Hotline 24/7
08983-08983

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là giới hạn an toàn và vượt ngưỡng nguy hiểm?

Chỉ số đường huyết viết tắt là GI (glycemic index) là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu thường được đo bằng đơn vị là mmol/L hoặc mg/dl.

Chỉ số đường huyết không phải chỉ số ổn định, nó thay đổi liên tục từng ngày, từng phút do cơ thể liên tục sử dụng đường. Nhưng liệu bạn đã biết chỉ số đường huyết bao nhiêu là trong giới hạn an toàn và bao nhiêu là chỉ số vượt ngưỡng, cảnh báo nguy hiểm? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về vấn đề này.

1. Chỉ số đường huyết là gì?

Chỉ số đường huyết viết tắt là GI (glycemic index) là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu thường được đo bằng đơn vị là mmol/L hoặc mg/dl. Nồng độ glucose trong máu liên tục thay đổi từng ngày thậm chí từng phút đặc biệt liên quan đến chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày.

Chỉ số đường huyết viết tắt là GI (glycemic index) là giá trị chỉ nồng độ glucose có trong máu

Như vậy, chỉ số đường huyết sẽ giúp chúng ta xác định nồng độ glucose trong máu của một người tại thời điểm khảo sát là bao nhiêu. Từ đó, chúng ta có thể xác định được người bệnh đang ở mức bình thường, hay tiền đái tháo đường hay đang bị đái tháo đường.

Chỉ số đường huyết được phân thành 4 loại: đường huyết ngẫu nhiên, đường huyết lúc đói, đường huyết sau ăn 1h và sau ăn 2h và đường huyết được thể hiện qua chỉ số HbA1C.

2. Giá trị an toàn của chỉ số đường huyết

Đối với người tiểu đường điều trị thuốc (theo ADA 2015)

Đối với người bình thường

• Đường huyết ngẫu nhiên: <180 mg/dL (10mmol/l)

• Đường huyết lúc đói 80-130 mg/dL (< 7mmol/l)

• Sau bữa ăn < 180mg/dl (10mmol/l)

• HbA1C: < 7 %

• Đường huyết ngẫu nhiên: <140 mg/dL (7,8 mmol/l)

• Đường huyết lúc đói <100 mg/dL (< 5,6 mmol/l)

• Sau bữa ăn < 140mg/dl (7,8 mmol/l)

• HbA1C: < 5.7 %

Tuy nhiên, tùy theo lứa tuổi, giai đoạn bệnh, mức độ biến chứng… mà mức đường huyết an toàn của mỗi người có thể khác nhau nhưng không nhiều. Nếu đường huyết còn dao động nhiều, tăng cao hay quá thấp, cần khám lại ngay để được bác sĩ tư vấn và điều chỉnh biện pháp điều trị.

3. Mức đường huyết bình thường là bao nhiêu?

Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm với nhiều biến chứng đến các cơ quan khác trong cơ thể như tim, não, thận, mắt… Vì vậy, việc theo dõi chỉ số đường huyết là điều cần thiết. Nhưng không phải ai cũng hiểu rõ và thường đặt ra câu hỏi chỉ số đường huyết bình thường là bao nhiêu?

Như đã cung cấp trong bảng trên, chỉ số đường huyết an toàn đối với người bình thường như sau:

  • Đường huyết ngẫu nhiên: < 140 mg/dL (7,8 mmol/l).
  • Đường huyết lúc đói: < 100 mg/dL (< 5,6 mmol/l).
  • Sau bữa ăn: < 140mg/dl (7,8 mmol/l).
  • HbA1C: < 5,7 %.

Bảng đo lường chỉ số đường huyết chi tiết

Cụ thể như sau:

a. Đường huyết lúc đói: Các bác sĩ thường đo chỉ số đường huyết lúc đói vào thời điểm bắt đầu một ngày mới, khi đó bạn đã nhịn ăn ít nhất 8 giờ trở lên và chưa ăn sáng thì sẽ chính xác nhất. Đối với người bình thường, chỉ số này thường nằm trong khoảng từ 70mg/dL - 92 mg/dL, tương đương với 3,9 mmol/L - 5mmol/L.

Qua quá trình nghiên cứu, các chuyên gia y tế thấy rằng những người có lượng đường huyết lúc đói trong khoảng trên không có nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường trong vòng 10 năm tới hoặc lâu hơn.

b. Đường huyết sau ăn: Chỉ số đường huyết sau ăn của người bình thường khỏe mạnh là dưới 140mg/dL (7,8 mmol/L) đo trong vòng 1 - 2 giờ sau ăn.

c. Đường huyết trước khi đi ngủ: Theo nghiên cứu của các bác sĩ, nồng độ đường glucose trong máu của một người bình thường vào thời điểm trước đi ngủ có thể từ 110 - 150mg/dl. Con số này tương đương với khoảng 6,0 - 8,3mmol.

d. Chỉ số HbA1C: Nhìn chung, những chỉ số vừa kể trên hầu như không có tác dụng trong việc chẩn đoán và phát hiện người mắc bệnh đái tháo đường. Để theo dõi chỉ số đường huyết bác sĩ còn dựa vào chỉ số HbA1C (ít ảnh hưởng hơn bởi thời điểm).

Chỉ số này có khả năng phát hiện bệnh và được các bác sĩ đánh giá cao vì chúng đo lượng đường trong máu mà không phụ thuộc vào tình trạng cơ thể đang no hay đói. Chỉ số HbA1C có thể được đo theo đơn vị phần trăm (%) hoặc đơn vị mmol/mol. Tuy nhiên tại Việt Nam, đơn vị phần trăm (%) phổ biến hơn.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ (ADA), chỉ số HbA1C ở người bình thường là < 5,7%. Tuy nhiên, mức HbA1C an toàn cho người bình thường nên giữ ở mức (5,5%). Đối với những cá nhân có chỉ số HbA1C từ 5,7 đến 6,4 %, đây là giai đoạn tiền đái tháo đường, có nguy cơ phát triển thành đái tháo đường týp 2. Mức HbA1C trên 6,5% hoặc cao hơn là mức của bệnh nhân đái tháo đường.

Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF), chỉ số HbA1C của bệnh nhân đái tháo đường nên giữ ở mức dưới 6,5%. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là cơ thể mỗi người đều khác nhau, và mỗi bệnh nhân nên thảo luận với bác sĩ về mục tiêu HbA1c cá nhân. Mục tiêu cá nhân này sẽ cân nhắc mức HbA1c hiện tại và thời gian thực hiện xét nghiệm tiếp theo.

Sau đây là mục tiêu chỉ số HbA1C do Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến cáo:

  • Mục tiêu HbA1C ≤ 6,5% dành cho những người mới bị chẩn đoán bệnh đái tháo đường, bệnh nhân không gặp nhiều cơn hạ đường huyết.
  • Mục tiêu HbA1C là 7% dành cho bệnh nhân cao tuổi.
  • Mục tiêu HbA1C là 7,5% dành cho trẻ em bị bệnh đái tháo đường (0 đến 18 tuổi), trẻ em dưới 6 tuổi có thể không nhận ra triệu chứng hạ đường huyết.
  • Mục tiêu HbA1C 8% dành cho những người đã từng hạ đường huyết trầm trọng.

4. Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?

"Vùng đường huyết nguy hiểm" là khi đường huyết quá thấp hay quá cao. Khi đường huyết tăng cao, vượt ngưỡng an toàn trên 180mg/dL đã có khả năng gây ra các biến chứng ở mắt, thận, thần kinh, mạch máu, tim, não… Thậm chí, đường huyết quá cao còn gây ra các biến chứng cấp như hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu…

Nhiều người cho rằng, chỉ số đường huyết tăng cao mới nguy hiểm, song khi đường huyết hạ quá mức cũng có khả năng dẫn đến hôn mê, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Ngay cả khi đường huyết dao động nhiều, lúc quá cao, lúc quá thấp cũng đưa đến các biến chứng, làm giảm chất lượng sống.

Chỉ số đường huyết bao nhiêu là nguy hiểm?

  • Mức đường huyết thấp hơn quy định: Tương tự với những người được chẩn đoán đang trong rối loạn đường huyết (đường huyết thấp hơn so với quy định) sẽ có chỉ số đo đường huyết vào từng thời điểm như sau. Khi đói, lượng đường huyết dưới 70 mg/dl (3,9 mmol/l). Khi no cũng ở mức thấp dưới 130 mg/dl (7,2mmol/l). Khi hạ đường huyết, bạn sẽ thấy cơ thể run rẩy, đổ mồ hôi, đói và mắt có thể mờ đi.
  • Mức đường huyết cao hơn quy định: Ở ngưỡng giới hạn trên của bệnh nhân tiểu đường, đường huyết được coi là ở mức cao nếu trước khi ăn chỉ số là trên 130 mg/dl tương đương 7,2mmol/l. Và sau khi ăn từ 181mg/dl (10,1 mmol/l) trở lên. Lúc này, thậm chí đường huyết của bạn đang ở mức nguy hiểm, hay còn gọi là bệnh tiểu đường.

Một số triệu chứng thường gặp của tình trạng này có thể kể đến như: khát, nhìn mờ. Tùy theo mức độ nghiêm trọng có thể có cảm giác chóng mặt, buồn nôn, và nôn mửa, hay giảm tập trung…

Tuy nhiên, đó mới là những dấu hiệu khi bệnh của bạn đã ở giai đoạn mãn tính. Vào thời gian đầu hay đường huyết vẫn chưa tăng nhiều, hầu như các triệu chứng mơ hồ nên khó phát hiện.

Chỉ số đường huyết quá cao dẫn đến chóng mặt, buồn nôn, và nôn mửa, hay giảm tập trung…

5. Bảng chỉ số đường huyết

Đơn vị đo đường huyết có thể tính bằng mg/dL hoặc mmol/l. Cách quy đổi chỉ số đường huyết từ mg/dL ra mmol/l được tính như sau: 1 mmol/l = 18mg/dL.

Ví dụ:

7mmol/l tương đương với 7×18 = 126mg/dL

200 mg/dL tương đương với 200:18 = 11.1mmol/l

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường và mức đường huyết bình thường sẽ được tóm tắt trong bảng sau:

Tên xét nghiệm

Đường huyết bình thường

Giai đoạn tiền đái tháo đường

Chẩn đoán bệnh đái tháo đường

Đường huyết ngẫu nhiên

< 7,8mmol/l (140mg/dL)

7,8 - 11,1mmol/l

(140 - 200mg/dL)

≥ 11,1 mmol/l

(200 mg/dL)

Ít nhất qua 2 lần thử

Đường huyết lúc đói

4,0 - 5,6mmol/l

(72 - 100mg/dL)

5,6- 6,9mmol/l

(101 - 125mg/dL)

≥ 7mmol/l

(126mg/dL)

Ít nhất qua 2 lần thử

Nghiệm pháp dung nạp glucose

< 7,8mmol/l (140mg/dL)

7,8 - 11,1mmol/l

(140 - 200 mg/ dL)

≥ 11,1mmol/l

(200mg/dL)

HbA1c

< 5,7%

5,7 - 6,4%

≥ 6,5%

6. Thời điểm nào nên đo đường huyết sẽ cho kết quả tốt nhất?

a. Làm thế nào để theo dõi chỉ số đường huyết?

Việc kiểm tra đường huyết sẽ cho biết bạn có đạt đường huyết mục tiêu của mình hay không. Có 2 cách để kiểm tra:

  • Sử dụng máy đo đường huyết để kiểm tra đường huyết của bạn tại thời điểm đo
  • Xét nghiệm HbA1c ít nhất hai lần một năm.

Mức HbA1C an toàn cho người bình thường nên giữ ở mức (5,5%)

b. Khi nào nên kiểm tra chỉ số đường huyết?

Các khuyến cáo về việc tầm soát bệnh đái tháo đường type 2 hiện nay như sau:

- Mọi người trên 45 tuổi, nhất là những người thừa cân hay béo phì (có BMI > 25 kg/m2), cần được tầm soát.

- Nếu thử đường huyết có kết quả ở mức bình thường nên thử lại đường huyết, 3 năm một lần. Tuy nhiên, những người có yếu tố nguy cơ sau đây phải được thử đường huyết để tầm soát ở tuổi trẻ hơn, có thể 3 năm một lần hoặc mỗi năm 1 lần (khi đi làm xét nghiệm tổng quát định kỳ tại công ty, cơ quan). Đó là:

  • Người ít vận động.
  • Có bố hay mẹ ruột bị đái tháo đường.
  • Người thuộc chủng tộc có nguy cơ cao (Mỹ da đen, Mỹ bản địa, Mỹ gốc Châu Á, người Châu Á Thái Bình Dương).
  • Sinh con to, cân nặng lúc sinh của đứa trẻ lớn hơn 4 kg hoặc đã được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ.
  • Bị tăng huyết áp (Huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90 mmHg).
  • Có HDL-C ≤ 35mg/dl (0.9mmol/l) hoặc nồng độ triglycerid ≥ 250mg/dl (2.82mmol/l).
  • Đã được chẩn đoán là rối loạn dung nạp glucose hoặc rối loạn đường huyết khi đói.
  • Có tình trạng bệnh lý kết hợp với đề kháng insulin (như chứng gai đen, buồng trứng đa nang).
  • Có tiền sử bị các bệnh về mạch máu.
  • Có thể sử dụng cả test đường huyết lúc đói và nghiệm pháp tăng đường huyết trong tầm soát đái tháo đường, nhưng thử đường huyết lúc đói hay được áp dụng vì kinh tế, tiện lợi và dễ dàng thực hiện.

c. Người bệnh đái tháo đường kiểm tra chỉ số đường huyết bao nhiêu lâu một lần?

Đối với người bệnh đái tháo đường type 1 nên thử đường huyết thường xuyên, ít nhất 3 lần mỗi ngày để đạt mục tiêu điều trị.

Đối với người bệnh đái tháo đường type 2 nên thử đường huyết một số lần như sau:

  • Sáng đói: Trước ăn trưa, trước ăn chiều.
  • Sau ăn 1-2 giờ (sáng, trưa, chiều).
  • Trước lúc đi ngủ.
  • Lúc 2 giờ hoặc 3 giờ sáng: khi nghi ngờ có hạ đường huyết vào ban đêm.

Ngoài ra, một số tình huống khác nên thử đường huyết đó là:

  • Nghi ngờ đường huyết quá cao, quá thấp.
  • Thay đổi thuốc điều trị, thay đổi liều thuốc.
  • Thay đổi chế độ ăn, chương trình tập thể dục.
  • Uống rượu, đi du lịch, ăn món khác lạ.
  • Trước và sau khi tập thể dục.
  • Trước khi lái xe, trước khi hoạt động có cường độ tập trung cao.
  • Khi bị bệnh.
  • Khi mang thai.

d. Cách thử đường huyết tại nhà

Ngày nay với sự phát triển của công nghệ, việc đo chỉ số đường huyết trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn bằng thiết bị cầm tay gọi là máy đo đường huyết cá nhân. Máy đọc kết quả bằng cách phát hiện lượng glucose trong máu.

Cách thử đường huyết tại nhà

Nguyên tắc đo như sau: Người thử lấy lượng ít máu thường ở đầu ngón tay bằng cách chích vào da, sau đó đưa giọt máu này vào que thử và gắn que thử vào máy đo; khi đó glucose trong mẫu thử sẽ phản ứng với chất thử có sẵn trong que, dưới tác dụng của điện cực để hiển thị kết quả đo trong vài chục giây.

