Hotline 24/7
08983-08983

Chườm nóng và chườm lạnh xen kẽ để giảm căng cơ

Căng cơ là tình trạng thường gặp khi chơi thể thao cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Căng cơ thường gặp ở cổ, thắt lưng, tay và chân. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh - Giảng viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ cách giảm căng cơ cũng như những biện pháp phòng tránh tình trạng này.

2 tình huống thường gặp dẫn đến căng cơ

Xin hỏi BS, nguyên nhân nào gây ra căng cơ? Căng cơ thường xảy ra trong những tính huống nào và xảy ra chủ yếu ở những vùng nào?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Có 2 tình huống thường dẫn đến căng cơ. Tình huống thứ nhất là cơ phải giữ một tư thế quá lâu như ngồi làm việc, xem tivi; ngồi sử dụng máy tính, điện thoại quá lâu; nằm nghiêng một bên xem điện thoại cả đêm.

Tình huống thứ hai là khi phải gồng cơ một cách mạnh và đột ngột, quá mức bình thường của cơ. Ví dụ như phải bê đồ nặng khi dọn nhà, chuyển nhà có thể bị đau lưng, đau cổ, đau tay, đau đùi do căng cơ.

Căng cơ thường đau nhiều nhất ở vùng cổ và lưng. Đau đùi và bắp chân thường xảy ra khi chạy bộ, đi bộ không thường xuyên.

Những biểu hiện của tình trạng căng cơ

Căng cơ thường biểu hiện qua những triệu chứng nào? Ngoài căng tức vùng cơ được sử dụng nhiều, triệu chứng căng cơ nào dễ bị bỏ qua nhất, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Biểu hiện thường gặp nhất của căng cơ là đau, nhức. Những trường hợp nặng hơn, cơ co cứng khiến chúng ta không vận động được. Cơ đang căng bị kéo ra, gây đau nhiều hơn dẫn đến tình trạng hạn chế vận động.

Một số tình trạng gây tê ở chân, tê ở tay. Một số trường hợp khác bị đau đầu. Làm việc trên máy tính, giữ một tư thế trong thời gian kéo dài cả ngày có thể dẫn đến đau đầu vào buổi tối. Căng cơ vùng cổ sẽ dẫn đến tình trạng đau đầu.

Những biểu hiện đi kèm nguy hiểm

Nhiều người lo rằng thường xuyên căng cơ là do cơ thể bị thiếu chất. Xin hỏi BS, nỗi lo này có cơ sở không? Những triệu chứng nào cho thấy căng cơ đang cảnh báo bệnh lý hoặc vấn đề nào đó đang xảy ra trong cơ thể?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Một số chất có liên quan đến vấn đề hoạt động của cơ là kali, calci, vitamin D, các vitamin nhóm B (cụ thể là B6 và B12), magie. Tuy nhiên, rất khó để xác định cơ thể có thiếu chất hay không.

Những trường hợp hoạt động thể dục thể thao có bổ sung đủ các chất vừa nêu sẽ giúp phục hồi cơ tốt hơn, nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh mối liên quan rõ ràng giữa việc thiếu chất với tình trạng thường xuyên bị căng cơ.

Những tình huống cho thấy tình trạng căng cơ nguy hiểm và cần đi khám bác sĩ là:

- Căng cơ đi kèm với các biểu hiện toàn thân khác như sốt, yếu cơ.

- Bệnh nhân có biểu hiện tê các đầu ngón tay, đầu ngón chân.

- Tình trạng cứng cổ.

- Vị trí căng cơ bị sưng đỏ, sờ vào có khối u gồ lên.

Các biểu hiện này có thể gợi ý tình trạng tổn thương thần kinh, tình trạng viêm nhiễm.

Căng cơ đa phần là lành tính

Xin hỏi BS, căng cơ có thực sự lành tính như nhiều người vẫn nghĩ? Căng cơ không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến những vấn đề gì?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Đa số các trường hợp căng cơ đều lành tính. Căng cơ không có chấn thương, không có tình trạng sưng, đỏ hay các biểu hiện toàn thân, về cơ bản chỉ cần nghỉ ngơi và chườm nóng, sử dụng các thuốc giảm đau đơn thuần, bấm huyệt thì tình trạng căng cơ sẽ biến mất trong từ 1 - 3 ngày.

Những cách giảm căng cơ hiệu quả, dễ thực hiện

Có những cách nào để giảm căng cơ đơn giản, hiệu quả ngay tại nhà, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Khi có biểu hiện căng cơ, việc đầu tiên cần làm là nghỉ ngơi, sau đó massage ở vùng căng cơ. Massage sẽ giúp cơ được thư giãn.

