Dùng chung dao cạo râu với người từng mắc viêm gan B liệu có lây nhiễm?
Câu hỏi
Bác sĩ ơi, Em có ở chung với 1 bạn có tiền sử hồi nhỏ bị viêm gan B, hiện nay đã khỏi bệnh. Em dùng chung dao cạo với bạn ấy không may bị chảy máu. Bác sĩ cho em hỏi liệu em có nhiễm viêm gan B không ạ? Cảm ơn bác sĩ!
Trả lời
Đường lây truyền viêm gan siêu vi B gần giống HIV, gồm 3 đường: Máu, quan hệ tình dục, mẹ sang con. Trong đó chủ yếu là đường máu và các sản phẩm từ máu bị nhiễm virus xảy ra khi truyền máu hoặc các chế phẩm qua máu, phẫu thuật, tiêm chích ma túy... Ngoài ra một số trường hợp dễ lây truyền viêm gan virus B như dùng chung dụng cụ có khả năng vấy máu từ người bệnh như dao cạo râu, bàn chải đánh răng (nếu bị chảy máu miệng, chân răng).
Virus viêm gan B cũng lây qua vết trầy xước, dụng cụ xăm mắt, xăm môi, xăm người, xỏ lỗ tai không được khử trùng đảm bảo. Virus viêm gan B rất dễ lây nhiễm, khả năng lây nhiễm dễ gấp 100 lần so với nhiễm HIV.
Tình huống dùng chung dao cạo bị chảy máu với người bị nhiễm virus viêm gan B thì khả năng nhiễm bệnh rất cao, nhưng không ai chắc chắn 100% là nhiễm hay không. Việc đơn giản nhất là em làm xét nghiệm tầm soát viêm gan B, nếu chưa nhiễm thì chích ngừa vắc xin luôn, em nhé.
Trân trọng.
Viêm gan B là một trong những thể viêm gan virus thường gặp. Bệnh do virus viêm gan siêu vi B gây ra. Ở giai đoạn đầu, bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Đa phần các trường hợp phát hiện bệnh thông qua xét nghiệm máu, khám sức khỏe tổng quát chứ ít dựa vào triệu chứng. Bệnh viêm gan B truyền nhiễm theo 03 con đường chính: Đường truyền máu và các phế phẩm máu từ người bệnh; truyền từ mẹ sang con; truyền qua đường tình dục không an toàn. Bên cạnh đó, việc dùng chung các dụng cụ như kim tiêm, dao cạo râu, xăm mình… với người bị bệnh cũng có thể bị lây nhiễm viêm gan B. Nếu không được phát hiện và tiến hành điều trị, virus viêm gan B sẽ tấn công và làm ảnh hưởng tới gan như: suy giảm chức năng gan, mất chức năng giải độc, trao đổi máu trong cơ thể; tế bào gan bị tổn thương; chức năng gan suy giảm gây ra hệ lụy đối với nhiều cơ quan khác trong cơ thể… Ngay khi có những dấu hiệu bệnh, chúng ta cần chủ động đi khám chuyên khoa gan mật để tìm nguyên nhân và được điều trị kịp thời. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc hoặc ngưng dùng thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh viêm gan B cần thay đổi lối sống theo hướng lành mạnh, khoa học hơn để hỗ trợ cho điều trị. Ăn uống đủ dưỡng chất để cơ thể có sức đề kháng tốt. Nên ăn nhiều chất xơ, các loại rau củ quả. Hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ… Tránh thức khuya, nghỉ ngơi nhiều hơn. Tập luyện thể dục thể thao hàng ngày. Giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu. Dù chưa có thuốc đặc hiệu trị khỏi hẳn bệnh viêm gan B nhưng nếu được phát hiện và điều trị sớm thì có thể đưa bệnh về ngưỡng an toàn. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình