Đề phòng bệnh cho trẻ trước thời tiết nắng nóng
Thời tiết nắng nóng sẽ gây ra các bệnh như cúm, sởi, thủy đậu hay sốt siêu vi, viêm đường hô hấp trên, những bệnh lý về da,… Do đó, phụ huynh cần lưu ý cho trẻ tiêm đầy đủ vắc xin, cũng như ăn đủ chất, ngủ đủ giấc và uống đủ nước.
1. Tình hình bệnh nhi đầu mùa nắng năm 2024
Nắng nóng 2024 đến sớm, xin hỏi BS trong thời gian gần đây, tại bệnh viện Nhi tiếp nhận những bệnh nào là chủ yếu ạ? Trong đó, trẻ ở độ tuổi nào thường bị ảnh hưởng nhiều nhất khi trời nắng nóng gay gắt như hiện nay ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Điều đặc biệt là thời tiết nắng nóng nhưng chưa vào đỉnh mùa nắng vì buổi sáng có phần mát mẻ. Tình hình khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1, đa số tập trung vào các bệnh hô hấp thông thường và dịch bệnh thủy đậu có phần gia tăng. Ngoài ra, chưa có biến động đặc biệt.
2. Nắng nóng năm 2024 cần cảnh giác với bệnh gì?
Năm nay được dự báo nắng nóng sẽ đến sớm hơn, khắc nghiệt hơn xô đổ các kỷ lục trước đó cũng như kéo dài hơn trung bình nhiều năm.
- Nắng nóng ảnh hưởng thế nào đến sức đề kháng, hệ miễn dịch của trẻ, thưa BS?
- Với những dự báo về thời tiết như vậy, theo BS tình hình dịch bệnh ở trẻ em và người lớn sẽ diễn biến theo xu hướng nào? Chúng ta cần cảnh giác các mặt bệnh nào trong thời gian sắp tới ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thông thường, thời tiết nắng nóng sẽ có 2 nhóm bệnh: Một là bệnh theo mùa như cúm, thủy đậu hoặc sởi, nếu quay lại có thể thành dịch vì độ phủ vắc xin chưa đủ.
Nhóm thứ hai là thời tiết nắng nóng làm chúng ta không thích ứng được dẫn đến dễ mắc bệnh như sốt siêu vi, viêm đường hô hấp trên, những bệnh lý về da,…
Bên cạnh đó, khi nắng nóng việc bảo quản thức ăn sẽ trở nên khó khăn hơn, dẫn đến nhiễm trùng đường ruột hay ngộ độc thức ăn.
3. Cha mẹ cần chú ý những gì để trẻ nhanh hồi phục, tăng cường sức đề kháng khi trời nắng nóng?
Thực tế, nhiều trẻ mắc bệnh nhưng dai dẳng hơn, đặc biệt là các bệnh hô hấp.
- Xin hỏi BS, việc nắng nóng dự kiến sẽ kéo dài hơn liệu có ảnh hưởng đến sức hồi phục khi mắc bệnh ở trẻ em?
- Trong bối cảnh này, khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần chú ý những gì để nhanh hồi phục, tăng cường sức đề kháng ạ?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trẻ sau khi mắc bệnh phải ăn được, ngủ được mới nhanh hồi phục. Thời tiết nắng nóng làm trẻ khó ăn, khó ngủ hơn, dẫn đến thời gian hồi phục lâu hơn.
Bên cạnh đó, sau khi trẻ hết bệnh và về nhà với thời tiết này cũng sẽ dễ mắc các bệnh khác. Vì vậy, mùa nắng nóng trẻ thường mắc bệnh lâu khỏi hơn.
Cũng giống như những mùa khác, khi trẻ bệnh phải bảo đảm đủ dinh dưỡng. Đặc biệt, nắng nóng trẻ sẽ khó ăn nên phải cho ăn thức ăn lỏng và tạo môi trường dễ ăn, phòng mát mẻ và chăm cho trẻ ăn nhiều hơn.
Bên cạnh đó là uống đủ nước vì khi bệnh và thời tiết nắng nóng sẽ làm mất nước, nếu không bù đủ nước sẽ khó khỏi bệnh. Đặc biệt, khi bệnh trẻ thường khó ngủ và nắng nóng làm gia tăng tình trạng này dẫn đến bệnh kéo dài.
Trong mùa này, cần lưu ý các bệnh nào có thể tiêm vắc xin thì hãy thực hiện, vì đây đều là những bệnh quan trọng.
Ngoài ra, thời tiết lúc mát, lúc nóng nên khi đưa trẻ ra ngoài chơi phải chuẩn bị đầy đủ để trẻ được an toàn.
4. Làm gì để phòng bệnh cho trẻ trong mùa nắng nóng?
Để đương đầu và phòng ngừa các bệnh lý thường gặp trong mùa nắng nóng, cha mẹ cần làm gì để bảo vệ con yêu, thưa BS?
BS Trương Hữu Khanh trả lời: Thứ nhất, tiêm ngừa đầy đủ, đặc biệt là các bệnh thủy đậu, sởi, cúm. Thứ hai là bảo đảm uống đủ nước. Thứ ba ngủ đủ giấc và ăn đủ chất.
Trẻ thường không nhận biết được cơ thể mình thiếu nước, vẫn có thể chơi thoải mái dưới thời tiết nắng nóng. Vì vậy, phụ huynh cần chuẩn bị trước lịch trình, đồ ăn, thức uống để bảo vệ sức khỏe cho trẻ.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình