Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nhận biết cơ thể hình thành cục máu đông sau điều trị hoặc tiêm vắc xin COVID-19?

Nhiều nghiên cứu cho thấy cục máu đông có thể hình thành ở người sau khi mắc hoặc sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Vậy, tỷ lệ biến chứng ra sao, đề phòng hình thành huyết khối như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp bởi TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TPHCM, trong bài viết dưới đây.

1. Tỷ lệ hình thành cục máu đông sau điều trị COVID-19?

Một vấn đề khiến nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 và sau khi khỏi bệnh lo lắng, đó là việc hình thành các cục máu đông có thể đưa đến biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc nhồi máu cơ tim. Xin BS chỉ rõ hơn, tỷ lệ này sau khi nhiễm phải virus SARS-CoV-2 hiện này ra sao? Thường gặp ở những nhóm người nào?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Một trong vấn đề nghiêm trọng làm gia tăng tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc COVID-19 đó là tình trạng hình thành huyết khối trong lòng mạch máu. Đây là một trong những biến chứng đáng sợ vì nếu chẳng may huyết khối hình thành trong mạch máu tim, não hoặc phổi thì có thể dẫn đến tử vong một cách nhanh chóng.

Bên cạnh đó, cục máu đông vẫn có thể hình thành ở các mạch máu vùng chi như tay, chân nhưng ít nguy hiểm hơn. Đặc biệt, nếu hình thành huyết khối ở số lượng lớn (nghĩa là huyết khối to) có thể làm ngăn cản máu lên não hoặc cung cấp cho cơ tim, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Đây là một trong những biến chứng rất nặng, nên trong quá trình điều trị bệnh nhân COVID-19, phần lớn các phác đồ đều có thêm thuốc điều trị phòng ngừa cục máu đông. Tuy nhiên, biến chứng này rất hiếm và không xảy ra thường xuyên ở bệnh nhân mắc COVID-19. Theo thống kê ở Mỹ, với 5.000 bệnh nhân, chỉ có một vài bệnh nhân mắc COVID-19 kèm theo cục máu đông. Vì vậy, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 có cục máu đông xác suất diễn tiến nặng là 1/1000.

Tùy theo vị trí của cục máu đông mà sẽ có những biến chứng nặng nhẹ khác nhau. Nếu cục máu đông hình thành ở các cơ quan quan trọng như não, tim, phổi thì có thể làm tăng nguy cơ tử vong. Còn nếu máu đông hình thành ở tay, chân thì tỷ lệ tử vong hoặc diễn tiến nặng sẽ thấp hơn.

Một số đối tượng có nguy cơ gia tăng hình thành cục máu đông như những người thừa cân, béo phì, những người mắc COVID-19 nặng phải nằm một chỗ thở máy. Bên cạnh đó, những đối tượng này cũng có diễn tiến nặng hơn so với những người trẻ khoẻ mạnh, ít bị thừa cân, béo phì.

Việc hình thành cục máu đông cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự đáp ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể với virus SARS-CoV-2. Nếu như người có hệ miễn dịch quá nhạy cảm, dễ dị ứng thì sẽ dễ hình thành cục máu đông hơn. Theo thống kê, có khoảng 30% người trẻ dưới 30 tuổi hình thành cục máu đông.

Do đó, chúng ta thấy rằng, cục máu đông hình thành không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào độ tuổi, chế độ vận động, thừa cân, béo phì hay cơ địa mà còn phụ thuộc một phần vào yếu tố miễn dịch của bệnh nhân.

TS.BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TPHCM, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ

2. Tiêm vắc xin COVID-19 gây biến chứng cục máu đông, liệu có đáng sợ?

Vấn đề hình thành huyết khối còn có thể gặp ở người sau tiêm vắc xin COVID-19. Điều này khiến nhiều người lo ngại, nhất là những người có tiền sử đột quỵ, bởi họ cho rằng việc đông máu này sẽ làm gia tăng nguy cơ tái phát đột quỵ. BS có lời khuyên nào dành cho những lo lắng này của người bệnh?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Nhiều nghiên cứu cho thấy, với người mắc COVID-19 nguy cơ hình thành cục máu đông < 1/1000 thì nguy cơ này ở người tiêm vắc xin COVID-19 có thể là 1/10.000, thậm chí 1/100.000. Do đó, chúng ta đừng quá lo lắng việc tiêm vắc xin sẽ hình thành cục máu đông.

3. Trước khi tiêm vắc xin COVID-19, có cần tăng liều Clopidogrel, Aspirin, Nattoenzym để ngăn ngừa hình thành cục máu đông?

Việc các bệnh nhân đang dùng các sản phẩm chống đông máu như Clopidogrel, NattoEnzym… đồng thời có tiền sử bệnh như huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu… đang dùng thuốc điều trị thì có tiêm vắc xin được không? Có cần ngưng thuốc đang sử dụng không?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Trong thời gian qua, nhiều người cũng gửi đến cho chúng tôi thắc mắc này: Nếu đang dùng thuốc Plavix, Aspirin, NattoEnzym hoặc các thuốc chống đông về tim mạch thì có cần ngừng hoặc gia tăng liều lượng trong giai đoạn tiêm vắc xin COVID-19?

Chúng tôi khẳng định rằng, người bệnh có thể tiêm ngừa bình thường mà không cần phải dùng thuốc hay gia tăng liều lượng thuốc để phòng ngừa cục máu đông. Hay nói cách khác, người bệnh hoàn toàn có thể dùng các loại thuốc kể trên trước, trong và sau tiêm vắc xin vì nguy cơ, sát xuất hình thành huyết khối là rất thấp.

Nếu như đã uống những loại thuốc này rồi thì nên yên tâm là cơ thể được bảo vệ một phần trong việc ngăn chặn hình thành cục máu đông. Do đó, chúng ta không nên quá lo lắng khi sử dụng thuốc chống hình thành cục máu đông trong giai đoạn tiêm vắc xin COVID-19.

4. Dấu hiệu nhận biết cơ thể hình thành cục máu đông sau điều trị hoặc tiêm vắc xin COVID-19?

Những dấu hiệu nào cảnh báo cơ thể đang ẩn chứa cục máu đông, thưa BS? Liệu có giải pháp nào đề phòng sự hình thành huyết khối sau điều trị hay tiêm vắc xin COVID-19?

TS.BS Trần Chí Cường trả lời: Nếu cục máu đông đủ lớn có thể nhận biết các dấu hiệu hình thành cục máu đông cấp tính gián tiếp qua những dấu hiệu đột quỵ như: đột ngột mặt méo, tê yếu tay chân và nói khó sau khi điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là trường hợp rất dễ chẩn đoán, thậm chí có thể diễn tiến sang đột quỵ nặng nếu chúng ta không nhận ra ngay từ đầu.

Thực tế trong thời gian điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam, đã có những trường hợp ghi nhận bệnh nhân COVID-19 nặng có hình thành cục máu đông trên não và một số trường hợp tử vong do hình thành cục máu đông.

Theo đó, chúng ta có thể nhận biết sự hình thành cục máu đông trên não dựa vào dấu hiệu của đột quỵ. Đối với cục máu đông hình thành ở tim, chúng ta có thể nhận diện gián tiếp qua dấu hiệu của nhồi máu cơ tim như: bệnh nhân tức ngực nặng, nhịp tim nhanh, khó thở…

Nếu chẳng may cục máu đông hình thành trong phổi và đủ lớn, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện của diễn tiến suy hô hấp như: giảm oxy máu, đau ngực, khó thở, suy tim cấp, phù chân, phù tay…

Nếu như cục máu đông hình thành ở mạch máu chi, mạch máu ngoại biên trong lòng động mạch thì bệnh nhân sẽ có dấu hiệu tay chân lạnh, mất mạch, không bắt được nồng độ bão hoà oxy do tắc động mạch. Trong trường hợp này, chúng ta có thể bắt mạch ở cổ tay, mạch quay, tìm những mạch ngoại biên xem còn đập hay không và đo nồng độ bão hoà oxy (nếu như còn bắt được mạch thì nồng độ bão oxy đủ là 98-99%).

Ngược lại, khi không đo được nồng độ bão hoà oxy máu hoặc nồng độ thấp thì chúng ta nên kiểm tra ngay vì một trong những nguyên nhân đó có thể là trùng lập với triệu chứng của tắc nghẽn mạch máu ngoại biên. Nếu như bệnh nhân bị tắc tĩnh mạch ngoại biên (tay, chân) thì sẽ có dấu hiệu lòng bàn tay tím đen.

Như chúng ta đã biết, với những người sau tiêm COVID-19, tỷ lệ diễn tiến hình thành cục máu đông rất thấp. Do đó, chúng ta không nên quá lo lắng về vấn đề hình thành cục máu đông mà ngại tiêm vắc xin sẽ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe nếu chẳng may mắc COVID-19.

Trân trọng cảm ơn TS.BS Trần Chí Cường đã nhận lời tham gia chương trình tư vấn và Nhãn hàng NattoEnzym - hỗ trợ làm tan cục máu đông, giúp ngừa đột quỵ nguyên liệu Nhật Bản của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đã đồng hành cùng AloBacsi trong chương trình này.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X