Lưu ý kết quả glucose huyết trong máy thử cá nhân thường cao hơn 10-15% glucose huyết thử trong phòng thí nghiệm bệnh viện.

- Trước khi thử máu bằng máy thử đường cá nhân, cần phải:

  • Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Nên chọn dòng máy thử đường có phân phối tại Việt Nam với tờ hướng dẫn tiếng Việt cụ thể cũng như có thể mua que thử thuận tiện và dễ dàng.
  • Kiểm tra hạn sử dụng của que thử. Lưu ý một số dòng que thử có thể dùng cho đến hết hạn ghi trên hộp, một số chỉ dùng 3-6 tháng sau khi mở nắp mặc dù còn hạn sử dụng xa hơn.

- Khi đo chỉ số đường huyết, bạn cần nhớ một số nguyên tắc như sau:

  • Rửa tay sạch với xà phòng, nước ấm và để khô hoàn toàn.
  • Nhẹ nhàng xoa bóp các đầu ngón tay, sau đó để bàn tay hướng xuống dọc thân để máu lưu thông đến các đầu ngón.
  • Sát trùng và chờ khô ngón tay trước khi lấy giọt máu.
  • Đâm kim với độ sâu vừa đủ và bóp nhẹ nhàng để có giọt máu tròn trịa khi nhỏ lên que thử.

7. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến đường huyết?

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, kiểm soát tốt lượng đường trong máu là chìa khóa để ngăn ngừa các biến chứng tiểu đường tiềm ẩn.

  • Thức ăn:

Đây là yếu tố quan trọng nhất mà bạn cần phải liên tục theo dõi. Carbohydrate ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn nhiều nhất, khiến chúng tăng vọt nhanh chóng.

Điều quan trọng là bạn phải theo dõi việc tiêu thụ các carbohydrates với nhau và với mỗi bữa ăn, carbohydrates khó tiêu hóa và mất nhiều thời gian để phân hủy. Kiểm soát việc tiêu thụ chất béo là tốt, vì chúng giúp bạn kiểm soát sự gia tăng của insulin.

Carbohydrate ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn nhiều nhất

  • Thuốc men:

Nếu đang dùng thuốc, bạn nên chú ý quan sát xem việc dùng thuốc đó có ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường trong máu của bạn. Rất nhiều yếu tố, chẳng hạn như thời gian mà bạn uống thuốc, và các loại thuốc (cho dù là thuốc tiểu đường hay là một loại thuốc nào khác) có thể có tương tác khác nhau đến lượng đường trong máu của bạn. Một số thuốc cũng có tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu bạn.

Một số loại thuốc kháng viêm, thuốc trị rối loạn tự miễn dịch và thuốc trị hen suyễn có thể khiến lượng đường trong máu tăng lên đáng kể. Thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần, một số thuốc lợi tiểu và thuốc thông mũi cũng có thể làm các chỉ số đường huyết cao hơn bình thường, trong khi một số loại thuốc khác có thể làm giảm lượng đường trong máu hoặc khó nhận ra các dấu hiệu hạ đường huyết hơn.

  • Mất nước:

Thiếu chất lỏng khiến đường trong hệ tuần hoàn trở nên cô đặc hơn và có thể dẫn đến tăng đường huyết. Lượng đường trong máu cao có thể khiến đi tiểu nhiều hơn, dẫn đến mất nước nhiều hơn.

  • Chất làm ngọt nhân tạo:

Nhiều người mắc bệnh tiểu đường sử dụng đồ uống dành cho người ăn kiêng. Họ yên tâm vì nghĩ rằng đồ uống không đường sẽ không làm tăng lượng đường trong máu của họ. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý rằng một số chất làm ngọt không calo có thể gây tiêu chảy, góp phần làm mất nước.

  • Mất ngủ:

Thiếu ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến đường huyết. Nghiên cứu năm 2015 cho thấy mất ngủ có thể làm mất khả năng kiểm soát glucose và giảm khả năng nhạy cảm insulin ở người tiểu đường type 2. Không ngủ đủ giấc cũng làm giải phóng cortisol, gây tăng đường huyết.

