Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu nào cảnh báo nhiễm BA.5, nếu mắc bệnh đến đâu để điều trị?

Những câu hỏi liên quan đến BA.4, BA.5 đã được BS Trương Hữu Khanh giải đáp nóng hổi trên AloBacsi. Mời bạn đọc đón xem.

1. Số ca COVID-19 gia tăng có liên quan đến BA.4, BA.5?

Thưa BS, những ngày gần đây số ca COVID-19 tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng. Theo BS nhận định, sự gia tăng này liệu có liên quan đến biến thể Omicron BA.4 và BA.5 mới xâm nhập vào Việt Nam?

Sự gia tăng này chưa rõ ràng. Nếu có gia tăng, con số sẽ từ vài trăm đến vài ngàn, nếu chỉ biến động thay đổi khoảng vài trăm ca trên một ngày thì chưa thể nói được. Theo tôi, có thể sự thay đổi con số này có hoặc không liên quan đến BA.5. Chúng ta phải làm nhiều đợt xét nghiệm mới biết tỷ lệ BA.5 hiện nay như thế nào. Điều chắc chắn là BA.5 đã có tại Việt Nam. Về lâu dài, BA.5 sẽ thay thế BA.2.

2. BA.5 có trở thành biến chủng “thống trị” tại Việt Nam trong tương lai?

Hiện, Hà Nội đã ghi nhận ca nhiễm BA.5 ngoài cộng đồng, phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai. Theo đánh giá của BS, nguy cơ lây lan ra cộng đồng như thế nào? Và liệu 2 biến thể này có khả năng trở thành biến chủng “thống trị” như nó đang làm tại châu Âu?

Về nguyên tắc, khi xuất hiện Omicron vấn đề bàn luận cũng tương tự như hiện nay BA.5 “xâm nhập”. BA.5 đã có ngoài cộng đồng mà chúng ta phát hiện tình cờ thì có lẽ đã nhiều hơn rồi. Do đó, không có gì lạ khi sau này BA.5 sẽ thay thế toàn bộ BA.2. Đây là quy luật của virus.

3. Triệu chứng nhiễm BA.5 là gì?

Cho đến nay, các triệu chứng ghi nhận của biến thể BA.4 và BA.5 có khác biệt so với các biến thể “anh em” khác của Omicron? Các triệu chứng đó là gì?

Cho đến nay, thông tin rõ ràng nhất đó là BA.5 càng giống với cảm lạnh. Ở nước ngoài gọi là cảm lạnh, còn ở Việt Nam gọi là cảm vặt. Bởi vì nó đã thuần với con người nên sẽ giống với cảm lạnh.

Trong khi đó, triệu chứng của cảm lạnh đó là sốt nhẹ, đau nhức mình mẩy, hắt xì, sổ mũi. Có người triệu chứng nhiều hơn, nhưng cũng có người triệu chứng ít hơn, tùy theo từng thể trạng.

4. Phân biệt triệu chứng BA.5 với sốt xuất huyết, cúm mùa A?

Vấn đề là hiện nay bùng phát nhiều dịch bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, đặc biệt là Hà Nội ghi nhận sự gia tăng cúm mùa A bất thường.

- Phân biệt triệu chứng sốt của COVID-19 với sốt xuất huyết, tay chân miệng thế nào?

Việc phân biệt quan trọng nhất là với sốt xuất huyết. Trong đó, với sốt xuất huyết đặc tính thường gây ra sốt cao. Còn các bệnh khác, khả năng sốt cao rất thấp. Đặc biệt, sốt xuất huyết khi sốt ít khi nào kèm theo các triệu chứng của đường hô hấp. Tuy nhiên, tất cả đều là nghi ngờ. Vấn đề ưu tiên nhất là xét nghiệm khi cần.

- Dấu hiệu của COVID-19 và cúm mùa A có điểm nào giống và khác nhau thưa BS?

Cho đến hiện nay, rất khó để nhìn vào lâm sàng mà phân biệt được COVID-19, BA.5 hay cảm lạnh, cúm mùa, viêm đường hô hấp trên do siêu vi. Chỉ có xét nghiệm mới giúp phân biệt rõ ràng.

5. Điều trị người bệnh COVID-19 chung với các bệnh hô hấp khác, có nên không?

Với mức độ phổ biến và sự hiểu biết về COVID-19, chúng ta liệu đã có thể điều trị và tiếp nhận những trường hợp mắc bệnh COVID-19 như những người bệnh hô hấp khác (điều trị, nhập viện chung một khu)?

Theo tôi, điều này phụ thuộc vào quan niệm của nhà quản lý. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay, dù là Omicron hay BA.4, BA.5 thì đều phải bảo vệ người nguy cơ, người đe dọa tử vong. Bởi hiện nay, khi đã mở cửa hội nhập, rất khó để bảo vệ vẹn toàn cho toàn bộ người trẻ, khỏe.

6. Nhiễm BA.5 nên đến đâu để điều trị, có cần báo y tế phường?

Trước đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các bệnh viện dã chiến lần lượt ngừng hoạt động.

