Hotline 24/7
08983-08983

Can thiệp tim mạch cho bệnh nhân COVID-19, vẫn còn 18 ca nặng đang điều trị ở Huế

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cùng nhóm chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa can thiệp filter tĩnh mạch chủ thành công cho một bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cho biết các bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại 22 cơ sở y tế.

Tình trạng lâm sàng của bệnh nhân được chia làm 7 mức độ:

- Không có biểu hiện lâm sàng (196 người)

- Biểu hiện nhẹ (66)

- Tiên lượng nặng (31)

- Nặng - ngửi oxy (8)

- Nặng - thở máy không xâm nhập (1)

- Nguy kịch - thở máy xâm nhập, ICU (10)

- Nguy kịch - ECMO (4).

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế cơ sở 2 là nơi tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng và Quảng Nam chuyển ra. Hiện tại bệnh viện đang cách ly, điều trị cho 19 bệnh nhân, trong đó 18 người diễn biến nặng (có 2 bệnh nhân can thiệp ECMO).

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế ký công văn điều động khẩn các bệnh viện tuyến trên chi viện cho Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Ngay trong đêm 3/8, Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cùng 11 bác sĩ vào Thừa Thiên Huế chi viện.

Mới đây, nhóm chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế hội chẩn ngày 4/8 về trường hợp BN456.

Theo đó, BN456 (nữ, 55 tuổi, trú tại Hải Châu, Đà Nẵng) nhập viện ngày 30/7 với các bệnh lý nền nặng như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nhanh (ARDS), tăng huyết áp, huyết khối tĩnh mạch chi dưới (chân trái), tiên lượng rất nặng.

Ngày 4/8, các bác sĩ phát hiện huyết khối tĩnh mạch sâu từ khoeo chân đến tĩnh mạch chậu ngoài bên trái nên quyết định can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới để cấp cứu, phòng ngừa biến chứng tắc mạch phổi. Tuy nhiên, các thiết bị cần thiết không có sẵn ở Huế nên nhóm chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phải cấp tốc huy động và chuyển từ Hà Nội qua đường hàng không.

Hai nhóm chuyên gia của hai bệnh viện hội chẩn phương án can thiệp cho BN 456

Chiều 5/8, sau khi đầy đủ phương tiện và thiết bị cho cuộc can thiệp, Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu và Giáo sư Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) chỉ đạo êkip can thiệp đặt filter tĩnh mạch chủ dưới cho bệnh nhân.

Sau 45 phút, ca can thiệp tim mạch thành công. BN456 được chụp CT phổi để kiểm tra và theo dõi kỹ diến biến lâm sàng. Hiện tại, bệnh nhân vẫn trong tình trạng nặng, phải chăm sóc đặc biệt.

Đây là lần đầu tiên một bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có diễn biến nặng được can thiệp tim mạch.

Huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới có thể gây biến chứng nguy hiểm là tắc động mạch phổi, tăng nguy cơ tử vong, đặc biệt ở bệnh nhân COVID-19 đã có tổn thương phổi và kèm nhiều bệnh lý nền.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X