Hotline 24/7
08983-08983

Cúm mùa đối với bệnh nhân tim mạch nguy hiểm như “cáo đội lốt cừu”

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam khuyến cáo: cố gắng không để bệnh nhân tim mạch bị viêm phổi, bị bệnh cúm phải nhập viện, muốn vậy, bệnh nhân phải tiêm ngừa cúm mỗi năm.

1. Khi bị cúm mùa người bệnh mạn tính có thể đối mặt với những biến chứng nào?

Bệnh cúm mùa được ví von như "một mối nguy hiểm thầm lặng" nên nhiều người đang đánh giá thấp nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Xin hỏi BS, khi bị cúm mùa người bệnh có thể đối mặt với những biến chứng nào? Ai sẽ có khả năng mắc phải biến chứng, tỷ lệ tử vong cao hơn khi mắc cúm mùa và vì sao ạ?

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước:

Bệnh cúm được ví von là “cáo đội lốt cừu”, nghĩa là thực sự nó rất nguy hiểm nhưng lại có những điều gây hiểu lầm và khiến nhiều người đánh giá sai về bệnh này.

Trong đại dịch COVID-19, phần lớn các bệnh nhân chết là người lớn tuổi và có bệnh nền như huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não,... Như vậy, vấn đề bệnh nền rất quan trọng.

Trong điều trị bệnh mạn tính, vấn đề phát hiện, chẩn đoán đúng, giúp bệnh nhân uống thuốc lâu dài sẽ có sự ổn định của bệnh. Nghĩa là chế độ ăn tốt, thích nghi với thời tiết và đặc biệt, duy trì thuốc men thật tốt, người bệnh sẽ có được sự ổn định.

Trên thực tế, bệnh mạn tính lại chịu nhiều yếu tố bên ngoài bao gồm sự gắng sức, chế độ ăn uống, thời tiết và các bệnh kèm theo.

Có rất nhiều yếu tố phá vỡ sự cân bằng như không uống thuốc đủ, quá gắng sức, thời tiết và đặc biệt là cúm mùa - vấn đề rất được thế giới chú ý.

Khi bệnh cúm mùa xảy ra rất dễ nhầm lẫn với cảm. Chúng ta cần phân biệt, cảm sẽ nhẹ hơn, ít gây biến chứng hơn; cúm là tình trạng bảo vệ của cơ thể kém hơn và gây ra nhiều biến chứng nặng.

Quan trọng là cảm nhẹ và cúm mùa đều gây mất sức đề kháng mong manh của người lớn tuổi hoặc có bệnh nền. Cúm mùa sẽ làm mất đi sức đề kháng mong manh của sự ổn định bệnh mạn tính - đây là vấn đề rất lớn.

Như quan điểm ngành y tế, phòng bệnh sẽ tốt hơn chữa bệnh. Đối với cúm mùa, chúng ta có biện pháp phòng bệnh. Nhờ hiệu quả của vắc xin và các tiến bộ khoa học, việc chích ngừa phòng cúm mùa và những bệnh khác đã dễ dàng hơn.

Nhờ những đợt chích ngừa phòng cúm hàng năm, bệnh nhân đã hạn chế những đợt mất bù, suy tim, viêm phổi phải nhập bệnh viện, gây ra biến chứng. Biến chứng đó có thể do bệnh cúm, nhưng cũng có thể do những sai lầm về thuốc men hoặc tai biến.

Cho nên, chúng ta phải tận dụng biện pháp phòng bệnh cúm để đảm bảo sự ổn định của bệnh nền và đem lại chất lượng cuộc sống tốt, tăng tuổi thọ cho người bệnh.

Điều đáng lo là cúm mùa biến thể rất ghê gớm nên chúng ta phải chấp nhận chích ngừa hàng năm, không phải chích một mũi sẽ có được miễn dịch suốt đời.

Cúm mùa làm mất đi sự cân bằng về mặt sinh lý bệnh, làm tăng đông, tăng tình trạng viêm, tắc mạch, gây nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy tim nặng.

Cúm mùa là bệnh cần được các cơ quan y tế truyền thông nhắc nhở mọi người để không quên cái tính chất nguy hiểm của nó.

2. Cúm ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tim mạch như thế nào?

Tại Hoa Kỳ, trong số những người trưởng thành nhập viện vì cúm trong mùa cúm 2018-2019, bệnh nhân tim mạch chiếm tỷ lệ lớn nhất: lên tới 47,2%. Thưa GS Đặng Vạn Phước, cúm ảnh hưởng đến những người mắc bệnh tim mạch như thế nào?

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước:

Những người mắc bệnh tim mạch và người lớn tuổi là nhóm bệnh nhân nguy cơ cao. Nghĩa là khi lớn tuổi, mọi bộ phận của cơ thể suy giảm theo năm tháng, trong đó có hệ miễn dịch, chức năng hô hấp, tim mạch.

Như vậy, người lớn tuổi kèm theo bệnh tiểu đường, huyết áp, chế độ ăn uống và ít vận động sẽ gây ra bệnh tim mạch.

Người mắc bệnh cúm thường tử vong trên nền bệnh lý tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đái tháo đường.

Bệnh cúm tác động đến nhiều bộ phận của cơ thể và gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm cơ tim. Đôi khi cúm làm cho các bệnh nền nặng hơn và nhập viện. Nhập viện là chuyện bất đắc dĩ vì có khả năng lây nhiễm chéo từ những con vi trùng trong bệnh viện. Người bệnh phải nằm viện nguy cơ tử vong sẽ tăng cao.

Biến chứng của bệnh cúm chủ yếu đánh vào sức đề kháng của người bệnh. Về lâm sàng, cúm lây lan chủ yếu qua đường hô hấp. Cúm mùa năm nay dự kiến tăng cao nhưng vì áp dụng 5K để phòng ngừa COVID-19 nên bệnh cúm cũng giảm đáng kể.

Cúm sẽ tác động đến phổi, tùy thuộc vào sức đề kháng của cơ thể mà tác động của cúm sẽ nhiều hay ít. Do đó, sức đề kháng là “áo giáp” quan trọng để chống lại virus cúm. Nếu sức đề kháng tốt, cơ thể sẽ diệt được virus và chỉ dừng lại ở mức cảm nhẹ, sổ mũi.

Nếu không có sức đề kháng, virus sẽ gây viêm toàn thân, đau cơ, nhức mỏi, làm bong màng xơ vữa, làm nghẹt mạch, huyết khối,… Như vậy, đề kháng của cơ thể rất quan trọng.

Ngoài sức trẻ, sức đề kháng được tạo nhờ việc vắc xin hóa để cơ thể luôn có kháng thể hóa giải virus.

Bệnh nhân tim mạch nhập viện vì cúm có thể được cứu chữa tốt nhưng cũng có người phải được chăm sóc đặc biệt. Khi bệnh nhân nằm chăm sóc đặc biệt bằng đặt nội khí quản, thở máy… có thể gặp tình trạng nhiễm trùng bệnh viện, sau đó cấy ra được vi trùng - kháng tất cả các loại kháng sinh, rất khó khăn khi chữa trị.

Do đó, chúng ta cố gắng không để bệnh nhân bị viêm phổi, cúm và nhập viện. Muốn vậy, chúng ta phải tiêm ngừa. Mặc dù, gần đây có những vấn đề liên quan đến biến chứng do tiêm vắc xin. Tuy nhiên, vắc xin cúm khi được tiêm chủng trên diện rộng nghĩa là đã rất an toàn.

Đối với vắc xin COVID-19, do bị thúc ép về thời gian nên sẽ có những kẽ hở về biến chứng, nhưng không vì vậy mà chúng ta loại bỏ vai trò của vắc xin. Ở Mỹ và các nước châu Âu đang đẩy lùi dần dịch COVID-19 nhờ tiêm vắc xin. Việt Nam cần phải đẩy mạnh vấn đề này và quan trọng hơn hết, chúng ta phải loại bỏ suy nghĩ sợ sệt khi tiêm vắc xin.

Cuối cùng, vắc xin và tạo ra miễn dịch cộng đồng là lá chắn tương đối tốt và vững chắc để phòng bệnh cúm và COVID-19.

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước - Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam

3. Tiêm phòng cúm sẽ mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân tim mạch?

Như vậy thì tiêm phòng cúm sẽ mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân tim mạch ạ?

