Hotline 24/7
08983-08983

Cây anh túc có dùng để chữa bệnh không?

Hàng nghìn năm trước, khi không có đủ thuốc để chữa bệnh, người ta dùng anh túc (thuốc phiện) với công năng liễm phế, chỉ khái, chỉ thống và chỉ lỵ; tuy nhiên trong thời đại ngày nay, cây anh túc không còn được dùng như một vị thuốc nữa.

Cây anh túc có dùng để chữa bệnh không?

I. Tổng quan về cây anh túc

Tên thường gọi: thuốc phiện

Tên gọi khác: a phiến, anh túc, cây thẩu, a phù dung, chừ gia dính (H’Mông), co khoắn nhẹng (Thái), lão phèn (Tày), chessbolls (Anh), oeillette (Pháp).

Tên khoa học: Papaver somniferum L.

Phân họ: họ Thuốc phiện (Papaveraceae).

1. Nhận biết cây anh túc

Anh túc là loài cây thân thảo, sống hàng năm, cao hơn 1m. Thân hình trụ, nhẵn, ít phân nhánh. Lá mọc so le, không cuống, gốc hình tim, ôm thân, đầu nhọn, màu lục xám, chia thùy không đều, lá già chia nhiều hơn lá nón, mép khía răng, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu.

Hoa to, mọc đơn độc ở ngọn thân và đầu cành, có cuống dài; hoa màu trắng, đỏ hoặc tím; đài hoa 2 răng, nhẵn, sớm rụng; tràng hoa 4 cánh mỏng, không bao giờ nở xòe, điểm màu nâu ở gốc; nhị nhiều, bao phấn màu tím; bầu thượng, 1 ô, nhiều lá noãn.

Quả nang, hình cầu, rộng 2-3cm, thuôn ở gốc, có khía dọc, trong có vách giả, khi chín mở bằng những lỗ nhỏ ở phía dưới đầu nhụy còn sót lại; hạt nhỏ nhiều, hình thận, màu đen.

hoa và quả anh túcMùa hoa quả của anh túc rơi vào tháng 3-5

2. Thành phần dược chất của anh túc

Bộ phận dùng làm thuốc của cây anh túc bao gồm:

+ Nhựa lấy từ quả chưa chín.

+ Quả chưa lấy nhựa, có cuống dài khoảng 10cm, dùng để chiết xuất alkaloid.

+ Quả đã lấy nhựa gọi là anh túc xác, cù túc xác.

+ Hạt được thu hoạch lúc quả chín.

+ Lá và hoa.

Nhựa cây anh túc chứa alkaloid 10-20% và nhiều thành phần khác. Các alkaloid này chia làm 4 nhóm chính như sau:

+ Nhóm có nhân morphinan (còn gọi là nhóm Morphin): morphin, codein, thebain. Morphin là alkaloid chính, chiếm 7-21% trong nhựa anh túc.

+ Nhóm có nhân benzylisoquinolin (còn gọi là nhóm Papaverin):papaverin 0,5-1%, xanthalin, landanosin, laudanidin, laudanin, codamin…

+ Nhóm có nhân phtalidisoquinolein (còn gọi là nhóm Noscapin, Narcotin): poscapin 3-8%, narcotolin.

+ Nhóm có nhân isoquinolein vòng mở (còn gọi là nhóm Protopin): Protopin, cryptopin.

Hạt anh túc chứa 40-45% dầu béo, trong đó chủ yếu là acid linoleic, acid palmitic, acid oleic, acid oleic và linolenic

2. Trồng cây anh túc và chế biến thuốc phiện là vi phạm pháp luật

Hiện nay với chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, tất cả các địa phương tại Việt Nam không còn được phép trồng loại cây cho chất gây nghiện này nữa. Việc trồng cây anh túc là vi phạm pháp luật, do đó tại bài viết này sẽ không trình bày về phương pháp trồng trọt hay đặc tính sinh trưởng của loài cây này, cũng như các kỹ thuật chế biến.

Trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có quy định tội danh này  tại điều 247 vơi tiêu đề là: “Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy.’’ Cụ thể:

“Điều 247: Tội trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chưa chất ma túy.

1. Người nào trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã được giáo dục 02 lần và đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống;

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Với số lượng từ 500 cây đến dưới 3.000 cây...”

Cây anh túc (cây thuốc phiện) được xem là cây dược liệu quý trong cả Đông lẫn Tây y, tuy nhiên, chiết xuất của cây này gây nghiện nặng, không thể dùng trong các trường hợp thông thường, phải có sự chỉ định chi tiết và giám sát trực tiếp của bác sĩ, do đó việc nuôi trồng cây anh túc phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền thực hiện dưới sự giám sát, thanh tra, kiểm tra nghiêm ngặt. Chính phủ Việt Nam đã cấm người dân trồng cây này dưới mọi hình thức, đồng thời cũng cấm sản xuất, lưu hành và tồn trữ loài cây này.

II. Công dụng của anh túc

1. Công dụng của anh túc theo đông y cổ truyền

Cây anh túc có vị chua, đắng, hơi chát, tính bình, có độc tính mạnh, đi vào các kinh Phế, Thận, Vị, Đại Trường. Hàng nghìn năm trước, khi không có đủ thuốc để chữa bệnh, người ta dùng anh túc với công năng liễm phế, chỉ khái, chỉ thống và chỉ lỵ; tuy nhiên trong thời đại ngày nay, cây anh túc không còn được dùng như một vị thuốc nữa.

2. Công dụng của anh túc theo đông y hiện đại

Các tác dụng đã nghiên cứu của anh túc (bao gồm tác dụng có lợi và tác dụng có hại):

+ Nhựa cây anh túc mang tại tác dụng của morphin: tác dụng dược lý quan trọng của morphin là giảm đau, gây ngủ, gây cảm giác tê mê, sảng khoái. Đây là chất dùng giảm đau trong y khoa, nhưng cũng là chất gây nghiện.

Morphin có tác dụng giảm đau trung ương mạnh, giảm thể tích hô hấp, giảm thân nhiệt, giảm hoạt động vận động. Liều cao của morphin gây hạ huyết áp, co đồng tử, chậm nhịp tim, sảng khoái, quen thuốc, thờ ơ với vạn vật xung quanh, co cứng cơ bắp, giảm phản xạ.

Morphin có tác dụng ức chế hô hấp, làm cho trung khu điều khiển hô hấp kém nhạy cảm với CO2, kéo dài thời gian thở ra, nên giảm số lần thở trong một phút. Du thể tích mỗi lần thở tăng, nhưng thể tích không khí hít thở trong mỗi phút lúc nào cũng giảm.

Morphin vô tình có tác dụng giảm ho là vì ức chế trung tâm ho ở hành não.

Morphin gây ra táo bón do làm giãn cơ trơn ở ruột, nhưng lại làm tăng lực co thắt hậu môn, khiến cho thức ăn và phân lưu giữ trong ruột, nước bị hấp thu trở lại nên gây ra táo bón. Tác dụng này có thể dùng điều trị tiêu chảy mạn tính nặng thông qua chỉ định hợp pháp của bác sĩ, và không được dùng để chữa tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn hoặc ngộ độc.

Morphin có tác dụng gây buồn nôn và nôn, tác dụng này đến trong khoảng 40% trường hợp.

Morphin gây co đồng tử.

+ Trong cây anh túc cũng chưa codein, hoạt chất này có tác dụng dược lý và cơ chế tác dụng giống morphin, nhưng mức độ tác dụng kém hơn morphin. Trong đó, tác dụng giảm đau của codein chỉ bằng 1/12 morphin, nhưng tác dụng giảm ho của codein lại ngang bằng với morphin, mà codein lại gây nghiện nhẹ hơn morphin, do đó người ta chiết xuất codein từ cây anh túc để làm thuốc ho trong một số trường hợp.

+ Tác động lên cơ trơn của papaverin trong cây anh túc: hoạt chất papaverin làm giãn cơ trơn và làm giãn mạch máu lớn. Tuy nhiên trong y khoa hiếm khi dùng đến papaverin để làm giãn mạch vành hay hạ huyết áp, vì nó làm tăng mức tiêu thụ oxy ở cơ tim.

+ Tác dụng giảm ho của narcotin (noscapin) trong cây anh túc: giống như codein, narcotin thường được chiết xuất ra để làm thuốc chữa ho cho trẻ em, vì không có tác dụng ức chế trung khu thần kinh và không gây nghiện. Narcotin ít độc hơn codein.

+ Cây anh túc cũng chứa narcein, mang lại tác dụng giảm ho như codein, đồng thời kích thích nhu động ruột, hạ huyết áp và kích thích hô hấp.

+ Cuối cùng, cây anh túc còn chứa một loại độc chất mạnh nữa là thebain, khi dùng với liều nhỏ sẽ có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, gây ngủ. Khi dùng với liều cao chẳng những sẽ mất tác dụng gây ngủ, mà còn gây ra co giật.

hoa quả cây anh túc

III. Cách xử lý ngộ độc khi dùng anh túc - thuốc phiện

1. Một số bài thuốc theo kinh nghiệm dân gian hoặc cổ phương

Từng có các bài thuốc liên quan đến cây anh túc, xuất phát từ ngàn xưa hoặc trong kinh nghiệm dân gian của đồng bào miền núi. Tuy nhiên, thời đại sau này, có vô vàn thảo dược khác có thể thay thế tốt từng tác dụng của anh túc, nhưng không độc và không gây nghiện. Do đó, không được lưu truyền các bài thuốc liên quan đến anh túc nữa.

2. Cách xử lý khi người hoặc động vật ngộ độc thuốc phiện

Dấu hiệu ngộ độc thuốc phiện

Anh túc là chất gây nghiện khi dùng liều nhỏ, và gây độc mạnh khi dùng liều cao. Triệu chứng ngộ độc cấp tính xuất hiện sau khi ăn quá liều anh túc từ 15 phút đến vài giờ. Đầu tiên thấy hưng phấn, sau đó bị ức chế.

Ở giai đoạn hưng phấn, nạn nhân có buồn nôn và nôn, người có cảm giác nóng, mạch đập nhanh. Ở giai đoạn ức chế, đối tượng ngộ độc sẽ đứng ủ rũ hoặc đi loạng choạng, mất phản xạ (kể cả phản xạ nuốt và chớp mắt), nhắm mắt, da khô và tím tái, thở sâu, thở chậm, thở không đều, giãn đồng tử.

Ở động vật có sừng, ngộ độc thường biểu hiện hưng phấn mạnh, hoảng sợ, kêu rống, nghiến răng, co giật từng phần hoặc toàn thân.

Đối tượng ngộ độc có thể chết sau 2-30 giờ sau khi ngộ độc cấp tính anh túc.

Ngộ độc trường diễn (nghiện) thường gặp ở người nghiện thuốc phiện hoặc nghiện morphin lâu ngày. Người nghiện suy sụp về sức khỏe, da xám chì, gầy gò, hốc hác, đi không vững, nói lung tung, ăn không ngon, tiêu hóa kém, có thể chết do trụy tim mạch.

Các xử lý ngộ độc thuốc phiện

Đối với người: Khi phát hiện có người bị ngộ độc anh túc cấp tính, cần cho uống than hoạt tính, hoặc các dung dịch có khả năng làm cho alkaloid kết tủa như tanin, lugol. Cho uống dung dịch thuốc tím 2 phần nghìn để làm mất tác dụng của morphin. Tiêm tĩnh mạch nalorphin liều 0,005 - 0,01g mỗi lần, không dùng quá 0,04g, dùng hoạt chất này nhằm mục đích làm mất tác dụng tê liệt của morphin trên hệ hô hấp - nguyên nhân gây chết trong ngộ độc cấp.

Ngoài ra, có thể dùng các thuốc kích thích hô hấp như cafein, theophylin, niketamid… Nếu cần, có thể cho thở oxy và làm hô hấp nhân tạo. Đối với người nghiện, trước hết cần phải giảm dần lượng dùng anh túc và đưa đi điều trị ở cơ sở cai nghiện ma túy.

Đối với động vật: Rửa dạ dày, dùng chất hấp phụ hoặc kết tủa alkaloid (giống như đối với người). Khi có hiện tượng ức chế mạnh thì dùng thuốc kích thích. Nếu khó thở thì dùng atropin hoặc lobelin. Khi hưng phấn quá thì làm lạnh đầu gia súc.

4. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú:

Chống chỉ định cho phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.

5. Đối với trẻ nhũ nhi

Chống chỉ định cho trẻ em mọi độ tuổi, trừ thuốc ho trẻ em dạng chiết xuất đơn lẻ hoạt chất không gây nghiện.

quả cây thuốc phiện

IV. Tác dụng phụ - thận trọng - tương tác và chống chỉ định của anh túc

Cây anh túc chứa nhiều độc chất mạnh và gây nghiện mạnh. Người dân không được dùng cây anh túc dưới bất kỳ hình thức hay mục đích nào. Trong y khoa, bác sĩ chỉ dùng một số hoạt chất trong cây anh túc dưới dạng chiết xuất đơn lẻ (dưới sự kiểm soát của pháp luật), và không bao giờ dùng đến cây anh túc.

Anh túc chứa chất morphin gây nghiện rất mạnh, khi dùng nhiều lần chẳng những gây nghiện mà còn quen thuốc, phải tăng dần liều. Đến khi dùng quá liều thì sẽ gây ra tê liệt hô hấp và dẫn đến tử vong.

Chất morphin trong cây anh túc là chất có thể bán tổng hợp ra heroin, một chất ma túy mạnh hơn.

Chất morphin trong mọi bộ phận của anh túc đều gây các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn nôn, nôn, táo bón, tiểu khó, suy giảm hô hấp, buồn ngủ.

V. Bảo quản thuốc phiện

Mọi hình thức lưu trữ bất kỳ thành phần hoặc dạng hoạt chất nào của cây anh túc mà không có giấy phép đều là vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo luật hình sự.

BS Đoàn Quang Nguyên

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X