Cách phòng ngừa uốn ván hiệu quả
Việc tự xử lý vết thương tại nhà có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp nghi ngờ mắc uốn ván, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Ngày 2/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đang điều trị cho 10 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh uốn ván nặng.
Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa tiêm phòng và đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà không triệt để, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, bệnh nhân mới nhập viện điều trị.
Do đó, BS Nguyễn Đức Minh - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đưa ra một số lưu ý để người bệnh nhận biết và phòng tránh uốn ván xảy ra.
Theo BS Nguyễn Đức Minh, người mắc bệnh uốn ván thường có biểu hiện ban đầu là cứng hàm, khó há miệng, sau đó lan xuống các cơ khiến bệnh nhân không thể đi lại được.
Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến co giật cứng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp, nhanh chóng tử vong do ngực bị chẹn cứng, gãy xương, đứt cơ. Thời gian ủ bệnh uốn ván có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng.
Vì vậy, người dân cần chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở. Việc tự xử lý vết thương tại nhà có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp nghi ngờ mắc uốn ván, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
BS Nguyễn Đức Minh khuyến cáo, đối với người mắc uốn ván sau khi ra viện, người bệnh cần tiêm nhắc lại vắc xin sau 1 tháng ra viện, tiêm nhắc lại sau mỗi năm hoặc 10 năm, hoặc ngay sau khi có vết thương hở nhiễm bẩn mới.
Quá trình điều trị uốn ván có 3 giai đoạn: giai đoạn cấp tính, giai đoạn phục hồi và dự phòng sau phục hồi để tránh bệnh tái phát. Mức độ nặng nhẹ khi tái phát sẽ phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân cũng như tính chất nhiễm bẩn của vết thương.
Hầu như các bệnh nhân uốn ván đều gặp phải tình trạng yếu cơ do nằm lâu, dinh dưỡng kém, rối loạn hấp thu trong bệnh lý uốn ván và tình trạng teo co cứng các cơ. Những trường hợp này thời gian phục hồi cũng khá lâu. Chính vì vậy, cần bổ sung dinh dưỡng tích cực bằng đường ăn, đường truyền, tập phục hồi...
Bài viết có hữu ích với bạn?
Có thể bạn quan tâm
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ
Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình
Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình