Hotline 24/7
08983-08983

Tối ưu hóa điều trị viêm gan C mạn tính: rút ngắn thời gian điều trị chỉ còn 12 tuần

Tối ưu hoá điều trị viêm gan C mạn tính là nội dung quan trọng của bài báo cáo do BS.CK2 Vũ Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Hội thảo thường niên kỷ niệm ngày Viêm gan Thế giới, được tổ chức ngày 28/7/2024 tại bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.

Viêm gan C - gánh nặng toàn cầu

Thế giới vẫn đang phải chịu gánh nặng do vius viêm gan C (HCV) gây ra với 58 triệu ca nhiễm, chủ yếu tại Đông Địa Trung Hải và châu Âu. Mỗi năm có gần 400 nghìn ca tử vong, đa số do xơ gan và ung thư gan.

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng về bệnh gan đứng thứ hai trong khu vực Tây Thái Bình Dương. Ước tính năm 2017, nước ta có 991.153 người bị nhiễm HCV mãn tính, trong đó có 6.628 người tử vong do bệnh liên quan đến HCV. Tỷ lệ người phát hiện bệnh chỉ có 30% và có 20% người bệnh tiếp nhận điều trị.

Điều trị để loại bỏ virus viêm gan C giúp ngăn chặn xơ gan, giảm nguy cơ ung thư gan và các bệnh liên quan đến HCV được xem là một phương pháp phòng bệnh hữu hiệu.

BS.CK2 Vũ Thị Thu Hương, Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Hiện nay, có thể điều trị viêm gan C cho trẻ từ 3 tuổi trở lên

Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành liên tục các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan virus C nhằm cập nhật những thông tin mới nhất.

Khuyến cáo đầu tiên của WHO năm 2022 là đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ và chia sẻ nhiệm vụ.

BS.CK2 Vũ Thị Thu Hương chia sẻ thêm: “Việc điều trị không chỉ là việc của bác sĩ chuyên khoa trong nước, cần có bác sĩ chuyên ngành ở tuyến huyện, tuyến tỉnh. Bên cạnh đó, chia sẻ nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân cho điều dưỡng”.

Để làm được điều này, cần đơn giản hóa và hiệu quả hơn việc chẩn đoán. Việc xét nghiệm HCV ngay tại tuyến huyện sẽ giúp người bệnh có khả năng điều trị cao hơn.

Bên cạnh đó, lần đầu tiên WHO khuyến nghị điều trị cho tất cả thanh thiếu niên và trẻ em từ 3 tuổi trở lên. Với khuyến nghị này, gần 3 triệu trẻ em trên thế giới bị nhiễm HCV có cơ hội được điều trị khỏi bệnh.

Những phác đồ mới rút ngắn thời gian, tối ưu hóa điều trị

Hai phác đồ được sử dụng rộng rãi là Sofosbuvir+ Velpatasvir và Sofosbuvir + Daclatasvir.

 Hai phác đồ điều trị được sử dụng để điều trị cho mọi kiểu gen, từ type 1 đến typ 6 của virus HCV

Theo cả hai phác đồ, thời gian điều trị hiện tại là 12 tuần, rút ngắn hơn rất nhiều so với phác đồ trước đây. Tuy nhiên, vì thời gian điều trị ngắn, chi phí điều trị vẫn còn khá cao đối với các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam chúng ta.”- BS.CK2 Vũ Thị Thu Hương cho biết.

Phân tích tổng hợp các nghiên cứu cho thấy phác đồ rút ngắn thời gian đạt được tỷ lệ đáp ứng virus kéo dài chung là 94,2% (92,3-95,9%) trong 8 tuần, 81,1% (75,1-86,6%) trong 6 tuần và 63,1% (39,9- 83,7%) trong ≤4 tuần.

Hiện nay, số người được tiếp cận điều trị trên thế giới còn thấp do giá thành điều trị cao, cũng như thời gian còn dài để tuân thủ thuốc. Giải quyết được trở ngại này sẽ giúp loại trừ viêm gan C trong tương lai. Nhiều nghiên cứu đã được tiến hành trên các địa điểm khác nhau trên thế giới để đưa ra các chiến lược tối ưu hóa điều trị.

  • Đầu tiên, tối ưu hóa thời gian - rút ngắn hoặc kéo dài liệu pháp.
  • Thứ hai, tối ưu hóa việc kết hợp thuốc điều trị - thêm hoặc bớt DAA, RBV, IFN hoặc chọn một chế độ có đặc điểm thuận lợi khác.
  • Thứ ba, tối ưu hóa liều lượng thuốc - điều chỉnh liều lượng hoặc lịch trình dùng thuốc.

Kết quả điều trị viêm gan C có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: virus (kiểu gien của HCV, tải lượng virus ở một số thời điểm, sự xuất hiện đột biến thay thế liên quan đến kháng thuốc), yếu tố vật chủ (kiểu gen IL28B, nồng độ cytokine huyết thanh hay bệnh nền của vật chủ). Phân tích rõ hơn các yếu tố này nhằm đưa ra các phác đồ tốt nhất cho từng bệnh nhân, rút ngắn thời gian, chi phí điều trị, đó chính là sự tối ưu hóa hiệu quả điều trị.