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước:

Đối với bệnh nhân tim mạch, vắc xin cúm rất có lợi cho nhóm bệnh nhân này. Tất cả các hội chuyên khoa tim mạch trên thế giới luôn hướng dẫn bệnh nhân chích ngừa cúm mùa hằng năm, ngoài khuyến cáo không ăn mặn, không gắng sức.

Nói về tác dụng phụ của vắc xin, nếu vắc xin không an toàn thì chúng ta sẽ không phòng bệnh thành công. Do vậy, sự an toàn của vắc xin là nhiệm vụ của nhà khoa học.

Bệnh nhân không hiểu tiêm vắc xin sẽ phòng được những gì, trừ dịch COVID-19 - người dân đã thấy sợ loại virus này. Vì chưa biết được tác dụng phòng bệnh và có nguy cơ gặp tác dụng phụ khi tiêm vắc xin nên bệnh nhân sẽ từ chối chích ngừa.

Xin nhấn mạnh, tiêm phòng là giúp ngăn chặn bệnh và vắc xin phải không gây ra tác dụng phụ thì bệnh nhân mới tin tưởng sử dụng. Khâu tiêm phòng dễ dàng và hỗ trợ kinh phí khi tiêm vắc xin sẽ giúp mọi người mong muốn được chủng ngừa nhiều hơn.

Nhiều bác sĩ cũng chích ngừa cúm mùa để bảo vệ bản thân và bệnh nhân khi thăm khám.

Điều đáng mừng là vắc xin cúm rất an toàn. Khi bệnh nhân tim mạch chích vắc xin đầy đủ thì tình trạng viêm phổi, nhiễm trùng, cúm sẽ giảm đi rất nhiều, chất lượng cuộc sống tốt hơn, số lần bệnh nhân nhập viện giảm đáng kể.

Bệnh nhân cũng không than phiền về tác dụng phụ của vắc xin như đau, sốt.

Từ đó, các bác sĩ sẽ động viên bệnh nhân và họ tự giác đi chích ngừa mỗi năm.

Đối với COVID-19, chúng ta phải cần thêm thời gian để xác định tác dụng phòng bệnh của vắc xin.

Hiện nay có nhiều trung tâm tiêm phòng rất khang trang và các bác sĩ sẽ tư vấn, khám trước khi chích vắc xin cúm mùa.

4. Sau khi điều trị khỏi cúm, làm sao để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông?

Tôi nghe nói sau khi mắc cúm thì nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn, điều này sẽ khiến người mắc bệnh tim, tăng huyết áp dễ gặp biến cố nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Thông tin này có chính xác không? Sau khi điều trị khỏi cúm, làm sao để ngăn ngừa nguy cơ hình thành cục máu đông? Người bệnh tim mạch liệu có thể phục hồi hoàn toàn như khi chưa mắc cúm thưa BS? Mong được BS giải đáp.

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước:

Như tôi đã nói ban đầu, bản thân cúm khi vào cơ thể nó sẽ tác động trực tiếp lên các bộ phận của tim mạch như: viêm cơ tim,… nếu viêm cơ tim lan rộng thì hậu quả của nó có thể sẽ dẫn đến tình trạng xơ hóa cơ tim, lâu dài xuất hiện bệnh trên cơ tim và tình trạng suy tim về sau (tỷ lệ rất ít). Chủ yếu là gây ra phản ứng viêm trong cơ thể, làm phá vỡ đi sự cân bằng bình thường từ phổi đến mạch máu cho đến tất cả các bộ phận.

Bản thân bệnh nhân đã suy tim, đã khó thở, viêm phế quản mãn, mạch máu hẹp rất dễ có cục máu đông; bây giờ chính những chất viêm trong cơ thể lại làm cho tình trạng máu tăng đông lên.

Như vậy ngay cả việc dùng thuốc kháng đông (aspirin) cũng không đủ bảo vệ, lúc này cục máu đông chính thức hình thành; nếu ở tim thì gây nhồi máu cơ tim, ở não sẽ gây đột quỵ, ở mạch máu sẽ gây tắc mạch,…

Tất cả những phản ứng viêm này sẽ gây bất lợi cho cơ thể tạo ra nhiều biến chứng. Bởi vậy với những bệnh nhân COVID-19 trong giai đoạn cấp và nặng BS đã phải chích ngay aspirin từ những giai đoạn đầu để chống lại tình trạng tăng đông do phản ứng viêm.

Với những bệnh nhân có bệnh mạn tính đang dùng thuốc thì vẫn nên tiếp tục sử dụng thuốc kháng đông, đừng sợ hay lo lắng vì nó sẽ giúp đỡ rất nhiều cho bệnh nhân.

Vậy bệnh nhân có thể hồi phục hoàn hay không?

Nếu chúng ta điều khiển được tốt những yếu tố nguy cơ giúp bệnh nhân qua được giai đoạn nguy hiểm, phổi không bị nhiễm trùng, huyết áp giữ được tốt, nhồi máu cơ tim được chống đỡ thì sự hồi phục của bệnh nhân gần như là khá ổn để trở lại như trạng thái ban đầu.

Một thực tế cần ghi nhận: đôi khi chúng ta ho, cảm, sốt vì cúm nhưng lại uống kháng sinh. Việc dùng kháng sinh một cách bừa bãi với cúm hiệu quả sẽ không có mà thậm chí đây chính là một trong những việc gây nên tình trạng đề kháng kháng sinh. Để rồi có những kháng sinh “cực kì tốt” chỉ cần dùng một liều lượng ít đã có hiệu quả thì chính chúng ta lại kháng lại nó. Tỷ lệ kháng kháng sinh hiện nay rất lớn, những vũ khí này chúng ta không còn nữa thì lại phải dùng những loại thuốc rất tốn kém và nhiều tác dụng phụ.

Tốt nhất là cứ đến mùa cúm những bệnh nhân nào nguy cơ cao như: lớn tuổi, có bệnh nền thì nên chích 1lần/ năm. Vắc xin cúm cũng không mắc tiền lắm đến độ bạn phải tiết kiệm.

5. Trước khi tiêm vắc xin cúm có cần phải ngưng thuốc điều trị bệnh tim mạch không?

Bệnh nhân tim mạch trước khi tiêm vắc xin cúm có cần phải ngưng thuốc hoặc lưu ý gì thêm không ạ?

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước:

Chích vắc xin nói chung - vì đây là một biện pháp phòng ngừa thế nên bệnh nhân phải trong một trạng thái ổn định. Nếu bệnh nhân đang trong trạng thái “cơ thể lộn xộn”: sốt, suy tim, đi đứng khó khăn thì bạn cũng không nên nghĩ đến việc chích ngừa làm gì. Chích ngừa không phải là việc cấp bách nếu không chích hôm nay thì mai không thể chích được, không phải vậy thưa quý vị. Hãy chích khi cơ thể ổn định!

Về nguyên tắc: trước khi chích bác sĩ phụ trách sẽ xem xét tình trạng bệnh nhân, nếu ổn mới có thể chích.

Với bệnh nhân đông máu trước hay sau chích vẫn có thể sử dụng thuốc đều độ.

6. Lời khuyên của bác sĩ để giúp người bệnh tránh xa bệnh cúm mùa?

Ngoài việc tiêm vắc xin, với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam, các chuyên gia có lời khuyên nào để mỗi người trang bị tốt nhất, tránh xa bệnh cúm mùa? Và nếu mắc cúm mùa thì cũng phòng ngừa được biến chứng nguy hiểm?

GS.TS.BS Đặng Vạn Phước:

Sức đề kháng của cơ thể là một trong những yếu tố rất quan trọng. Bên cạnh việc đã hiểu được vai trò của vắc xin thì cần thay đổi lối sống, chế độ ăn uống; nếu có bệnh tật thì cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, theo dõi định kỳ thật tốt là một trong những yếu tố quan trọng để khiến cuộc sống được ý nghĩa hơn. Nếu bạn ngồi ở nhà sợ hãi tất cả mọi thứ, lo lắng điều này cũng khiến cơ thể mệt mỏi.

Thông điệp của tôi là: “Thường xuyên nâng cao sức đề kháng của chính mình bằng một chế độ dinh dưỡng tốt, giữ vệ sinh thân thể, tránh những điều không cần thiết gây hại đến sức khỏe”.

Minh Huy - Hiền Thục

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X