Hotline 24/7
08983-08983

Đau dạ dày thường xuyên, có nên tầm soát ung thư dạ dày?

Dấu hiệu nhận diện ung thư dạ dày, những phương pháp điều trị ung thư dạ dày, hướng xử lý khi nội soi phát hiện polyp dạ dày… là nội dung chính trong phần tư vấn của BS.CK2 Nguyễn Phú Hữu - Phó Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa - Bệnh viện Bình Dân dưới đây. Mời bạn đọc đón xem.

1. Ung thư dạ dày có thường gặp tại Việt Nam?

Xin BS cho biết ung thư dạ dày dày xếp hàng thứ mấy trong các ung thư thường gặp ở Việt Nam?

Ung thư dạ dày là một trong 5 loại ung thư thường gặp nhất tại Việt Nam. Theo Tổ chức Ung thư thế giới, năm 2020, tại nước ta ung thư dạ dày đứng hàng thứ 3, chỉ sau ung thư gan và ung thư phổi. Trong 2020, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mắc mới ung thư dạ dày, gây ra gánh nặng rất lớn cho hệ thống y tế cũng như gia đình và xã hội.

2. Bệnh nhân ung thư dạ dày thường phát hiện ở giai đoạn nào?

Tại BV Bình Dân, bệnh nhân ung thư dạ dày thường phát hiện trong tình huống nào, và bệnh nhân ở giai đoạn nào ạ?

Theo kinh nghiệm, thực tiễn ghi nhận tại Bệnh viện Bình Dân, hầu hết bệnh nhân ung thư dạ dày đều đi khám và phát hiện vào giai đoạn muộn (giai đoạn 3, giai đoạn 4). Đa số bệnh nhân thường ở các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh miền Tây Nam bộ đến khám với triệu chứng đau bụng, chán ăn, sụt cân hoặc vàng da, vàng mắt. Khi đó, ung thư đã ở giai đoạn tiến triển và di căn.

Chỉ khoảng 10% bệnh nhân và hầu hết ở TPHCM đi khám sức khỏe định kỳ và phát hiện ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1, giai đoạn 2). Trong giai đoạn này, nếu được phát hiện bệnh, kết quả điều trị khả quan và đảm bảo cuộc sống lâu dài cho người bệnh.

3. Các dấu hiệu nào gợi ý ung thư dạ dày?

Các dấu hiệu gợi ý ung thư dạ dày gồm những gì thưa BS? Có phải cứ đau dạ dày nhiều năm thì nên tầm soát ung thư hay không?

Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày hầu như không có triệu chứng. Đây là một loại bệnh ung thư âm thầm. Khi ung thư phát triển trong lòng dạ dày, gây bít bao tử thì bệnh nhân có một số dấu hiệu điển hình như ăn uống chậm tiêu, hoặc buồn nôn, cảm giác đầy bụng. Một số trường hợp bị vỡ khối u sẽ gây chảy máu, lúc đó bệnh nhân sẽ có triệu chứng nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen. Hoặc khi ung thư di căn qua gan, đường mật, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu vàng da, báng bụng (bụng to và có nước).

Triệu chứng ung thư dạ dày thường chống lấp với những dấu hiệu đau dạ dày bình thường. Do vậy, khi có triệu chứng đau dạ dày, bạn nên đi khám, thực hiện các xét nghiệm, qua đó bác sĩ sẽ đánh giá được đây là lành tính hay ác tính. Sau đó sẽ có các phương pháp điều trị thích hợp.

4. Nội soi có phải là phương pháp tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày?

Nội soi có phải là phương pháp tốt nhất để tầm soát ung thư dạ dày? Nội soi có hình ảnh như thế nào thì BS sẽ nghi ngờ ung thư?

Đến thời điểm hiện tại, nội soi là phương pháp chẩn đoán tốt nhất để phát hiện ung thư dạ dày. Đây là phương pháp bác sĩ sẽ dùng ống nội soi rất nhỏ, đưa vào dạ dày qua đường thực quản. Trên ống nội soi có gắn camera để bác sĩ quan sát tất cả các tổn thương trong dạ dày, ví dụ như viêm, loét, u sùi. Qua nội soi, bác sĩ cũng sẽ lấy mẫu sinh thiết (lấy mẫu bệnh phẩm trên dạ dày) để xác định tổn thương có phải là ung thư.

Hiện nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt tại Bệnh viện Bình Dân trang bị hệ thống nội soi với độ phân giải camera rất tốt, giúp bác sĩ có thể đánh giá thay đổi dù rất nhỏ trên niêm mạc dạ dày và có thể xác định ung thư dạ dày từ rất sớm. Khi đó việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cũng như cuộc sống lâu dài cho bệnh nhân.

5. Có những phương pháp nào điều trị thư dạ dày?

Viêm loét dạ dày nếu có dấu hiệu trở thành ung thư sẽ được điều trị như thế nào, thưa BS?

Trường hợp này chúng ta cần hiểu đúng, khi viêm loét dạ dày chuyển thành ung thư thì đây là ung thư dạ dày trên khối u dạng loét, không phải viêm loét lâu ngày thành ung thư. Theo các phác đồ thống nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam hiện nay có 3 phương pháp điều trị:

- Thứ nhất là điều trị phẫu trị. Bác sĩ sẽ phẫu thuật cắt bỏ ung thư dạ dày kèm theo lấy hết hạch, rễ tại các cơ quan xâm lấn.

- Thứ hai, sau khi cắt bỏ sẽ xét nghiệm lại khối u để xem xét, đánh giá có nên tiếp tục điều trị hóa chất để phòng ngừa tế bào ung thư còn sót lại trong máu.

- Thứ ba, đặc biệt là một số trường hợp ung thư dạ dày có di căn, sẽ điều trị bằng phương pháp nhắm trúng đích, là những kháng thể đơn dòng đánh vào đột biến gen ở ung thư dạ dày. Khi đó, việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả tối ưu.

6. Nội soi phát hiện polyp sẽ xử lý như thế nào?

Nội soi phát hiện polyp dạ dày thì BS sẽ xử lý như thế nào? Polyp dạ dày nếu không được phát hiện, nguy cơ trở thành thành ung thư không ạ?

Khi phát hiện polyp, bác sĩ sẽ tư vấn và khuyên rằng bệnh nhân nên phẫu thuật cắt bỏ. Bác sĩ sẽ thông qua nội soi, đưa dụng cụ vào để cắt trọn polyp. Sau khi cắt xong, bác sĩ sẽ chuyển polyp đến phòng xét nghiệm để kiểm tra lành tính hay ác tính.

Nếu polyp lành tính, việc phẫu thuật cắt bỏ là đạt hiệu quả điều trị. Nếu polyp ác tính, bác sĩ tại phòng xét nghiệm sẽ xác định rằng, chân của polyp (nơi cắt) đã đạt yêu cầu chưa. Trong trường hợp chân polyp đã cắt hết tế bào ung thư, việc điều trị đã đạt hiệu quả và tiếp tục theo dõi. Trong trường hợp polyp cắt chân còn tế bào ung thư nghĩa là việc phẫu thuật chưa đạt, khi đó sẽ tiếp tục tư vấn bệnh nhân chuyển sang phương pháp phẫu thuật lớn hơn, phải cắt một đoạn của dạ dày có polyp để đảm bảo rằng ung thư được điều trị triệt để.

Khoảng 95% polyp lành tính. Hoặc nếu không may mắn rơi vào 5% polyp ác tính thì tế bào ung thư sẽ phát triển ngày càng lớn và sẽ xuất hiện các triệu chứng ở giai đoạn muộn như đã phân tích ở trên, tiến triển di căn.

7. Bệnh viện Bình Dân ứng dụng các phương pháp nào để điều trị ung thư dạ dày?

Xin BS cho biết về các phương pháp điều trị ung thư dạ dày hiện nay tại BV Bình Dân?

Điều trị ung thư dạ dày là điều trị đa mô thức, phối hợp nhiều phương pháp, thứ nhất là phẫu trị (phẫu thuật) kết hợp hóa trị (vào hóa chất để kiểm soát tế bào ung thư, phòng ngừa tái phát), thứ ba là liệu pháp nhắm trúng đích (sử dụng kháng thể đơn dòng hoặc thuốc đánh chặn vào đột biến gen).

