Hotline 24/7
08983-08983

Có nên trì hoãn khám bệnh trong mùa COVID-19?

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã lây lan đến 168 quốc gia trên thế giới và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Tại nước ta, tình hình dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Điều này khiến nhiều người lo lắng, trở nên e ngại khi đến bệnh viện trong thời điểm này.

Điển hình như Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những cơ sở y tế có lượng người khám bệnh đông nhất khu vực phía Nam, nếu trước đây mỗi ngày tiếp đón khoảng 5.000 - 6.000 lượt khám bệnh thì nay đã giảm xuống còn hơn 4.000 lượt khám.

Tương tự, tại Bệnh viện Da liễu TPHCM những ngày qua cũng ghi nhận tình trạng giảm đáng kể số lượng người bệnh, từ 2.100 - 2.000 xuống còn 1.800 bệnh, tỷ lệ giảm từ 20-50%. Hay tại Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, trong mùa dịch này số lượt khám bệnh cũng giảm khoảng 10% so với ngày thường.

Không chỉ riêng TPHCM, ở Hà Nội ngay cả những bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Thanh Nhàn, Việt Nam - CuBa... số lượng bệnh nhân đến khám cũng giảm 30-50%.

Nhiều bệnh nhân đột quỵ đến trễ vì sợ COVID-19

Bày tỏ quan điểm về tâm lý ngại đi khám do COVID-19, TS.BS Trần Chí Cường -  Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết: “Nếu vì lo ngại dịch bệnh mà không đến bệnh viện để khám bệnh kịp thời là điều nguy hiểm bởi sẽ vô tình bỏ qua giai đoạn vàng, phát hiện bệnh sớm, đến khi bệnh quá nặng mới đi khám thì mọi việc đã không thể cứu vãn.

Nhất là nhiều bệnh nhân có bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, đột quỵ, tiểu đường, hen phế quản... rất cần tái khám, lấy thuốc định kỳ, để bác sĩ kiểm tra, theo dõi sau một thời gian điều trị, tránh biến chứng, hậu quả nặng nề”.

Theo chia sẻ của TS Cường, ngay tại Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ đã tiếp nhận một số trường hợp đột quỵ đến bệnh viện trễ hơn thời gian vàng (sau 6 giờ) cũng vì lo sợ nhiễm Corona. Điểm mấu chốt trong điều trị, cứu sống người bệnh đột quỵ là thời gian, nếu đến bệnh viện có thể cấp cứu, can thiệp trong vòng 4,5 - 6 giờ thì cơ hội sống, phục hồi mới cao.

Rất nhiều ca xuất huyết não trầm trọng do bệnh nhân không tuân thủ điều trị tăng huyết áp, do ngại đi khám, tự ý ngưng thuốc, giảm liều, lo sợ stress trong mùa COVID…

Có nên trì hoãn khám bệnh trong mùa COVID-19Cẩn trọng trong mùa dịch nhưng không nên hoang mang, sợ hãi quá mức. Hãy đi khám bệnh khi cần, giữ đúng các nguyên tắc để đảm bảo an toàn sức khỏe. Ảnh: Viết Hưởng

Bên cạnh đó, hiện cũng đã xuất hiện tình trạng sử dụng lại toa thuốc cũ về dùng hoặc tự ý ngừng thuốc mà không biết những người bệnh có nguy cơ cao thì việc này tiềm ẩn những nguy hiểm nhất định. Đơn cử như những người bệnh mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp nếu sử dụng lại toa thuốc cũ thì hiệu quả kiểm soát đường huyết, huyết áp sẽ giảm, đến một thời điểm nào đó sẽ có những biến chứng nặng như gây nhồi máu cơ tim, xuất huyết não… nguy hiểm đến tính mạng.

“Đừng để tâm lý ám ảnh quá mức, vì đôi khi nguy cơ, xác suất nhiễm virus Corona trong cộng đồng thấp hơn rất nhiều so với chuyện ngưng thuốc. Nếu không tái khám thì tỷ lệ bệnh diễn tiến rất cao, có khi chưa nhiễm Corona mà đã tử vong vì đột quỵ, xuất huyết não do tăng huyết áp như trong thời gian qua tại bệnh viện đã ghi nhận nhiều trường hợp” - TS Cường nói.

Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc gần: Yên tâm khám bệnh

Đồng tình với TS Cường, các chuyên gia cũng khẳng định mỗi người nên cẩn trọng nhưng không hoang mang quá mức, sáng suốt trong việc chọn - đọc thông tin. Không tự ý mua thuốc uống mà chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh những trường hợp đáng tiếp. Sai lầm này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sinh mạng, sức khỏe của người bệnh.

Đồng thời, với những người có yếu tố nguy cơ cao làm tăng khả năng xảy ra tình huống khẩn cấp như đang uống thuốc chống nhồi máu cơ tim loạn nhịp tim, huyết áp, tiểu đường… nên tuân thủ lịch hẹn tái khám với bác sĩ. Nhất là những bệnh nhân có ho, sốt, viêm phổi, triệu chứng đau họng… thì lại càng nên đi khám, điều trị càng sớm, càng tốt, tránh tình trạng bệnh nặng hơn, không chỉ là nhiễm virus mà đó có thể là viêm phổi, bội nhiễm phổi, lên cơn hen ác tính…

Hiện nay, hầu hết các bệnh viện đều đã tăng cường công tác sàng lọc nhằm rà soát, phát hiện sớm và cách ly những ca nghi nhiễm COVID-19, chủ động thực hiện nhiều biện pháp như đo thân nhiệt, sát khuẩn tay cho bất kỳ ai ra vào bệnh viện.

Đây là hoạt động giúp kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2, đảm bảo sự an toàn cho người bệnh, người nhà, người nuôi, người thăm và nhân viên y tế tại bệnh viện. Do đó, hãy đến ngay bệnh viện khi có nhu cầu, tuân thủ nguyên tắc, thực hiện đầy đủ các hướng dẫn của nhân viên y tế để yên tâm khám bệnh. Cẩn thận hơn nữa, có thể đeo thêm màng che trước mặt bằng nhựa trong, sẽ giúp ngăn cản được giọt bắn. Và nên đi khám bệnh bằng xe riêng, hạn chế sử dụng phương tiện công cộng.

Điều quan trọng TS Cường nhấn mạnh đó là không nên tụ tập nơi đông người như rạp chiếu phim, tham dự các buổi tiệc, dự lễ nhà thờ, đi chùa chiền, nên hạn chế đến những nhà hàng, khách sạn đã từng có bệnh nhân được Bộ Y tế thông tin mỗi ngày trong thời gian dịch bệnh diễn ra phức tạp. Với những người có sẵn bệnh nền cần hết sức cảnh giác, tùy theo diễn tiến sức khỏe của mỗi người mà cân nhắc việc đến bệnh viện.

Bên cạnh đó, mỗi người cần chăm chút hơn cho bản thân, xem lại vấn đề vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dùng nước sát khuẩn. Đừng hoang phí sức đề kháng của bản thân vào việc hút thuốc, thức khuya để xem phim, chơi game, vận động quá sức, rượu bia… Vì đây là những nguyên nhân làm hao tổn sức khỏe, tạo điều kiện cho vi sinh vật dễ dàng xâm nhập.

[DAP]

Nếu bạn băn khoăn không biết trường hợp của mình có cần đi đến bệnh viện ngay hay tạm thời xử trí tại nhà, có thể liên hệ AloBacsi để được tư vấn:

- Hotline 08983 08983
- Zalo 08983 08983
- Fanpage: https://www.facebook.com/alobacsihoibacsitraloi/

Bên cạnh đó, TS.BS Trần Chí Cường cũng nhắn nhủ, mặc dù dịch bệnh có diễn tiến phức tạp nhưng mọi người không nên trì hoãn khi đến lịch tái khám. Bởi nếu bỏ liều hoặc ngưng thuốc sẽ dẫn đến tình trạng bệnh đã nặng càng thêm trầm trọng. Nhất là đối với đột quỵ.

Khi có các dấu hiệu FAST:

- Mặt méo

- Tay chân tê yếu

- Giọng nói ú ớ, nói khó

- Mất tri giác

Hãy gọi tổng đài 1800 1115 để được hướng dẫn cấp cứu kịp thời.

[/DAP]

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X