Hotline 24/7
08983-08983

Đau gót chân và bắp đùi do đứng lâu, phải làm sao AloBacsi ơi?

Bắt đầu với buổi tư vấn trực tiếp chiều ngày 25/4, BS Lan Hương liên tiếp giải đáp thắc mắc của bạn đọc thông qua 2 hotline và email gửi về. Mời bạn đọc theo dõi nội dung tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Nhân dân 115

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Gia Phuc, 35 tuổi - TPHCM

Thưa BS,

Em làm nghề xây dựng. Hiện tại em đứng lâu sẽ bị nhức hai gót chân và thỉnh thoảng đau nhói ở bắp đùi bên trái. Xin hỏi BS, em bị bệnh gì, nếu khám thì khám ở đâu?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Đau gót chân thường do viêm gân gan chân, do thoái hóa vì sử dụng quá nhiều hoặc chấn thương... Đau gót chân đôi khi cũng là triệu chứng của một số bệnh như viêm bao hoạt dịch gân gót, gai xương gót, hội chứng đường hầm cổ chân, chấn thương vùng gan chân, suy tĩnh mạch chi dưới...

Nếu triệu chứng đau không nhiều, xuất hiện gần đây, em có thể cải thiện bằng cách chọn loại giày dép thích hợp (vừa chân, đế êm), hạn chế đi lại quá nhiều và đứng lâu, không để thừa cân, béo phì, để chân nghỉ ngơi 1 thời gian và xoa bóp vào buổi tối với dầu nóng sẽ bớt. Nếu triệu chứng nhiều, thì cần đi khám chuyên khoa Cơ xương khớp để kiểm tra toàn diện, chụp Xquang khớp cổ chân 2 bên, siêu âm mạch máu chi dưới... xác định bệnh và điều trị thuốc thích hợp.



- Hoàng Đỗ, 17 tuổi

Thưa BS,

Cháu đi đại tiện khá khó khăn, nhiều khi không hề có cảm giác muốn đi qua nhiều tuần. Cháu bị mắc bệnh gì thưa BS?         

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Người bình thường sẽ đi tiêu mỗi ngày 1 lần, phân mềm, không phải rặn nhiều. Có người đi cầu 2 - 3 ngày 1 lần nhưng phân vẫn mềm thì cũng bình thường. Đi cầu 1 tuần 1 lần, phân thường rắn chắc, phải rặn nhiều là táo bón.

Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân, trước hết là do chế độ ăn ít chất xơ, uống không đủ nước, thói quen sinh hoạt ít vận động làm nhu động ruột cũng yếu, hay do bệnh lý gây rối loạn nhu động ruột, bệnh làm hẹp lòng ruột, do thuốc...

Trước hết, em nên thử điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt hàng ngày, gồm ăn thức ăn dễ tiêu, tăng cường ăn nhiều chất xơ có trong rau xanh, hoa quả (chuối, đu đủ...), hạn chế thức ăn cay, nóng, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ, phải uống đủ nước, tối thiểu là 2 lít nước/ngày, trời nóng hay hoạt động đổ nhiều mồ hôi phải uống tối thiểu 3 lít nước/ngày, hạn chế rượu bia, cà phê, trà đặc, không hút thuốc lá, tăng cường vận động thể lực điều độ, bỏ thói quen nhịn đi tiêu tiểu.

Nếu sau 1 tháng mà không thay đổi gì thì cần khám ck tiêu hóa. Nếu có tiền căn gia đình bị polyp hay ung thư đại tràng, hay bản thân xanh xao, đi cầu phân dẹt, sụt cân thì cần khám BS chuyên khoa Tiêu hóa sớm để loại trừ bệnh lý ác tính gây tắc lòng ruột già.

 

- Bá Tiếp - leba…@gmail.com

Thưa BS,

Em bị rối loạn nhịp tim lâu rồi, do quá trình lo lắng, âu lo lâu dài. Triệu chứng: sáng sớm tim lúc nào cũng đập thình thịch, làm tâm lý lúc nào cũng lo âu, căng thẳng, nảy sinh ra các suy nghĩ tiêu cực. 

