Hotline 24/7
08983-08983

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương: Sống ở sát bên khu vực bị cách ly do COVID-19 có an toàn?

Trong chương trình giao lưu trực tuyến mới nhất trên AloBacsi, ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương đã giải đáp nhiều thắc mắc xung quanh virus Corona: Tại sao COVID-19 lại có khả năng giết người khủng khiếp như vậy? Khi nào tìm được thuốc điều trị và vắc xin? Sống ở sát bên khu vực bị cách ly có an toàn?... Mời bạn đọc đón xem.

Tháng 1/2020, khi chủng virus mới - nCoV - mới xuất hiện, buổi tư vấn chiều 30 tết của ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương, về chủ đề “Bệnh viêm phổi Corona - Vũ Hán nguy hiểm đến mức nào?” được đánh giá là hết sức kịp thời và bổ ích, thu hút gần 100.000 lượt theo dõi.

Chưa đầy 2 tháng sau, “13.000 người chết vì nCoV và hơn 300.000 ca nhiễm. COVID-19 xuất hiện ở 188 quốc gia và vùng lãnh thổ. Quan tài được xếp chồng lên nhau tại nhà xác bệnh viện, các lò thiêu hoạt động hết công suất…” (Bản tin sáng 21/3), theo đề nghị của bạn đọc, AloBacsi tiếp tục, mời chuyên gia tư vấn ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương tái đăng đàn với chủ đề hot:

I. Phân biệt cảm cúm, cảm lạnh và COVID-19

Làm sao phân biệt mắc bệnh COVID-19 và bệnh cảm, cúm mùa thông thường - tránh tình trạng mới bị cảm cúm đã lo bấn loạn, hoặc chủ quan bỏ qua giai đoạn đầu khi nhiễm nCoV? Sự khác biệt cơ bản về triệu chứng, thưa bác sĩ?

Bệnh cúm (cúm mùa), cảm mạo hay cảm lạnh và COVID-19,  cả 3 bệnh trên đều do virus - những vi sinh vật bé hơn vi trùng, phải nhìn bằng kính hiển vi điện tử mới thấy được - gây ra.

Cảm lạnh do virus lành tính gây ra, tấn công vào hệ hô hấp trên; cảm cúm do loại virus tên cúm gây nên.

COVID-19 là bệnh do siêu vi trùng có tên SARC-Corona 2-virus, lúc mới phát hiện được gọi là nCoV.

Ba bệnh này khác nhau sao?

Cả 3 bệnh đều tấn công hệ hô hấp, thời gian ủ bệnh thông thường của cảm lạnh và cảm cúm đều từ 2- 3 ngày. Riêng COVID-19 thì từ 2-5 ngày và thời gian ủ bệnh có thể lên tới 14, 15 ngày.

Bệnh cảm lạnh triệu chứng diễn ra từ từ, cảm giác mệt mỏi muốn bệnh từ 2 - 3 ngày chứ không phải đột ngột ập đến. Riêng với COVID-19 thì bệnh diễn ra bất ngờ, đột ngột giống như bị sụp hố.

Bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng cần chú ý:

- Đột ngột sốt cao.

- Cổ họng đau không chịu nổi, đau đến mức giống như bị dao đâm, hoặc đau rát như vết thương hở bị xát muối ớt.

- Cảm giác đuối, hụt hơi, như mới chạy đua hay bơi lội quá sức.

Thêm ý nữa,"Người mang mầm bệnh" của virus corona có thể mất mùi đột ngột"

(Tham khảo thêm link https://alobacsi.com/nguoi-mang-mam-benh-cua-virus-corona-co-the-mat-mui-dot-ngot-n408971.html)

Cúm mùa cũng có đột ngột sốt cao nhưng không đau cổ họng đến mức như vậy. Hai bệnh đều có ho nhưng cúm ho khan nhiều hơn. Cảm cúm vừa sốt vừa đau đầu, đau vùng hốc mắt, nhức mỏi toàn thân, kèm theo chảy nước mũi, ho và có thể có thêm triệu chứng đường tiêu hoá.

