Hotline 24/7
08983-08983

Dấu hiệu gan quá tải và bí quyết giải độc gan an toàn, hiệu quả

Việc sử dụng rượu bia trong giao tiếp hàng ngày là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, làm cách nào để uống rượu bia nhưng không gây hại quá nhiều cho sức khỏe? Trong bài viết dưới đây sẽ là một số lưu ý từ ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành dành cho người bệnh gan cũng như những người thường xuyên sử dụng rượu bia.

1. Có phải sau Tết bệnh gan sẽ bùng phát mạnh?

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, dường như các y bác sĩ chuyên khoa Gan mật lại có một nỗi lo riêng, đó là lo lắng bệnh gan bùng phát sau Tết, có phải không thưa BS? Xin hỏi BS, đó là những bệnh gan nào ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Sau Tết sẽ gặp rất nhiều vấn đề sức khỏe liên quan đến bia rượu. Những chuyên khoa khác như chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh cũng như các bác sĩ tiêu hóa rất vất vả vì những bệnh lý tiêu hóa, gan mật liên quan đến bia rượu gia tăng trong dịp Tết.

Một số bệnh nhân có bệnh lý gan trước đó cùng với uống quá nhiều rượu bia dịp Tết sẽ bùng phát các bệnh gan tiềm ẩn. Người bệnh có thể vào viện trong tình trạng cấp cứu do các biến chứng của bệnh gan như xuất huyết tiêu hóa trong bệnh cảnh ói ra máu, hôn mê do bệnh não do gan, hội chứng cai rượu khi uống quá nhiều rượu bia, ngộ độc rượu bia.

2. Cồn gây hại gan như thế nào và uống bia có đỡ hại gan hơn uống rượu?

Khi nói đến thủ phạm gây bệnh gan, nhiều người nghĩ ngay đến bia rượu. Xin BS cho biết cụ thể cồn gây hại gan như thế nào? Và có phải uống bia thì đỡ hại gan hơn uống rượu không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Về mặt y học không phân biệt bia hay rượu mà sẽ quy theo đơn vị cồn (nồng độ cồn trong thực phẩm uống vào) bao nhiêu sẽ ảnh hưởng đến gan. Theo nghiên cứu chứng minh, một người uống trên 14 đơn vị cồn sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến gan.

- Đối với bia nồng độ 5% khoảng 250 - 270ml bia. Nam không uống quá 3 đơn vị cồn, nữ không uống quá 2 đơn vị cồn (1 đơn vị cồn tương tương 8 - 14g cồn).

- Đối với rượu nồng độ 40 độ khuyến cáo không nên uống quá 25ml.

- Rượu vang khuyến cáo không uống quá 75ml.

Nếu uống vượt số lượng đó kéo dài sẽ ảnh hưởng đến bệnh gan do rượu.

3. Người bệnh gan có nên sử dụng rượu bia?

Tuy biết chất cồn hại gan như vậy nhưng thật lòng, rất khó từ chối chén rượu ngày xuân. Hơn nữa, tình trạng bệnh gan mỗi người mỗi khác. Vậy theo BS, tình trạng bệnh gan như thế nào thì mọi người có thể uống chút chút, tình trạng nào thì phải tuyệt đối kiêng bia rượu ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Nếu chúng ta không đi kiểm tra sức khỏe lá gan, đôi khi có những tổn thương gan tiềm ẩn mà không phát hiện. Các khuyến cáo cho thấy nếu uống một lượng rượu bia dưới mức cho phép sẽ tương đối an toàn. Uống một lượng cồn và nồng độ vừa phải sẽ kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng, đồng thời kích thích tim mạch làm nhịp tim đập nhanh hơn, hệ thống tuần hoàn lưu thông tốt hơn.

Nhóm bệnh nhân có bệnh nền trước đó, tổn thương gan do các nguyên nhân khác như viêm gan viêu vi B, gan viêu vi C,… khuyến cáo không nên lạm dụng quá nhiều rượu bia. Nam không uống quá 3 đơn vị cồn (2 lon bia), nữ không uống quá 2 đơn vị cồn (1 lon bia).

4. Dấu hiệu nào cảnh báo gan đã quá tải và khi đó cần làm gì?

Dấu hiệu nào cảnh báo gan đã quá tải, thưa BS? Khi có dấu hiệu quá tải, chúng ta nên làm gì để dưỡng cho gan khỏe mạnh trở lại?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Gan là một tạng rất lớn trong cơ thể nặng từ 1,2 - 1,5kg, là cơ quan chưa biệt hóa cao nhất, có khả năng tái sinh. Chỉ những tổn thương gan từ 50% trở lên thì mới biểu hiện triệu chứng.

Bệnh gan là căn bệnh thầm lặng, triệu chứng về gan không dữ dội như các nhóm bệnh nhiễm khuẩn hoặc các bệnh khác. Do đó, một số biểu hiện quá tải của gan đôi khi chỉ là cảm giác mệt mỏi, uể oải, đầy bụng, chướng bụng, ăn không ngon.

Một số trường hợp diễn tiến nặng nề sẽ có những biểu hiện như mắt vàng, da vàng, chân phù, bụng to, thậm chí có dấu hiệu rối loạn đông máu do gan bị tổn thương gây ói ra máu, chảy máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam,…

5. Người bệnh gan nhiễm mỡ nên ăn uống thế nào để không hại gan?

Không chỉ rượu bia mà các món ăn nhiều dầu mỡ, bột đường, khiến người có bệnh gan nhiễm mỡ ngần ngại. Theo BS, người bệnh gan nhiễm mỡ có cách nào để thưởng thức món tết mà vẫn an toàn cho gan không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Gan nhiễm mỡ có 2 nhóm nguyên nhân chính là gan nhiễm mỡ do rượu hoặc không do rượu. Khi uống quá nhiều rượu trên mức cho phép lâu ngày sẽ dễ bị bệnh lý gan nhiễm mỡ do rượu và tiến triển thành xơ gan, dẫn đến ung thư gan. Chúng ta bắt buộc phải kiểm soát lượng rượu uống vào. Không uống quá nhiều rượu, không lạm dụng rượu bia.

Đối với nhóm bệnh lý gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ liên quan đến những bất thường về chuyển hóa, thường gặp ở các bệnh nhân đái tháo đường (tỷ lệ rất cao), bệnh nhân có rối loạn về chuyển hóa lipid máu, rối loạn mỡ máu, bệnh lý tim mạch, cao huyết áp.

Ngày nay nhóm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu không còn lành tính như trước mà có rất nhiều biến chứng nguy hiểm, bên cạnh việc tiến triển thành xơ gan và ung thư gan. Nhóm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu có thể làm xơ vữa động mạch cảnh, lượng máu lên não không đủ dẫn đến đột quỵ hoặc làm xơ vữa hẹp động mạch vành ảnh hưởng đến tim mạch.

Ngoài ra một nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ khác (gan nhiễm mỡ thứ phát) là do tác dụng phụ của thuốc. Điển hình là những nhóm thuốc trong thành phần có chứa corticoid kéo dài.

Để hạn chế tình trạng gan nhiễm mỡ không do rượu nên lưu ý thay đổi lối sống trong khẩu phần ăn. Hạn chế tối đa mỡ động vật có hại dù có bị bệnh gan nhiễm mỡ hay không.

Tuy nhiên, cơ thể muốn tổng hợp protein cần phải có đầy đủ các axit amin nên không thể thiếu mỡ. Vì vậy người bị gan nhiễm mỡ có thể ăn mỡ cá là một loại mỡ tốt cho cơ thể.

Đối với món thịt kho tàu trong ngày Tết, khi mỡ dưới da của thịt được nung sẽ giảm bớt lượng mỡ độc nên có thể sử dụng được một ít. Còn lại mỡ nội tạng của động vật như heo, bò, gà hoặc da và óc là mỡ không tốt.

6. Các sản phẩm giải độc gan có tác dụng gì?

Cũng có người lại nghĩ thôi thì vui xuân, cứ cụng ly cái đã rồi về sử dụng các sản phẩm giải độc gan cũng được. BS có ý kiến như thế nào về “giải pháp” này ạ? Vậy có phải chất độc nào gan cũng hóa giải được phải không ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Khi uống rượu bia gan sẽ chuyển hóa bởi men ADH thành chất axetat anđehit. Chất này rất độc trong cơ thể và nhờ một men khác chuyển hóa thành axit axetic. Sau đó axit axetic sẽ thủy phân thành CO2 và nước.

Theo nghiên cứu, một số người bị thiếu men để chuyển hóa ADH thành axit axetic, nếu sử dụng quá nhiều rượu bia sẽ tích tụ ADH trong máu dẫn đến ảnh hưởng rất nhiều cho cơ thể, không chỉ độc ở gan mà còn độc ở các cơ quan khác, trong đó có hệ thần kinh.

7. Đồ uống giúp mát gan có thực sự hiệu quả?

Cũng có nhiều bà nội trợ lo lắng rằng bia rượu, thực phẩm không tốt cho gan nên chuẩn bị đồ uống giúp mát gan cho cả nhà như: nước gạo lứt rang, nước đậu rang, trà hoa cúc, trà atiso… Theo BS, cách này có ổn không ạ? Và nên uống như thế nào là hợp lý?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Người bệnh gan thường có hiện tượng nóng gan, nổi mụn,… Theo dân gian sẽ sử dụng một số bài thuốc đông y hoặc thuốc nam để uống nhằm thải độc gan, mát gan.

Trên thực tế vẫn có một số bài thuốc giúp lợi mật, có tác dụng chống oxy hóa để thoái triển tế bào mỡ trong gan từ đó sẽ lợi mật, giúp tiêu hóa tốt, kích thích ăn hơn. Vì khi mật tiết ra nhiều, axit mật sẽ hủy những chất béo xấu mà chúng ta ăn vào.

8. Những lưu ý bảo vệ gan khi sử dụng bia rượu?

Lời khuyên của BS dành cho mọi người để làm sao ăn ngon mà gan vẫn khỏe ạ?

ThS.BS.CK2 Trần Kinh Thành trả lời: Theo khuyến cáo, để sử dụng rượu bia hợp lý nên:

- Không uống quá liều cho phép: Đối với nam không uống quá 3 đơn vị cồn (2 lon bia) trong một ngày, nữ không quá 2 đơn vị cồn (1 lon bia) trong một ngày. Nếu một tuần uống trên 14 đơn vị cồn là quá liều.

- Nên “chữa cháy” bằng cách uống nhiều nước để pha loãng lượng cồn hấp thu vào máu.

- Trước khi uống rượu bia nên ăn một ít thực phẩm, để tránh hiện tượng bia rượu hấp thu vào cơ thể nhanh. Đặc biệt là thực phẩm có chất béo như mỡ cá biển. Chất béo này khi ăn vào sẽ không tiêu hóa ngay mà đưa xuống ruột non, tạo thành lớp màng làm hạn chế hấp thu cồn.

- Không uống bụng đói: Bình thường nhiệm vụ chính của dạ dày là làm nhuyễn thức ăn, ít khi hấp thu dinh dưỡng từ dạ dày. Nhưng rượu bia lại được hấp thu một phần từ dạ dày. Nếu uống bụng đói sự hấp thu vào máu sẽ nhanh hơn.

- Đối với bệnh nhân có bệnh lý về gan, tổn thương gan đã trầm trọng phải thận trọng khi uống rượu bia. Nếu uống quá nhiều rượu bia sẽ ảnh hưởng đến sự chuyển hóa rượu.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X