Đa số xe cấp cứu hiện nay mới chỉ là xe chuyển bệnh
Tại hội thảo "Nâng cao năng lực phối hợp cấp cứu ngoại viện 115 cho các bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", nhiều vấn đề được đưa ra là làm sao để xe cấp cứu thật sự cấp cứu được bệnh nhân, vẽ bản đồ mạng lưới cấp cứu, bố trí máy sốc tim AED tại các địa điểm công cộng...
Sáng 15/9, Hội thảo với chủ đề "Nâng cao năng lực phối hợp cấp cứu ngoại viện 115 cho các bệnh viện trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long" đã diễn ra tại TP Cần Thơ với sự tham dự của hơn 150 bác sĩ và đại biểu Sở y tế đến từ 7 bệnh viện và phòng khám ở TPHCM, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Anh Giang, Vĩnh Long…
Hội thảo do Sở Y tế thành phố Cần Thơ và Bệnh viện Đa Khoa Quốc Tế S.I.S Cần Thơ phối hợp tổ chức, với mục tiêu, nâng cao năng lực chuyên môn của các bệnh viện trong cấp cứu ngoại viện vùng ĐBSCL nói chung, và TP. Cần Thơ nói riêng; cũng như tăng cường phối hợp giữa các bệnh viện trong cấp cứu ngoại viện nhằm giúp người bệnh được cấp cứu, điều trị kịp thời.
TS.BS Hoàng Quốc Cường – Giám đốc Sở y tế Cần Thơ phát biểu khai mạc: “Đến thời điểm hiện nay, cơ bản lực lượng cấp cứu ngoại viện đã có ở tất cả các tuyến. Tuy nhiên phần lớn các bác sỹ, điều dưỡng và ekip cấp cứu ngoại viện chưa được đào tạo bàn bản, còn thiếu các kỹ năng phán đoán và cấp cứu ngay tại cộng đồng. Thực hiện tốt công tác cấp cứu ngoại viện sẽ giúp người bệnh, người bị tan nạn có cơ hội sống sót và phục hồi sức khỏe.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở khám, chữa bệnh tạo cơ hội cho người bệnh được tiếp cận nhanh chóng các dịch vụ câp cứu, vận chuyển an toàn và rút ngắn thời gian chuyển đến cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất để kịp thời cấp cứu người bệnh đạt hiệu quả nhất. Ngoài ra hiện nay mạng lưới cấp cứu ngoại viện chưa đồng bộ, thống nhất trong hoạt động. Đây cũng là một trong những hạn chế cần phải khắc phục và cần sự quan tâm của các cấp lãnh đạo”.
Nhiều vấn đề thực tế được đưa ra: hiện nay đa số xe cấp cứu chạy trên đường là xe chuyển bệnh chứ không phải xe cấp cứu thực thụ, không cấp cứu được bệnh nhân trên xe. Việc biến “xe cấp cứu” thành “phòng cấp cứu” thì phương tiện máy móc (hệ thống xe, hệ thống phần mềm…), nhân lực ngân sách chưa đáp ứng được.
Làm sao để “vẽ” được bản đồ cấp cứu trong đó có đầy đủ các bệnh viện, trạm vệ tinh để người dân được cấp cứu nhanh nhất, đồng thời tổng đài cấp cứu phải liên tục cập nhật tình trạng máy móc và thuốc men… tại các cơ sở, để hạn chế việc bệnh nhân đưa đến cấp cứu lại phải chuyển qua bệnh viện khác.
Để sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp thì bệnh viện cần có máy CT scan chỉ phục vụ riêng cho cấp cứu, phòng trường hợp bệnh nhân đột quỵ đưa đến mà máy CT duy nhất thì đang bận hay hư hỏng đột xuất.
Một số giải pháp cũng được đề cập như: bố trí máy sốc tim AED tại nơi công cộng để sẵn sàng sơ cứu bệnh nhân tim mạch, sử dụng máy đo điện tâm đồ từ xa kết nối qua điện thoại di động.
Ngoài ra, việc người dân thiếu thông tin cũng dẫn đến nghịch lý: Xe cấp cứu cách đó mấy cây số mà người bệnh đột quỵ ở nhà cạo gió, không gọi cấp cứu. Còn tổng đài cấp cứu thì nhận quá nhiều cuộc gọi quấy rối.
Cấp cứu ngoại viện là một lĩnh vực không thể thiếu được khám, chữa bệnh. Hội thảo đã mang đến nhiều kinh nghiệm quý báu trong cấp cứu ngoại viện, các giải pháp vận chuyển và đặc biệt là các mô hình cấp cứu 115 hiện nay.
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình