Chụp MRI phát hiện những bệnh nào, cần lưu ý gì khi thực hiện?
MRI là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh rất hiện đại và không xâm lấn. MRI có vai trò chẩn đoán bệnh lý nhiều cơ quan trên cơ thể và cho độ chính xác khá cao. Để thực hiện đúng cách và có kết quả chụp MRI chính xác chúng ta cần lưu ý những gì? Trong bài viết dưới đây BS.CK2 Nguyễn Chí Phong sẽ chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.
1. Chụp MRI đánh giá, phát hiện những bệnh lý nào?
MRI là một chẩn đoán hình ảnh giúp các bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe, đánh giá thương tổn, theo dõi tình trạng của bệnh nhân như vậy nhờ BS cho biết rõ hơn chụp MRI có thể hỗ trợ gì và trong những bệnh lý như thế nào?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: MRI là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh rất hiện đại và không xâm lấn. MRI có vai trò chẩn đoán bệnh lý nhiều cơ quan trên cơ thể và cho độ chính xác khá cao.
Ở vùng sọ não: Những bệnh lý về u não, u màng não, dị dạng mạch máu não, bệnh lý thần kinh sọ não như: u thần kinh sọ não, u thần kinh não MRI có thể chẩn đoán rất tốt.
Vùng mặt cổ: Những tổn thương mô mềm MRI có thể chẩn đoán khá chính xác.
Cột sống: Cột sống giúp nâng đỡ toàn cơ thể. Để dẻo dai thì những đốt sống được chêm vào các đĩa đệm và trên lòng đốt sống có dây thần kinh. Nếu vùng này có vấn đề, chụp MRI sẽ cho hình ảnh rất cụ thể và sắc nét.
Vùng bụng (là lĩnh vực chuyên khoa nhất của Bệnh viện Bình Dân): Bệnh lý về gan mật như: u đường mật, u gan, u túi mật, đây là những bệnh lý mà MRI đã giúp bác sĩ chẩn đoán tốt và chính xác cho bệnh nhân.
Vùng trực tràng, tuyến tiền liệt (là đỉnh cao của MRI): Bệnh viện đã sử dụng rất nhiều năm và chẩn đoán đưa ra cuộc phẫu thuật chính xác, hiệu quả cao.
Vùng cơ xương khớp: MRI rất có hiệu quả trong vấn đề đánh giá mô mềm và các dây chằng bị đứt mà các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác không chẩn đoán được hoặc không chính xác bằng, từ đó bác sĩ sẽ có hướng điều trị. Ví dụ như mổ nối lại dây chằn.
Sản khoa: MRI sử dụng sóng từ trường, sóng radio trên kỹ thuật chụp ghi hình ảnh. Phương pháp này không ảnh hưởng đến sinh hóa hoạt động của cơ thể và thai nhi. Kể cả thai nhi còn rất nhỏ vẫn có thể chụp được. Bệnh viện Bình Dân thường hội chẩn các trường hợp bệnh nhân mang thai bị viêm ruột thừa. CT chụp sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, còn MRI có hiệu quả chẩn đoán cao, không ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
Tim mạch: MRI chẩn đoán về túi máu của cơ tim, bệnh lý van tim.
2. Chụp MRI có “ăn tia” như X-quang, CT?
Nhiều người lo sợ, chụp MRI cũng sẽ bị “ăn tia” giống như CT. Thực hư điều này như thế nào ạ? Những nguy cơ nào người bệnh có thể đối diện khi chụp MRI, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: MRI dựa trên cơ chế sử dụng sóng từ trường và sóng radio để thu thập hình ảnh về máy tính và sau đó sẽ dựng hình lại. MRI khác với X-quang, X-quang sử dụng bức xạ ion hóa và ảnh hưởng đến sinh học trong cơ thể.
Chúng ta tưởng tượng MRI là một khối nam châm lớn phát ra từ trường và cơ thể mình trên 70% là nước. Khi từ trường kết hợp với hydro sẽ trả về và có những thiết bị thu nhận tín hiệu, từ đó tạo ra hình ảnh. Nhờ sự tiến bộ của công nghệ thông tin đã xây dựng lại các hình ảnh rất chi tiết để bác sĩ chẩn đoán một số cơ quan có bệnh lý.
3. Khoảng cách giữa các lần chụp MRI bao lâu là tốt nhất?
Khoảng cách giữa những lần chụp MRI, bao lâu là tốt nhất? Một năm có thể chụp tối đa bao nhiêu lần? Liệu có trường hợp nào cần thiết (hoặc bắt buộc) phải rút ngắn khoảng cách giữa 2 lần chụp, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Các lần chụp MRI lệ thuộc vào diễn tiến của bệnh.
- Một số bệnh cấp tính thay đổi trong thời gian ngắn thì có thể chỉ định chụp trong khoảng thời gian ngắn hơn.
- Chụp MRI có thuốc cản từ: Thường thuốc cản từ sẽ đào thải qua thận, thời gian thuốc đào thải trung bình các nhà sản xuất khuyến cáo khoảng 48 tiếng. Vì vậy, giữa 2 lần chụp nên từ 48 tiếng trở lên và thời gian càng xa càng tốt.
4. Kết quả chụp MRI có giá trị trong bao lâu?
Vậy kết quả này khoảng bao lâu thì vẫn còn giá trị chẩn đoán thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Thường đa số kết quả lệ thuộc vào tình trạng bệnh, cấp tính hay mãn tính thì kết quả sẽ khác nhau.
Ví dụ trường hợp viêm ruột thừa trên thai mới khám 1, 2 ngày đầu thì chụp chưa rõ ràng, chưa chẩn đoán được. Sau đó diễn tiến bệnh cảm thấy đau hơn, rõ ràng hơn nhưng vẫn chưa xác định được có viêm ruột thừa hay không thì có thể chụp lại.
Trường hợp viêm túi mật cấp có sỏi hoặc không có sỏi, bệnh lý này diễn tiến cũng khá nhanh. Khi mới chụp thấy có dấu hiệu chứ chưa bị viêm nhưng 48 tiếng sau có thay đổi thì có thể chụp lại để chẩn đoán xác định hơn trước khi phẫu thuật viên phẫu thuật.
5. MRI sẽ được chỉ định sau các chẩn đoán hình ảnh nào?
Một người bệnh có thể cần phải thực hiện nhiều chẩn đoán hình ảnh khác nhau để đưa ra gợi ý về bệnh rõ ràng hơn cho các bác sĩ dễ dàng điều trị. Vậy thông thường MRI sẽ được chỉ định sau các chẩn đoán hình ảnh nào thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Vấn đề này sẽ lệ thuộc vào nhiều yếu tố:
- MRI đắt tiền và không phải cơ sở nào cũng có, hầu như các bệnh viện lớn mới được trạng bị máy này.
- Vấn đề đào tạo của bác sĩ để đọc MRI cũng như kỹ thuật viên thực hiện chụp MRI phải hết sức chuyên nghiệp. Hiện tại, lực lượng đọc được MRI không nhiều so với những phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác.
- Sự phổ biến chưa cao, giá thành khá cao.
- Điều kiện người dân chưa đáp ứng được.
Vì vậy, MRI không phải là phương tiện đầu tay. Những phương tiện có sẵn, giá rẻ, chẩn đoán được, ví dụ như: siêu âm, X-quang, CT hầu như các cơ sở y tế đầu có. Nếu bác sĩ có chuyên môn, có kinh ngiệm thì viêm ruột thừa, viêm túi mật có thể chẩn đoán qua siêu âm.
Lợi thế của MRI là chẩn đoán những bệnh lý mà siêu âm, chụp CT, chụp X-quang chưa quan sát được rõ ràng. Như vậy, nếu siêu âm, chụp CT, chụp X-quang nhưng chẩn đoán chưa phù hợp với lâm sàng thì bác six có thể yêu cầu tiếp tục chụp MRI để tìm ra nguyên nhân. MRI có lợi ích phát hiện được cả những tổn thương nhỏ.