Việt Nam tăng cường nghiên cứu tìm ra liệu trình ngắn hơn cho bệnh nhân

Sơ đồ nghiên cứu của Barnaby và các cộng sự

Một nghiên cứu đươc tiến hành tại Việt Nam nhằm tìm ra bệnh nhân tìm ra liệu trình điều trị ngắn hơn. Năm 2019, một nghiên cứu tại Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TPHCM với hai nhánh:

Nhánh thứ nhất là điều trị bệnh nhân viêm gan C không xơ gan, kiểu gen 1 và 6, các tác giả đánh giá tải lượng virus của nhóm bệnh nhân không xơ gan vào 48 giờ, nếu tải lượng virus < 500 IU/ml chỉ điều trị 4 tuần theo phác đồ SOF/DCV, còn >500 IU/ml sẽ điều trị 8 tuần. Nhóm bệnh nhân được nghiên cứu sẽ được giám sát liên tục và đánh giá xem xét đáp ứng điều trị, nếu bệnh nhân điều trị thất bại sẽ được điều trị lại ngay với phác đồ SOF/DCV trong vòng 12 tuần.

Nhánh thứ hai là bệnh nhân viêm gan C có xơ gan còn bù nhưng chỉ có kiểu gen 6, các tác giả đánh giá tải lượng virus tại thời điểm 14 ngày, những tải lượng dưới 500 IU/ml sẽ điều trị 12 tuần, còn > 500 IU/ml điều trị 24 tuần.

Các tác giả trong nhóm bệnh nhân có xơ gan với hơn 600 bệnh nhân được sàng lọc nhận thấy rằng có 41 người đạt được tiêu chuẩn viêm gan virus C xơ gan còn bù, kiểu gen 6. Trong đó có 41 người đều đạt được tải lượng virus tại thời điểm sau 14 ngày điều trị < 500 IU/ml, cho ra kết quả tỷ lệ đáp ứng virrus SVR12 là 100%.

Còn với nhánh bệnh nhân không có xơ gan, tác giả nhận thấy có 52 bệnh nhân đạt tiêu chuẩn không có xơ gan kiểu gen 1 và 6. Trong đó có 34 bệnh nhân đạt tải lượng virus sau 48 giờ là dưới 500 IU/ml (chỉ điều trị trong 4 tuần) và có 18 bệnh nhân có tải lượng virus > 500 IU/ml (điều trị trong 8 tuần). Kết quả điều trị, virus SVR12 đạt 76%.

Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị được các tác giả phân tích và cho rằng tải lượng virus ở ngày thứ 7 có giá trị trong việc lựa chọn thời gian điều trị.

Qua đó, một nghiên cứu lớn hơn là đánh giá thuốc kháng virus trực tiếp được cấp phép tại Việt Nam đã được thực hiện trên 624 người, do bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM tiến hành dưới sự hỗ trợ của trường Đại học Oxford (Anh).

Thiết kế nghiên cứu ngẫu nhiên và đối tượng nghiên cứu được chia làm hai nhóm chính: bệnh nhân viêm gan C có kiểu gen 6 và không 6.

Mỗi nhóm kiểu gen đều sẽ được điều trị theo cả hai phác đồ SOF/VEL và SOF/DCV.

Ở mỗi phác đồ, có 4 nhánh nhỏ với thời gian và cách thức điều trị khác nhau:

  • Điều trị 12 tuần theo phác đồ Bộ Y tế và khuyến nghị của WHO;
  • Điều trị theo tải lượng đáp ứng virus ngày thứ 7: Nếu tải lượng dưới ngưỡng phát hiện thì điều trị 4 tuần, tải lượng từ trên ngưỡng phát hiện đến dưới 250 IU/ml thì điều trị 8 tuần và trên 250 IU/ml sẽ điều trị 12 tuần;
  • Điều trị tấn công/duy trì 12 tuần (điều trị 5 ngày trong tuần, cuối tuần sẽ nghỉ điều trị);
  •  Điều trị rút ngắn (4 tuần) với phác đồ SOF/VEL hoặc SOF/DCV kết hợp PEG-IFN.

Ở nghiên cứu này, bất kỳ nhánh nào có tỷ lệ thành công dưới 90% thì sẽ ngưng nghiên cứu điều trị nhánh đó và chia % ra các nhánh còn lại.

Nhóm nghiên cứu đã kết thúc vào tháng 12/2023. Các kết quả chưa được công bố nhưng dựa theo nghiên cứu, tất cả các nhánh đều đạt tỷ lệ SVR12 trên 90%.

Cuối bài báo cáo, BS.CK2 Vũ Thị Thu Hương lần nữa khẳng định, viêm gan C mạn tính hiện vẫn là vấn đề y tế lớn trên toàn cầu và nước ta. Để có thể đạt được mục tiêu loại bỏ được viêm gan virus C vào năm 2030, cần lấp đầy “khoảng trống” trong vấn đề chẩn đoán và điều trị. Tối ưu hóa trong điều trị giúp việc tuân thủ điều trị dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian, từ đó nâng cao khả năng bệnh nhân tiếp cận điều trị.

>>Khuyến cáo năm 2024 của WHO về dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị viêm gan virus

>> PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng: Chiến lược điều trị viêm gan virus B hiện nay

Hội thảo thường niên Kỷ niệm Ngày Viêm gan Thế giới tổ chức ngày 28/7/2024 tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thu hút gần 600 đại biểu tham gia (trực tiếp và trực tuyến), trong đó có gần 80 chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực Gan Mật Tuỵ tham dự làm báo cáo viên và chủ tọa đoàn là các giáo sư, chuyên gia hàng đầu quốc tế đến từ Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản và các lãnh đạo, bác sĩ của nhiều tổ chức trong nước, quốc tế.

Nội dung hội thảo được trình bày trên 3 hội trường với 11 phiên, 65 bài báo cáo. Trong đó có 1 phiên toàn thể, 9 phiên chuyên đề và 1 phiên vệ tinh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X