Hotline 24/7
08983-08983

Tốc độ phục hồi khi liệt đám rối thần kinh cánh tay

Câu hỏi

Dường như có khá nhiều bệnh nhân tỏ ra sốt ruột khi chờ đợi cánh tay mình cử động trở lại. Nhờ BS nói kỹ về tốc độ phục hồi thần kinh, thời gian hồi phục được tính như thế nào?

Trả lời
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào bạn,
Đa phần những người bị liệt có cường độ làm việc rất cao, đột nhiên bị tai nạn khiến cánh tay bị tàn phế. Đầu tiên, họ khó chấp nhận sự thật trên cơ thể của mình, cánh tay của mình đang bị liệt, họ sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, nhất là những người làm chủ gia đình, có thể bị trầm cảm, chưa kể bị gia đình bỏ mặc hay nơi làm việc từ chối.

Người bệnh không biết khi nào mình sẽ hồi phục lại, nhưng bác sĩ muốn nhắn nhủ với các bạn là phải chấp nhận hiện tại để hướng tới việc điều trị phục hồi với thời gian tương đối lâu, không phải tính bằng tháng mà có thể tính bằng năm.

Khi phẫu thuật phục hồi liệt thần kinh thì thường thần kinh mọc qua chỗ nối mất 45 ngày, sau khi qua được chỗ nối sẽ đi được 0,5mm - 1mm một ngày và bệnh nhân có thể đoán được ngày hồi phục.

Tuy nhiên nếu tập luyện chăm chỉ, kích điện, massage cơ, xoa bóp cơ, dùng thêm thuốc hỗ trợ thần kinh như nhóm vitamin để tăng cường thêm cho cơ thì mức độ phục hồi nhanh hơn.

Phục hồi thần kinh bị liệt giống như nuôi một đứa trẻ trong gia đình, người trong nhà sẽ không nhận ra trẻ lớn lên từng ngày và chỉ những người ngoài lâu lâu tới thăm mới thấy sự lớn lên của đứa trẻ.

Cũng như vậy, những người bị liệt sẽ không nhận thấy và cũng không cảm nhận được những sự phục hồi của thần kinh từng ngày. Và đối bệnh nhân liệt đám rối thần kinh cánh tay cũng vậy, chỉ bác sĩ phẫu thuật mới hiểu rõ và thấy được sự phục hồi của thần kinh. Bởi vì khi bệnh nhân tái khám lại sau 3-4 tháng, bác sĩ dễ dàng nhận thấy và đánh giá mức độ phục hồi của họ thông qua quan sát một số nhóm cơ cử động mà ngay cả bản thân người bệnh cũng không để ý thấy vì giai đoạn đầu rất khó nhận biết.

Vì vậy, phải tái khám đúng hẹn để bác sĩ đánh giá đúng tình trạng hồi phục và những vấn đề chưa hồi phục để có hướng giải quyết phù hợp. Còn để bệnh nhân tự mình đánh giá và không khám lại sẽ rất khó cảm nhận và họ thường chán nản, mất phương hướng, rồi hoài nghi về khả năng hồi phục của mình.
Thân mến:
Mời tham khảo thêm:

Thần kinh là một tổ chức cao cấp và đặc thù, khó có thể có một mô nào thay thế. Nó hoạt động trên nguyên tắc điện xung và dẫn truyền. Trong khi đó, đa phần các mô khác lại không hoạt động theo nguyên tắc này nên khó có sự tương đồng.

Thần kinh lại là tổ chức ít được nuôi dưỡng trực tiếp từ các mạch máu tuần hoàn, cho nên khả năng liền của một vết khâu nối thần kinh là rất mong manh. Dinh dưỡng cơ bản và nhiều nhất vẫn là mạch máu. Không có mạch máu hay sự hạn chế tuần hoàn là một cản trở lớn tới sự thành công của khâu nối.

Thần kinh lại là một tổ chức tinh vi và có một hướng phát triển duy nhất. Nói là tinh vi vì phải có một thời gian nhất định thần kinh mới phân bố đầy đủ và toàn vẹn vào mô để thực hiện chức năng cảm giác, vận động. Nó có xu hướng phát triển duy nhất là chỉ phát triển từ trung tâm ra ngoại vi. Thế nên, nhìn bên ngoài có thể chúng ta có một vết khâu nối thần kinh đẹp và quy chuẩn nhưng kết quả thu được lại không đáng kể.

Hầu như những trường hợp phải khâu nối thần kinh đều phục hồi kém, đặc biệt là về cảm giác. Các dị cảm xuất hiện, tê bì, kiến bò, cảm giác không thật và không thể phân biệt được cảm giác sâu và cảm giác không gian. Nhưng tệ hại hơn là sự phát triển cục bộ do tạo thành những u thần kinh từ những đầu thần kinh quấn lại mà không đi đúng đường dẫn tới mô cần thiết. Do đó mà nhiều bệnh nhân sau phẫu thuật thần kinh bị chứng đau kiểu u thần kinh tác động.
BS.CK1 Nguyễn Cao Viễn
Bệnh viện Nhân Dân 115

Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X