Cảnh báo tình trạng đột tử ở người trẻ, khỏe mạnh
Mới đây, một vận động viên khi tham gia giải siêu Marathon Việt Nam 2024 đã gục ngã trên đường chạy và qua đời tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình. Đáng chú ý trong thời gian gần đây đã xảy ra rất nhiều trường hợp đột tử, đột quỵ tương tự ở người trẻ, khỏe mạnh cho thấy vấn đề này không còn hiếm gặp và là nguy cơ sức khỏe đáng lo ngại hàng đầu trong cộng đồng.
1. Đột tử là gì và mức độ phổ biến ra sao?
Trước tiên, nhờ BS lý giải rõ hơn: đột tử là gì? Đột tử do nguyên nhân nào là thường gặp nhất và mức độ phổ biến của tình trạng này ra sao, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Theo định nghĩa chung của các hiệp Hội Tim mạch và hiệp Hội Hồi sức - Cấp cứu, đột tử là những trường hợp trước đó bệnh nhân hoàn toàn bình thường, về sau đột ngột tử vong.
Các chuyên gia lấy móc thời gian trong vòng 1 giờ đối với một người hoàn toàn bình thường trước khi gặp, nhưng sau khoảng thời gian đó lại xuất hiện tình trạng ngưng tim ngay lập tức, đây là một trường hợp đột tử. Đối với những trường hợp trong vòng 24 giờ không gặp, sau đó phát hiện người bệnh đã ngừng tim sau khoảng thời gian gặp cuối cùng khi khỏe mạnh, trường hợp này gọi là đột tử do tim.
Trong những trường hợp đột tử, thống kê cho thấy 80% các trường hợp đột tử do tim và 20% còn lại là đột tử nguyên nhân không do tim. 20% trường hợp đột tử không do tim có thể bao gồm nguyên nhân do bệnh lý về mạch máu não, bể những túi phình khổng lồ hoặc bóc tách động mạch chủ
2. Nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột tử là gì?
Đột tử do tim là hay gặp nhất, vậy những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng này là do đâu, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Nguyên nhân gây đột tử được chia theo từng lứa tuổi. Đối với những trường hợp trước 40 tuổi, đa phần tình trạng đột tử thường là do nguyên nhân bẩm sinh hoặc di truyền. Những dạng di truyền bẩm sinh bao gồm các bệnh lý như rối loạn nhịp bẩm sinh (hội chứng QT kéo dài) hoặc các bệnh cơ tim bẩm sinh (loạn xạ thất phải sinh loạn nhịp hoặc cơ tim phì đại). Đây là những bệnh lý do bất thường bẩm sinh và thường khiến cho bệnh nhân đột tử khi còn trẻ (trước 40 tuổi).
Với nhóm tuổi trên 40, đa số các trường hợp là do bệnh lý mạch vành, hẹp động mạch vành gây nhồi máu cơ tim và đột tử. Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác như bóc tách động mạch chủ, bể những túi phình hoặc viêm cơ tim… Tuy nhiên, phần lớn các nguyên nhân thường gặp là do bệnh lý về mạch vành và rối loạn nhịp.
3. Những bệnh lý liên quan nào có thể gây ngừng tim đột ngột ở người trẻ?
Nhưng thực tế, tại sao ngay cả những người trẻ và rất khỏe mạnh, thậm chí được rèn luyện thường xuyên lại có thể bị ngừng tim đột ngột như vậy, thưa BS? Nhờ BS điểm qua, những bệnh lý liên quan nào có thể gây ngừng tim đột ngột ở người trẻ?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Đột tử là những trường hợp bệnh nhân trước đó hoàn toàn tỉnh táo và khỏe mạnh nhưng lại đột ngột ngừng tim. Trên các phương tiện truyền thông, thỉnh thoảng có thể thấy những tin tức về các trường hợp đột tử khi còn rất trẻ, gây hoang mang dư luận và khiến bạn đọc cảm thấy lo lắng. Tuy nhiên, đây là những vấn đề có thể gặp phải trong y khoa. Trong y khoa, đã có thống kê cho thấy đột tử ở người lớn tuổi chắc chắn sẽ dẫn đến tử vong, tuy nhiên không có nghĩa tình trạng tử vong sẽ không xuất hiện ở người trẻ.
Nguyên nhân tử vong ở người trẻ, đối với lứa tuổi trước 40, có thể thấy các nguyên nhân thường liên quan đến yếu tố di truyền, bẩm sinh như bệnh lý cơ tim phì đại hoặc rối loạn thất phải sinh loạn nhịp, những rối loạn về gene di truyền gây rối loạn nhịp nguyên phát làm cho bệnh nhân bị ngưng tim.
Trong cộng đồng, theo thống kê cho thấy đối với lứa tuổi trước 40, tỷ lệ đột tử chiếm khoảng từ 10 - 20 trường hợp trên 100.000 dân. Ở lứa tuổi trên 40, tỷ lệ đột tử trong cộng đồng chiếm khoảng từ 100 - 150 trường hợp trên 100.000 dân.
Có thể thấy lứa tuổi trên 40, tỷ lệ đột tử cao hơn gấp khoảng 10 lần so với lứa tuổi dưới 40. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ đột tử ở lứa tuổi dưới 40 thấp hơn, chỉ bằng 1/10 so với lứa tuổi trên 40, nhưng trong 100.000 dân lại có khoảng 10 - 20 trường hợp bị đột tử. Nếu trong một cộng đồng có 100 triệu dân, tỷ lệ đột tử ở lứa tuổi dưới 40 cũng khoảng từ 10.000 - 20.000 trường hợp.
4. Điều quan trọng nhất trong sơ cứu người đột ngột ngã quỵ là gì?
Sơ cứu một người đột ngột ngã quỵ, điều gì là quan trọng nhất, thưa BS? Các bước sơ cứu đúng cách khi gặp một người ngã quỵ gồm những gì ạ?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Trước khi đề cập đến vấn đề sơ cứu như thế nào cho phù hợp, chúng ta hãy cùng điểm sơ qua về tình hình đột tử và hồi sức trên thế giới. Các chuyên gia nhận thấy 80% các trường hợp đột tử đến từ nguyên nhân về bệnh lý tim mạch. Một nghiên cứu lớn được thực hiện trên khoảng 500.000 bệnh nhân đột tử ở một nước phương Tây cho thấy rằng chỉ có khoảng 20 - 25% trường hợp vẫn còn dấu hiệu của sự sống khi đưa đến viện. Với 25% bệnh nhân nhập viện còn sự sống, đến khi xuất viện chỉ còn lại khoảng 10 trường hợp sống sót.
Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là nhận diện được bệnh nhân ngay từ khi xuất hiện triệu chứng ngưng tim, ngưng thở ngoài cộng đồng, đây chính là yếu tố tiên quyết và cũng chính là mục tiêu của các chương trình quốc gia về chăm sóc sức khỏe ban đầu, những chương trình đào tạo nhân viên y tế ngoài cộng đồng, để không chỉ nhân viên y tế mà hầu hết mọi người dân đều nhận biết được những dấu hiệu của ngưng tim, ngưng thở và thực hiện hồi sức, cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân.
Nếu được cấp cứu, hồi sức trong khoảng thời gian từ 5 - 10 phút, cơ hội sống sót của bệnh nhân sẽ cao hơn. Nhưng nếu để bệnh nhân ngưng tim kéo dài quá 10 - 15 phút, trên 90% các trường hợp sẽ tử vong và khả năng cấp cứu bệnh nhân hầu như là không thể.
5. Cần lưu ý gì khi thực hiện ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp qua thổi quạt?
Thực tế, tại nước ta, việc trang bị các máy phá rung tự động ngoài cộng đồng hầu như là không có, đa phần là ép tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp qua thổi ngạt. Vậy, cần lưu ý gì khi thực hiện các động tác này, để an toàn cho bệnh nhân mà hiệu quả, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Quy trình hồi sức, cấp cứu gồm các bước được sắp xếp theo thứ tự A B C D. Máy khử rung là bước cấp cứu được xếp vào hàng D, là một yếu tố khá quan trọng trong chuỗi A B C D.
Ba bước quan trọng còn lại là cần nhanh chóng lập tức kiểm tra xem bệnh nhân còn nhịp tim hay không bằng cách sờ vào những bề mặt lớn trên cơ thể, chẳng hạn như sờ động mạch đùi hoặc động mạch cảnh và quan sát xem bệnh nhân còn thở hay không. Nếu bệnh nhân hoàn toàn không có mạch, cần tiến hành xoa bóp tim ngay ở vị trí lồng ngực.
Trong những trường hợp nhận thấy bệnh nhân đã ngừng thở, song song đó 1 trong 2 người hãy gọi hỗ trợ để tiến hành cấp cứu, hô hấp cho bệnh nhân. Trường hợp nếu có máy khử rung ngoài cộng đồng, ngay lập tức phải phát hiện được những rối loạn nhịp để có thể thực hiện khử rung cho bệnh nhân và giúp nhịp tim trở lại bình thường.
Theo các thống kê cho thấy trên thế giới hiện nay chỉ có khoảng 3% trường hợp bệnh nhân ngưng tim ngoài cộng đồng được sử dụng máy phá rung. Ở các nước phát triển, người ta nhận thấy khi tỷ lệ máy phá rung trong cộng đồng ngày càng tăng lên, số bệnh nhân sống sót sau đột tử ngày càng gia tăng.
Vào khoảng thời gian trước, các thống kê cho thấy chỉ có khoảng 10 trường hợp bệnh nhân sống sót sau ngưng tim, ngưng thở, thì hiện nay ở những cộng động có máy phá rung, tỷ lệ bệnh nhân sống sót tăng lên khoảng 20 - 30%.
Hầu hết tất cả mọi người dân đều được huấn luyện, đào tạo định kỳ và nếu có được một kỹ năng tốt, tỷ lệ sống sót của những bệnh nhân ngưng tim ngoài cộng đồng theo kỳ vọng có thể tăng lên ít nhất trên 30%.
6. Thời gian “vàng” cấp cứu cho người đột tử trong bao lâu?
Những sai lầm cần tránh khi sơ cứu người đột ngột ngã gục, ngã quỵ là gì ạ? Thời gian “vàng” để cấp cứu những trường hợp đột ngột mất ý thức như vậy là bao lâu ạ?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Đối với những trường hợp bệnh nhân đột ngột ngã quỵ ngoài cộng đồng, cần phân biệt được 2 khả năng. Một là bệnh nhân có thể đã ngưng tim, ngưng thở, đây là trường hợp cần thực hiện hồi sức tim phổi ngay lập tức, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và hỗ trợ hô hấp. Hai là trong trường nếu bệnh nhân ngã quỵ nhưng vẫn còn dấu hiệu của tuần hoàn hô hấp, khi bắt mạch, mạch vẫn còn đập, vẫn còn ý thức và có thể tự thở ở một mức độ nào đó, lúc này cần báo hiệu và gọi xe cấp cứu ngay, có thể hồi sức, cấp cứu ban đầu và đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa.
Nguyên nhân thường gặp nhất ở đột quỵ ngoài cộng đồng, không phải là đột tử, đa số các trường hợp bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, bao gồm nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Đối với những trường hợp bệnh nhân khi bắt mạch hoàn toàn không ghi nhận dấu hiệu mạch đập ở động mạch đùi hoặc động mạch cảnh và ngưng thở hoàn toàn, đây là những trường hợp cần ngay lập tức hồi sức tim phổi cho bệnh nhân bằng cách xoa bóp tim ngoài lồng ngực với chiều sâu xoa bóp khoảng từ 4 - 5cm, tần số khoảng 100 lần/ 1phút và hỗ trợ về mặt hô hấp.
Như vậy, có thể hỗ trợ hô hấp với tần số 10 lần/ 1 phút. Song song đó, những người xung quanh nên gọi ngay cho đội cấp cứu để kịp thời hỗ trợ hồi sức cho bệnh nhân.
Một trong những yếu tố cũng góp phần cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân rất nhiều là thiết bị máy khử rung ngoài cộng đồng. Hy vọng trong tương lai, máy khử rung ngoài cộng đồng sẽ được bị nhiều hơn cho người dân.
7. 80% trường hợp đột tử có thể ngăn ngừa được bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ
Liệu có cách nào để ngăn chặn đột tử không, thưa BS?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Nếu có thể xác định chính xác được nguyên nhân, hoàn toàn có thể ngăn ngừa được tình trạng đột tử. Tuy nhiên, không phải 100% trường hợp đều có thể ngăn ngừa, trong một số ca bệnh chỉ có thể giúp giảm thiểu tối đa. Như đã đề cập trước đó, tình trạng đột tử ở từng lứa tuổi khác nhau sẽ xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau.
Đối với trường hợp trong độ tuổi trước 40, đa số các nguyên nhân xuất phát từ bệnh lý bẩm sinh hoặc di truyền, là những trường hợp khi sinh ra có thể tiềm ẩn các bệnh lý bẩm sinh bất thường. Ở các nước phát triển, việc tầm soát những bất thường bẩm sinhđược thực hiện sớm trong giai đoạn bào thai.
Với sự phát triển của nước ta, nền khoa học ngày càng tiến bộ và y tế phủ rộng cho tất cả mọi đối tượng, điều kiện kinh tế của người dân ngày một đi lên, nếu có điều kiện kinh tế tốt, hoàn toàn có thể thực hiện tầm soát ngay trong giai đoạn thai kỳ hay tầm soát bệnh nhân ngay sau sinh hoặc ở lứa tuổi nhỏ.
Đặc biệt ở những đối tượng có tiền căn gia đình, bố mẹ hoặc anh chị em ruột, những người có liên quan đến thế hệ thứ nhất, nếu đã xuất hiện tình trạng đột tử, được cứu sống hoặc không may mắn được cứu sống, chính là những đối tượng bắt buộc phải thực hiện tầm soát về yếu tố gene hoặc về những bệnh lý tim bẩm sinh có nguy cơ gây đột tử.
Nhóm đối tượng thứ hai là những bệnh nhân trên 40 tuổi, đa số nguyên nhân gây đột tử là do sơ vữa mạch máu, 80% những trường hợp này đều có thể ngăn ngừa được bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ bao gồm rất nhiều yếu tố liên quan đến lối sống, gia đình, các bệnh lý đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipit máu, có chế độ sinh hoạt ít vận động, ăn nhiều muối, stress nhiều và sống trong 1 môi trường bị ô nhiễm…
Nếu có thể kiểm soát được tất cả những yếu tố trên, nguy cơ đột tử hoặc mắc các bệnh về tim mạch sớm có thể được cải thiện trên 80%.
8. Những ai nên tầm soát bệnh tim mạch sớm?
Những bệnh tim mạch tiềm ẩn ở người trẻ, làm sao phát hiện kịp thời, thưa BS?
- Những ai cần tầm soát bệnh tim mạch từ sớm? “Sớm” ở đây nghĩa là từ bao nhiêu tuổi và bao lâu nên thực hiện một lần ạ?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Những trường hợp phải tầm soát bắt buộc là đối với người trong gia đình từng có người bị đột tử, đặc biệt là đột tử ở người trẻ trước 40 tuổi. Một số định nghĩa cho thấy bệnh lý tim mạch sớm, tiền căn gia đình có bệnh lý tim mạch sớm, là người đó có ba hoặc mẹ bị tim mạch sớm, đối với nam là trước 50 tuổi và nữ là 60 tuổi, đây chính là những yếu tố nguy cơ gia đình rất mạnh và cần phải khám tầm soát về bệnh lý tim mạch sớm.
Có rất nhiều mức độ cho việc thực hiện tầm soát sớm, hiện nay trong y khoa việc tầm soát sớm nhất là thực hiện ngay từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ, tầm soát những bệnh lý về tim bẩm sinh. Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế tốt hơn, khi đi khám thai, thai phụ có thể đăng ký tầm soát về các bệnh lý tim bẩm sinh ngay từ trong bào thai.
Khi trưởng thành, nếu có điều kiện, tốt nhất nên đi tầm soát các bệnh lý về tim mạch. Nếu không có tiền căn gia đình, không mắc những bệnh lý khác trước đó có thể thực hiện tầm soát sau 3 - 5 năm. Với trường hợp có bệnh lý tiền căn gia đình, cần tầm soát theo khuyến cáo từ chuyên khoa và các chuyên gia về bệnh lý tim bẩm sinh. Nên tầm soát ở những trung tâm uy tín và có chuyên khoa tim mạch để được kiểm soát bệnh lý tốt hơn.
9. Những xét nghiệm, chẩn đoán cơ bản nào cần thực hiện với người có yếu tố nguy cơ?
Các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cơ bản nhất phải làm với những người có yếu tố nguy cơ là gì?
BS.CK1 Nguyễn Đức Chỉnh trả lời: Đối với người có yếu tố nguy cơ gia đình, lứa tuổi trước 40, các xét nghiệm tầm soát cơ bản nhất, ngoại trừ những xét nghiệm về máu, sẽ có những xét nghiệm cơ bản kèm theo như xét nghiệm điện tim, siêu âm tim, X-quang phổi,… và một số xét nghiệm chuyên sâu hơn, được khuyến cáo ở những đối tượng đặc biệt như khi nghi ngờ bệnh cơ tim, ở lứa tuổi trẻ có thể siêu âm qua thành ngực, thực quản. Đối với những trường hợp siêu âm chưa rõ, đôi khi có thể phải chụp MRI tim.
Ở những trường hợp đột tử liên quan đến gia đình, trẻ tuổi, việc tầm soát gene cũng rất quan trọng. Với lứa tuổi trên 40 việc tầm soát gene có vai trò thấp hơn và chủ yếu là thực hiện các xét nghiệm tầm soát về hình ảnh học và các xét nghiệm máu.
Bài viết có hữu ích với bạn?
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình