Hotline 24/7
08983-08983

Hoảng loạn, lo lắng, dễ bị kích động… là dấu hiệu của trầm cảm?

Câu hỏi

Chào các BS, Tôi có người bạn hiện có nhiều dấu hiệu: luôn hoảng loạn, lo lắng, thiếu tự tin vào bản thân, rất dễ bị kích động vì phản ứng của người khác. Bản thân bạn tôi đã có lần tự tử nhưng được cứu, hiện tại bạn vẫn không từ bỏ hoàn toàn ý định đấy. Những lúc cùng cực chỉ muốn nghĩ đến cái chết. Gần đây, bạn tôi có thêm dấu hiệu hay nôn. Nguyên nhân là vì gia đình gặp vấn đề. Chồng bạn chán vợ và muốn li dị. Điều này quá shock khiến bạn không thể vượt qua được. Tôi muốn hỏi AloBacsi: 1. Tình trạng của bạn tôi có đúng là bị trầm cảm không? Có cần phải nhập viện? Tôi băn khoăn nếu nhập viện sẽ làm tâm lý bạn tôi nặng nề thêm. 2. Trong quá trình điều trị bệnh có phải nghỉ làm hoàn toàn không? 3. Phương pháp chữa trị là gì? Tôi xin cảm ơn AloBacsi. (Thùy Dương - thuyduong…@gmail.com)

Trả lời

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

BS.CK2 Phạm Quỳnh Diệp

Nguyên trưởng khoa Khám trẻ em - Bệnh viện Tâm thần -

Ảnh minh họa - nguồn internet 
Ảnh minh họa - nguồn internet
 

Chào bạn Thùy Dương,

Các triệu chứng bạn mô tả như hoảng loạn, lo lắng, dễ bị kích động vì phản ứng của người khác, hay nôn ói đồng hành cùng với sự tồn tại của các ý nghĩ bi quan tiêu cực, cũng như sự tái diễn hành vi tự sát gợi ý nhiều một tình trạng rối loạn lo âu kết hợp trầm cảm hơn là trầm cảm đơn thuần.

Chỉ định nhập viện sẽ cân nhắc dựa trên khả năng tự chăm sóc bản thân và độ nghiêm trọng của các ý nghĩ tự sát. Nếu cô ấy hoàn toàn thụ động, không tự ăn uống… dù có sự nhắc nhở của người thân hoặc các ý nghĩ bi quan, nghĩ về cái chết mãnh liệt, thường xuyên với nguy cơ thực hiện hành vi tự sát nặng nề thì phải nghĩ đến vấn đề nhập viện.

Nhập viện trong trường hợp này là cần thiết và bắt buộc với mục đích đảm bảo cho sự an toàn của bản thân bệnh nhân và người nhà (một số trường hợp bệnh nhân trầm cảm có thể giết con, giết người thân rồi tự sát).

Trong quá trình nằm viện, điều trị thuốc và tâm lý sẽ được thiết lập nhằm nâng đỡ bệnh nhân tối đa cho đến khi các nguy cơ tự gây hại không còn, bệnh nhân sẽ được xuất viện và chuyển sang điều trị ngoại trú.

Trường hợp các nguy cơ tự gây hại thấp (bệnh nhân vẫn có thể có ý nghĩ bi quan đến cái chết, nhưng khả năng thực hiện hành vi không cao, các ý nghĩ chỉ thoáng qua…) chế độ điều trị ngoại viện sẽ thích hợp hơn, tránh được các tổn thương mặc cảm tâm lý do việc nằm viện tâm thần gây ra.

Trong quá trình điều trị ngoại trú, không nhất thiết bệnh nhân phải nghỉ việc. Nếu công việc quá áp lực, thường xuyên gây cho bệnh nhân căng thẳng, mệt mỏi thì việc nghỉ ngơi một phần hoặc hoàn toàn có vai trò thuận lợi cho tiến trình phục hồi bệnh; ngược lại, nếu công việc có tính chất nhẹ nhàng, mang lại cho bệnh nhân niềm vui, môi trường làm việc đem lại cho bệnh nhân sự nâng đỡ từ đồng nghiệp… thì việc duy trì công việc sẽ có ích cho bệnh nhân.

Điều trị luôn bao gồm sử dụng thuốc và tâm lý trị liệu cùng lúc. Thuốc men được lựa chọn phù hợp với biểu hiện, mức độ của bệnh, thể trạng, mức độ dung nạp thuốc và điều kiện kinh tế của người bệnh. Vì vậy, chi phí điều trị phụ thuộc vào thuốc men, liều lượng và thời gian sử dụng.

Tóm lại, nhằm đảm bảo sự an toàn và sự hồi phục bệnh tật tốt nhất cho người bệnh, bạn nên khuyên bạn mình đến khám với một bác sĩ chuyên khoa tâm thần càng sớm càng tốt.

Chúc bạn của Dương mau thoát khỏi tình trạng trên.

Thân chào,


AloBacsi.vn - nơi bạn có thể trò chuyện, chia sẻ mọi thắc mắc với bác sĩ chuyên khoa.

AloBacsi.vn giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe.
Mọi thắc mắc về sức khỏe gửi đến email: kbol@alobacsi.vn.

Bạn đọc có thể ghi kèm số điện thoại để bác sĩ liên hệ khi cần thiết.
Để chính xác về nội dung cần hỏi, bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode).

Chân thành cảm ơn.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X