Vì triệu chứng gần giống nhau, cũng có sốt, có đau họng dù kiểu đau khác nhau, do đó theo tiêu chuẩn phân loại chẩn đoán của Bộ y tế Việt Nam thì những người nghi ngờ bị COVID-19 không phải chỉ có 3 triệu chứng mà phải có một yếu tố nữa là đi từ vùng dịch tễ về như châu Âu, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc… Hoặc những người tiếp xúc gần với những người xác định dương tính với SARS-CoV-2. Tiếp xúc gần ở đây thường là những người thân trong gia đình, đối tác khi gặp nhau liên hoan, có giao tiếp mặt đối mặt trong vòng 2m.

Ngoài ra, trong trường hợp không tiếp xúc, nói chuyện nhưng chúng ta tham gia phương tiện giao thông công cộng cụ thể như đi chung xe hơi, máy bay với người đã nghi mắc bệnh hoặc mắc bệnh mà cách 2 hàng ghế trở lại. Chẳng hạn, tôi đi máy bay và mắc bệnh COVID-19 mà ngồi hàng số 17 thì bạn ngồi ở hàng ghế 15 hay 19 là thuộc nguy cơ cao. Và trong 2 tuần khởi phát triệu chứng sốt hoặc ho, đau họng, hụt hơi thì nghi ngờ bạn nhiễm SARS-CoV-2.

Không phải bạn ở trên núi, dưới biển chẳng tiếp xúc với ai bỗng một ngày ngủ dậy có triệu chứng sốt, ho, đau họng thì không thể nói là nhiễm SARS-CoV-2 mà phải kèm theo yếu tố dịch tễ, như bộ Y tế Việt Nam quy định.

ThS.BS.CK2 Trần Ngọc Lưu Phương - Trưởng đơn vị Tiêu hóa can thiệp, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương hướng dẫn thực hiện đúng nguyên tắc đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, đến nơi đông người trong mùa dịch COVID-19

II. Vì sao tỷ lệ tử vong do COVID-19 có sự chênh lệch lớn giữa các vùng?

Tại sao COVID-19 lại có khả năng giết người khủng khiếp như vậy. Cơ thế “giết người” của virus này như thế nào?

Theo số liệu cập nhập hằng ngày làm chúng ta thấy độ lây lan rất nhiều, gọi là giết người khủng khiếp thì không đúng, như chúng ta thấy trên truyền thông đưa tin là ở Ý đang bùng lên và tỷ lệ tử vong rất cao. Tuy nhiên theo thống kê trên thế giới thì hiện đã có hơn 300.000 ca nhiễm, nhưng tỷ lệ tử vong theo những số liệu đã được công bố giao động từ 0,5-4%, trung bình từ 2-3,4% và nước mà có tỉ lệ tử vong cao nhất hiện tại là Ý khoảng 8,4%. So với những dịch bệnh khác thì tỉ lệ này không cao.

Ví dụ: Dịch SARS năm 2003 tính tại Việt Nam tỷ lệ tử vong khoảng 18%, tính chung thế giới khoảng 10-20%. Dịch MERC Trung Đông thì lên đến 40%.

Như vậy, nhìn vào tỷ lệ tử vong thì COVID-19 không cao hơn những dịch kia. Nhưng bệnh này có tỷ lệ lây lan cao hơn nên tổng số người mắc bệnh rất nhiều, dẫn đến tỷ lệ tử vong thấp hơn nhưng số người tử vong lại cao hơn. Tỷ lệ tử vong của cúm mùa do biến chứng chỉ khoảng 0,1%.

So với những gì mà tôi đã có dịp giao lưu trực tuyến AloBacsi cách đây 2 tháng thì đã có một số thay đổi. Đó là tên virus đã được thay đổi và người ta cũng đã hiểu hơn, giải mã được virus này. Biết nó khiếm khuyết một vài gen, xâm nhập qua những thụ thể mà người ta đã xác định được để nó hoà nhập vào cơ thể con người.

Con virus này là một cá thể không hoàn chỉnh nên lúc nào nó cũng phải có một tế bào vật chủ để bám vào và nhờ bào tế bào vật chủ con người để nó sống. Như vậy, một mình nó không sống được và phải nhờ vào bộ máy con người để sinh sôi, phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình này nó cũng phá huỷ cơ thể con người.