6. Các vấn đề cần lưu ý khi chụp MRI là gì?
Trước khi chụp MRI, người bệnh cần chuẩn bị và trao đổi với bác sĩ, kỹ thuật viên những gì ạ? Các vấn đề cần tránh là gì, thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Có 5 giai đoạn để mọi người dễ hình dung:
Trước khi chụp MRI:
- Bác sĩ sẽ được chỉ định và giải thích rõ về chỉ định này. Khi bệnh nhân đến phòng bệnh bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử của bệnh nhân. Tùy theo độ tuổi nhưng sẽ có những câu hỏi chung như: bệnh nhân có tiểu đường, hen suyễn, cao huyết áp không? Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thì có đang mang thai hkhông? Trong cơ thể có đang đặt mảnh ghép hay chất kim loại không? Vì MRI là dùng từ trường nếu cơ thể có kim loại sẽ làm đảo lộn vị trí đó. Do đó, bác sĩ sẽ phải hỏi kỹ các vấn đề này.
- Bệnh nhân chụp MRI phải thay đồ của bệnh viện, đồ sử dụng một lần để đảm bảo vấn đề vô trùng hoặc lây bệnh.
- Bệnh nhân cần bỏ hết các dụng cụ kim loại trên cơ thể như tai nghe, vòng, nhẫn bằng kim loại,... Bệnh viện Bình Dân có thiết kế tủ và chìa khóa riêng để bệnh nhân bảo quản đồ cá nhân trong trường hợp không có người thân đi cùng.
- Hướng dẫn tư thế nằm: Khi chụp MRI sẽ phát ra tiếng động khá lớn nên bệnh viện sẽ thiết kế tai nghe cho bệnh nhân đeo nghe nhạc trong lúc chụp. Khi chụp nên giữ tư thế ổn định nhất (không cử động) để cho hình ảnh tốt nhất, không bị nhiễu, do đó bệnh nhân sẽ có dây cố định nhẹ.
- Giải thích những lời hướng dẫn của máy: Trong khi nằm để chụp, bệnh nhân nên tuân thủ các hướng dẫn hít thở, động tác của kỹ thuật viên.
Sau khi chụp MRI:
- Thường sau khi chụp sẽ làm việc bình thường.
- Riêng các trường hợp có bơm thuốc cản từ, tùy vào cơ địa mỗi người, có thể sẽ gây phản ứng phụ của thuốc. Tuy nhiên tỷ lệ này rất thấp, hàng triệu người mới có một người nhưng bác sĩ vẫn phải giải thích vì sự an toàn của bệnh nhân.
- Có thể dị ứng tại chỗ hoặc dị ứng chậm. Nên khi bệnh nhân có các biểu hiện ngứa da, ngứa mi mắt, chảy nước mắt, buồn nôn, chóng mặt, nhức đầu,… thì phải báo ngay cho bác sĩ, nếu đã về nhà thì phải đến cơ sở y tế gần nhất hoặc quay lại bệnh viện.
7. Chụp MRI mất bao nhiêu thời gian sẽ có kết quả?
Chụp MRI mất bao nhiêu thời gian và sau khi chụp bao lâu người bệnh sẽ được trả kết quả ạ?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Thời gian chụp MRI dựa trên nhiều cơ quan.
- Chụp các cơ quan như khớp vai, khớp gối hay sọ não thì thời gian ngắn hơn, khoảng 10 - 15 phút.
- Chụp vùng bụng: khảo sát một đoạn dài hơn nên có thể lâu hơn, thường từ 45 - 60 phút.
Trường hợp nào khi chụp MRI sẽ cần tiêm thuốc cản quang? Chụp MRI có phát hiện ung thư không?
8. Chụp MRI có cần nhịn ăn?
Một số thắc mắc thường gặp của bạn đọc, nhờ BS giải đáp:
- Chụp MRI có tiêm thuốc cản quang không? Nếu có tiêm thuốc thì cần lưu ý những gì?
- Một số trường hợp có cảm giác buồn nôn, đau đầu, tụt huyết áp hoặc đau ở chỗ tiêm thuốc cản quang khi chụp MRI. Điều này có bất thường không thưa BS? Mất bao lâu để các triệu chứng này biến mất ạ?
- Chụp MRI có phát hiện ung thư không?
- Chụp cộng hưởng từ có phải nhịn ăn không?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Thuốc cản quang giống như bóng đèn trong phòng. Nếu vào phòng không mở đèn sẽ khó thấy, còn khi mở đèn lên sẽ xác định được các vật trong phòng rõ ràng hơn.
Có một số cơ quan như mạch máu, không tiêm thuốc vẫn xác định được. Các cơ quan như: u gan, u tuyến tiền liệt, u trực tràng, những bệnh lý về u thường phải có chất cản từ để quan sát các tổn thương rõ hơn.
MRI là một phương tiện chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ cho công tác chẩn đoán. Nếu muốn chẩn đoán ung thư phải lấy mô chỗ bất thường đi giải phẫu bệnh. Tuy nhiên trên MRI qua nhiều lần đọc, kinh nghiệm, hồi cứu một số trường hợp thì MRI sẽ hướng đến khả năng bị ung thư. Tỷ lệ này rất cao khoảng 90%. Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ phân biệt được và định hướng cho bác sĩ lâm sàng để làm tiếp các giải phẫu bệnh hoặc tư vấn cho bệnh nhân.
Chụp MRI không tiêm thuốc cản từ hầu như sẽ ăn uống bình thường. Nếu có tiêm thuốc cản từ thì nên uống nước yến hoặc uống một ít sữa trước. Trước kia, quan điểm là sẽ nhịn ăn uống hoàn toàn, nhưng gần đây, các hội khuyến cáo hạn chế ăn trước vài tiếng đồng hồ để tránh sự cố. Ví dụ như tiêm thuốc gặp phản ứng và bị nôn thì khi đó thức ăn có thể sặc vào đường thở. Mặc dù tỷ lệ này rất thấp nhưng vẫn phải lưu ý.
Chỗ chụp MRI kín và hơi hẹp, những người mắc hội chứng lồng kính thường sẽ hốt hoảng. Có thể an thần nhẹ trước khi chụp hoặc những em bé nhỏ thì gây mê. Và những trường hợp này phải nhịn ăn.
9. Khi tiêm thuốc cản từ cần lưu ý gì?
Nếu tiêm thuốc cản quang thì người bệnh có cần lưu ý điều gì hay không? Và người bệnh có gặp phải những tác dụng phụ nào khi chúng ta tiêm thuốc thưa BS?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Thuốc cản từ có tỷ lệ phản ứng phụ rất thấp, tuy nhiên có một số dấu hiệu cần quan tâm:
- Cảm thấy ngứa da, ngứa mắt, chảy nước mắt.
- Đau đầu, choáng, buồn nôn.
Nếu có các dấu hiệu này nên báo ngay cho nhân viên y tế. Thông thường, những dấu hiệu này có thể xuất hiện ngay hoặc 30 phút, thậm chí là 2 tiếng sau đó.
10. Chi phí chụp MRI bao nhiêu, BHYT có thanh toán không?
Chi phí chụp MRI tại Bệnh viện Bình Dân là bao nhiêu ạ? BHYT có thanh toán cho kỹ thuật này không ạ?
BS.CK2 Nguyễn Chí Phong trả lời: Tại Bệnh viện Bình Dân chi phí chụp MRI sẽ chia theo 2 trường hợp:
- Chụp MRI có thuốc cản từ: Chi phí khoảng trên 2 triệu đồng.
- Chụp MRI không thuốc cản từ: Chi phí khoảng dưới 2 triệu đồng.
Chụp MRI sẽ được thanh toán BHYT theo mức bảo hiểm quy định.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình