Chung tay phòng trị viêm gan, xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam
Tại Phiên toàn thể Hội thảo thường niên kỷ niệm ngày Viêm gan Thế giới được tổ chức ngày 28/7/2024 tại TPHCM, Thiếu tướng GS.TS.BS. Lê Trung Hải - Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam & Phân hội Phẫu thuật Gan mật tụy Việt Nam đã có bài báo cáo về tầm quan trọng của việc phòng trị viêm gan, xơ gan và ung thư gan.
Viêm gan B - “sát thủ” thầm lặng
“Việt Nam hiện nay có gần 10 triệu người nhiễm viêm gan virus, trong đó, phần lớn là viêm gan B (HBV). Vấn đề chính của người dân chúng ta là rất nhiều người ít quan tâm hoặc không biết về tình trạng của mình cũng như việc tầm soát giám sát và kết nối điều trị còn hạn chế.
Chính vì vậy, viêm gan B như một “sát thủ” thầm lặng, gây biến chứng về ung thư gan và xơ gan.” - GS.TS.BS. Lê Trung Hải chia sẻ vào đầu phần báo cáo “Chung tay phòng trị viêm gan, xơ gan và ung thư gan tại Việt Nam”.
Ở nước ta, ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất do ung thư với số mắc mới và tử vong hàng năm đều trên 25 nghìn trường hợp. Con số này cao 2,4 lần so với thế giới.
Nguyên nhân chính là do tỷ lệ cao HBV và viêm gan C (HCV) cũng như tiêu thụ nhiều rượu bia và một số nguyên nhân khác. Xơ gan cũng là bệnh lý nan y hay gặp do viêm gan virus và sử dụng nhiều rượu bia.
Chính vì vậy, các bệnh lý về gan đang là những gánh nặng và thách thức lớn mà chúng ta cần phải vượt qua.
Việt Nam đã tăng cường phòng trị viêm gan, xơ gan và ung thư gan bằng nhiều biện pháp thiết thực
Mặc dù ghi nhận những tiến bộ trong công tác phòng, tầm soát, chẩn đoán và điều trị trong những năm gần đây với sự ứng dụng cải tiến mới, bệnh gan vẫn có tỷ lệ phát hiện bệnh sớm thấp, nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh khi ở giai đoạn 2 hoặc giai đoạn cuối.
Để dự phòng HCC, nước ta đã tiến hành nhiều biện pháp.
Tiêm chủng vắc xin cho trẻ sơ sinh (24 giờ sau sinh với 3 liều) và cho người không bị nhiễm bệnh; tuyên truyền hạn chế uống rượu bia, nhất là với những bệnh nhân viêm gan và xơ gan; kêu gọi ngăn ngừa nhiễm HBV, HCV qua đường tình dục và từ mẹ sang con; kiểm soát, đảm bảo an toàn trong truyền máu và tiêm.
Các bệnh nhân được khuyến cáo tầm soát chủ động tích cực bằng các xét nghiệm AFP, AFP-L3 và DCP cùng với siêu âm gan tối thiểu mỗi 3-6 tháng.
Mở rộng tiêu chuẩn điều trị HBV nhằm ngừa HCC với điều trị các bệnh nhân có xơ gan và bệnh nhân trên 30 tuổi có HBV DNA >2000 IU/mL. Điều trị sớm kháng virus với thuốc TAF cho bệnh nhân HBV và tối ưu hoá điều trị HCV giúp giảm nguy cơ HCC. Xét nghiệm HBcrAg giúp tiên lượng HCC/HBV.
Để chẩn đoán sớm HCC, nhiều cơ sở đã sử dụng các biện pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại như MRI primovist ở các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ. Bên cạnh đó, MRI primovit cũng được ứng dụng vào điều trị đa mô thức trong điều trị ngoại khoa kết hơp sử dụng huỳnh quang ICG để triệt căn.
Kỹ thuật trên cũng thường ứng dụng vào phẫu thuật nội soi cắt gan cũng như sớm chỉ định ghép gan với kỹ thuật ít đụng chạm (no touch technique) và xây dựng các trung tâm chuyên sâu về ghép gan (Center of Excellent for Liver Transplantation).
Hiện nước ta đã có gần 700 ca ghép gan, trong đó, ghép gan do ung thư chiếm trên 300 ca.
Bệnh viện Việt Đức đã có 101 ca ghép gan ở người chết não, trong đó 64% là bệnh nhân ung thư gan, tỉ lệ viêm gan B hơn 80%, viêm gan C hơn 6%.
Bệnh viên Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện 230 ca ghép gan và gần 40% trường hợp là ung thư gan. Kết quả mang lại: tỷ lệ sống sót trên 5 năm là hơn 70%.
Xây dựng và cập nhật liên tục khuyến cáo về ung thư gan
Những năm gần đây kết quả điều trị HCC ở Việt Nam được cải thiện với việc dự phòng tốt, điều trị triệt căn đa mô thức. Trong 5 năm qua đã xây dựng được Khuyến cáo về chẩn đoán và điều trị HCC ở Việt Nam và khuyến cáo này đã được cập nhật qua nhiều hội nghị, hội thảo về HCC ở trong nước và quốc tế.