Người ta đã ghi nhận rằng SARS-CoV-2 tấn công, gây tử vong vì 2 cơ chế chính. Tỷ lệ nó tấn công vào đường hô hấp và từ đường hô hấp trên tấn công xuống đường hô hấp phổi (đường hô hấp dưới) gây viêm phổi rất nhiều, hơn là những loại virus cúm hay cảm lạnh thông thường. Đồng thời, nó làm cho cơ thể phản ứng quá mức tạo nên một dòng phản ứng bất bình thường, gây ra tình trạng Virual Systemic (nhiễm trùng toàn thân) và bệnh nhân tử vong trong tình trạng suy đa cơ quan và suy hô hấp cấp, tức là phổi trắng mờ toàn bộ là nguy hiểm của nó.

Khi nào tìm được thuốc điều trị và vắc xin ngừa?

Thực sự, niềm mong ước của loài người khi tìm ra những loại thuốc diệt virus là vô cùng khó khăn. Vì cơ chế của nó hòa nhập với tế bào cơ thể người, dùng những nguồn lực của tế bào chính chúng ta phục vụ cho nó. Khắc hẳn với vi trùng là một thực thể hoàn chỉnh và dùng chính sức của nó để đánh mình, còn virus là dùng chính sức của chúng ta để đánh chúng ta, thực hiện các “mưu đồ” cá nhân của nó.

Do đó, việc tìm ra thuốc kháng virus là vô cùng khó khăn và thương vong cao, bởi nó hoà nhập với tế bào người nên khi đánh nó chết thì mình cũng bị thương, giống như “Trạng chết Chúa cũng băng hà”.

Để phát triển được loại thuốc tốn rất nhiều thời gian, phải trải qua pha 1, pha 2 nên hiện tại người ta thường tìm những loại thuốc có sẵn có tác dụng ức chế virus để rút ngắn thời gian pha 1, pha 2.

Để điều chế ra một loại vắc xin có công dụng trên 90% thường mất khoảng 5-10 năm, tuy nhiên với tình hình cấp bách hiện nay thì chỉ cần vắc xin có tác dụng trên 60% cũng có thể được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên theo nhận định của tôi sớm nhất cũng phải 12 tháng nữa mới có thể điều chế được loại vắc xin này.

Số bệnh nhân dương tính với COVID-19 tại Việt Nam đã là 116, ông có nhận định gì về công tác chống dịch COVID-19 của nước ta?

Số liệu cập nhật hiện nay ca nhiễm của Việt Nam chúng ta là 116 ca, con số này không thể nói nhiều hay ít, tuỳ theo cách nhìn nhận của mỗi người. Tuy nhiên theo nhìn nhận của bản thân tôi thì con số này phản ánh hoàn toàn trung thực tình hình của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn không giấu dịch từ trước đến nay.

Có một số ý kiến cho rằng Việt Nam đang giấu dịch, dưới góc nhìn chuyên môn thì tôi thấy không có chuyện đó. Dù chúng ta muốn giấu dịch thì ở thời đại internet hiện nay việc đó không thể thực hiện được. Nếu chúng ta chủ động giấu dịch thì số liệu bệnh nhân nhiễm COVID-19 trở nặng do viêm phổi và suy hô hấp ở các bệnh viện sẽ tăng cao. Tuy nhiên số liệu ở các bệnh viện hiện nay không có gì thay đổi đột biến, không xuất hiện những ca mới có tình trạng bệnh như vậy. Nên tin vào những gì chính phủ Việt Nam đã làm và thực tế trong bệnh viện không giấu dịch. Tôi tự tin khi nói điều đó.

Đến thời điểm này thì chúng ta đã làm rất tốt. Đôi khi chúng tôi còn nói vui với nhau rằng chúng ta không lây qua nhau mà đang “nhập khẩu” bệnh về để điều trị. Nhìn vào thống kê hiện nay, đa số ca bệnh đều là du học sinh từ vùng có dịch về nước, hay người Việt đi du lịch nước ngoài lúc chưa bùng dịch và người nước ngoài du lịch tại Việt Nam, số bệnh lây nhiễm tại Việt Nam rất thấp.

Tôi là là người yêu bóng đá, nên có thể nói vui rằng chúng ta đang đá với một đối thủ mạnh. COVID-19 là "đội lừng danh thế giới" và chúng ta đang dùng chiến thuật pressing toàn sân, chỉ cần đội COVID-19 có bóng thì chúng ta sẽ có 3 hậu vệ lao ra cô lập ngay không cho chuyền bóng đi. Đó là việc chúng ta xét nghiệm người nhập cảnh, nếu có người bị sẽ điều tra dịch tễ để cách ly toàn bộ khu dân cư, theo từng vùng.