Tình trạng căng cơ là cơ đang bị co quá mức dẫn đến đau. Trong trường hợp căng cơ tương đối nhẹ, có thể tập những bài tập kéo căng cơ để giãn, thư giãn vùng cơ.

Có thể sử dụng phương pháp chườm nóng. Một số bác sĩ đề nghị chườm nóng xen kẽ với chườm lạnh. Khi chườm nóng, cơ sẽ giãn và mạch máu nở ra để tăng tưới máu, tăng tình trạng phục hồi cơ. Chườm nóng xen kẽ với chườm lạnh sẽ giúp cơ co giãn liên tục, cải thiện tình trạng căng cơ nhanh hơn.

Lưu ý đến tác dụng phụ khi sử dụng thuốc giãn cơ

Có thể sử dụng thuốc giãn cơ trong trường hợp bị căng cơ được không? Khi nào cần sử dụng đến thuốc giãn cơ, thưa BS?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Trong trường hợp căng cơ đơn thuần, một số bác sĩ sẽ đề nghị sử dụng thuốc giãn cơ. Thuốc giãn cơ theo đúng ý nghĩa có tác dụng giãn cơ. Loại thuốc này chủ yếu được sử dụng ở các nước châu Âu và châu Á, khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn.

Về cơ bản, thuốc có tác dụng trong những tình huống bị căng cơ nhưng kèm theo những tác dụng phụ. Đó là những biểu hiện chóng mặt, buồn nôn, một số người có thể buồn ngủ. Chính vì vậy, cần cẩn thận trong những trường hợp cần lái xe.

Thuốc giãn cơ không chỉ giãn một nhóm cơ nhất định mà giãn cơ toàn thân, có thể làm gia tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi. Nên cẩn trọng khi sử dụng thuốc giãn cơ cho những người lớn tuổi.

Không sử dụng nhóm cơ bị đau một cách quá mức

Những trường hợp bị căng cơ do chơi thể thao có thể tiếp tục luyện tập hay nên ngừng lại, thưa BS? Những việc nào không nên làm khi bị căng cơ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Căng cơ sau khi luyện tập thể thao là một tình trạng khá phổ biến, là dấu hiệu cho thấy cường độ tập luyện hơi quá sức. Trong trường hợp này, có thể tạm nghỉ một vài ngày để cơ có thời gian phục hồi.

Trong thời gian này, có thể tập các bài tập giãn cơ, tập nhẹ ở mức cơ bản, bổ sung thêm vitamin và khoáng chất như vitamin nhóm B, calci, magie... Sau đó có thể tập lại bình thường. Nên xem xét lại cường độ tập cho phù hợp.

Khi bị căng cơ, cần hạn chế những động tác chịu lực ở vùng đó. Ví dụ khi bị căng cơ cổ, hạn chế cúi hoặc ngửa cổ quá mức, kéo dài. Trường hợp bị đau lưng do căng cơ sẽ cần hạn chế khom lưng, bê đồ nặng. Không sử dụng nhóm cơ bị đau một cách quá mức để cơ có thể thư giãn, hồi phục hoàn toàn.

Làm gì để hạn chế tình trạng căng cơ?

Xin hỏi BS, chúng ta nên làm gì để phòng tránh tình trạng căng cơ?

ThS.BS.CK2 Mai Duy Linh trả lời: Để hạn chế tình trạng căng cơ, đầu tiên cần tập thể dục toàn thân để các cơ khỏe hơn. Trong sinh hoạt hằng ngày, thường gặp nhất là căng cơ ở cổ và lưng. Hầu hết các môn thể thao đều tập cho cơ ở tay, chân nhiều hơn vùng cổ và lưng. Như vậy, chúng ta phải lưu ý tập thêm các bài tập cho 2 vùng này.

Nên thường xuyên thay đổi tư thế. Khi làm việc trong thời gian 1,5 - 2 giờ, nên đứng lên đi lại hoặc tập các bài tập tại chỗ để thư giãn cơ.

Trước khi chơi thể thao, nên làm nóng cơ thể để gia tăng lượng máu tưới lên các nhóm cơ, giúp cơ không bị tổn thương, không bị thiếu oxy khi vận động. Trong lúc tập, nên tập vừa phải theo mức độ tăng dần để hạn chế phản ứng căng cơ. Sau khi tập xong, cần có giai đoạn cool down - làm nguội, tập các bài tập giãn cơ để hạn chế tình trạng tổn thương, co cứng cơ.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X