Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sang chấn tâm lý sau dịch bệnh COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, trẻ em và người chưa thành niên thuộc nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất. Để đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần của các em, chúng ta cần làm gì? Mời bạn đọc theo dõi thông tin mà BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh - Nguyên Trưởng khoa Nội 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) giải đáp trong bài viết sau.
1. Ở nhà quá lâu vì COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến tinh thần của trẻ?
Thưa BS, các bạn trẻ khi ở nhà quá lâu sẽ gây ra những ảnh hưởng về tinh thần, cũng như thể chất gì ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Vừa qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Theo đó, khi trẻ em ở nhà quá lâu, không được đến trường, ra ngoài chơi hay gặp gỡ bạn bè… khiến tâm trạng buồn bã hơn, ảnh hưởng ít nhiều đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị trầm cảm
Đôi khi trẻ không nhận ra mình bị trầm cảm mà chỉ nghĩ rằng có thể do bị bức bối. Vậy BS có thể chia sẻ những dấu hiệu nào giúp mình có thể tâm trạng của mình đang bị tổn thương không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Trong thời gian “bình thường mới”, trẻ em được đi học trở lại. Khi đó, trẻ sẽ có động lực, môi trường để kích thích phát triển hơn. Ngoài ra, môi trường gia đình, hoặc các yếu tố giải trí cũng sẽ giúp trẻ cân bằng lại.
Có lẽ khi nhắc đến trầm cảm, nhiều trẻ sẽ không hiểu rõ. Theo đó, nếu trẻ thấy mình không được vui vẻ, không muốn làm gì cả, đó là những yếu tố báo động trẻ có những triệu chứng sang chấn tâm lý. Theo đó, trẻ có thể trao đổi, chia sẻ với bố mẹ, người thân, bạn thân của mình.
Với sự tư vấn nhẹ nhàng, BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh luôn được các bạn nhỏ yêu mến, phụ huynh tin tưởng
3. Trẻ chán ăn, mất ngủ, hay lo lắng, phụ huynh nên làm gì?
Nhiều bạn đọc chia sẻ con của họ thường chán ăn, mất ngủ hoặc hay lo lắng. Vậy chúng ta nên làm gì khi gặp những biểu hiện này ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Nếu trẻ có những biểu hiện chán ăn, mất ngủ, hay lo lắng, phụ huynh nên khuyến khích trẻ tập trung vào sở thích riêng để quên đi những nỗi buồn, stress về dịch bệnh. Chẳng hạn như trẻ thích nhạc rap, vẽ tranh, chơi đàn,… thì hãy làm những gì mình thích.
4. Trẻ dậy thì thường cảm giác bố mẹ không quan tâm, lo lắng về đại dịch, phải làm sao?
Một số trẻ chia sẻ bố mẹ thường không hiểu mình. Bên cạnh đó trẻ còn cảm thấy lo lắng về dịch bệnh. Trong lúc này, trẻ cần có những suy nghĩ như thế nào cho đúng đắn nhất ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Đôi khi trẻ em, nhất là ở trẻ dậy thì, thường trách bố mẹ không quan tâm mình. Theo BS, có lẽ suy nghĩ này ở trẻ cũng là điều đương nhiên bởi dù trẻ em hay người lớn đều mong muốn mình được quan tâm nhiều hơn.
Tuy nhiên, trẻ dậy thì có thể suy nghĩ ngược lại rằng “Mình đã bắt đầu trở thành người lớn và nên dành sự quan tâm đến người khác”. Theo đó, trẻ có thể quan tâm đến bố mẹ hay chăm lo cho em mình chẳng hạn. Điều này sẽ giúp trẻ vui hơn, cảm thấy mình trưởng thành và có trách nhiệm hơn.
5. Trẻ em chơi game để đỡ buồn chán trong mùa dịch, có sao không?
Nhiều trẻ thường chọn chơi game để giảm stress. Vậy thưa BS, việc này có ảnh hưởng gì đối với trẻ em trong thời gian ở nhà quá lâu không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Chơi game cũng là một phương pháp tích cực. Tuy nhiên, nếu trẻ chơi game toàn thời gian, hoặc dành thời gian vào game nhiều hơn so với đọc sách, tương tác với gia đình, phụ giúp bố mẹ,… thì sẽ trở thành việc tiêu cực.
Do đó, chúng ta hoàn toàn không cần phải cấm trẻ chơi game, đây là nhu cầu giải trí và giúp trẻ kích thích đầu óc sáng tạo. Vì vậy, quý phụ huynh có thể khuyến khích con chỉ nên chơi game trong vòng 45 phút - 1 giờ, sau đó dành thời gian để làm những công việc khác.
Khi chơi game, nhiều trẻ thường có xu hướng nghiện chơi và khó dứt ra được. Vì vậy, trẻ có thể áp dụng giải pháp sau:
- Sử dụng đồng hồ nhắc nhở.
- Lên kế hoạch công việc cần làm sau khi chơi game.
6. Trẻ nên làm gì để thể chất và tinh thần tốt hơn sau những dư chấn từ đại dịch?
BS có lời khuyên nào để giúp trẻ lắng nghe, thay đổi tốt hơn về mặt thể chất và tinh thần không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Thị Thanh trả lời: Các bạn trẻ nên cố gắng ăn uống, ngủ đúng giờ giấc, tập thể dục thường xuyên. Quan trọng nhất là hãy làm những điều khiến mình vui vẻ như hát ca, vẽ vời chẳng hạn. Bởi khi tập trung vào sở thích của mình sẽ khiến cho tâm trạng các bạn vui hơn, yêu đời hơn.
Nên nhớ rằng, điều gì rồi cũng sẽ qua đi. Vì vậy, trong cuộc sống chúng ta phải luôn vui vẻ và tin tưởng vào tương lai.
Trích trong chương trình “A, Bạn đây rồi!” chủ đề “Cùng bạn chăm sóc sức khoẻ tinh thần” của HTV KIDS.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình