Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -
Trẻ bị ói chu kỳ, vì sao BS cho dùng thuốc điều trị động kinh?
Câu hỏi
Thưa BS, Con em 4,5 tuổi, khởi phát bệnh ói lúc 13 tháng. Cứ 20-30 ngày là cháu bệnh, mỗi lần bệnh ói liên tục 30-40 lần/ ngày và kéo dài 4-5 ngày thì khỏi. BV Nhi Đồng 2 làm xét nghiệm: CT-scan, X-quang, đo điện não, điện tim đều bình thường, kết luận cháu bệnh ói chu kỳ, không có thuốc điều trị, chỉ uống thuốc Peritol để kéo giãn chu kỳ nhưng không có kết quả. Sau đó em cho cháu đi khám ở BS Phạm Quỳnh Diệp, BS Diệp cho uống Depakine và B6, hơn 2 năm nay cháu không phát bệnh nữa. AloBacsi ơi, con em không bị động kinh sao uống thuốc này lại không phát bệnh? Em đọc trên mạng thấy uống thuốc này lâu dài không tốt. BS tư vấn giúp em có thuốc nào thay thế được không? Em để ý nhiều lần cháu bị hoảng hốt lo sợ cũng phát bệnh, vậy thần kinh cháu có vấn đề gì không ạ? Xin chân thành cám ơn BS. (Tường Oanh - TPHCM)
Trả lời
Chào em,
Hội chứng ói chu kỳ ở trẻ em biểu hiện bởi các đợt ói cường độ dữ dội: ói nhiều lần, có khi liên tục, không kềm lại được. 50% các trường hợp trẻ cần nhập viện để thiết lập đường truyền bù nước và điện giải. Các đợt ói này lặp đi lặp lại, kéo dài từ nhiều giờ đến nhiều ngày, các đợt có thể dài ngắn không giống nhau ở những lần tái phát. Ngoài triệu chứng ói, trẻ còn có biểu hiện xanh xao, thờ ơ, chán ăn và đau bụng.
Xen giữa các đợt ói là khoảng thời gian hoàn toàn không có triệu chứng bất thường; thời gian không triệu chứng cũng dao động không theo bất kỳ quy luật nào.
Hội chứng này chiếm khoảng 1,9% trẻ ở lứa tuổi đi học. Cho đến thời điểm hiện tại, hội chứng ói chu kỳ ở trẻ em vẫn được xem là vô căn (không tìm thấy nguyên nhân). Tuy nhiên khi theo dõi lâu dài ở các trẻ này, vào tuổi trưởng thành thường xuất hiện bệnh lý Migraine; và cũng ghi nhận tiền căn Migraine ở các thành viên khác trong gia đình.
Bên cạnh đó, người ta thường ghi nhận một số yếu tố liên quan và được xem là khởi phát các đợt ói tái phát như: một số loại thức ăn (nghiên cứu ở Mỹ và Châu Âu là Phô mai, sôcôla), các căng thẳng thần kinh, hốt hoảng, thiếu ngủ,…
Trước 1 trường hợp trẻ ói lặp đi lặp lại, điều tiên quyết là cần tìm và loại trừ các bệnh lý cơ thể, bao gồm: bệnh lý nhiễm trùng - nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa…; các bất thường cấu trúc đường tiêu hóa- hội chứng dạ dày xoay chưa hết…; ngộ độc thực phẩm; dị ứng thức ăn…
Bên cạnh đó, lưu ý rằng, có 2 loại bệnh lý có thể có biểu hiện là các cơn ói, đợt ói lặp đi lặp lại đòi hỏi kinh nghiệm và sự tinh tế để phân biệt với hội chứng ói chu kỳ là: Cơn migraine với biểu hiện đường tiêu hóa và cơn động kinh với biểu hiện ói sau cơn.
Sau khi hoàn toàn chắc chắn các nguyên nhân thực thể trên mới có thể xác định đây là hội chứng ói chu kỳ ở trẻ em.
Sau khi chẩn đoán được đưa ra, việc điều trị bao gồm:
1. Điều trị giai đoạn tiền triệu: khi trẻ bắt đầu có các triệu chứng báo động, mục đích tránh cho các biểu hiện ngày càng trở nên trầm trọng.
- Thuốc chống ói (Primperan)
- Thuốc có tác dụng giảm tính acid trong dịch dạ dày (omeprazole, lansoprazole…)
- Giảm đau bụng (thường dùng ibuprofen)…
2. Điều trị giai đoạn cấp: như đã đề cập ở trên, 50% trường hợp việc nhập viện là cần thiết để lập đường truyền nhằm bồi hoàn nước và điện giải mất đi do ói, cũng như duy trì dinh dưỡng tối thiểu cho trẻ.
Điều trị triệu chứng:
- Như giai đoạn tiền triệu: thuốc chống ói (Primperan), thuốc có tác dụng giảm tính acid trong dịch dạ dày (omeprazole, lansoprazole…), giảm đau bụng (thường dùng ibuprofen)…
- Trẻ cần nằm trong phòng yên tĩnh, ánh sáng dịu
- Sumatriptan - thuốc điều trị migraine có thể sử dụng để cắt cơn ói.
3. Điều trị phòng ngừa: Các thuốc được chỉ định và thực tiễn chứng minh có hiệu quả trong phòng ngừa hội chứng ói chu kỳ ở trẻ em bao gồm:
- Một số thuốc chống trầm cảm đã được chứng minh tính hiệu quả - cần cân nhắc tùy theo tuổi của trẻ.
- Thuốc ngừa cơn Migraine
- Một số thuốc thuộc nhóm kháng động kinh (trong đó có Valproate de sodium - Depakine)
Lưu ý rằng, một số thuốc thuộc nhóm kháng động kinh còn được chỉ định trong điều trị phòng ngừa cơn Migraine.
Thời gian duy trì tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng (mức độ nặng của đợt ói, số đợt tái phát nhiều hay ít, mức độ thường xuyên hay không) và đáp ứng với thuốc. Trung bình ít nhất 12-18 tháng hoàn toàn không có đợt ói.
4. Điều trị hỗ trợ:
- Chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi đảm bảo thời lượng giấc ngủ
- Ăn uống điều độ, nên chia thành nhiều bữa trong ngày, ăn đúng giờ, tránh ăn quá no, tránh ăn sát giờ đi ngủ, tránh các thức ăn được ghi nhận gây dị ứng, thức ăn có liên quan đến việc khởi phát cơn ói, mang tính kích thích – nhiều gia vị, chứa cafein,..
- Tránh các yếu tố căng thẳng…
Đối với Peritol - cyproheptadine, là thuốc thuộc nhóm kháng dị ứng, với tác dụng phụ ghi nhận rõ rệt là gây thèm ăn nên trước đây được chỉ định trong hội chứng ói chu kỳ dựa trên tác dụng phụ này nhằm nâng đỡ thể trạng của trẻ; hoàn toàn không có tác dụng "kéo dãn" chu kỳ như em nêu trong thư. Hiện tại Peritol không còn là lựa chọn trong chiến lược điều trị Hội chứng ói chu kỳ.
Quay lại trường hợp điều trị của cháu nhà em, việc dùng Depakine là hoàn toàn đúng chỉ định. Cần biết rằng, 1 thuốc- đặc biệt thuốc tác động lên hệ thần kinh- có tác dụng và chỉ định trong nhiều trường hợp khác nhau. Đặc biệt là Depakine- dù được xếp vào nhóm thuốc kháng động kinh nhưng ngoài tác dụng phòng ngừa cơn động kinh, còn có tác dụng điều chỉnh khí sắc, phòng ngừa migraine.
Về tác dụng phụ, tất cả các loại thuốc, kể cả vitamin, ngoài tác dụng chính, luôn có các tác dụng phụ đi kèm theo. Chính vì vậy, quá trình điều trị đòi hỏi cháu được tái khám thường xuyên và đánh giá bởi BS điều trị nhằm phát hiện các tác dụng phụ không mong muốn (nếu có) để có can thiệp, điều chỉnh phù hợp.
Cháu đang đáp ứng thuốc tốt và ổn định thì mọi thay đổi đều không nên, tránh gây các xáo trộn và xuất hiện lại cơn ói.
Em nên cho cháu tiếp tục theo dõi và tái khám đều đặn, nếu còn lo lắng em hãy trao đổi trực tiếp với BS điều trị để được an tâm hơn.
Chúc cháu luôn khỏe.
AloBacsi.vn
- nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.
AloBacsi.vn
giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Bạn đọc có thể ghi
kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết. Chân thành cảm ơn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Được tìm nhiều:
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình