Đi tìm nguyên nhân trẻ chậm nói, nói ngọng: cần khám tai mũi họng hay tâm lý?
Hàng tuần, AloBacsi nhận được rất nhiều thắc mắc của bạn đọc AloBacsi gần xa về việc muốn được can thiệp, điều trị chậm nói, nói ngọng, và vì sao trẻ cần khám tâm lý trong trường hợp này. BS Trương Hữu Khanh sẽ đưa ra lời giải đáp.
1. Bao nhiêu tuổi mà trẻ chưa thể nói thì được coi là chậm nói, nguyên nhân vì sao?
BS Trương Hữu Khanh:
Khoảng chừng 4-5 tháng trẻ sẽ biết ê a. Sau đó, 12 tháng em bé biết nói từng từ. 18 tháng, trẻ phải biết nói. Vì vậy, các bậc cha mẹ sẽ lấy các mốc đó để biết trẻ có bị chậm nói hay không.
Bây giờ, người ta quan tâm đến vấn đề chậm nói nên họ đưa trẻ đi khám bệnh sớm, do đó tỷ lệ chậm nói nhiều được phát hiện nhiều hơn. Quá nhiều môi trường làm cho em bé chậm nói là nguyên nhân thứ hai. Ví dụ như điện thoại, máy tính bảng, tivi và công việc quá bận rộn của người lớn chỉ cho trẻ chơi với người rất lớn, chứ không dám cho nó đi nhà trẻ, không dám cho tiếp xúc với những trẻ con khác.
Đó là các yếu tố khiến trẻ chậm nói, cho nên bây giờ số trẻ chậm nói ngày càng nhiều thêm.
2. Vì sao trẻ nói đến chậm nói, nói ngọng cần được khám tâm lý?
Nói đến chậm nói, nói ngọng... các bệnh nhi thường được chỉ định điều trị tâm lý. Vì sao lại có sự nghe có vẻ hơi “lạ” như thế này, vì các vấn đề này thường được hiểu được điều trị ở khoa Tai mũi họng?
BS Trương Hữu Khanh:
Cha mẹ cần chú ý trẻ chậm nói là do nó có bệnh nền chậm nói hay do cách sinh hoạt gây chậm nói. Nếu có bệnh nền liên quan đến tâm lý ví dụ như tăng động, tự kỷ thì chắc chắn trẻ sẽ chậm nói. Chúng ta phải điều chỉnh tình trạng tăng động và tự kỷ đó thì trẻ mới nói. Nhiều khi cha mẹ phải mất một thời gian dài để dạy trẻ tập nói.
Thứ hai, chậm nói đó là do trẻ bị mắc bệnh chậm phát triển về tâm thần vận động, chậm phát triển về ngôn ngữ. Trẻ phải được khám, lúc đó bác sĩ sẽ khám và đánh giá về tinh thần vận động của đứa bé. Lúc đó, phụ huynh sẽ gửi trẻ đi tập nói. Bệnh viện có một khoa cho trẻ tập nói, tại đó, chuyên gia sẽ tập nói cho trẻ bình thường, hay trẻ có vấn đề về thần kinh, tâm lý.
Trẻ chậm nói không thể chỉ tái khám tai mũi họng là đủ. Chúng ta chỉ đưa trẻ đến khoa tai mũi họng khi sức nghe của em bé yếu thì nó cũng chậm nói vì trẻ không nghe được nên trẻ không biết nói hoặc có một số trường hợp, trẻ bị dính thắng lưỡi.
3. Trẻ chậm nói, nói ngọng có phải do dính lưỡi không?
BS Trương Hữu Khanh:
Cần chú ý chậm nói khác nói ngọng, chậm nói do sinh hoạt khác chậm nói do bệnh lý. Mức độ chậm nói khác nhau hoàn toàn. Khi có một em bé chậm nói, phụ huynh phải tham khảo tài liệu đi khám để bác sĩ có kinh nghiệm họ hướng dẫn cách chọn lựa tốt nhất.
Tật của trẻ có thể gặp là dính thắng lưỡi. Ở dưới đáy lưới khi chúng ta cong lưỡi lên sẽ thấy một dây thắng, giúp cho ta đánh lưỡi xa gần, lè lưỡi, co lưỡi lại. Khi thắng đó dính lại, em bé sẽ không đánh lưỡi tốt được. Khi không đánh lưỡi tốt thì trẻ sẽ bị nói ngọng chứ không thể là chậm nói được.
Vì vậy, chúng ta cần chú ý dính thắng lưỡi là một tật, nó chỉ gây nói ngọng chứ không phải chậm nói. Cho nên nhiều khi chúng ta thấy em bé chậm nói, đưa đi bác sĩ tai mũi họng xem em bé có bị dính thắng lưỡi hay không nhưng thực tế em bé bị chậm nói là do các nguyên nhân khác.
4. Khi trẻ bị dính lưỡi, điều trị như thế nào?
Bao nhiêu tuổi thì trẻ được phẫu thuật, chi phí bao nhiêu? Có cần nằm lại viện sau mổ hay không?