Những người bị bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường cũng thường sẽ ngủ ít hơn và có chất lượng giấc ngủ kém hơn, theo kết quả của một nghiên cứu năm 2018, từ đó có thể làm nặng thêm các triệu chứng và gây ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của họ.

Thiếu ngủ có ảnh hưởng rất lớn đến đường huyết

  • Căng thẳng, bệnh tật và chấn thương:

Khi cơ thể bạn đang căng thẳng, không khỏe, hoặc bị thương, nó giải phóng các hormone như epinephrine, glucagon, hoóc môn tăng trưởng, và cortisol. Điều này làm gan của bạn sản sinh glucose, và làm tăng sức đề kháng insulin của bạn.

  • Chu kỳ kinh nguyệt:

Theo Bệnh viện Women’s College (Canada), một số phụ nữ mắc bệnh tiểu đường trở nên ít nhạy cảm hơn với insulin trong vòng 1 tuần trước khi đến kỳ kinh nguyệt, điều này có thể khiến lượng đường cao hơn mức bình thường. Các chỉ số thường trở lại bình thường ngay sau khi bắt đầu kinh nguyệt.

  • Thời tiết khắc nghiệt:

Một số người có thể thấy lượng đường trong máu của họ tăng cao vào những ngày nóng bức vì thời tiết khó chịu khiến cơ thể thêm căng thẳng.

Hơn nữa, nhiệt độ cao có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng insulin. Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể, đồng thời khiến cơ thể mất nước nhanh hơn.

  • Quá nhiều caffeine:

Theo Mayo Clinic (Mỹ), tiêu thụ dưới 400 mg caffeine mỗi ngày là an toàn đối với hầu hết mọi người, nhưng ở những người mắc bệnh tiểu đường, chất này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của insulin, dẫn đến lượng đường trong máu thấp hoặc cao, theo Everyday Health.

Tiêu thụ dưới 400 mg caffeine mỗi ngày là an toàn đối với hầu hết mọi người

  • Đi du lịch:

Thay đổi mức đường huyết khi đi du lịch có thể là hậu quả của việc cơ thể đáp ứng với các trạng thái căng thẳng khi đang trên đường đi và những thay đổi trong cả chuyến đi, ví dụ như thay đổi thời gian ăn uống, thay đổi mức độ hoạt động thể chất.

Việc đi du lịch bằng máy bay cũng có thể gây ra những thay đổi về đường huyết. Thay đổi về vĩ độ và thay đổi về áp suất không khí đặc biệt là trong những chuyến gay dài có thể ảnh hưởng đến đường huyết theo nhiều cách khác nhau, có thể khiến đường huyết tăng hoặc giảm.

Theo nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Medicine, hạ đường huyết là tình trạng phổ biến hơn ở những người phải đi qua nhiều khu vực múi giờ khác nhau, do sựt hay đổi về đồng hồ sinh học và ảnh hưởng của việc lệch múi giờ.

  • Tập thể dục:

Tập thể dục tác động đến cơ thể mỗi người theo cách khác nhau, do đó tốt hơn hết là bạn nên kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trước, trong và sau khi tập thể dục.

Thông thường, tập thể dục nhẹ làm giảm lượng đường trong máu, nhưng tập thể dục nặng có thể gây ra các cấp độ để giảm hoặc tăng đột biến.

8. Đường huyết thấp bất thường

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu quá thấp (Glucose). Khi chỉ số đường huyết thấp dưới 3.9mmol/l (70mg/dL) thì sẽ có dấu hiệu hạ đường huyết như bủn rủn tay chân, đói cồn cào, người mệt mỏi, vã mồ hôi, lo lắng, bồn chồn; nhức đầu; hoa mắt, chóng mặt; mất tập trung; co giật; nói sảng; lơ mơ; hôn mê… Nhưng vẫn có những người dưới mức đường huyết này mà thể trạng hoàn toàn bình thường, được xem là đường huyết thấp cơ địa.