Hiện nay, tại Bệnh viện Bình Dân đã ứng dụng công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân ung thư dạ dày. Thứ nhất là mổ hở (đường mổ lớn). Đây là phương pháp cổ điển, có từ lâu và hiện tại ứng dụng trong một số trường hợp.

Khoảng 20 năm gần đây, Bệnh viện Bình Dân đã ứng dụng công nghệ mới hơn là phẫu thuật nội soi - phù hợp với sự phát triển chung của thế giới, dùng dụng cụ nội soi đưa vào trong ổ bụng để bóc tách tế bào ung thư, giúp giảm đau, nhanh phục hồi hơn.

Đặc biệt, trong 6 năm qua, từ năm 2016, Bệnh viện Bình Dân đã triển khai phẫu thuật robot, thông qua hệ thống ống nội soi đưa những cánh tay robot rất nhỏ vào trong bụng, giúp bóc tách tế bào ung thư dễ hơn, lấy hạch chính xác hơn cũng như lấy triệt để hơn. Sau khi mổ, bệnh nhân sẽ hồi phục sớm, ít biến chứng hơn.

8. Ăn uống, lựa chọn thực phẩm đúng cách sau phẫu thuật cắt dạ dày điều trị ung thư?

Sau khi phẫu thuật cắt dạ dày thì việc ăn uống của bệnh nhân sẽ thế nào: về số bữa, cách chế biến thức ăn, lựa chọn thực phẩm…?

Sau khi cắt dạ dày, bệnh nhân chắc chắn sẽ thay đổi ăn uống, bởi vì khi đó dạ dày chỉ còn lại một phần rất nhỏ. Do đó, chúng tôi thường khuyên bệnh nhân nên:

- Chia nhiều bữa nhỏ, thường là 6 bữa

- Mỗi lần ăn khoảng nửa chén hoặc tối đa là 1 chén. Nếu ăn quá nhiều, dạ dày sẽ không đủ sức chứa, tạo ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

- Bệnh nhân không nên ăn thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh, nên nấu chín và ăn khi ấm.

- Bên cạnh đó, bệnh nhân cần nhai kỹ hơn. Dạ dày là cơ quan nhào trộn thức ăn và nghiền nát, nhưng sau khi phẫu thuật gần như đã mất chức năng này. Vì vậy, người bệnh cần phải hỗ trợ dạ dày bằng cách nhai kỹ và nuốt chậm.

- Bệnh nhân cũng cần hạn chế các chất kích thích cho dạ dày như rượu bia, thuốc lá, cà phê.

9. Lời khuyên của chuyên gia để phòng ngừa ung thư dạ dày

BS có thông điệp nào gửi đến cộng đồng trong việc phòng ngừa và tầm soát ung thư dạ dày?

Ung thư dạ dày nói riêng cũng như ung thư nói chung là bệnh lý phức tạp, việc điều trị mất nhiều công sức và thời gian. Hiện nay, điều quan trọng là chúng ta cần phát hiện sớm, như vậy việc điều trị mới triệt để, hiệu quả. Nếu để đến giai đoạn trễ, dù đã có nhiều phương pháp, thuốc men nhưng kết quả cũng chưa giúp kéo dài cuộc sống của bệnh nhân.

Do đó, dưới góc độ chuyên khoa tiêu hóa, tôi có một số lời khuyên như sau:

- Thứ nhất, khi có triệu chứng nghi ngờ về bệnh lý dạ dày (đầy bụng, khó tiêu...) thì nên đi khám, để bác sĩ tầm soát, kiểm tra xem bạn có nằm trong nhóm nguy cơ không.

- Thứ hai, nếu nằm trong nhóm nguy cơ ung thư dạ dày (người thân - ba mẹ, anh chị em bị ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày hoặc bản thân có tiền căn nhiễm H.pylori) thì cũng nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

- Thứ ba là ăn uống điều độ, làm việc - nghỉ ngơi hợp lý, tránh các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia, đồ chiên xào, đồ nướng - trong những thực phẩm này có các chất sinh ung thư dễ gây ung thư dạ dày hơn các trường hợp khác.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X