Chóng mặt kéo dài, đầu óc mệt mỏi, hay chếnh choáng là biểu hiện bệnh gì?
Câu hỏi
Bác sĩ ơi,
Em bị chóng mặt đã hơn 3 tháng nay, đi khám bệnh viện thì bác sĩ chẩn đoán bị hội chứng tiền đình và cho thuốc uống Piracetam và tiêm các loại vitamin khác nhưng không đỡ.
Đầu óc em bây giờ kiểu như mệt mỏi, hay chếnh choáng, chóng mặt nhưng chỉ nhè nhẹ khó chịu thôi.
Tiền sử em bị suy nhược thần kinh hồi năm 19 tuổi do căng thẳng ôn thi, trước khi bị chóng mặt này em cũng có thời gian stress, căng thẳng kéo dài... Hiện tại xét nghiệm máu, đo huyết áp, đo lưu huyết não bình thường.
Không biết em bị bệnh gì và nên dùng thuốc gì ạ? Em cảm ơn bác sĩ.
Trả lời
Triệu chứng chóng mặt. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Chào em,
Chóng mặt có thể nằm trong bệnh cảnh tổn thương não hoặc do nguyên nhân từ ngoại biên. Để được chẩn đoán xác định, em cần được làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán đặc hiệu để có điều trị thích hợp cho từng nguyên nhân.
Thân mến.
Mời tham khảo thêm:
Chóng mặt không phải là bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh khác nhau. Chóng mặt thường được mô tả là cảm giác choáng váng, mọi vật xung quanh quay vòng, hoặc chính bản thân người bệnh quay vòng, đồng thời kèm theo cảm giác mất cân bằng.
Chóng mặt có thể được điều trị hiệu quả tùy thuộc vào nguyên nhân, nhưng vấn đề là triệu chứng này có thể tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, chóng mặt không mang tính nghiêm trọng và thường sẽ hết nếu căn nguyên được chữa khỏi. Tuy nhiên, nếu chóng mặt ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn có thể uống một số loại thuốc để làm giảm chóng mặt.
Các cơn chóng mặt thường có thể tự hết mà không cần điều trị. Nếu cần thiết, điều trị sẽ dựa trên nguyên nhân gây ra chóng mặt và các triệu chứng. Điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc men
- Bài tập cân bằng: Đây là các bài tập giúp não bộ của bạn thích nghi với những chuyển động.
- Phẫu thuật hoặc các thủ thuật khác:
+ Tiêm gentamicin (kháng sinh) vào bộ phận tai trong để vô hiệu hóa chức năng thăng băng, nhằm giảm bớt chóng mặt; + Loại bỏ vùng nhận cảm ở tai trong (vùng chịu trách nhiệm cảm nhận thăng bằng).
Bạn sẽ có thể kiểm soát chóng mặt nếu áp dụng các biện pháp sau:
- Bạn có thể sẽ bị mất khả năng thăng bằng, vì vậy hãy cẩn thận khi đi lại; - Tránh thay đổi tư thế quá đột ngột, nếu triệu chứng quá nặng bạn có thể chống gậy để hỗ trợ; - Tránh đặt những đồ vật dễ gây vấp ngã trong nhà; - Khi cảm thấy chóng mặt, bạn hãy ngồi xuống hoặc nằm xuống ngay lập tức; - Tránh lái xe hoặc vận hành máy móc nếu bạn thường xuyên bị chóng mặt; - Tránh uống cà phê, rượu, tránh ăn nhiều muối và tránh hút thuốc lá; - Uống đủ nước, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc và tránh để bị stress; - Tìm hiểu về các tác dụng phụ của loại thuốc bạn đang uống; - Nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát và uống đủ nước, nếu có thể bạn nên uống loại nước cung cấp chất điện giải.
|
TS.BS Trương Lê Tuấn Anh
Phó trưởng khoa Bệnh lý Mạch máu não, BV Nhân dân 115