Hotline 24/7
08983-08983

Cấp cứu đột quỵ - Tiết kiệm từng phút giây

Hưởng ứng Ngày Đột quỵ Thế giới 29/10, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) đã tổ chức chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ với chủ đề “Cấp cứu đột quỵ - Tiết kiệm từng phút giây”.

50% số ca đột quỵ diễn biến xấu và tử vong

Ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ, trong đó có đến 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu và tử vong. “Thời gian vàng” để xử trí đột quỵ là trong vòng 3 - 4 giờ đầu. Khi đó người bệnh đột quỵ cần phải nhập viện càng sớm càng tốt để được đánh giá nhanh và điều trị kịp thời.

Vì vậy, chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ với chủ đề “Cấp cứu đột quỵ - Tiết kiệm từng phút giây” đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia là các Bác sĩ từ Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM.

Đây là chương trình dành cho người bệnh, người nhà người bệnh đột quỵ; người có yếu tố nguy cơ cao mắc đột quỵ (người bệnh tim mạch, nội tiết); sinh viên y khoa và cộng đồng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa đột quỵ để lan tỏa những thông tin y khoa thiết thực về bệnh đột quỵ, cách cấp cứu trong thời gian vàng và cách phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

TS.BS Nguyễn Bá Thắng - Trưởng Trung tâm khoa học Thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM đã giúp người tham dự hiểu rõ về sự nguy hiểm của đột quỵ, vì sao cần tiết kiệm từng giây khi cấp cứu đột quỵ

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào

Để giúp cộng đồng hiểu rõ về cách nhận biết các dấu hiệu đột quỵ và xử trí cấp cứu đột quỵ đúng cách, TS.BS Nguyễn Bá Thắng và các y bác sĩ Khoa Thần kinh BV ĐHYD TPHCM đã thực hành tình huống đột quỵ, nêu rõ các bước nhận biết và cấp cứu đột quỵ đúng cách.

Các Bác sĩ cũng phân tích các tình huống có thể xảy ra, những quan niệm sai lầm khi cấp cứu đột quỵ thường gặp để người tham dự cùng quan sát, rút kinh nghiệm để xử trí đúng, giúp người bệnh đột quỵ được cấp cứu một cách chính xác, hiệu quả.

Các y bác sĩ Khoa Thần kinh và 2 khán giả đã thực hành một tình huống đột quỵ, nêu rõ các bước nhận biết và cấp cứu đột quỵ đúng cách

Với chủ đề “Phòng ngừa đột quỵ” BS.CK2. Phạm Thị Ngọc Quyên chia sẻ, đột quỵ có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, có 2 nhóm yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ gồm: nhóm yếu tố có thể thay đổi được (hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, rung nhĩ,...) và nhóm yếu tố không thể thay đổi được (tuổi tác, giới tính, gen di truyền).

Để phòng tránh đột quỵ, cần ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh thông qua các chương trình tầm soát đột quỵ. Việc phát hiện sớm cùng kế hoạch kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, duy trì lối sống lành mạnh sẽ giúp ngăn ngừa đột quỵ hiệu quả.

Cuối chương trình, người tham dự đã được các Bác sĩ của Đơn vị Đột quỵ - Khoa Thần kinh BV ĐHYD TPHCM tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến bệnh đột quỵ.

Người tham dự đã được tư vấn, giải đáp các thắc mắc liên quan đến bệnh đột quỵ

Trong đó, các bác sĩ nhấn mạnh, với những người bệnh đã bị đột quỵ và được cấp cứu thành công, không nên chủ quan rằng đã điều trị dứt điểm mà cần phải tuân thủ điều trị nhằm phòng ngừa đột quỵ tái phát trong những năm tháng tiếp theo.

Tại BV ĐHYD TPHCM, Đơn vị Đột quỵ đã được thành lập từ năm 2016, có thể thực hiện được tất cả kỹ thuật cấp cứu và điều trị đột quỵ. Năm 2023, Đơn vị đã đạt chứng nhận chất lượng Kim cương, mức chứng nhận chất lượng cao nhất do Tổ chức Đột quỵ thế giới công nhận.

Chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng về đột quỵ với chủ đề “Cấp cứu đột quỵ - Tiết kiệm từng phút giây” được tổ chức tại Hội trường 3A và trực tuyến trên Fanpage của Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thu hút hàng trăm lượt tham dự trực tiếp và theo dõi trực tuyến.

 

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X