Hotline 24/7
08983-08983

Củ bình vôi có giúp dễ ngủ không, cách dùng thế nào?

Theo y học cổ truyền, củ bình vôi có công dụng chữa mất ngủ, ho hen, kiết lỵ, sốt, đau bụng. Ngày nay củ bình vôi được chiết xuất thành các thuốc chữa mất ngủ, ngoài ra còn giúp hạ huyết áp, kháng nấm, kháng virus...

alobacsi củ bình vôi BS Đoàn Quang Nguyên

I. Tổng quan về cây bình vôi, củ bình vôi

Tên thường gọi: bình vôi

Tên gọi khác: củ một, dây mối tròn, ngải tượng, củ bồng bềnh, thiên kim đằng, cà tòm, cáy pầm (Tày), co cáy khẩu (Thái), tở lùng dòi (Dao), p’ lồi (K’ ho).

Tên khoa học: Stephania sinica Diels. (đây là loài bình vôi thông dụng nhất, còn gọi là Stephania Rotunda Lour.)

Ngoài ra, cũng có một số loài mang đặc điểm hình thái tương tự, cũng được người dân gọi là “bình vôi” và được dùng với một số công dụng tương tự: Stephania brachyandra Diels, S. cambodica Gagnep., S. cepharantha Hay, S. dielsiana Y. C. Wu, S. excentrica H. S. Lo, S. hainanensis H. S. Lo et Y. Tsoong, S. kwangsiensis H. S. Lo, S. pierrei Diels.

Phân họ: họ Tiết dê (Menispermaceae).

1. Nhận biết cây bình vôi

Bình vôi là loài dây leo, thường xanh, sống quanh năm, dài 2-6m. Thân nhẵn, hơi xoắn vặn. Rễ củ to, có thể nặng đến 50kg, vỏ ngoài xù xì, màu nâu đen. Lá mọc so le, có cuống dài 5-8cm dính vào trong phiến khoảng 1/3, phiến lá mỏng, đường kính 8-9cm, hình khiên, gần hình tròn có cạnh hoặc tam giác tròn, gân lá xuất phát từ chỗ đính của cuống lá, hình chân vịt, nổi rõ ở mặt dưới lá, hai mặt nhẵn, mép hơi lượn sóng.

Cụm hoa mọc thành xim tán ở kẽ lá hoặc những cành già đã rụng lá; hoa đực và hoa cái khác gốc; hoa đực có 5-6 lá đài; 3-4 cánh hoa màu vàng cam, nhị 3-6, thường là 4; hoa cái có 1 lá đài, 2 cánh hoa, bầu hình trứng.

Quả hạch, hình cầu, hơi dẹt màu đỏ khi chín; hạt cứng, hình móng ngựa có những hàng vân ngang dạng gai, hai mặt bên lõm, ở giữa không có lỗ thủng.

alobacsi Lá và quả cây bình vôiLá và quả cây bình vôi

2. Phân bố, trồng trọt, thu hái và chế biến củ bình vôi

Trên thế giới, bình vôi tập trung nhiều ở các quốc gia Malaysia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam. Tại nước ta, bình vôi thường được phát hiện tại chủ yếu các tỉnh phía bắc, nhiều nhất là ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, và rải rác đến vùng Đông Nam Bộ.

Bình vôi là cây ưa sáng, khi còn nhỏ, cây có thể chịu bóng, thường mọc trong các quần thể cây bụi và dây leo nhỏ ở rừng núi đá vôi ẩm. Bình vôi chỉ phân bố ở vùng có độ cao thấp dưới 1000m.

Thông thường, bình vôi rụng lá vào cuối thu, đầu đông; sau đó đến cuối mùa xuân thì mọc lại lá non. Mùa hoa của bình vôi vào tháng 4-6, mùa quả tháng 8-10. Sau khi quả chín rụng xuống, hạt sẽ nảy mầm vào cuối xuân hoặc đầu mùa hè năm kế tiếp. Khi dây bình vơi đạt hơn 10 năm tuổi mới có củ nặng 3-5kg.

Bình vôi có thể được nhân giống bằng cả hai phương pháp hữu tính và vô tính. Hàng năm, vào tháng 9-10, thi lấy những quả chín, đãi bỏ vỏ lấy hạt để gieo trong vườn ươm vào tháng 2-3 năm sau.hạt phơi khô bảo quản trong chai lọ, đặt nơi thoáng mát sau 3-4 tháng vẫn có tỉ lệ nảy mầm tốt, không thua kém hạt tươi. Đất trồng bình vôi nên được đánh luống cao 20cm, rộng 60-70cm. Hạt được gieo thành hàng với khoảng cách 5x5cm, phủ lên 1cm đất rồi giữ ẩm. hạt sẽ nảy mầm sau 10-15 ngày, tỉ lệ nảy mầm khoảng 60-70%.