Đây là chiến thuật thường được đội bóng yếu sử dụng khi gặp đội mạnh, chúng ta phải thừa nhận Việt Nam là đội yếu trong trận đấu với đội COVID-19. Chiến thuật này cho đến nay là hợp lý và đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên việc này cũng bào mòn đi sức lực, chúng ta tốn rất nhiều nhân lực, vật lực nhưng chính phủ Việt Nam không nề hà việc đó vẫn sẵn sàng để chiến đấu với đội COVID-19 này, vì người dân Việt Nam và thế giới.

Do đó, chúng ta nên hợp tác khai báo y tế trung thực và nghiêm túc thực hiện việc cách ly 14 ngày dù có khó chịu trong khu cách ly không giống ở nhà nhưng cần phải cố gắng vì việc chung. Cho đến giờ phút này thì chúng ta vẫn chưa có dấu hiệu đuối sức, vọp bẻ, vẫn đang cố "pressing toàn sân".

Sinh sống ở sát bên khu vực bị cách ly có an toàn? Liệu có nên tránh xa khu cách ly, dọn nhà đi nơi khác một thời gian không, thưa bác sĩ?

Chúng ta đã có những toà nhà hay khu phố bị cách ly vì có người dương tính với SARS-CoV-2 hay có nguy cơ lây nhiễm từ người nhiễm, đây cũng là việc nằm trong chiến dịch "pressing toàn sân".

Người ở khu phố gần khu cách ly bình tĩnh, không việc gì phải dời nhà đi đâu. Vì thứ nhất, theo y học hay cộng đồng thì dù là phong, lao, cùi, HIV cũng không được kỳ thị, đó là nguyên tắc của y học nói chung.

Thứ 2, con virus này không lây qua đường không khí và nó không bay như chim để mang virus từ người hàng xóm nhà kế bên vùng phong tỏa, sang nhà mình.

Virus này chỉ lây truyền qua đường giọt bắn - kích thước nhỏ không thấy bằng mắt thường. Nghĩa là virus rời khỏi cơ thể con người qua những giọt bắn trong quá trình chúng ta ho hay nói chuyện.

Virus phải ẩn mình trong những giọt bắn này để tồn tại ngoài môi trường và chờ thời xâm nhập vào một ký chủ khác thì nó mới phát triển tiếp được.

Giọt bắn bay trong phạm vi 2m, và đó là lý do khẩu trang y tế không bảo vệ 100% khỏi virus mà chỉ giúp ngăn ngừa giọt bắn không thấm vào cơ thể chúng ta.

Virus mà không có giọt bắn thì không thể tồn tại được ở môi trường bên ngoài. Điều quan trọng cần biết là giọt bắn không lơ lửng trong khí. Giọt bắn tuy nhỏ nhưng vẫn chịu tác động của lực hút trái đất nên cũng phải đáp xuống đất theo định luật vật lý của Newtơn. Do đó, nó có thể bám ở những bề mặt xung quanh ta. Vì vậy, chúng ta mới được khuyến cáo rửa tay thường xuyên là vì vậy.

Trong điều kiện khí hậu ôn đới thì những giọt bắn ở bề mặt nhựa có thể tồn tại 24-48 tiếng. Tuy nhiên, nếu ở điều kiện khí hậu Việt Nam thì thời gian tồn tại sẽ ngắn hơn.

Tóm lại, giọt bắn chỉ văng ra 2m và cũng không tồn tại lâu hàng tháng, hàng năm để bay qua nhà kế bên nên bạn có thể yên tâm.

III. Tăng cường sức đề kháng, giải tỏa áp lực tâm lý mùa dịch COVID-19

Phòng ngừa và tăng cường miễn dịch như thế nào là đúng? Có những lưu ý đặc biệt để tăng sức đề kháng cho người già?

Hiện nay, ngoài những khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Bộ y tế Việt Nam là mang khẩu trang đúng cách, rửa tay, không tụ tập đông người, chúng ta có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả bằng những cách sau:

Virus Corona lây lan bằng giọt bắn thì phải đi qua những vùng dịch tiết như mắt, mũi, họng rồi xâm nhập vào họng - đường hô hấp trên của chúng ta. Sau đó, chúng xuyên qua những tế bào, bám vào đó và tìm cách hòa nhập với tế bào ở đường hô hấp trên, nó dùng các cơ sở vật chất của tế bào để phát triển và đánh lại chúng ta, đồng thời "tăng dân số của nó".