- Vậy hiện nay, với những trường hợp mắc COVID-19, theo BS có cần thông báo với y tế phường, hoặc nên đến bệnh viện nào trong thời điểm hiện tại?

Hiện nay, hầu hết tất cả các bệnh viện đều có khu vực để điều trị COVID-19. Như vậy, nếu có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, có thể đến bệnh viện gần nhà. Nếu đã suy hô hấp thì vào cấp cứu. Việc có hay không thông báo y tế thì phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người. Theo quy định hiện nay của y tế là chúng ta phải thông báo cho địa phương.

- Ngoài ra, có cần thiết phải xét nghiệm, giải trình tự gene để nhận biết mình nhiễm biến thể nào không thưa BS?

Thực tế, việc xét nghiệm xác định nhiễm biến thể nào không đơn giản. Vì vậy, người dân thì không thể tự thực hiện được. Hơn nữa, việc này cũng không cần thiết với người dân. Cho đến nay, người ta đã xác định rằng, BA.5 giống cảm lạnh, nhẹ hơn nhiều so với Delta, và thế giới cũng công nhận nhẹ hơn chủng BA.2. Giải trình tự gene chỉ cần cho các nhà nghiên cứu, hoặc theo dõi dịch tễ.

7. BA.5 thoát miễn dịch ở người đã tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh, nghĩa là gì?

Hiện nay có nhiều thông tin cảnh báo, BA.4, BA.5 có thể thoát miễn dịch ở những người đã tiêm chủng hoặc từng mắc bệnh trong quá khứ. Xin nhờ BS giải thích cụ thể hơn, chúng ta cần hiểu sao cho đúng về thông tin này ạ?

Đây là một thông tin thú vị. Nhưng ngay từ khi xuất hiện BA.2 chúng ta đã bàn luận đến vấn đề này. Người ta thấy rằng, cho dù đã nhiễm Delta thì vẫn có nguy cơ nhiễm Omicron, bị BA.1 thì vẫn bị BA.2. Tương tự, khi đã bị BA.2 thì vẫn có khả năng bị BA.5. Tuy nhiên tỷ lệ này không phải là 100% mà khá thấp, dưới 10%. Đây là điều rất bình thường, bởi virus thay đổi cấu trúc. Quan trọng là, người ta thấy những người mắc bệnh lại đa số đều nhẹ, ngoại trừ trường hợp người quá lớn tuổi, quá nhiều bệnh nền.

8. Đã mắc COVID-19, nhiễm BA.5 và BA.5 bệnh có nhẹ hơn, khỏi bệnh sớm hơn?

Với những người đã mắc bệnh trước đó, liệu nhiễm BA.4 và BA.5 bệnh có nhẹ hơn và thời gian khỏi bệnh có nhanh hơn? Việc theo dõi, điều trị hai biến thể này có khác so với trước đó?

Đến hiện tại, người ta thấy rằng, đa số những người tái nhiễm lần 2 đều nhẹ hơn. Nhưng cần nhớ, nhẹ hơn không có nghĩa không có triệu chứng (ví dụ như sốt) so với lần trước mà là không có biến chứng, không đe dọa tính mạng.

Đối với hai biến thể này, chúng ta cũng không có điều trị đặc biệt nào cả. Do đó, chúng ta không cần quá lo lắng rằng khi xuất hiện BA.4, BA.5 thì phải thay đổi phương pháp điều trị.

9. BA.5 có làm gia tăng số ca bệnh nặng?

Một số nghiên cứu cho thấy các biến chủng phụ này có biểu hiện tăng nặng tại khu vực châu Phi. Cảnh báo gia tăng bệnh này này có đáng quan ngại, thưa BS Khanh?

Đừng đếm số ca, bởi khi tầm soát số ca sẽ tăng lên. Điều quan trọng nhất là xem quốc gia đó ứng xử với điều này như thế nào. Theo tôi được biết thì những nơi này không thay đổi chiến lược phòng ngừa. Ai chưa tiêm ngừa mũi 3 thì nên tiêm nhắc mũi 3, bảo vệ người có nguy cơ cao. Ngoài ra cũng nhắc thêm đeo khẩu trang khi ra đường, đặc biệt là trong phòng kín, có nhiều người lạ và rửa tay. Đến nay, tôi chưa thấy nước nào phải lockdown trở lại khi xuất hiện BA.5.

10. Cần làm gì để bảo vệ sức khỏe khi BA.5 đã có ngoài cộng đồng?

Theo kinh nghiệm của BS, cộng đồng cần trang bị những gì để ứng phó với biến chủng mới xâm nhập này ạ? Làm gì để không lo lắng quá mức nhưng cũng không được buông lỏng cảnh giác, chủ quan?

Theo tôi, chúng ta không thể tránh khỏi việc BA.5 có ở Việt Nam. Tốt nhất là chúng ta nên đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, người nguy cơ (lớn tuổi, nhiều bệnh nền…) thì nên hạn chế tiếp xúc với bên ngoài.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X