Nếu nhân giống vô tính thì có thể dùng các củ bình vôi nhỏ ngoài tự nhiên hoặc dùng khoảng 1/3 đầu trên của củ to, bổ thành 3-4 miếng để làm giống. Cần xử lý mặt cắt bằng tro bếp hoặc vôi bột. bhang2 năm bón thúc 2-3 lần, mỗi lần 50-60kg ure, 30-40kg kali cho 1ha, bổ sung thêm phân chuồng. Cần giữ cho đất trồng thoát nước tốt vì củ bình vôi rất dễ bị úng.

Bộ phận dùng của bình vôi là củ, thời gian càng lâu thì năng suất càng cao, bình thường 2-3 năm là đã bắt đầu có thể thu hoạch. Để đảm bảo chất lượng, chỉ nên thu hoạch các củ bình vôi có trọng lượng 800-1000g trở lên. Thu hoạch vào mùa thu – đông sẽ có hàm lượng hoạt chất cao nhất.

3. Thành phần dược chất của củ bình vôi

Nhóm chất chính trong củ bình vôi là alkaloid, tinh bột và đường khử. Các thành phần dược chất thường dùng trong củ bình vôi gồm: Rotundin (L. tetrahydropalmatin) 1,31%, stepharin, stepharotin, kuduranin, palmatin, dihydropalmatin, benzylisoquinolin, protoberberin, aporphin, proaporphin, hasubanan, morphinan, dibenzazonin, cepharantin, cycleanin, dehydrodicentrin, sinoacutin, crebanin,…

alobacsi củ bình vôi

II. Công dụng của củ bình vôi

1. Công dụng của củ bình vôi theo đông y cổ truyền

Bình vôi có vị đắng, hơi ngọt, tính mát, quy vào kinh Can, Tỳ. Bình vôi được dùng với công dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu ứ, chỉ thống, khư phong, an thần, tuyên Phế, kiện Vị.

2. Công dụng của củ bình vôi theo đông y hiện đại

Các tác dụng của củ bình vôi đã nghiên cứu

+ Các tác dụng của hoạt chất Rotundin trong bình vôi: Đây là hoạt chất giúp an thần, dễ ngủ nên được chiết xuất thành các thuốc chữa mất ngủ. Rotundin cũng có các tác dụng : chống co giật, hạ huyết áp (do giãn mạch), giảm co thắt ruột, giảm đau, hạ sốt (do ức chế trung tâm điều nhiệt).

+ Các tác dụng của hoạt chất Cepharanthin trong bình vôi: Bình vôi giúp khắc phục tác dụng phụ của hóa trị liệu ung thư, kích thích miễn dịch, và nhất là ngăn chặn tình trạng sụt giảm bạch cầu. Hoạt chất này cũng giúp ức chế kết tập tiểu cầu, kiểm soát quá trình đông máu, ngăn ngừa huyết khối trong lòng mạch. Đây cũng là dược chất kháng lại vi trùng lao. Cepharanthin cũng ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư cổ tử cung HeLa và HeLa3.

+ Công năng đến từ hoạt chất Tetrandrin trong bình vôi: Hoạt chất này mang lại tác dụng hạ huyết áp với cơ chế tương tự nhóm thuốc chẹn calci. Tetrandrin còn có công năng ức chế miễn dịch (điều trị các bệnh có nguồn gốc tự miễn), chống viêm, điều trị viêm kết mạc và kháng virus Herpes simplex type 1 (siêu vi gây loét miệng, môi và da).

+ Công dụng của Isotetrandim trong bình vôi: Nhờ dược chất này mà bình vôi được tăng cường cộng năng giảm đau, hạ sốt và đối kháng sự co thắt cơ trơn tiêu hóa do histamin và acetylcholin.

+ Hiệu quả từ Roemenin: Bình vôi nhờ có Roemenin mà có tác dụng làm giảm nhịp tim, giảm biên độ co bóp của cơ tim, có lợi cho bệnh nhân suy tim hoặc người bệnh rối loạn nhịp nếu dùng đúng liều. Dùng liều cao có thể làm tim ngừng đập. Hoạt chất này cũng giúp hạ huyết áp.

+ Tác dụng chống ký sinh trùng: bình vôi là thuốc điều trị hiệu quả ký sinh trùng sốt rét P. falciparum, ký sinh trùng ở da và niêm mạc Leishmania, và ký sinh trùng gây bệnh ở hồng cầu Babesia.

+ Tác dụng kháng khuẩn: Bình vôi là thuốc điều trị bệnh lao và bệnh phong. Ngoài ra, bình vôi cũng có hoạt động kháng khuẩn đối với các vi khuẩn cả gram âm và gram dương như Bacillus subtilis, Corynebacterium diphtheriae, Rhodococcus equi, Klebsiella pneumoniae, Pseudomonas aeruginosa, Salmonella typhi Streptococcus pyogenes.

+ Kháng nấm: Bình vôi sở hữu dược chất Cycleanine nên có các đặc tính chống nấm chống Trichophyton longiformis, Candida albicans, Aspergillus flavis Microsporum canis với sự ức chế 81% đến 100% với liều dùng thông thường. Hoạt chất Jatrorrhizine trong bình vôi cũng gây ra hoạt động kháng nấm quan trọng trong bệnh lý da liễu, đặc biệt là chống lại Malassezia spp. Hoạt chất Liriodenine trong bình vôi cũng tiêu diệt nấm C. albicans, Cryptococcus neoformans, Aspergillus flavus, A. niger, A. Verscolor, Cladosporium cladosporoides, C. gloeosporidoides.

+ Kháng virus: Bình vôi tiêu diệt hiệu quả 3 loài siêu vi gồm virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV, cả type 1 và type 2), vrus viêm gan B (HBV) và siêu vi gây loét niêm mạc sinh dục, miệng Herpes Simplex virus (HSV). Đặc biệt, bình vôi dùng để điều trị cho bệnh nhân kháng lamivudine (một loại thuốc kháng HBV phổ biến trong tây y). Các tác dụng này đến từ những hoạt chất Oxostephanine, Cepharanthine, Cycleanine, Fangchinoline, Palmatine. Ngoài ra bình vôi cũng kháng virus sốt xuất huyết và virus sốt vàng da.

+ Chống sốc nhiễm trùng: Trong quá trình nhiễm trùng, người bệnh có thể bị tiến triển đến sốc do việc giải phóng nội độc tố bởi vi khuẩn hoặc nấm có thể gây tổn thương mô, tụt huyết áp, và suy chức năng nhiều cơ quan. Cepharanthine trong bình vôi có tác dụng ức chế phospholipase A2 từ đó ức chế sốc nội độc tố, đưa người bệnh thoát khỏi nguy kịch.

+ Bình vôi chống viêm trên các bệnh lý viêm da vảy nến, hội chứng Sjögren (rối loạn tiết nước bọt và nước mắt), bệnh võng mạc đái tháo đường, và các vết thương có viêm.

+ Hoạt động điều hòa miễn dịch: Cepharanthine, cycleanine, fangchinoline và sinomenine trong củ bình vôi sở hữu một khả năng ức chế miễn dịch thú vị, ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch bẩm sinh. Miễn dịch tự nhiên này liên quan đến thực bào, cũng như bạch cầu đơn nhân, đại thực bào và bạch cầu trung tính. Cepharanthine và sinomenine cũng ức chế miễn dịch thích ứng, loại miễn dịch này chủ yếu sử dụng tế bào lympho để nhận ra các yếu tố xâm nhập từ bên ngoài. Do các cơ chế trên mà bình vôi đã được minh chứng trên lâm sàng rằng điều trị tốt tình trạng bệnh lý như viêm cầu thận cấp do bệnh tự miễn, viêm não tự miễn, bệnh đa xơ cứng, ban xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn, hoặc dùng để hạn chế tổn thương cơ quan trong nhiễm trùng huyết sau phẫu thuật.

+ Hoạt động chống dị ứng của bình vôi đã được nghiên cứu thành công trên các bệnh lý: viêm mũi dị ứng, ức chế tiết acid dạ dày trong viêm loét dạ dày – tá tràng, kháng dị ứng ngoài da.

+ Trên xương khớp: bình vôi giúp chống loãng xương, giảm thoái hóa khớp, giảm viêm khớp, giảm tốc độ thoái hóa sụn khớp do cả tuổi tác và bệnh lý gây nên.

+ Giảm đau: bình vôi giúp tăng hiệu quả giảm đau của các thuốc khác đồng thời kéo dài hoạt động giảm đau của các thuốc đó, do đó bình vôi được dùng kèm khi các thuốc giảm đau thông thường kém hiệu quả trên bệnh nhân. Bình vôi cũng làm giảm đau cơ trơn đường tiêu hóa và chứng đau nửa đầu rất tốt.

+ Làm hạ đường huyết: bình vôi kích thích tiết insulin, tăng biểu hiện Glut-4 và PPAR, tăng cường hoạt động của succine dehydrogenase ở gan và giảm glycogen ở gan, từ đó điều hòa nồng độ đường toàn thân.

+ Bình vôi chống lại ung thư ruột kết, cổ tử cung, gan (Hep G2), vú (dòng tế bào MCF-7 và MDA-MB-231), u não (U251, glioblastoma), biểu mô vòm họng (KB), biểu mô cơ bản (A-549), thanh quản, đầu, cổ, biểu mô tuyến dạ dày (adenocarcinoma), ung thư phổi tế bào lớn (NCI-H460), ung thư biểu mô tuyến (adenosquamous), miệng, u tủy và bệnh bạch cầu (nhiều dòng khác nhau).

+ Đối với hệ thần kinh trung ương:  bình vôi có hoạt tính chống các bệnh thoái hóa thần kinh, nhất là đối với bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, chứng khó đọc, hội chứng co giật Tourette, hội chứng rối loạn vận động muộn, đồng thời cũng mang lại lợi ích cho bệnh nhân viêm thần kinh ở các tế bào vùng đồi thị.

+ Hoạt động chống loạn thần: Do chức năng của lstepholidine trong củ bình vôi là chất chủ vận một phần thụ thể dopamine D1 và chất đối kháng thụ thể dopamine D2, vì thế có thể được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt.

+ Các tác dụng khác: chống oxy hóa mạnh, chống nghiện morphin, chống thiếu máu não, chống thiếu máu cơ tim, bảo vệ tế bào gan và điều trị rụng tóc.

Các tác dụng của củ bình vôi dùng theo kinh nghiệm

Theo kinh nghiệm của nhân dân ta, bình vôi chữa mất ngủ, ho hen, kiết lỵ, sốt, đau bụng, viêm ruột, viêm họng, được dùng dưới dạng củ thái nhỏ, phơi khô, sắc uống hoặc dạng bột, dạng ngâm rượu hay dạng trà thuốc. Một số vùng dùng bình vôi để chữa đau đầu và đau nhức vú.

alobacsi Hoa cây bình vôiHoa cây bình vôi

III. Cách dùng - liều dùng củ bình vôi

Liều dùng: 3-6g/ngày.

1. Một số bài thuốc sử dụng củ bình vôi theo kinh nghiệm dân gian hoặc cổ phương

+ Giảm đau vết thương, đau răng, mụn nhọt, côn trùng cắn đốt: Lấy củ bình vôi tươi giã nát đắp tại vùng đau, vùng viêm nhọt, độc.

+ Cách ngâm rượu bình vôi: Lấy củ bình vôi thái nhỏ, phơi khô, tán bột, ngâm rượu 40 độ với tỷ lệ 1 phần bột 5 phần rượu, rồi uống với liều 5-15ml/ngày. Nếu đắng thì thêm đường để uống.

2. Một số bài thuốc sử dụng củ bình vôi đã nghiên cứu

+ Đối với mục đích dùng bình vôi làm thuốc điều trị mất ngủ dai dẳng do nguyên nhân tâm thần, giảm đau, an thần, rối loạn tâm thần chức năng, trạng thái căng thẳng thần kinh, dùng viên L-tetrahydropalmatin clohydrat 50mg, dùng 1-2 viên/ngày.

+ Điều trị loét dạ dày tá tràng, đau dây thần kinh, đau bụng kinh, mất ngủ… do nguyên nhân căng thẳng thần kinh, điều trị hen co thắt khí phế quản: dùng thuốc tiêm L-tetrahydropalmatin  sulfat 3% 2ml, tiêm bắp 1-2 lần.

3. Sử dụng củ bình vôi đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho phụ nữ mang thai vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này đối với thai kỳ. Sản phụ không nên tự ý dùng thảo dược này khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

4. Sử dụng củ bình vôi đối với trẻ nhũ nhi

Hiện nay chưa ghi nhận tác dụng ngoại ý trên đối tượng trẻ nhũ nhi. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng cho trẻ nhũ nhi vì chưa có minh chứng khoa học về tính an toàn của thảo dược này trên trẻ nhũ nhi, cần tham khảo ý kiến thầy thuốc có chuyên môn về lĩnh vực này trước khi dùng.

V. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định của củ bình vôi

Có thể dùng bình vôi liên tục trong 60 ngày, chưa phát hiện tác dụng độc hại.

VI. Bảo quản củ bình vôi

Cần làm khô thảo dược bằng máy sấy hoặc ánh nắng mặt trời, sau đó cho vào hũ thủy tinh, đậy kín, tránh ánh sáng. Có thể cho vào một viên vôi sống để hút ẩm. Nếu bạn không phải là thầy thuốc thì không nên lưu trữ thuốc tại nhà quá 10 ngày. Nếu bạn buộc phải lưu trữ thảo dược tại nhà lâu hơn, cần kiểm tra chúng hàng tuần, nếu phát hiện mối mọt, ẩm mốc, biến đổi màu sắc, mùi vị thì cần loại bỏ ngay.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X