Dấu hiệu hạ đường huyết như bủn rủn tay chân, đói cồn cào, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt,...

Nguyên nhân hạ đường huyết gồm có bữa ăn quá ít chất bột đường (carbohydrate); ăn không đúng giờ, bữa ăn trễ; bỏ bữa ăn; dùng thuốc không đúng cách; tập thể dục quá mức; cơ thể đang bị bệnh; uống rượu khi bụng đói.

Khi xuất hiện các triệu chứng này, bạn cần thử đường huyết ngay tại nhà. Nếu đường huyết thấp hãy ăn hoặc uống 10 - 20 gram carbohydrate (2 muỗng cà phê đường cát, 2 muỗng cà phê mật ong, mứt, 150ml Coca cola…). 15 - 20 phút sau đó, thử lại đường huyết lần thứ 2.

  • Nếu lượng đường trong máu vẫn còn thấp khi thử lần thứ 2, bạn cần lặp lại lần 2 các thực phẩm nêu trên.
  • Nếu lượng đường trong máu khi thử lần 2 bình thường thì hơn 1 giờ sau bạn nên ăn bữa ăn nhẹ với carbohydrate và protein, chẳng hạn như một lát bánh mì với bơ đậu phộng hoặc 6 cái bánh quy.

9. Đường huyết bình thường trong thai kỳ

Theo Hiệp Hội Đái tháo Đường Hoa Kỳ (ADA), chỉ số đường huyết trong thai kỳ an toàn là:

  • Đường huyết đói: ≤ 92 mg/dl (5,1 mmol/l).
  • Đường huyết sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (10 mmol/l).
  • Đường huyết sau ăn 2 giờ: ≤ 153 mg/dl (8,5 mmol/l).

Thai phụ cần tầm soát đái tháo đường thai kỳ vào tuần thai 24-28. Tuy nhiên, trong các trường hợp người mẹ có tiền sử tiền đái tháo đường, thừa cân béo phì, có chế độ ăn mất cân bằng dinh dưỡng hoặc có các biểu hiện: thường xuyên khát nước, miệng thấy vị ngọt, mệt mỏi quá mức… thì cần được xét nghiệm sớm hơn để xác định mức đường huyết.

Người mẹ có tiền sử tiền đái tháo đường sẽ thường xuyên khát nước, mệt mỏi quá mức...

Có hai loại xét nghiệm đái tháo đường thai phụ nên thực hiện trong quá trình mang thai:

  • Xét nghiệm định lượng Glucose lúc đói: Với xét nghiệm này, thai phụ được chỉ định uống hết 50g Glucose trong 5 phút và lấy máu ở ngón tay sau 1 giờ để xét nghiệm sự chuyển hóa đường của cơ thể. Sau đó, thai phụ làm thêm xét nghiệm dung nạp Glucose để có kết quả chính xác nhất.
  • Nghiệm pháp đường huyết (xét nghiệm dung nạp Glucose) vào tuần thai 24-28: Xét nghiệm này thường được làm vào buổi sáng, khi thai phụ nhịn đói sau ăn từ 10 - 14 giờ. Lấy máu xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó cho bệnh nhân uống 75g glucose trong 5 phút. Định lượng glucose huyết tại thời điểm 1 và 2 giờ sau khi uống nước đường.

Theo tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ bằng test dung nạp 75g Glucose thì đái tháo đường thai kỳ khi có bất kỳ giá trị đường huyết nào như sau:

  • Đường huyết đói: ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L).
  • Đường huyết sau ăn 1 giờ: ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L).
  • Đường huyết sau ăn 2 giờ: ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L).

Khi bị đái tháo đường thai kỳ, thai phụ cần lưu ý chia nhỏ bữa ăn, giảm lượng tinh bột ăn vào, ưu tiên chọn thực phẩm chỉ số đường huyết thấp như gạo lứt, bánh mì nguyên cám,... Hạn chế tối đa đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước ngọt, nước mía, kể cả sinh tố và nước ép trái cây. Ưu tiên ăn trái cây thô và tăng cường rau xanh cung cấp nhiều chất xơ.

Đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của mẹ và bé, vì vậy nếu có thể em nên đăng ký khám và tư vấn dinh dưỡng để có được một chế độ ăn hợp lý phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của bản thân, đảm bảo đủ năng lượng cho mẹ và bé nhưng không làm tăng đường huyết.

Nếu bạn bị đái tháo đường thai kỳ thì sau sinh từ 6-12 tuần, bạn cần kiểm tra lại xem có thật sự bị đái tháo đường hay không.

10. Làm gì khi có đường huyết bất thường?

Nếu bạn có chỉ số đường huyết thấp, hãy ăn một ít bánh ngọt, kẹo, uống sữa hoặc nước đường như đã hướng dẫn trong phần hạ đường huyết.

Nếu bạn có chỉ số đường huyết tăng, hãy kiểm tra lại chế độ dinh dưỡng, thực phẩm nạp vào, cùng với đó là kiểm tra lại quá trình dùng thuốc của mình.

Bên cạnh đó, nên đi khám để được tư vấn và điều chỉnh thuốc, tránh những biến chứng nguy hiểm. Đồng thời, đừng quên kiểm tra đường huyết thường xuyên.

11. Phương pháp để duy trì chỉ số đường huyết

Chỉ số đường huyết của cơ thể ảnh hưởng rất lớn từ chế độ ăn uống, vì thế duy trì chế độ này lành mạnh, khoa học cùng lối sống khỏe mạnh là cách đơn giản để ổn định mức đường huyết cũng như sức khỏe cơ thể.

Thực hiện chế độ ăn hợp lý, cân đối các thành phần: Thành phần dinh dưỡng hàng ngày được khuyến nghị là glucid 50 - 60%, protid 15 - 20%, lipid 20 - 30% tổng số calo trong ngày. Đặc biệt không được bỏ qua bữa sáng do ăn sáng giúp ổn định lượng đường huyết suốt cả ngày.

Thực hiện chế độ ăn hợp lý, không được bỏ qua bữa sáng

Kết hợp lành mạnh protein, tinh bột và chất béo cộng với các loại trái cây hoặc các loại hạt sẽ giúp bạn duy trì một lượng đường huyết ổn định. Bên cạnh đó nên tăng cường thực phẩm có màu đỏ tươi và xanh. Trong những thực phẩm này có chứa chất anthocyanins giúp kiểm soát đường huyết rất tốt bao gồm: quả mọng, dâu, nho,…

Việc tập thể dục là rất cần thiết và nên duy trì thói quen này mỗi ngày tối thiểu 30 phút, tuần 5 buổi.  Đừng quên kiểm tra chỉ số đường huyết cũng như các chỉ số sức khỏe khác của cơ thể trước khi tập. Cố gắng ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày và tránh để bị stress.

12. Làm sao để tránh được vùng đường huyết nguy hiểm?

Ngay từ lúc được chẩn đoán mắc đái tháo đường (tiểu đường), bạn cần phải biết cách tự chăm sóc và theo dõi bệnh hằng ngày. Theo đó, bạn cần dùng thuốc điều trị đái tháo đường (uống, tiêm) đúng cách, đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Ngoài ra, bạn cần tự theo dõi đường huyết và nên tìm hiểu các kiến thức về mức đường huyết cần đạt (vùng đường huyết an toàn). Song song đó là biết cách xử lý khi đường huyết dao động nhiều, quá cao hay quá thấp.

Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý và luyện tập thể dục hằng ngày là điều quan trọng không kém. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời gian luyện tập phù hợp với thể trạng, sức khỏe. Từ bỏ các thói quen xấu như rượu bia, thuốc lá.

Việc kiểm soát tốt đường huyết, đưa đường huyết ra ngoài vùng nguy hiểm giúp bạn sống cân bằng, khỏe mạnh và giảm biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến chỉ số đường huyết:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X