Hotline 24/7
08983-08983

Đau sau Zona: Biến chứng nguy hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống

Bệnh Zona thần kinh là bệnh do cùng một loại virus gây bệnh thủy đậu có tên gọi là Varicella gây nên. BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM cho biết, Zona thần kinh không gây nguy hiểm cho người bệnh, tuy nhiên nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng.

1. Trẻ em thường không mắc bệnh Zona

Xin hỏi BS, Zona thần kinh là gì? Tình trạng này có thường gặp ở trẻ em không? Khả năng trẻ mắc Zona thần kinh có lớn không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Trước đây, bệnh Zona ít khi đi cùng với từ “thần kinh”, mãi sau này mới có khái niệm này, trong sách y học cũng không dùng từ Zona thần kinh. Zona hay còn gọi là giời leo, tuy nhiên trong Đông y, giời leo lại là tên của một nhóm bệnh khác.

Trẻ em thường không bị Zona. Một người khi nhỏ đã bị thủy đậu, đến độ tuổi suy giảm miễn dịch sẽ phát bệnh Zona. Bệnh thường gặp ở người trên 40, 50 tuổi có suy giảm miễn dịch. Nhấn mạnh rằng, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến Zona là bệnh nhân từng mắc thủy đậu, sau đó là đã đến độ tuổi suy giảm miễn dịch.

Tuy nhiên những trẻ bị HIV, đang chữa ung thư... nên bị giảm miễn dịch cũng có khả năng bị Zona.

Nguyên nhân gây bệnh Zona là gì, thưa BS? Có phải trẻ nào từng bị thủy đậu thì sau này cũng sẽ bị Zona không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người bị Zona đa phần là người lớn tuổi, hệ miễn dịch đã suy yếu. Những đứa trẻ thường rất hiếm khi bị bệnh này. Trẻ bị thủy đậu khi dưới 1,5 tuổi có khả năng bị Zona khi lớn nhiều hơn trẻ khác.

Bên cạnh đó, trẻ từng bị thủy đậu và có suy giảm miễn dịch cũng làm tăng khả năng mắc Zona.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực LCH Truyền nhiễm TPHCM

2. Hội chứng đau sau Zona kinh khủng như thế nào?

Bệnh Zona thần kinh nguy hiểm như thế nào? Bệnh nhân phải đối diện với những biến chứng nào khi mắc bệnh?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Khi bị Zona, thời gian đầu bệnh nhân sẽ có cảm giác đau rát. Yùy vào mức độ, độ lan rộng và vị trí tổn thương, bệnh nhân có thể gặp phải hội chứng đau sau Zona.

Cơn đau rát này có thể kéo dài vài năm, làm giảm chất lượng sống. Đặc biệt, nếu Zona xuất hiện ở vùng mặt sẽ gây những cơn đau đầu dữ dội, ở vùng răng cơn đau cũng không kém cạnh. Tùy theo vị trí và tổn thương lan rộng như thế nào, bệnh nhân sẽ phải đối diện với những cơn đau từ hội chứng đau sau Zona.

Thêm một thông tin là việc điều trị đau sau Zona cực kỳ tốn kém.

Tổn thương do Zona gây ra sẽ chạy dọc theo hướng dây thần kinh

3. Tổn thương do bệnh Zona chạy dọc theo hướng dây thần kinh

Thưa BS, những dấu hiệu cảnh báo Zona thần kinh là gì? Những dấu hiệu này có dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người lớn tuổi miễn dịch kém, người bị suy giảm miễn dịch, người dùng thuốc ức chế miễn dịch... đều có khả năng bị Zona. Biểu hiện đầu tiên là vùng da bị nóng rát, châm chích, đỏ lên một cách bất thường mà không có vết trầy nào. Tổn thương sẽ chạy dọc theo hướng dây thần kinh.

Nổi bóng nước cũng là một dấu hiệu cần lưu ý. Khi có các dấu hiệu này, người bệnh phải chú ý theo dõi sát, đi khám để được kê toa điều trị bằng các loại thuốc kháng virus, thuốc bôi để giảm sang thương, từ đó giảm nguy cơ bị đau sau Zona.

Bệnh nhân muốn khám bệnh Zona thì cần đến thăm khám tại khoa nào, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Bác sĩ Nội tổng quát, bác sĩ Da liễu hay bác sĩ Thần kinh đều có thể chẩn đoán Zona. Bệnh Zona không khó chẩn đoán nhưng thường bị nhầm do biểu hiện mụn rộp không quá đặc hiệu.

4. Các phương pháp giảm cơn đau do Zona

Xin BS cho biết, Zona thần kinh có thể điều trị bằng những phương pháp nào? Có thể điều trị dứt điểm tình trạng này không?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Việc điều trị Zona hiện nay chủ yếu dựa vào thuốc kháng virus. Nếu không dùng thuốc, bệnh vẫn có thể hết nhưng để lại những cơn đau nhiều và khó chịu.

Bên cạnh dùng thuốc, cần áp dụng các phương pháp làm mát vùng da bị tổn thương, chẳng hạn như chườm, đắp, để giảm đau.

Sau khi khỏi, trên da bệnh nhân có thể bị để lại sẹo. Nếu vẫn còn tình trạng đau, phai tiếp tục uống thuốc giảm đau, thậm chí uống thuốc ngủ hoặc thuốc chống trầm cảm nhẹ để làm dịu cơn đau.

5. Zona lây qua đường hô hấp, không lây qua tiếp xúc da

Zona thần kinh có lây không, thưa BS?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Zona thần kinh không lây qua da mà lây qua đường hô hấp. Loại virus này tấn công vào cơ thể sẽ gây ra bệnh thủy đậu và bản chất loại virus này không thể lây qua da.

Khi virus trú trong hệ thống thần kinh “thức dậy” sẽ nhân giống và lây vào đường hô hấp của người khác. Nhưng trẻ nhỏ hay người chưa tiêm ngừa thủy đậu sờ vào vết Zona, sau đó đưa lên mũi, miệng sẽ bị lây bệnh thủy đậu.

6. Những bệnh nhân mới bị Zona lần đầu sẽ hiếm khi bị lần thứ hai

Khả năng tái phát ở những người đã từng bị Zona như thế nào? Cần làm gì để phòng ngừa bệnh tái phát?

BS Trương Hữu Khanh trả lời: Người bị suy giảm miễn dịch, ví dụ người bị nhiễm HIV không điều trị tốt, bệnh nhân ung thư giai đoạn truyền hóa chất có thể bị Zona tái phát.

Vị trí Zona tái phái tùy vào vị trí vùng thần kinh mà virus thủy đậu trú ẩn. Hy vọng trong thời gian sắp tới chúng ta sẽ có thuốc ngừa Zona để giảm khả năng mắc bệnh. Thông thường, những bệnh nhân mới bị Zona lần đầu sẽ hiếm khi bị lần thứ hai, trừ trường hợp bị suy giảm miễn dịch.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X