BS cho hỏi, làm thế nào để chữa khỏi bệnh? Đến bệnh viện nào và phương pháp thể dục như thế nào? Em cám ơn nhiều ạ.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Lo lắng, căng thẳng thật sự có ảnh hưởng lên nhịp tim, thường khiến tim đập nhanh và có thể xuất hiện vài nhịp bị lỗi (ngoại tâm thu). Tuy nhiên, cảm giác tim đập không đều kéo dài, với số cơn dày, gây khó chịu thì coi chừng là có bệnh về rối loạn nhịp tim thật sự, và chính bệnh này dẫn đến cảm giác lo âu.

Trước hết, cần xác định là có rối loạn nhịp tim hay bệnh lý tiềm ẩn nào gây tim đập bất thường hay không (như cường giáp, bệnh van tim, bệnh cơ tim...), bằng cách khám ck tim mạch, để BS thăm khám, nghe tim, đo điện tâm đồ, có thể theo dõi điện tâm đồ 24h (Holter ECG), siêu âm tim...

Tùy bệnh mà hướng điều trị sẽ khác nhau, tư vấn về chế độ tập thể dục cũng khác nhau. Em có thể đến khám tại chuyên khoa tim mạch tại các BVĐK, hoặc các trung tâm chuyên về tim mạch lớn như BV Tim Tâm đức, Viện tim...


- Hương Trang - vuthanhtruc…@gmail.com

Chào BS,

2 hôm trước em bị tình trạng nuốt nước bọt đau tai bên phải, bị nhói như kim châm, mới đầu thì ít, sang ngày thứ 2 bị nhiều và đau hơn. Ban ngày em ít bị, nhưng từ chiều đến đêm là rất đau. Đến nay là ngày thứ 3, em nuốt không đau tai nữa nhưng nửa đầu phải từ chiều tối bắt đầu bị đau, nhói 1 bên đầu. BS có thể tư vấn em bị sao không ạ? Em cảm ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Cơ thể người bình thường có 1 ống nối thông thương tai giữa và thành sau họng gọi là vòi nhĩ. Khi viêm họng cấp có thể lan sang tai giữa qua ống vòi nhĩ này, gây đau họng, đau tai, đau nửa đầu, ù tai, nghe kém, sốt...

Thế nhưng, hiện em chỉ có đau nửa đầu, hết đau họng và đau tai, không kèm sốt hay ù tai thì có thể đau đầu do nguyên nhân khác, nhẹ hơn như đau đầu do căng mỏi cơ, chứ chưa hẳn đã có viêm tai giữa.

Tuy nhiên, vì BS chưa thăm khám cho em, nên không thể loại trừ có viêm tai giữa hay không, vì nếu có phải điều trị thuốc thích hợp để tránh bệnh nặng hơn. Do vậy, em nên khám chuyên khoa Tai mũi họng, em nhé.


- Bum…@gmail.com, 17 tuổi

Chào BS,

Cháu lúc nhỏ bị viêm amidan rất nhiều. Khoảng 3-4 năm nay cháu phát hiện ở cổ xuất hiện 1 cục kích thước bằng hạt đậu xanh phía trên yết hầu (khế cổ) khoảng 5cm lệch về bên phải 1 chút, không đau, di chuyển được. Nó tồn tại mãi như thế không biến mất, không rõ xuất hiện từ bao giờ. BS cho hỏi, cháu bị gì nghiêm trọng không và có cần đi khám không ạ? Cảm ơn BS!  

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bình thường, các hạch trong cơ thể không nổi to lên để sờ thấy được, khi chúng viêm hay tăng sinh và tăng kích thước thì chúng ta sờ thấy được, gọi là nổi hạch. Nổi hạch có thể là hạch viêm bình thường (viêm cấp, viêm mạn), cũng có thể là hạch ác tính.