BS Trương Hữu Khanh:
Chúng ta phải phát hiện dính thắng lưỡi sớm, nếu chúng ta phát hiện sớm thì bấm sẽ rất đơn giản. Chúng ta chỉ cần bấm cái là đi về thôi, ví dụ như nhà chúng ta có con nhỏ thì chúng ta phải tìm một số nguyên nhân: có dính thắng lưỡi không, tinh hoàn có bị tật hay không, cái rốn nó làm sao, nó có bị tim bẩm sinh không. Nếu thắng lưỡi bị dính, chúng ta chỉ cần canh lúc em bé lè lưỡi để xem vì sao trẻ có lưỡi hình trái tim khi cong lại hoặc trẻ không lè lưỡi ra được. Chúng ta nâng nhẹ lưỡi lên và nhìn xuống dây thắng bị dính.
Thường sẽ có 2 quan điểm:
- Xử trí trong vòng 7 ngày đầu: chỉ bấm một cái thôi. Tuy nhiên có ý kiến rằng lúc này nó nhỏ quá thì chúng ta không thể đánh giá chính xác được.
- Xử trí khi trẻ 3 tháng, họ không để quá 3 tháng. Bấm sớm lúc 3 tháng trẻ sẽ ít đau hơn, chúng ta để càng lâu hoặc dây thắng dính nhiều quá. Lúc đó, chúng ta phải gây mê để mà cắt. Đó là lý do chúng ta cần phát hiện sớm và can thiệp sớm tình trạng dính thắng lưỡi.
Chi phí ở bệnh viện nhi đồng không đến 500 nghìn. Nếu chúng ta đến sớm, bác sĩ chỉ cần bấm một cái là trẻ được đi về. Khi về nhà, trẻ vẫn sinh hoạt bú bình thường, các em chỉ hơi đau một chút thôi.
5. Điều trị chậm nói có cần nhập viện điều trị không?
BS Trương Hữu Khanh:
Bệnh lý gây chậm nói không cần phải nhập viện, ngoại trừ trường hợp trẻ bị bệnh gì nguy hiểm và nhập viện để điều trị bệnh nguy hiểm đó, chứ không phải nhập viện chỉ vì chậm nói. Ví dụ trẻ chậm phát triển, bị co giật thì nó có chậm nói. Trẻ chậm nói nhưng vẫn chạy chơi bình thường, cha mẹ thường đưa trẻ đi khám rồi về nhà.
Nếu bác sĩ khám đúng là bệnh lý do sinh hoạt, bác sĩ sẽ hướng dẫn đứa trẻ đó phải về chơi với con nít, cha mẹ phải giao tiếp với trẻ nhiều hơn, đừng để trẻ cắm đầu vào điện thoại, ipad. Thậm chí phải cho nó đi nhà trẻ để hòa đồng. Đây là cách điều trị bằng thay đổi môi trường.
Riêng trẻ chậm nói do gặp khó khăn về ngôn ngữ, trẻ sẽ được gửi đến một chuyên gia về tập nói. Hiện tại, bệnh viện nhi đồng I cũng có một nhóm đó, họ sẽ tập cho trẻ nói nếu trẻ bị tự kỹ hay tăng động thì chúng ta phải can thiệp theo hướng tâm lý, phối hợp với tập nói thì ngôn ngữ mới hoàn hảo được.
6. Trường hợp chậm nói như thế nào cần đưa trẻ tới các cơ sở y tế để điều trị?
BS Trương Hữu Khanh:
Nếu em bé hơn 2 tuổi nhưng không nói được thì cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để bác sĩ đánh giá.
Đối với em bé tầm 15 hay 16 tháng, phụ huynh cần xem lại chế độ sinh hoạt.
Một em bé có biểu hiện tăng động hay tự kỷ như nói chuyện không nhìn vào mắt người lớn, khi bé tới nhà người lạ bé vẫn xông vào phá, gặp phải xe bé lao thẳng vào chiếc xe. Các bậc phụ huynh cần cẩn thận đứa trẻ đó không phải là chậm nói đơn thuần, đó là tăng động hoặc tự kỷ.
Chỉ có bác sĩ tâm lý phát hiện trẻ chậm nói, hiếu động, chậm nói do tăng động, chậm nói do trẻ có tâm lý khép kín hoặc chậm nói do tự kỷ.
7. Những điều cơ bản cần quan tâm khi tìm nguyên nhân khiến trẻ chậm nói?
BS Trương Hữu Khanh:
Em bé đi được, nói được là điều trông đợi của đại gia đình. Nếu chúng ta thấy em bé không nói được như bình thường, đứa bé chậm nói hay bị nói ngọng, các bậc phụ huynh cần đặt ra kế hoạch rõ ràng.
Nếu nguyên nhân là do chế độ sinh hoạt, cha mẹ cần thay đổi chế độ sinh hoạt.
Trẻ chỉ tiếp xúc với máy tính, truyền hình và trẻ chỉ tiếp xúc với người rất lớn (ông bà) nên trẻ không biết nói chuyện với trẻ đồng trang lứa, cha mẹ cần thay đổi yếu tố đó ngay.
Trẻ sinh hoạt bình thường, đi chơi với con nít, ít tiếp xúc với tivi nhưng vẫn bị chậm nói thì phụ huynh cần phải đưa trẻ đi khám bệnh. Bác sĩ sẽ khám và xác định em bé chậm nói này có bệnh lý đi kèm hay không hay bị rối loạn về ngôn ngữ để can thiệp kịp thời.
Trọng Dy
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình