Hotline 24/7
08983-08983

Đề phòng sét đánh trong mùa mưa bão

Theo nghiên cứu của Viện Vật lý địa cầu, trong 1 năm Việt Nam có trung bình 90-120 ngày (tương đương 250 giờ) có dông sét. Hiện đang vào mùa mưa dông, do đó hiện tượng sét đánh thường xuyên xảy ra. Việc phòng chống sét đánh là rất cần thiết đối với tất cả mọi người, mọi nhà và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

I. Dông sét nguy hiểm như thế nào?

Dông là hiện tượng kèm theo sấm chớp, cơn dông được hình thành khi có khối không khí nóng ấm chuyển động.

Sét hay còn gọi là sự phóng điện dông, là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa các đám mây và mặt đất, hoặc những đám mây mang điện tích trái dấu. Tia sét có thể di chuyển với vận tốc 36.000km/h và ảnh hưởng trong vòng 8km.

Với nhiệt độ lên đến 27.00 độ C, mỗi tia sét chứa đến 300.000.000V (vôn) điện, tức là nó có thể thắp sáng bóng đèn huỳnh quang 100W trong 3 tháng nên khả năng sống sót của con người sau khi bị sét đánh là không cao, số ít sống sót thường gánh chịu những tổn thương rất nghiêm trọng.

Sét có thể gây thương tích bằng những cách thức sau:

- Sét đánh thẳng vào vị trí nạn nhân từ trên đám mây xuống.

- Khi nạn nhân đứng cạnh vật bị sét đánh: sét có thể phóng qua khoảng cách không khí giữa người và vật, trong trường hợp này gọi là sét đánh tạt ngang.

- Sét đánh khi nạn nhân tiếp xúc với vật bị sét đánh.

- Điện thế bước: khi người tiếp xúc với mặt đất ở một vài điểm. Sét lan truyền trên mặt đất.

- Sét lan truyền qua đường dây cáp tới các vật như điện thoại, TV, ổ cắm.

II. Phòng tránh sét đánh như thế nào?

1. Tránh sét đánh trong nhà

- Nơi an toàn là tòa nhà có hệ thống chống sét, các thiết bị điện cần được bảo vệ bằng hệ thống chống sét.

- Khu nhà ở cần có hệ thống chống sét bảo vệ.

- Khi ở trong nhà cần tránh những nơi như cửa sổ, cửa ra vào; các đường điện, ổ điện, thiết bị dùng điện; các chỗ ẩm ướt như bể nước, bồn tắm…

- Tránh sử dụng TV, điện thoại, các thiết bị điện… trong lúc có dông. Rút phích điện hoặc ngắt nguồn điện với các thiết bị này.

- Khi sét đánh vào đường điện, các vật như cầu dao, aptomat…. không có tác dụng ngắt sét, ngược lại, tia sét xuyên qua các thiết bị này và tới các vật như ổ cắm điện, dây ăng ten… và lan truyền tới các thiết bị điện, điện tử và phá hỏng các thiết bị. Nên để an toàn ra cần lắp đặt thiết bị chống sét để ngăn không cho tia sét lan tyền tới các thiết bị này.

- Sau 30 phút không ghe thấy tiếng sấm thì có thể làm việc trở lại.

2. Tránh sét ngoài trời

- Khi ở ngoài trời gặp cơn dông, trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú.

- Tránh các khu vực cao hơn xung quanh.

- Đứng xa các vật cao.

- Tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, xe máy, hàng rào sắt…

- Ra khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao hồ, nương máng, các vùng đỉnh núi hya nườn núi nhô cao…

- Không đứng thành nhóm người gần nhau.

- Lưu ý, khi thấy sét phải để cơ thể tiếp xúc với mặt đất càng ít càng tốt.

Ảnh: Wiki How

III. Sơ cứu nạn nhân bị sét đánh

Khi gặp trường hợp có người bị sét đánh, nếu nạn nhân vẫn còn tỉnh, chỉ cần ủ ấm, cho uống ít rượu (khoảng 20ml) và nước trà đường nóng. Sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Đối với nạn nhân hôn mê, người cấp cứu cần kiểm tra xem nạn nhân còn thở hay không. Nếu ngừng thở ngay lập tức tiến hành hồi sức tim phổi bằng cách thức sau:

- Đặt nạn nhân nằm ngửa.

- Tiến hành hồi sức hô hấp miệng - miệng: Lấy tay bịt mũi nạn nhân lại, hít một hơi thật sâu sau đó ngậm kín miệng nạn nhân, thổi một hơi dài rồi buông ra để nạn nhân thở bình thường. Tiếp tục làm như vậy khoảng 2 lần.

- Ép tim ngoài lồng ngực và ép liên tục khoảng 30 lần với tần số khoảng 100 lần/ phút.

- Luân phiên thổi ngạt ép tim với tỷ lệ 2 lần thổi ngạt, 30 lần ép tim đến khi có nhân viên y tế đến hỗ trợ.

- Sau khi cấp cứu, sơ cứu nạn nhân, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

IV. Chuẩn bị trước và sau khi xảy ra mưa bão

- Khi chuẩn bị có bão, người dân cần gia cố, chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cây xanh gần nhà, chủ động sơ tán nếu nhà không đảm bảo an toàn.

- Nếu ở ven biển, cửa sông cần đề phòng nước dâng.

- Mỗi gia đình cần dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cần thiết đủ dùng trong vào ngày trước khi bão đến.

- Khi có bão, mọi người không nên đi ra ngoài đường, không trú dưới các gốc cây, cột điện hoặc vật dễ đổ. Tránh sử dụng điện thoại trừ tường hợp khẩn cấp, đặc biệt cần khóa ga, ngắt nguồn điện khi mưa lớn, nước ngập.

- Nếu bão lớn, trần nhà bị rung lắc mạnh, mọi người dùng gối, nệm che kín đầu rồi chui dưới gần bàn, gầm giường hoặc dưới đồ vật giày, chắc để tránh bị đè khi nhà sập trần.

- Ngoài ra cần thường xuyên mở TV, radio để cập nhật những thông báo mới nhất về tình hình bão. Nếu có lệnh di tản hãy làm theo hướng dẫn của ngành chức năng.

- Sau cơn bão cần kiểm tra lại nhà ở và các thiết bị trước khi sử dụng, đặc biệt là thiết bị điện.

- Tiến hành vệ sinh nhà cửa, khử trùng, diệt khuẩn theo chỉ đạo của ngành chức năng.

- Đối với những gia đình ở gần khu vực đồi núi cần lưu ý tình trạng sạt lở đất đá.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X