Chỉ tốn 1 USD chăm sóc dinh dưỡng sẽ tiết kiệm 52 USD chi phí nằm viện
Suy dinh dưỡng và thiếu cơ thường gặp ở bệnh nhân tiền phẫu vì vậy, việc sàng lọc trước mổ là bắt buộc. Nên hoãn mổ từ 10 - 14 ngày nếu bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc chuyển hóa nặng để can thiệp dinh dưỡng, cũng như phục hồi trước mổ. Ngoài ra, chỉ cần tiêu tốn 1 USD trong vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân nằm viện đã tiết kiệm được 52 USD cho chi phí của quá trình nằm viện.
Những thông tin trên được các chuyên gia đưa ra tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Tăng cường dinh dưỡng lâm sàng trong điều trị bệnh nhân Ngoại khoa” do Bệnh viện Nhân dân Gia Định tổ chức vào ngày 4/5/2023. Chương trình thu hút hơn 100 nhân viên y tế tham dự.
Chủ tọa TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định thông tin: “Chương trình sinh hoạt khoa học lần này tập trung chủ yếu vào nhóm bệnh nhân ngoại khoa, bao gồm, công tác dinh dưỡng trước phẫu thuật, sau phẫu thuật và sau khi bệnh nhân xuất viện”.
Chủ tọa TS.BS Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định và 3 báo cáo viên
TS.BS Võ Hồng Minh Công - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, mỗi sáng thứ năm hàng tuần, Bệnh viện sẽ sinh hoạt chuyên đề về bệnh. Sau đó thống kê các bệnh nổi trội, thường gặp để cập nhật cho các bác sĩ nắm bắt tình hình hiện tại, từ đó góp phần chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
Can thiệp dinh dưỡng sẽ cải thiện tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân
Trong bài báo cáo “Thực trạng chăm sóc dinh dưỡng trên bệnh nhân Ngoại khoa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định”, TS.BS Mai Phan Tường Anh - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “Ở Việt Nam năm 2020, Bộ Y tế đề ra thông tư 18 Quy định về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện, bắt buộc tất cả các bệnh viện phải thực hiện”.
Theo báo cáo đánh giá lại khối ngoại của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (01/01/2023 - 31/03/2023), tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân ngoại khoa có vấn đề từ nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, bệnh nhân càng lớn tuổi thì tỷ lệ giảm vi chất, vitamin càng cao. Khi can thiệp dinh dưỡng sẽ cải thiện tỷ lệ sống còn cho bệnh nhân.
Chuyên gia chia sẻ, Hội Dinh dưỡng Châu Âu đưa ra nguyên tắc về can thiệp dinh dưỡng của bệnh nhân chu phẫu gồm 8 nguyên lý:
- Tích hợp chăm sóc dinh dưỡng vào toàn bộ quy trình chăm sóc bệnh nhân ngoại khoa.
- Tránh tình trạng bắt bệnh nhân nhịn đói kéo dài trước mổ.
- Cho bệnh nhân ăn lại sớm, ngay sau mổ nếu có thể.
- Bắt đầu can thiệp dinh dưỡng sớm khi bệnh nhân xuất hiện nguy cơ.
- Kiểm soát chuyển hóa.
- Giảm các yếu tố gây stress lên bệnh nhân và gây tăng chuyển hóa.
- Tối ưu hóa, hạn chế sử dụng các thuốc giãn cơ, giảm đau như morphine vì gây giảm hoạt động của ruột sau mổ.
- Nên cho bệnh nhân vận động sớm, giúp bệnh nhân tăng cường sức cơ và làm giảm mất cơ sau mổ.
TS.BS Mai Phan Tường Anh - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Bệnh nhân có nguy cơ dinh dưỡng nghiêm trọng sẽ được điều trị bằng liệu pháp dinh dưỡng trước khi phẫu thuật, thậm chí bệnh ung thư cũng phải trì hoãn để can thiệp dinh dưỡng. Khoảng thời gian can thiệp dinh dưỡng từ 7 - 14 ngày.
Trước phẫu thuật, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân suy dinh dưỡng và bệnh nhân nguy cơ cao trải qua phẫu thuật bụng lớn, phẫu thuật ngực phải được can thiệp dinh dưỡng. Nếu bệnh nhân không đáp ứng nhu cầu năng lượng từ ăn uống bình thường, cần khuyến khích áp dụng dùng vi chất, dinh dưỡng qua đường miệng. Điều này sẽ giúp bù đắp thâm hụt năng lượng của bệnh nhân, cải thiện chức năng, tránh sụt cân kéo dài và bảo tồn hệ vi sinh.
Hiện nay, dinh dưỡng qua đường miệng HMB (chuyển hóa của axit amin Leucine) giúp tăng tổng hợp cơ xương và cải thiện sức cơ ở bệnh nhân suy giảm khối cơ nên được khuyến cáo bổ sung. HMB do cơ thể sinh ra hoặc qua các thực phẩm tự nhiên, 1,5g HMB tương đương 50 quả trứng hay 1,3kg thịt bò hoặc 2000 quả bơ.
TS.BS Mai Phan Tường Anh nhấn mạnh: “Suy dinh dưỡng và thiếu cơ thường gặp ở bệnh nhân tiền phẫu vì vậy, việc sàng lọc trước mổ là bắt buộc. Nên hoãn mổ từ 10 - 14 ngày nếu bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc chuyển hóa nặng để can thiệp dinh dưỡng, cũng như phục hồi trước mổ. Bổ sung dinh dưỡng đường miệng từ 5 - 7 ngày có thể làm giảm nhiễm trùng và rút ngắn thời gian nằm viện.
Ngoài ra, các phẫu thuật như cắt dạ dày hoặc cắt thực quản hoàn toàn có thể cho ăn sớm. Nên chỉ định thực phẩm dinh dưỡng bổ sung qua đường miệng nếu đánh giá bệnh nhân ăn không đủ (< 50% nhu cầu năng lượng trong 7 ngày). Bên cạnh đó, nên tư vấn dinh dưỡng khi xuất viện cho bệnh có nguy cơ chuyển hóa. Chế độ dinh dưỡng bổ sung cho người bệnh sau xuất viện giúp giảm suy dinh dưỡng và sụt cân kéo dài, nhất là bệnh nhân ung thư”.
2/3 bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa đã có suy dinh dưỡng
Chương trình được tiếp nối với chia sẻ của BS.CK2 Trần Thị Kim Chi - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế xoay quanh chủ đề “Can thiệp dinh dưỡng điều trị bệnh nhân nặng phẫu thuật Ngoại khoa”. Chuyên gia cho biết: “Ở nước ngoài, 2/3 bệnh nhân phẫu thuật đường tiêu hóa đã có suy dinh dưỡng ở thời điểm phẫu thuật, từ đó làm tăng gấp 3 lần nguy cơ biến cố và tăng gấp 5 lần tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, chỉ có 1/5 bệnh nhân nhập viện được tầm soát dinh dưỡng một cách hệ thống, mặc dù 3/4 các bác sĩ ngoại khoa tin rằng vấn đề cung cấp dinh dưỡng tiền phẫu sẽ giảm biến chứng cho bệnh nhân.
Ngoài ra, chỉ cần tiêu tốn 1 USD trong vấn đề chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân nằm viện đã tiết kiệm được 52 USD cho chi phí của quá trình nằm viện. Chính vì vậy chương trình ERAS đã ra đời, trong 17 thành tố từ tiền phẫu, hậu phẫu, cho đến quá trình phẫu thuật, quá trình về dinh dưỡng chiếm 4/17 các thành tố”.
Như vậy, để đạt được hiệu quả về cung cấp dinh dưỡng, can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân ngoại khoa phải có bước sàng lọc và đánh giá dinh dưỡng. Mục đích là lọc bệnh nhân thành 2 nhóm: nhóm không có nguy cơ về dinh dưỡng và nhóm suy dinh dưỡng, có nguy cơ về dinh dưỡng.
BS.CK2 Trần Thị Kim Chi - Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế
BS.CK2 Trần Thị Kim Chi chia sẻ thêm: “Đối với những trường hợp đặc biệt có bệnh nền hoặc có nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt sẽ chọn các công thức dinh dưỡng đặc biệt.
- Công thức dinh dưỡng chuẩn: 1ml sẽ cung cấp 1 Kcal và trong 100 Kcal có khoảng 4g đạm (đạm sữa nguyên, đạm hạt nguyên đầy đủ vitamin, chất khoáng).
- Công thức dinh dưỡng cho bệnh nhân kém dung nạp/nuôi ăn tại ruột non: Chọn các sản phẩm chuyên biệt, mà đạm đã được tiêu hóa một phần bằng quá trình thủy phân như đạm whey, đạm peptide và sử dụng chất béo trung bình MCT.
- Công thức dinh dưỡng chuyên biệt bệnh lý: Đối với bệnh nhân có bệnh nền đái tháo đường nên chọn các sản phẩm có chỉ số GI < 55 và sử dụng hệ bột đường hấp thu chậm; Bệnh nhân thận mạn (trước lọc và sau lọc máu) nên chọn sản phẩm hạn chế nước, giảm nồng độ Na, K, P; Đối với bệnh nhân có bệnh gan sẽ chọn các sản phẩm giàu đạm phân nhánh - BCAA.
- Trong quá trình hồi phục, bệnh nhân ung thư, suy giảm miễn dịch, bỏng nặng: nên chọn sản phẩm dinh dưỡng thiên về tăng chức năng miễn dịch như bổ sung omega-3, các chất chống oxi hóa,…
- Bệnh nhân nguy cơ hao mòn cơ, mất khối cơ trong quá trình phẫu thuật như người bệnh lớn tuổi, người có bệnh lý tim mạch, hô hấp mãn tính hoặc sau đại phẫu: Phải chọn sản phẩm tăng cường hồi phục khối cơ, bổ sung HMB.
Bệnh nhân không thể ăn bằng đường miệng nên đặt sonde dạ dày nuôi ăn
Tập trung sâu hơn vào vấn đề “Ca lâm sàng can thiệp dinh dưỡng điều trị bệnh nhân nặng phẫu thuật Ngoại khoa”, ThS.BS Nguyễn Đoan Trang - Phó khoa Dinh dưỡng - Tiết chế nhấn mạnh: “Nguyên tắc dinh dưỡng trước phẫu thuật cho bệnh nhân, nên ưu tiên dinh dưỡng đường tiêu hóa (đường miệng, đường ống thông), trừ khi bệnh nhân có chống chỉ định. Bổ sung dinh dưỡng đường miệng (ONS) có năng lượng chuẩn (1kcal/1ml) hoặc năng lượng cao (>1kcal/1ml), với lượng đạm tối thiểu (4.5g protide/100kcal).
Ngoài ra, nếu bệnh nhân không thể ăn bằng đường miệng nên cân nhắc chỉ định đặt sonde dạ dày nuôi ăn. Về vấn đề đường tiêu hóa, nếu bệnh nhân không thể dung nạp tốt hoặc không thể ăn đủ trong vòng 7 ngày tới thì có thể bổ sung can thiệp dinh dưỡng bằng cách hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch”.
ThS.BS Nguyễn Đoan Trang - Phó khoa Dinh dưỡng - Tiết chế
Theo khuyến cáo của Hiệp hội Dinh dưỡng châu Âu, khi người bệnh nuôi ăn qua ống thông, nên được bắt đầu nuôi ăn sớm trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, nên bắt đầu cho ăn qua ống thông với tốc độ chậm (ví dụ: 10 đến tối đa 20 ml/h), tăng lượng và nồng độ thức ăn cẩn trọng và tùy thuộc vào sự dung nạp của từng cá thể. Thời gian để đạt được năng lượng mục tiêu có thể rất khác nhau giữa các người bệnh (có thể mất từ 5 - 7 ngày).
Sau khi kết thúc phần trình bày của 3 báo cáo viên, phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi với rất nhiều câu hỏi, nhận xét từ các y bác sĩ ngay tại hội trường
Kết thúc buổi sinh hoạt, Giám đốc Bệnh viện - TS.BS Nguyễn Hoàng Hải chia sẻ thêm về những định hướng triển khai hướng dẫn dinh dưỡng dành cho bệnh nhân Ngoại khoa tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Theo đó, chuyên gia khuyến nghị, cần đánh giá dinh dưỡng cho bệnh nhân nội khoa và bệnh nhân ngoại khoa trước phẫu thuật bằng các thang điểm thích ứng. Khi có nguy cơ suy dinh dưỡng xảy ra phải tiến hành hội chẩn với bác sĩ dinh dưỡng.
“Về chiến lược can thiệp dinh dưỡng tập trung vào: Nhóm bệnh nhân tiền phẫu, nếu có suy dinh dưỡng cần bổ sung dinh dưỡng qua đường tiêu hóa, trong đó chú trọng đến các sản phẩm có HMB hoặc vi chất một cách đầy đủ, nếu chưa đủ có thể bổ sung dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Đối với nhóm bệnh nhân đại phẫu, không cần suy dinh dưỡng cũng phải bổ sung dinh dưỡng; Nhóm hậu phẫu, cần cung cấp đủ dinh dưỡng vì ảnh hưởng rất nhiều đến việc cai máy hoặc lành vết thương; Nhóm bệnh nhân sau xuất viện, tỷ lệ suy dinh dưỡng tăng nên cần có sự can thiệp” - TS.BS Nguyễn Hoàng Hải đúc kết.
Chủ tọa đàm chụp hình cùng các báo cáo viên và ban lãnh đạo tại buổi sinh hoạt chuyên đề của Bệnh viện Nhân dân Gia Định
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình