Hotline 24/7
08983-08983

Khẩu cái cứng xuất hiện khối u, dấu hiệu bệnh gì?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Khẩu cái cứng của em có khối u, hiện tại vẫn còn bé, em soi đèn thì không nhìn rõ, cho lưỡi lên thì cảm nhận được và những vết loét ở khoang miệng 3-5 tháng chưa khỏi. Bác sĩ cho em hỏi là bệnh gì ạ? Em cám ơn.

Trả lời
U xương khẩu cái. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
U xương khẩu cái. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Vòm khẩu cái này có 2 phần, phần ngay sau răng hàm trên được hình thành bởi xương nên cứng gọi là khẩu cái cứng, phần tiếp theo cho đến lưỡi gà do không có xương nên gọi là khẩu cái mềm. Ở khẩu cái cứng thường có u xương khẩu cái, sờ rất cứng, không đau, không loét, được phát hiện rất tình cờ, hoặc một số rất ít các trường hợp u xương quá to làm nhai có cảm giác vướng. U xương khẩu cái có thể đi kèm với loét miệng lành tính như nhiệt miệng, nấm miệng, nhưng vẫn là bệnh lành tính.

Trường hợp thứ hai là ung thư vòm họng, thường biểu hiện là khối u cứng, có thể đau hoặc không, có loét, chảy máu. Những vết loét ở khoang miệng 3-5 tháng không bớt kèm khối u ở khẩu cái cứng thì phải cảnh giác đến tình huống nguy hiểm này.

Để chắc chắn đây là gì, em cần khám chuyên khoa Ung bướu, để bác sĩ có chuyên môn xem xét và xử trí thích hợp em nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



U lành tính khẩu cái cứng còn được gọi là lồi xương khẩu cái hay torus khẩu cái và torus hàm dưới. Đây không được xem là một biến đổi bệnh lý, song khi nó phát triển quá lớn làm ảnh hưởng đến các chức năng nhai, nuốt nói và cản trở điều trị phục hình chỉnh hình nha.

Torus hàm trên là biến dạng thường gặp của xương khẩu cái, thường xuất hiện và phát triển sau tuổi 30 hoặc sớm hơn, sau nhiều năm thì ngưng phát triển. Theo các số liệu thống kê răng hàm mặt, ở Việt Nam 75% dân số có torus hàm trên trong miệng. Tỷ lệ có torus khẩu cái ở nữ là 73%, cao hơn so với nam. Vị trí của torus hàm trên thường thấy ở 1/3 giữa khẩu cái.

Tỷ lệ mắc torus hàm dưới thấp hơn, chiếm 3,6% dân số. Tỷ lệ này ở nam là 4,8%, nhiều hơn nữ với 3%. Hơn nữa nam vừa có torus khẩu cái vừa có torus hàm dưới với tỷ lệ cao gấp đôi nữ. Đối với torus hàm dưới, vị trí thường gặp nhất là vị trí ở mặt lưỡi đối diện với vùng răng cối nhỏ. Torus hàm dưới thường gặp nhất là ở hai bên, đối xứng nhau. Trường hợp torus một bên cũng không hiếm.

Đa số trường hợp lồi xương khẩu cái không cần điều trị. Chỉ định phẫu thuật khi cục u quá lớn làm chiếm không gian của lưỡi hoặc khi mang hàm răng giả, lưng lưỡi chạm hàm giả gây nôn. Phẫu thuật chỉ làm nhỏ lại nhưng vẫn bảo tồn hình dáng torus. Mổ trong các trường hợp lõm gây tích tụ thức ăn dưới hàm giả dẫn đến viêm mạn tính, làm người bệnh khó chịu…

Trong một số trường hợp, lồi xương khẩu cái có khả năng liên quan đến ung thư khẩu cái. Khi tổn thương có xuất hiện viêm loét chảy máu nên đi khám. Không hút thuốc lá, không nhai trầu, thực hiện vệ sinh răng miệng.



Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X