Hàng rào phòng ngự cuối cùng của chúng ta để virus không xâm nhập vào cơ thể chính là vùng hầu họng. Dựa theo đó chúng ta có rất nhiều cách để tăng cường bảo vệ vùng hầu họng:

- Thứ nhất là giữ vùng hầu họng ấm và không bị khô. Chúng ta nên uống đủ nước, một ngày người bình thường cần 1,5 - 2 lít nước, chia thành nhiều lần. Như cái cây tưới đủ nước, khi vùng hầu họng được cấp đủ nước sẽ tiết dịch nhầy giống như các bãi ao đầm lầy làm cho virus Corona muốn xâm nhập vùng hầu họng rất khó khăn. Nếu chúng ta uống quá ít nước thì virus  xâm nhập vào dễ dàng.

Kế đến là phải uống nước ấm, không để vùng hầu họng bị lạnh, vì lạnh dễ gây tổn thương niêm mạc, tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Virus này thích lạnh, không thích ấm, mặc dù cơ thể con người luôn là 37 độ C nhưng chúng ta luôn giữ ẩm vùng hầu họng bằng cách uống nước ấm thường xuyên thì coi như tạo ra những bãi đầm lầy ngăn virus.

Uống đủ nước, kể cả khi không khát để tạo ra các bãi ao đầm lầy khiến việc xâm nhập của virus trở nên khó khăn

- Thứ 2 là súc họng. Trên mạng lan truyền rất nhiều thông tin nên súc nước muối, tuy nhiên điều này cũng có lợi bất cập hại. Nước muối có lợi là nước muối đẳng trương, tức là phải quân bình với dịch trong cơ thể. Nước muối đó có nồng độ 0,9% hay 9/1.000. Chúng ta thấy dịch nước biển truyền vào tĩnh mạch hay dùng ở bệnh viện luốn được pha đúng tỉ lệ. Nếu chúng ta tự pha chế không đúng thì sẽ tạo ra nước muối nhược trương hoặc ưu trương, nói tóm lại là không đúng nồng độ của dịch cơ thể là 9/1.000. Điều đó dẫn đến khi chúng ta súc họng bằng dung dịch này có thể làm thay đổi môi trường họng, làm những vết thương trên vùng hầu họng giống như một lỗ trên hàng rào giúp virus dễ dàng xâm nhập.

Trong khuyến cáo của một vị bác sĩ là súc họng bằng dung dịch sát khuẩn, điều này rất là quý báu. Tuy nhiên, đôi khi một số bạn đọc không tìm được đúng loại đó hoặc mua phải hàng giả. Do đó, tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm. Xưa nay, ông bà ta không hề biết đến con virus là gì, nhưng vẫn biết dùng nồi xông có lá sả, lá chanh, vỏ bưởi, vỏ quýt khi bị cảm lạnh, cảm mạo.

Bây giờ khoa học đã chứng minh trong những lá trên có tinh dầu kháng khuẩn.Vừa rẻ tiền và dễ mua.

Xin lưu ý, đây chỉ là một biện pháp hỗ trợ. Ngoài chuyện rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và tránh tụ tập đông người thì chúng ta có thể tự làm nước súc họng mà không cần phải mua. Nếu có các nguyên liệu như sả, gừng, lá chanh, vỏ bưởi thì cứ nấu lên để súc họng. Súc thật sâu trong họng chứ không phải chỉ mỗi miệng. Giả sử có lỡ nuốt một chút cũng không sao, vì bình thường chúng ta vẫn uống nước sả, nước chanh.

Nếu có điều kiện cứ 2 tiếng súc 1 lần thì rất tốt, nhất là sau khi tiếp xúc đông người. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng đây là những kinh nghiệm ngàn đời để lại. Thứ nước này không đặc trưng cho virus corona mới này mà có tác dụng chung cho toàn bộ các virus xâm nhập qua đường hô hấp.

Xông hơi cũng là phương pháp phòng vệ như đào hầm chống hay gắn vụn thuỷ tinh để ngăn cản virus xâm nhập cơ thể

- Thứ 3 là xông hơi tự nhiên. Sau khi đi ngoài đường về trước khi tắm có thể nấu một nồi xông rất đơn giản gồm sả, chanh, vỏ bưởi, vỏ quýt. Khi ta hít sâu vào thì những chất trong sả, cam, chanh - đã được khoa học công nhận -  có khả năng kháng khuẩn, giữ cho niêm mạc họng tốt. Đây cũng là phương pháp phòng vệ như "đào hầm chống hay gắn vụn thuỷ tinh" để ngăn cản trộm - virus xâm nhập cơ thể.

Những người ở vùng biển có thể ra biển tập thể dục. Với gió và nắng biển của vùng khí hậu nhiệt đới, với nhiệt độ 30 - 32 độ C thì virus corona khó lây lan. Tôi nói thế để chúng ta có thêm những biện pháp ngăn ngừa chứ không phải chủ quan khinh địch nhé.

- Thứ 4 là lạc quan yêu đời, khoa học đã chứng minh những người bị rối loạn lo âu, trầm cảm luôn có sự tổn thương những tế bào miễn dịch của cơ thể. Như vậy như một cuộc sống lạc quan, yêu đời, không quá hoảng loạn, hoảng sợ chính là nâng cao năng lực miễn dịch để chống lại virus này. Lạc quan chứ không phải chủ quan, vẫn phải thực hiện những biện pháp như không tụ tập đông người, đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay thường xuyên với xà phòng thường.

- Thứ 5 là ăn uống. Trên mạng hiện có rất nhiều thông tin nên ăn cái này, ăn cái kia, thực phẩm chức năng tăng cường thể lực… Khoa học đã có khuyến cáo, đây thường là những quảng cáo ăn theo thời buổi dịch bệnh này. Chúng ta nên ăn uống đầy đủ các chất đường đạm chất béo và không nên thiếu trái cây và rau xanh, đặc biệt là những trái cây hệ cam, chanh, quýt, ổi, bởi đó là nguồn cung cấp Vitamin C. Nhu cầu cơ thể chỉ cần 100Mg Vitamin C mỗi ngày, do đó chỉ cần ăn trái cây là đã đầy đủ nhu cầu, trừ những người kiêng khem quá lâu thì mới cần dùng những thuốc Vitamin C liều cao 500-1000Mg.

Tuy nhiên nên nhớ rằng Vitamin C không phải là thần dược, nhiều người ngày nào cũng dùng 2 - 3 viên Vitamin C sủi để tăng sức đề kháng, điều này là hoàn toàn không đúng. Vì Vitamin C khi vào cơ thể nếu chúng ta thiếu thì cũng xài có giới hạn. Ví dụ bạn bị bỏ đói 10 ngày và được mời vào 1 bàn tiệc của 12 người thì cũng chỉ ăn được tối đa 1,5 phần 1 người bình thường. Vitamin C cũng như vậy, dư quá thì chỉ làm thận phải làm việc nặng hơn thôi. Do đó, chúng ta không đợi nước tới chân mới nhảy, những người trước đây hay kiêng khem thì có thể bổ sung thêm 1-2 viên Vitamin C mỗi ngày trong 1 tuần là có thể bù lại đủ rồi. Không cần phải uống lâu dài. Đó là những điều cần chú ý trong mùa dịch.

Và luôn luôn nhớ là phải đi tập thể dục, tốt nhất là tập thể dục buổi sáng dưới ánh nắng trong khí hậu của Việt Nam chúng ta. Tất nhiên là không nên tụ tập nói chuyện với bạn tập thể dục và đeo khẩu trang đúng cách. Đặc biệt người ở vùng biển có thể ra biển để tập và hít thở.

Đồng thời, luôn luôn áp dụng đúng các khuyến cáo của Bộ y tế và Tổ chức y tế thế giới: Không tụ tập đông người, không tiếp xúc gần, nói chuyện mặt đối mặt trong vòng 2m và luôn nhớ khẩu trang giúp ngăn giọt bắn, nên đeo khẩu trang thường xuyên, nhất là khi tiếp xúc người với người, thường xuyên rửa tay dưới vòi nước chảy và xà bông cục cổ điển sẽ giúp giảm thiểu thấp nhất nguy cơ lây lan virus Corona. Hiện nay, chính phủ đang làm rất tốt việc cách ly tránh lây lan cộng đồng. Cộng thêm yếu tố thời tiết là một trong những điều kiện “thiên thời địa lợi”. Tuy nhiên chúng ta không thể chủ quan đối với đại dịch COVID-19 này.

Điều cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh bí quyết phòng bệnh hiệu quả đó là: ăn ngủ đúng giờ.

Nên nhớ thức khuya, chính là cách chúng ta phí phạm hệ miễn dịch. Ngủ đúng giờ, từ 22-23g, ngủ sâu là lúc hệ miễn dịch nghỉ ngơi và tái tạo. Lúc đó những "chiến sĩ bạch cầu" của cơ thể được phục hồi nghỉ dưỡng.

Nhiều người sai lầm khi cho rằng có thể ngủ bù sau khi thức khuya. Điều này không đúng, khoảng thời gian từ 22g trở đi là thời gian vàng để phục hồi hệ miễn dịch, ngủ bù không có tác dụng.

Nghĩa là, chính chúng ta đang làm tổn thương hệ miễn dịch, giảm sức đề kháng của mình chỉ vì thói quen ngủ trễ.

Gia đình có người cao tuổi, nếu tuyệt đối không cho các cụ bước ra khỏi nhà trong suốt thời gian này, cũng gây nhiều ức chế tâm lý, liệu có thể cho các cụ ra khỏi nhà đi tập thể dục?

Khuyến cáo chung nhất là vẫn là không tụ tập đông người, không đi ra ngòi. Chúng ta có thể thấy như hội Tân Thiên Địa hay đền thờ Hồi giáo ở Malaysia là do tụ tập đông người trong một không gian kín và tiếp xúc gần nên tỷ lệ lây lan cao hơn.

Do đó mà các cháu bé hay các cụ già không được đi ra ngoài nhiều. Nhưng thực sự mà nói, đến một mức độ nào đó thì có thể bị ảnh hưởng tâm lý, chính bản thân tôi cũng gặp trường hợp như thế trong gia đình.

Vì thế, giải pháp mà tôi đưa ra đối với trẻ em thì có thể học online, cô giáo vẫn giao bài tập, học bài để con nhỏ bớt đi thời gian rảnh, chúng ta có thể tìm thêm những bài học trên youtube để các bé học theo thì sẽ đỡ bị cuồng chân. Cuối ngày có thể cho các bé tập đi bộ. Người Việt chúng ta rất ít khi đi bộ, bố mẹ có thể dẫn theo trẻ đi bộ để tập thể dục mỗi ngày. Tuy nhiên cần tránh tiếp xúc nói chuyện với người xung quanh, vẫn phải đeo khẩu trang để tránh lây cho người khác hay người khác lây cho mình.

Tập thể giúp sẽ giải các cụ ông, cụ bà giải tỏa tâm lý một phần, nhưng không nên tụ họp đông người, trò chuyện nên cách xa tối thiểu 2m

Đối với ông bà lớn tuổi trên 65 thường có những bệnh nền kèm theo thì tỷ lệ nguy cơ cao hơn người bình thường, nhất là những cụ ông cụ bà có bệnh tiểu đường, huyết áp, tim mạch thì theo tôi các cụ nên tìm thú vui khác như đọc sách… Ngoài ra, các cụ cũng có thể đi ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng vào lúc 8g nhưng cần tránh khung giờ sau 11g trưa. Lúc này nắng đã lên rồi và đây chính là “thiên địch” của virus này. Chỉ có nơi máy lạnh, trong phòng kín mới là bạn của “đồng chí” Corona.

Nếu có gặp người quen thì đứng xa một chút, tránh tiếp xúc nói chuyện mà không đeo khẩu trang thì có thể giải toả được tâm lý cho các cụ. Nếu khó chịu thì ở trong nhà thì có thể ra ngoài nhưng đừng tiếp xúc với ai cũng đừng tay bắt mặt mừng. Như tôi ngồi đây các bạn đứng xa 3-4m thì nói chuyện lớn hơn vẫn nghe.

Còn cụ nào ở gần biển thì sáng cứ đi ra biển tập thể dục, mỗi người cách nhau 2-3m, có thể nói chuyện lớn hơn để dễ nghe thì có thể vừa giữ sức khỏe, vừa không bị lây Corona virus mà cũng không bị bức bối về tâm lý.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X