Nhưng trước hết, BS cần phải khám các tính chất của khối bất thường trên, để xác định có phải hạch hay không hay là tổ chức gì khác, như u bã đậu, bướu mỡ...

Nếu là hạch, thì trong trường hợp của em, có thể đó là hạch viêm mạn do viêm amidan, nhưng cũng có thể không phải. Tính chất “di chuyển được, không tiến triển thêm” thường là dấu hiệu lành tính.

Tuy nhiên, BS vẫn phải thăm khám để xác định tính chất hạch, nếu nghi ngờ còn phải sinh thiết hạch tìm bản chất của nó để loại trừ ung thư. Em nên khám chuyên khoa Ung bướu, em nhé.


- Thuan…@gmail.com

BS ơi,

Gần đây em hay có suy nghĩ rằng mình có nguy cơ nhiễm HIV và em cũng đã được tư vấn là không có nguy cơ nhưng vẫn chưa hết stress, lo sợ. Em đã mất ngủ 1 tuần nay rồi ạ. Mong BS tư vấn giúp em hết căng thẳng. Cám ơn BS! 

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Như vậy, em đã biết mình bị stress và biết mình chỉ lo âu thái quá (đã được tư vấn không có bệnh mà vẫn nghĩ bệnh). Vậy, trước hết em cần đẩy cái ý nghĩ tiêu cực ra khỏi đầu mình, bằng cách kiếm cái gì đó để làm cho tích cực lên, như tập thể dục, đi du lịch, vui chơi giải trí, đi chùa / nhà thờ...

Ngoài ra, để cải thiện giấc ngủ, em có thể áp dụng những điều sau: Không nằm hoặc ngủ vặt ban ngảy, chỉ ngủ trưa 30 phút đến 1 giờ; Nên tắm nước ấm trước khi ngủ tối; Phòng ngủ bố trí thoáng mát, yên tĩnh, ít ánh sáng; Không sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia, đồ uống có ga và các gia vị cay nóng và không ăn no và ăn các chất khó tiêu trước khi ngủ tối và có thể dùng thêm các loại thuốc thảo dược hỗ trợ như rotundin, mimosa...

Nếu không cải thiện thì cần khám chuyên khoa Tâm thần để được trị liệu rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ.


- Caothao…@gmail.com

Thưa BS,

Cổ họng cháu bị như trong ảnh có phải ung thư vòm họng không?

Cháu có 1 cục hạch ngay cổ không đau, không hành, nhưng đụng vào hay nghiêng đầu thì đau. Cháu mua thuốc uống thì hết đau nhưng sờ vẫn còn hạch nhỏ như hạt đậu. Cháu không có bị triệu chứng gì, chỉ có ngoài vùng môi bị lở. Cháu có hạch và lở môi nay được 3 ngày rồi. Xin hỏi, có phải cháu bị ung thư vòm họng không? Cám ơn BS nhiều!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hình ảnh em gửi về cho thấy tình trạng viêm họng cấp trên nền mạn. Ung thư vòm họng là một bệnh lý ác tính, rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt ở người không có tiền căn hút thuốc lá hay gia đình bị ung thư họng miệng. Bệnh lý thường gặp hơn cũng có thể gây viêm họng tái đi tái lại là viêm họng mạn, do vệ sinh răng miệng kém, trào ngược dạ dày thực quản, tiếp xúc với khói thuốc lá...

Khi viêm, cổ họng có thể thấy “sùi đỏ”, đó chính là các nang bạch huyết thành sau họng phản ứng với tình trạng viêm, hạch viêm ở cổ cũng có thể mọc trong đợt viêm họng cấp. hạch mới nổi 3 ngày thường không phải ung thư, mà là hạch viêm.

Nhưng để loại trừ ung thư vòm họng thì bác sĩ cần nội soi vùng hầu họng (nhìn toàn bộ thành sau họng), xét nghiệm tìm tế bào ung thư khi thấy tổn thương nghi ngờ ác tính (sùi, loét). Để chẩn đoán bệnh chắc chắn, loại trừ lo lắng mắc bệnh ác tính, em nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng để được kiểm tra toàn diện và điều trị thích hợp.


- Ngọc Thúy, 26 tuổi - Tây Ninh

Chào BS,

Em bị nổi hạch ở bẹn trước kì kinh 2 ngày. Trước khi em thấy nổi hạch thì người hay bị nóng nảy, bực bội, có sốt nhẹ nhưng đã tự khỏi. Ngày phát hiện nổi hạch, em có ăn đồ cay mặn, nhưng cũng uống nước rất nhiều. Em ăn rau nhiều, uống nước cũng nhiều.

Cách đây đã lâu em cũng bị nổi hạch ngay vị trí hiện tại, sau đó thì nó tự xẹp xuống, lấy tay sờ vào vẫn thấy cộm cộm. Em cũng tính để nó tự hết như những lần trước, nhưng không muốn nó cứ tái đi tái lại nữa. Em không biết nên đi khám ở Sản Phụ khoa hay Da liễu. Mong BS tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tượng nổi hạch trước ngày hành kinh vài ngày, kèm triệu chứng hành kinh (nóng nảy, bực bội, sốt nhẹ, thậm chí đau mỏi lưng, chằn bụng, ngực căng) và tự biến mất sau sạch kinh thì không phải bệnh, đó là do phản ứng mạnh mẽ của cơ thể khi hành kinh nên thực tế không cần điều trị gì.

Các triệu chứng hành kinh có thể giảm bớt khi nghỉ ngơi, không ăn đồ chua cay sinh nhiệt nhiều dầu mỡ, uống nước đủ và ăn thực phẩm dễ tiêu, rau xanh, hoa quả. Can thiệp lên hạch này là không nên, thủ thuật có thể có biến chứng, và bỏ đi hạch này thì hạch khác có thể bị nổi lên.

Nếu em có kèm kinh nguyệt không đều hay muốn kiểm tra về nội tiết tố và phụ khoa, thì em nên khám chuyên khoa Sản phụ khoa là thích hợp nhất.


- Viet Thu - Nam Định

Chào BS,

Cháu bị đau thượng vị nhưng đang trong thời gian cho con bú liệu có uống được thuốc Gastropulgite không ạ? Con cháu mới được 20 ngày, uống liệu có bị mất sữa không? Cứ sáng dậy cháu ăn sáng hoặc không ăn là lại bị đau. Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hiện tại chưa có nghiên cứu kiểm chứng hay báo cáo về ảnh hưởng của thuốc Gastropulgite với thai nhi và trẻ nhỏ, thuốc vẫn được sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú trong trường hợp cần thiết. Gastrolpulgite cho tác dụng tại chỗ ở đường tiêu hóa, ít hấp thu vào cơ thể nên khả năng vào sữa cũng rất thấp.

Thuốc Gastropulgite không làm mất sữa, nếu uống thuốc mà mất sữa thì coi chừng nguyên nhân khác. Em có thể uống Gastropulgite trước ăn 2 giờ để giảm trung hòa dịch vị giảm tiết acid. Nếu uống thuốc mà vẫn còn khó chịu thì cần khám chuyên khoa Tiêu hóa để kê thêm thuốc điều trị (BS chỉ cho thuốc sau khi thăm khám người bệnh).


- Thu Phương - Phú Thọ

BS cho em hỏi,

Hôm qua sau khi ăn xong, em phát hiện có cục máu nhỏ trong niêm mạc miệng má trái. Em ấn thì không đau. Nó chỉ to bằng nốt nhiệt miệng. Em rất lo lắng, không biết bị bệnh gì không ạ? Em cảm ơn BS.    

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Khi ăn nhai vô tình niêm mạc má bị chà xát mạnh ở giữa 2 hàm răng hoặc vật cứng chọc nhẹ vào niêm mạc má làm đứt mạch máu nhỏ ở ngay dưới niêm mạc má gây hình thành cục máu nhỏ trong niêm mạc má.

Em có thể tiếp tục theo dõi tại ngày, nếu cục máu nhỏ tự thoái lui thì không gì phải lo. Nếu cứ sau ăn là xuất hiện nhiều cục máu nhỏ, hay chảy máu chân răng khi đánh răng, bầm da tự nhiên thì cần đến bệnh viện để BS khám và kiểm tra chức năng đông cầm máu.


- Nguyen Quang - quangthuong…@gmail.com

Thưa BS,

Em đã đi khám và nội soi lại, BS nói bị Gred. Em đã điều trị hơn tháng nay nhưng không đỡ, vẫn còn ợ hơi. Giờ em phải làm gì cho bớt bệnh? Em lo lắng quá, BS có thể cho em toa thuốc để điều trị ợ hơi được không ạ? Em cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Điều trị GERD là cần kiên trì, bình tĩnh, không phải ngày 1 ngày 2 là hết, mà phải khám bs ck tiêu hóa nhiều kinh nghiệm và chỉnh thuốc vài lần mới phù hợp với cơ địa được. Khi lo lắng nhiều sẽ làm bệnh nặng hơn do tăng co bóp dạ dày, tăng tiết dịch acid và tăng trào ngược.

Ngoài ra, cần chú ý hạn chế ăn đồ chua cay nước có gas nhiều dầu mỡ nhiều gia vị cafe bia rượu, không hút thuốc lá, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao.

Em nên khám 1 bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa giàu kinh nghiệm 1 thời gian để BS nắm bệnh, theo dõi bệnh và điều chỉnh thuốc từ từ cho em sẽ tốt hơn, đừng nóng vội.

Việc kê toa thuốc cần phải qua thăm khám trực tiếp người bệnh, để xem tổng trạng ra sao, dị ứng thuốc gì, đã dùng thuốc gì... đây là quy định của Bộ Y tế. Do vậy, em nên điều chỉnh các yếu tố BS đề cập ở trên và tái khám lại bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa.


- Tiến Quảng - Hà Nội

Chào BS,

Cháu bị nứt lưỡi (chắc là từ nhỏ) nhưng 2 năm gần đây cháu thấy khó chịu và theo dõi. Lưỡi cháu nứt rất nhiều và khó chịu. Có lần cháu đi khám ở BV Bạch Mai chẩn đoán chỉ là tật nứt lưỡi. Giờ đây cháu thấy khó chịu, ăn không ngon, nói khó. Xin BS tư vấn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh nứt lưỡi là bệnh lành tính, có tổn thương đặc trưng là xuất hiện những đường rãnh ở mặt bên và mặt trên của lưỡi với những độ sâu khác nhau. Nguyên nhân của tình trạng nứt lưỡi chưa được xác định rõ, nhưng có thể có yếu tố di truyền. Bệnh thường được biểu hiện lúc nhỏ nhưng thường được phát hiện ở người lớn.

Uống không đủ nước, thiếu vitamin và khoáng chất, ăn thức ăn cứng và cay nóng, hút thuốc lá, trào ngược dạ dày thực quản là nguyên nhân thường gặp làm nứt lưỡi nặng hơn.

Nếu em không đau lưỡi nhiều, thì nên uống thêm nước, bổ sung multivitamin hay vitamin PP hỗ trợ niêm mạc, hạn chế thức ăn cay nóng, kết hợp với vệ sinh răng miệng sạch sẽ hàng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ (chải cả bề mặt lưỡi để vệ loại bỏ hết các cặn ở các rãnh lưỡi), súc miệng bằng dung dịch sát khuẩn ngày 2 - 3 lần. Nếu đau lưỡi nhiều thì coi chừng bị nhiễm vi khuẩn, vi nấm... cần phải khám bác sĩ để kê thuốc điều trị.



Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X