Hotline 24/7
08983-08983

Đau thần kinh tọa: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị?

Đau thần kinh tọa gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Hãy cùng lắng nghe phần tư vấn của ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để hiểu hơn về hội chứng thần kinh này.

1. Đau thần kinh tọa là gì? Nguyên nhân do đâu?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Đau thần kinh tọa là hội chứng thần kinh, thường biểu hiện bằng triệu chứng đau lưng lan xuống chân.

Các nguyên nhân thường gặp bao gồm:

  • Thoát vị đĩa đệm, xảy ra ở cả người già và người trẻ.
  • Thoái hóa cột sống.
  • Trượt đốt sống và chèn lên dây thần kinh.
  • Người lớn tuổi bị xẹp đốt sống.
  • Chấn thương cột sống.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân hiếm gặp khác như: Nhiễm trùng cột sống, viêm cột sống dính khớp cũng có thể gây chèn ép dây thần kinh.

2. Triệu chứng đau thần kinh tọa

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Triệu chứng đau thần kinh tọa thường gặp nhất là đau lưng lan xuống chân, có thể 1 bên chân hoặc 2 chân.

Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ có cảm giác tê chân như có kiến bò trong chân, tiếp theo sẽ đau buốt, cảm giác như bỏng rát. Nặng hơn là bị yếu, đi lại được nhưng ngồi xổm không thể đứng dậy được, hoặc xuống cầu thang được nhưng leo lên không được.

Ở mức độ nặng tiếp theo chân sẽ không dơ lên được, ví dụ nằm có thể nhúc nhích đầu ngón chân nhưng không thể dơ lên khỏi giường. Mức độ nghiêm trọng thì không thể cử động chân hoặc tiểu không tự chủ.

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh, Giảng viên trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

3. Đối tượng dễ đau thần kinh tọa?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Đau thần kinh tọa thường gặp ở các đối tượng bị ảnh hưởng cột sống thắt lưng. Chia làm 2 nhóm:

Thứ nhất, cột sống thắt lưng chịu một lực rất nặng, chẳng hạn như béo phì, mang vác nặng, đặc biệt vừa cúi vừa khuân vác nặng. Động tác cúi sẽ đẩy đĩa đệm ra phía sau, cộng thêm việc mang vác nặng gây áp lực lên phía trước cao làm khả năng đẩy đĩa đệm về sau càng cao hơn, dẫn đến thoát vị đĩa đệm chèn dây thần kinh.

Hoặc người lớn tuổi bị thoái hóa cột sống, dẫn đến mọc gai cột sống và đâm vào dây thần kinh.

Thứ 2, tư thế khiến cho tình trạng đau thần kinh tọa ngày càng trẻ hóa. Nguyên nhân do ngồi nhiều nên có xu hướng khom lưng, áp lực tuy nhẹ hơn cúi xuống nhưng thời gian kéo dài và thường xuyên cũng sẽ đẩy đĩa đệm ra phía sau. Cụ thể đối tượng là nhân viên văn phòng, IT, bác sĩ.

4. Mức độ nghiêm trọng của đau thần kinh tọa

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Đau thần kinh tọa có nhiều mức độ khác nhau. Ở mức độ nhẹ, người bệnh sẽ bị tê chân, nhưng không biểu hiện nặng và không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như công việc hàng ngày.

Tuy nhiên, có những trường hợp dây thần kinh bị chèn ép nặng dẫn đến liệt, đi tiêu, đi tiểu khó khăn hoặc không đi được thì rất nguy hiểm.

Còn những người bị liệt 2 chân không thể đi lại được xem là trường hợp cấp cứu cần đưa đến bệnh viện ngay.

5. Biến chứng đau thần kinh tọa

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Tùy thuộc vào mức độ chèn ép thần kinh mà cần điều trị ngay hoặc từ từ. Cụ thể, với những trường hợp nhẹ có thể điều trị bằng dùng thuốc hoặc không dùng thuốc.

Còn đối với trường hợp nặng nếu không được điều trị ngay sẽ phải mang tã vĩnh viễn do không tự chủ được tiểu tiện và liệt 2 chân.

Với trường hợp cứu chữa kịp thời nhưng có thể để lại di chứng teo cơ, dẫn đến sức cơ giảm, đi lại phải chống dậy, không thể đi lên đi xuống cầu thang, dần dần làm thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp.

6. Đau thần kinh tọa khi nào cần thăm khám?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Ở giai đoạn bệnh nặng, người bệnh sẽ có biểu hiện yếu cơ (không thể ngồi xổm, đứng lên hoặ không leo cầu thang được), chân mất cảm giác, không tiểu được hoặc tiểu không tự chủ là những trường hợp cần nhập viên cấp cứu ngay.

Còn khác biểu hiện nhẹ có thể đi khám, bao gồm: tê chân hay đau lưng lan xuống chân kéo dài vài tuần. Riêng một số trường hợp chỉ kéo dài 2 tuần và tự hết thì không cần đi khám.

7. Phương pháp điều trị đau thần kinh tọa

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị đau thần kinh tọa và tùy nguyên nhân sẽ có cách điều trị khác nhau.

Thứ nhất, dùng thuốc chủ yếu điều trị triệu chứng là chính để giảm đau và giảm chèn ép dây thần kinh.

Thứ 2, phẫu thuật: Trước khi tiến hành phẫu thuật bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh chụp Xquang, MRI cột sống thắt lưng để xác định chính xác đốt sống nào bị tổn thương và nguyên nhân do đâu, chẳng hạn do thoát vị đĩa đệm hay thoái hóa cột sống hoặc xẹp đốt sống.

Thứ 3, tập vật lý trị liệu giúp giảm tình trạng chèn ép thần kinh và rẻ tiền, nhưng khó thực hiện. Chủ yếu là các bài tập lưng. Có nhiều nghiên cứu chứng minh các bài tập vật lý trị liệu sau 6 tháng có thể làm giảm tình trạng thoát vị đĩa đệm đến 50% mà không cần phẫu thuật.

8. Phòng ngừa đau thần kinh tọa bằng cách nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời:

Để phòng ngừa đau thần kinh tọa hoặc phòng ngừa tái phát thì cần thay đổi tư thế. Ở nước ngoài có 2 nhóm: bác sĩ chuyên vật lý trị liệu và bác sĩ giúp thay đổi hành vi tư thế, thói quen. Nhưng tại Việt Nam mới chỉ có nhóm bác sĩ chuyên về vật lý trị liệu.

Bác sĩ chủ yếu sẽ giúp bệnh nhân thực hiện các bài tập tăng cường sức cơ lưng. Khi cơ lưng khỏe sẽ giúp lưng giữ thẳng và lâu mỏi, từ đó không dẫn đến tình trạng khom lưng. Các động tác còn giúp mở rộng khoang đĩa đệm và giúp đẩy đĩa đệm vào.

Tuy nhiên, khi bệnh nhân hết đau vẫn nên tập vật lý trị liệu để phòng tránh tái phát.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư thế, thói quen bằng cách khi ngồi luôn giữ lưng thẳng, hạn chế khom lưng, để màn hình laptop ngang tầm mắt; ngồi xuống và từ từ bê vật nặng lên, tuyệt đối không cúi xuống bê.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X