Một số cập nhật mới nhất về khuyến cáo của Hội Gan Mật Việt Nam trong ung thư gan: xét nghiệm HbcrAg (để tiên lượng) và chụp ảnh MRI Primovit; điều trị đa mô thức; cắt gan do ung thư gan bằng ICG; quan tâm chế độ dinh dưỡng sau khi ghép gan; áp dụng kỹ thuật không chạm vào phẫu thuật cắt gan ở người nhận; phòng ngừa CMV, nhiễm nấm; áp dụng kỹ thuật mới (ICG, ABO-I, ghép kép,…); xây dụng trung tâm chuyên sâu về ghép gan.
GS.TS.BS. Lê Trung Hải cho biết thêm, các trung tâm chuyên sâu về ghép gan sẽ trở thành đầu cầu hỗ trợ các trung tâm khác.
Về viêm gan virus, đã có Kế hoạch Quốc gia về phòng trị, hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế, triển khai tiêm vắc xin HBV, nâng cao điều trị HBV và cập nhật điều trị HCV.
Hội Gan mật Việt Nam đã có các thông điệp và khuyến cáo về viêm gan virus như: sàng lọc các bệnh nhân viêm gan để phát hiện sớm HCC; kết hợp phương pháp y học hiện đại và y học cổ truyền trong điều trị viêm gan (diệt vi rút bằng y học hiện đại và bảo vệ chức năng gan bằng y học cổ truyền); hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung tay đánh gục vi rút viêm gan” tiến tới loại trừ viêm gan virus không còn là mối đe doạ sức khoẻ cộng đồng ở Việt Nam vào sau năm 2030.
Khi đó, giảm đáng kể số ca nhiễm và số tử vong hàng năm. Kiểm tra tất cả những người có nguy cơ cao bị viêm gan B với bộ ba xét nghiệm gồm HBsAg, Anti-HBc total, Anti-HB và tiêm vắcxin cho những người có nguy cơ cao bị HBV có kết quả âm tính với 3 xét nghiệm nói trên và điều trị tất cả những người có HBV DNA (+). Sàng lọc và phòng ngừa viêm gan D (HDV)…
Nâng cao nhận thức của người bệnh, sàng lọc và giám sát rộng rãi cùng kết nối tiếp cận điều trị viêm gan và hỗ trợ giá thuốc điều trị viêm gan C.
Ứng dụng các phương pháp chẩn đoán không xâm lấn như Fibroscan, ARFI và siêu âm trong sàng lọc và phát hiện tốt hơn bệnh lý xơ gan cùng kết hợp điều trị bằng y học cổ truyền giúp tăng bảo vệ chức năng gan cùng các tác động đa mục tiêu nhằm cải thiện triệu chứng và các chỉ số xét nghiệm, hạn chế các tác dụng ngoại ý và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh xơ gan.
Bên cạnh đó, Hội Gan mật Việt Nam cũng đang xây dựng khuyến nghị về Chuyển đổi kỹ thuật số & AI vào quản lý bệnh nhân.
Cuối bài báo cáo, GS.TS.BS. Lê Trung Hải nhấn mạnh các biện pháp giảm tải gánh nặng Viêm gan, xơ gan và ung thư gan:
- Phòng trị tốt với viêm gan B, viêm gan C;
- Hạn chế rượu bia;
- Tăng cường sàng lọc và chẩn đoán sớm;
- Kết nối đa chuyên khoa để điều trị đa mô thức cho ung thư gan;
- Kết hợp với y học cổ truyền trong điều trị xơ gan cùng với ứng dụng các tiến bộ mới và triển khai theo các kế hoạch, hướng dẫn của Việt Nam, WHO cũng như dựa theo Khuyến cáo của VASLD.
Tât cả việc làm trên sẽ mang lại các kết quả khả quan, hướng tới loại bỏ viêm gan (không còn đe doạ sức khoẻ cộng đồng), hạn chế xơ gan và đẩy lùi ung thư gan ở Việt Nam.
>>Tối ưu hoá điều trị viêm gan C mạn tính: rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 12 tuần
>> PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng: Chiến lược điều trị viêm gan virus B hiện nay
Hội thảo thường niên Kỷ niệm Ngày Viêm gan Thế giới tổ chức ngày 28/7/2024 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thu hút gần 600 đại biểu tham gia (trực tiếp và trực tuyến), trong đó có gần 80 chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực Gan Mật Tuỵ tham dự làm báo cáo viên và chủ tọa đoàn là các giáo sư, chuyên gia hàng đầu quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và các lãnh đạo, bác sĩ của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế. Nội dung hội thảo được trình bày trên 3 hội trường với 11 phiên, 65 bài báo cáo. Trong đó có 1 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề và 1 phiên vệ tinh. |
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình