Hotline 24/7
08983-08983

Nhức thái dương và chân mày dù đã uống thuốc, điều trị như thế nào?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Em năm nay 20 tuổi, lúc trước thường hay nhức đầu, em cứ suy nghĩ là nhức, uống thuốc sẽ hết. Sau này nhức nặng hơn, nhiều hơn ở 2 bên thái dương, 2 bên chân mày, 2 bên mũi môi mắt, càng lúc càng nhiều, bây giờ ngày nào cũng bị, làm em dễ căng thẳng, khó suy nghĩ. Đi khám được chẩn đoán là lệch vách ngăn, đã phẫu thuật hết nhức 2 bên mũi, nhưng 2 bên thái dương chân mày thì lúc nào cũng nặng, bác sĩ cho uống nhiều thuốc, Panadol, vitaminA, vitamin B6 và nhiều loại thuốc kháng sinh khác, uống 2 tháng vẫn không hết ạ.

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Triệu chứng nhức thái dương. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Triệu chứng nhức thái dương. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì bác sĩ Tai Mũi Họng đánh giá kiểu đau đầu của em là do viêm xoang và đang điều trị tích cực viêm xoang cho em. Quả thật, kiểu đau đầu của em hay gặp trong bệnh lý viêm đa xoang (xoang hàm, xoang trán, xoang sàng trước).

Viêm xoang và viêm đa xoang là một trong những nguyên nhân thường gặp gây đau đầu. Triệu chứng nổi bật nhất của viêm xoang cấp là đau nhức vùng mặt, và tập trung ở trán, cung mày, cạnh mũi, dưới mắt, diễn ra thành từng cơn, đau nhiều hơn về buổi sáng do ban đêm chất nhầy bị ứ lại trong xoang mũi.

Những cơn đau này có tính chất chu kỳ, thường là khi thay đổi thời tiết. Lệch vách ngăn mũi là một trong các yếu tố thuận lợi thúc đẩy viêm xoang vì mũi không thông thương sẽ gây tắc nghẽn lỗ đổ của các xoang vào mũi, gây viêm xoang. Việc chỉnh lệch vách ngăn mũi đã giúp em hết nặng 2 bên mũi nhưng nặng đầu thì vẫn còn nhiều.

Như vậy, để xử lý vấn đề đau đầu của em gồm 2 hướng, thứ nhất là xem lại xem đau đầu này là do viêm xoang đơn thuần hay do nguyên nhân khác đi kèm nữa (đau đầu căng cơ, đau đầu vận mạch...), thứ hai là nếu chỉ do viêm xoang gây nên thì đây là viêm xoang mạn mức độ nặng, cần điều trị tích cực hơn bằng thuốc xông, thuốc uống...

Vì thế, tôi khuyên em nên khám thêm chuyên khoa Nội thần kinh để khảo sát kỹ hơn về tình trạng đau đầu, đem theo tất cả hồ sơ về bệnh mà em đang giữ để bác sĩ xem xét và kiểm tra thêm cho em; song song đó em nên uống nhiều nước trong ngày và ăn uống bồi bổ, không hút thuốc lá, không thức khuya, giữ ấm hầu họng, tránh nơi ô nhiễm khói bụi, dùng nước muối khoáng rửa mũi trước và sau khi ngủ dậy, sau khi đi ở ngoài về.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:


>> Viêm đa xoang có nhất thiết phải mổ?

Viêm đa xoang là tình trạng viêm niêm mạc xoang trong cùng một thời điểm với nhiều xoang khác nhau.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm đa xoang, trong đó phổ biến là do vi rút, vi khuẩn và nấm xoang, thường gặp ở những bệnh nhân bị cảm cúm, viêm amidan hoặc nhiễm trùng ở cuống răng nhưng không biết.

Nhiều người bệnh có cơ địa dị ứng mũi xoang làm niêm mạc xoang bị thoái hóa dẫn đến viêm đa xoang.

Người đang bị các bệnh mạn tính, rối loạn nội tiết, suy giảm miễn dịch hay hội chứng trào ngược dạ dày cũng rất dễ mắc.

Ngoài ra còn do sự thay đổi thời tiết, môi trường ô nhiễm, dị ứng sức đề kháng cơ thể kém cũng dẫn tới hiện tượng niêm mạc phù nề, gây bít tắc các xoang dẫn làm nhiễm trùng.

- Bệnh nhân viêm đa xoang thường có một số triệu chứng điển hình như khó chịu vùng họng, vướng họng, ho, khịt khạc do dịch mủ chảy xuống họng, ngạt mũi kèm theo chảy nước mũi kéo dài, nước mũi có màu vàng hoặc xanh.

- Người bệnh có thể bị sốt nhẹ, đau ở nhiều vị trí như đau trán, vùng thái dương, đau quanh mũi, hốc mắt và đỉnh đầu. Ho dài ngày do viêm họng hay viêm phế quản. Hơi thở bệnh nhân có mùi hôi khó chịu.

- Khi bị viêm đa xoang người bệnh sẽ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi kéo dài, nước mũi có màu vàng hoặc xanh, đôi khi có lẫn cả máu.

Đó là những biểu hiện lâm sàng có thể nhận biết bệnh viêm đa xoang, nhưng để biết chính xác mình có bị viêm đa xoang khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên bệnh nhân cần đến với các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh.

Bệnh viêm đa xoang khi nặng có thể gây nhiều biến chứng ảnh hưởng tới mắt như hốc mắt sưng một bên mắt, áp xe mi mắt hoặc viêm tấy ổ mắt.

Biến chứng ở não như viêm màng não do xoang hay áp xe não ảnh hưởng nghiêm trọng tới người bệnh và có thể gây tử vong.

Viêm đa xoang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương như: áp xe não, gây viêm xương - tủy xương sọ hoặc dẫn đến viêm màng não do xoang.

Việc điều trị viêm đa xoang không đơn giản và cần dựa vào nguyên nhân gây bệnh, vị trí xoang bị viêm cũng như tình hình của bệnh là cấp tính hay mạn tính để có hướng chữa trị phù hợp.

- Với viêm đa xoang cấp tính: người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa là chủ yếu như dùng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, chọc xoang khi nhiễm khuẩn đã giảm…

- Với viêm xoang mạn tính: với bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính do tính chất bệnh diễn biến và điều trị khó khăn hơn, kết quả điều trị còn tùy thuộc vào niêm mạc bị tổn thương có khả năng phục hồi hay không. Việc điều trị viêm xoang mãn bao gồm nhiều biện pháp cùng phối hợp  như nội khoa - ngoại khoa - vi phẫu…

Cần chú ý sau khi điều trị viêm đa xoang:

- Cần tránh và hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất độc hại

- Tránh ăn hoặc tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng

- Nên chủ động giữ ấm cơ thể khi thay đổi thời tiết lạnh đột ngột

- Phát hiện kịp thời và chữa trị dứt điểm các bệnh lý về tai - mũi - họng

- Thường xuyên rèn luyện thân thể để nâng cao sức khỏe, cải thiện nhanh chóng tình trạng bệnh.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X