Chương trình tư vấn: Chăm da chàm dịu lành chuẩn khoa học từ chuyên gia
Chàm thể tạng (viêm da cơ địa) là bệnh lý da mạn tính thường gặp. Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định, hiểu đúng về phương pháp chăm sóc, giúp người bệnh tránh các sai lầm khiến da tổn thương nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị.
Gầy đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) tiếp nhận điều trị cho người bệnh N.T.V. (56 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp). Chị V được chẩn đoán chàm bàn tay được điều trị tại địa phương. Sau một thời gian sử điều trị, chị thấy vẫn ngứa dai dẳng, không giảm nên chuyển sang dùng thuốc đông y. Sau khoảng 3 tuần, cảm thấy da ửng đỏ, mụn nước nổi nhiều cả 2 bàn tay rỉ dịch, đóng mài, ngứa dữ dội kèm mất ngủ. Đến khám tại Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da BV ĐHYD TPHCM. Bác sĩ thăm khám thấy 2 bàn tay chị V. nhiều mụn nước sâu, rỉ dịch, vết tích cào gãi, lichen hóa. Bác sĩ cho biết chị V. bị viêm da cơ địa bội nhiễm do dùng tự ý sử dụng thuốc không phù hợp. Chị V. được Bác sĩ điều chỉnh thuốc: kháng sinh chống nhiễm trùng, kháng viêm, kiểm soát cơn ngứa, phục hồi các thương tổn trên da và hướng dẫn cách chăm sóc giúp làm dịu, hạn chế chàm lan rộng.
Hiểu về bệnh chàm thể tạng (viêm da cơ địa)
BS CKII. Ngô Thị Ngọc Vân – Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da BV ĐHYD TPHCM cho biết, viêm da cơ địa hay còn gọi chàm thể tạng (Eczema) là tình trạng là một bệnh viêm da mạn tính với những đợt bùng phát. Các triệu chứng đặc trưng gồm: da đỏ,viêm, nổi mụn nước, ngứa dữ dội, khô da, nứt nẻ... gây khó chịu, mất thẩm mỹ và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Người bị chàm thể tạng sẽ có làn da nhạy cảm và dễ bị nhiễm các bệnh da khác hơn do hàng rào bảo vệ da suy yếu, khiến khả năng giữ ẩm kém, da thường bị khô nhiều không ngăn chặn được các tác nhân gây dị ứng…
Bệnh chàm thể tạng có thể xuất hiện ở tất cả các độ tuổi, giới tính. Đối với người lớn, nguyên nhân chính dẫn tới căn bệnh chàm là do sự phản ứng của cơ thể với các tác nhân gây bệnh bên trong (di truyền, cơ địa, tác dụng phụ của thuốc) hoặc tác nhân bên ngoài (vi khuẩn, hóa chất, thay đổi thời tiết). Đối với trẻ em, nguyên nhân có thể do hệ miễn dịch, đột biến gen…
Lưu ý trong điều trị và chăm sóc da chàm thể tạng
Theo BS CKII. Ngô Thị Ngọc Vân, việc điều trị bệnh chàm (viêm da cơ địa) hướng đến giai đoạn bùng phát với liệu trình điều trị ngắn hạn, điều trị duy trì trong giai đoạn lui bệnh với chăm sóc da, phòng tránh các yếu tố thúc đẩy.
Điều trị 3 mục tiêu chính bao gồm: kiểm soát cơn ngứa, làm lành da, ngăn chặn sự lan rộng tổn thương và hạn chế nhiễm trùng. Để kiểm soát cơn ngứa, Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một số loại thuốc điều trị. Tuy nhiên, sử dụng thuốc trong thời gian dài có thể gây ra các tác dụng phụ như mỏng da, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp. Do đó người bệnh cần thăm khám và theo dõi bệnh lâu dài ở các cơ sở y tế uy tín để được Bác sĩ điều chỉnh thuốc trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cần chú ý ngăn chặn sự lan rộng tổn thương và nhiễm trùng:
- Không nên gãi trên vùng da bị chàm. Việc gãi chỉ giúp giảm ngứa tạm thời nhưng lại khiến những tổn thương da nặng hơn. Gãi lên da cũng sẽ kích hoạt một vòng luẩn quẩn: ngứa – gãi – phát ban ngoài da. Đây cũng là yếu tố khiến cho tình trạng bệnh chàm có thể bùng phát. Thay vì gãi, có thể chườm mát để làm dịu da.
- Không sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt hoặc chà sát mạnh với khăn lau cơ thể vì chúng có thể gây kích ứng và khiến chàm lây lan. Nên lau khô bằng khăn mềm thay vì chà xát và luôn để da ẩm.
- Không tự ý mua thuốc bôi, đắp lá, thuốc theo dân gian, các thuốc có chứa corticoid mà không có chỉ định của Bác sĩ. Tự ý bôi thuốc có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm khuẩn. Đặc biệt với các loại thuốc corticoid tự ý dùng dài ngày sẽ có thể khiến da gặp tác dụng phụ như bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da.
Viêm da cơ địa có thể cải thiện khi bạn dưỡng ẩm thường xuyên để tăng cường độ ẩm và chức năng hàng rào bảo vệ da từ đó có thể ngăn ngừa khô, ngứa, mẩn đỏ một cách tự nhiên. Cần chú ý trong quá trình làm sạch da chàm, nên sử dụng nước ấm thay vì nước nóng để không bị khô da. Người bị chàm da nên lựa chọn những sản phẩm cho da được chuyên gia da liễu khuyên dùng, dịu lành và đặc trị cho da chàm: không hương liệu, không paraben, không gây kích ứng và không gây bít tắc lỗ chân lông. Nên ưu tiên những sản phẩm chuyên về công dụng dưỡng ẩm, củng cố hàng rào bảo vệ da như công nghệ Ceramides sẽ hỗ trợ làm lành da hiệu quả hơn.
Nhằm giúp người bị chàm da hiểu về các phương pháp điều trị và chăm sóc da đúng cách, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TPHCM phối hợp cùng Công ty TNHH GALDERMA Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn Chăm da nhạy cảm chuẩn khoa học với chủ đề “Chăm da chàm dịu lành chuẩn khoa học từ chuyên gia”, theo dõi tại đây.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình