em đang học ngành điều dưỡng. Em có đi làm thêm là chăm sóc bệnh nhân ung thư tại nhà. Em thấy, thường sau mỗi lần hóa trị, người bệnh hay có cảm giác rất chán ăn, vậy nên dùng thực phẩm gì bổ dưỡng thay thế những lúc chán ăn như vậy? Em đến chăm sóc các bệnh nhân, nhìn họ không nuốt nổi mà thấy xót xa lắm. Em nên tư vấn cho bệnh nhân nên ăn gì, cho ngon miệng và đảm bảo dinh dưỡng. Nhiều bệnh nhân chọn cách uống sữa Ensure thay bữa ăn. Như thế có đủ dinh dưỡng không ạ? Có người xay 5 loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành và đậu phọng) làm nước uống hàng ngày. Uống như thế có đủ chất bổ dưỡng và công thức 5 loại đậu trong 1 loại nước uống có đúng không ạ? Em cảm ơn và kính chúc sức khỏe TS Phan Minh Liêm cùng gia đình AloBacsi. (Với em Alobacsi như gia đình vì có thắc mắc gì em cũng níu hỏi các anh chị ở đó). (Bạn đọc Nguyễn Thị Ngọc Liên - 25 tuổi, liennguyen…@gmail.com)
Trả lời
Đúng là mỗi lần hóa trị hay xạ trị cảm giác chán ăn thường xuyên xảy ra. Đối với những trường hợp này, bệnh nhân nên có một chế độ dinh dưỡng đặc biệt dành riêng cho những ngày đó. Nghĩa là nếu bệnh nhân không nhai được hay biếng ăn, chúng ta có thể xay nhuyễn ra, làm những món hợp khẩu vị của bệnh nhân, chia làm nhiều bữa nhỏ.
Vì bệnh nhân sau những ngày hóa trị sẽ có cảm giác buồn ói, ói thường xuyên (một số trường hợp BS sẽ cho thuốc chống ói) nên cần cho bệnh nhân ăn nhiều bữa nhỏ, thậm chí là 2 giờ cho ăn 1 lần, để đối phó với tình trạng ói của bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân nên uống đủ nước để thải độc cơ thể và bảo vệ gan thận khỏi tác dụng phụ của hóa trị. Nói chung là nên lựa chọn những món bệnh nhân thích nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và hợp lý. Điều này tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người, do đó người điều dưỡng cần trao đổi với bệnh nhân xem thích ăn những món gì từ đó đề ra chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Tình trạng chán ăn sẽ giảm dần, thường là khoảng 3-4 ngày sau khi hóa trị xong bệnh nhân sẽ hồi phục. Đa số các trường hợp là như vậy và bệnh nhân có thể ăn trở lại.
Trong 3 - 4 ngày bệnh nhân có cảm giác ói nhiều hay mệt nhiều thì chúng ta phải chấp nhận thực tế là khả năng bệnh nhân lấy chất dinh dưỡng khó hơn. Sau khi bệnh nhân hồi phục sẽ cho bệnh nhân ăn bù thêm những chất đã mất.
Tuy nhiên, chúng ta không nên ép bệnh nhân ăn quá nhiều, bởi vì điều này tùy thuộc vào thể trạng và nhu cầu của mỗi người. Chúng ta chỉ nên động viên chứ không nên ép.
Đối với các loại sữa như Ensure thì nếu bệnh nhân không ăn uống được gì thì chúng ta buộc phải dùng, bởi vì yêu cầu quan trọng đối với bệnh nhân lúc đó là cần có năng lượng để đảm bảo sự sinh tồn và sự hồi phục. Trong những trường hợp không ăn được thì chúng ta có thể sử dụng sữa Ensure để thay thế nhưng chúng ta không nên lạm dụng mà nên dựa vào những thực phẩm mà bệnh nhân thích ăn.
Việc sử dụng 5 loại đậu (đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu nành và đậu phọng), trong đó có đậu nành việc nó tác dụng lên ung thư như thế nào hiện nay khoa học chưa thực sự rõ lắm. Một số trường phái cho là tốt, một số trường phái lại cho là không tốt. Tuy nhiên, cả 2 trường phái này chưa đưa ra được luận cứ chứng minh mang tính thuyết phục để bác bỏ bên kia vì còn tùy thuộc vào số lượng đậu nành được tiêu thụ mỗi ngày cũng như hàm lượng Isoflavone hay những chất có tương tự như Estrogen ở đậu này. Đây là vấn đề hiện nay đang tranh cãi.
Đậu phụng thì tốt cho sức khỏe nhưng đậu phụng tại một số nước nhiệt đới trong quá trình sau khi thu hoạch được bảo quản thì có nguy cơ sẽ nhiễm các loại nấm sản sinh độc tố Aflatoxin gây ung thư gan. Do đó, anh khuyên là nên thay đậu nành, đậu phụng bằng đậu ván hay đậu trắng thì sẽ tốt hơn. Đủ chất dinh dưỡng thì tất nhiên tại thời điểm bệnh nhân không ăn uống được gì thì tạm thời có thể sử dụng các loại đậu này để cung cấp, bổ sung chất dinh dưỡng nhất định cho bệnh nhân nhưng không thể dựa hoàn toàn vào 5 loại đậu này lâu dài được, đây là điều không nên làm.
5 loại đậu này không thể nào có đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng như chất vi lượng, khoáng chất, vitamin cho bệnh nhân được mà cần phải dựa vào một số loại khác nữa ví dụ như rau xanh, hoa quả, hải sản hay một số loại đạm nguồn gốc thực vật….
Nói chung với tư cách là người điều dưỡng, chăm sóc cho bệnh nhân từng miếng ăn, giấc ngủ là điều rất đáng quý vì thực sự người bệnh nhân có hồi phục hay không phụ thuộc rất nhiều vào người điều dưỡng và sự chăm sóc của gia đình. Thầy thuốc hay BS là người chữa trị cho bệnh nhân tại bệnh viện nhưng khi bệnh nhân về nhà thì chủ yếu dựa vào điều dưỡng và gia đình, cho nên những kiến thức cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp cho bệnh nhân hồi phục nhanh hơn,việc điều trị sẽ khả quan hơn.
Đó là một vài lời chia sẻ của anh gửi đến Ngọc Liên.
Thân mến!
Trích trong: TS Phan Minh Liêm: Thực phẩm phòng ngừa ung thư và dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư
Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe - AloBacsi.vn
>>> TS Phan Minh Liêm - Viện Ung thư Hoa Kỳ: "Ung thư - hiểu đúng để phòng bệnh"
>>> “Thay đổi những thói quen nhỏ có thể giảm 2/3 nguy cơ ung thư”
>>> TS Phan Minh Liêm và hội thảo ung thư: Câu chuyện của 4 tiếng đồng hồ và 300 khách mời
>>> Những phương pháp giảm nguy cơ ung thư hiệu quả
Phần tư vấn trên là gợi ý, định hướng ban đầu. Bạn đọc nên đi khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi muốn chẩn đoán đúng, bác sĩ cần thăm khám trực tiếp. Mọi thắc mắc về sức khỏe, dịch vụ y tế, vui lòng: › Gửi đến email: kbol@alobacsi.vn › Đặt câu hỏi ngay chuyên mục Khám bệnh Online và Hỏi đáp Dịch vụ Y tế trên trang AloBacsi.vn › Hoặc https://www.facebook.com/alobacsi.vn123 › Để nói chuyện trực tiếp với bác sĩ, hàng ngày, từ 17 -19g, Hotline: 08983 08983 - 0976 328 725 |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình